Tôi đến thăm nghệ sỹ nhân dân Hoàng Cúc khi ngày Quốc tế Phụ nữ đang tới gần. Ngôi nhà ấm cúng thoang thoảng hương hoa. Biết bà yêu hoa nên khoảng một tuần trước ngày 8/3, bạn bè, người thân đã gửi hoa tặng bà. Thấp thoáng sau cành hoa lan, tán bạch đào là những bức chân dung thời thanh xuân của mỹ nhân màn ảnh Việt thế kỷ 20.
Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Hoàng Cúc sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Từ khi còn nhỏ, cô bé Hoàng Cúc đã ham đọc sách. Mười ba tuổi Hoàng Cúc đã đọc những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như “Chiến tranh và hòa bình,” “Sông Đông êm đềm.” Tình yêu với nghệ thuật và tâm hồn giàu xúc cảm ngày một lớn dần lên.
Học hết phổ thông, nghệ sỹ Hoàng Cúc thi vào trường nhạc (Học viện Âm nhạc Việt Nam ngày nay) sau đó có hai năm công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang. Dù chuyên môn là thanh nhạc nhưng nghệ sỹ Hoàng Cúc đã được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau như hát đơn ca, song ca, đồng ca, rồi lại còn diễn kịch. Cô gái tuổi ngoài đôi mươi, đa tài và xinh đẹp lúc ấy được ty văn hóa cho lựa chọn đi học tiếp thanh nhạc hay chuyển sang kịch nói.
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nên khả năng thanh nhạc và diễn xuất của nghệ sỹ Hoàng Cúc hoàn toàn là do trời phú. Bà đã quyết định chọn học tiếp 4 năm nữa để trở thành một diễn viên kịch chuyên nghiệp. Quyết định đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà sau này, để sân khấu và màn ảnh Việt Nam có một mỹ nhân với đôi mắt biết nói và khả năng diễn xuất tuyệt vời.
Học xong, bà xin về Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) bởi bà mê mẩn vở “Âm mưu và tình yêu” của đoàn này. Những vai diễn của các nghệ sỹ Thanh Tú, Đam Ca, Trần Vân đã khiến bà mơ ước một ngày cũng được tỏa sáng trên sân khấu như vậy.
Vai diễn đầu tiên đến với bà cũng rất tình cờ. Đó là vai chính trong vở kịch “Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh” (kịch bản của Liên Xô) ra mắt năm 1984.
Hôm đó, trong buổi thử vai của các nghệ sỹ, bà đã xin đạo diễn Tạ Xuyên cho diễn thử, và rồi thật bất ngờ, đạo diễn thấy bà diễn rất hay nên đã chọn luôn vào vai chính, cùng với các nghệ sỹ Hoàng Dũng, Minh Vượng, Minh Trang…
Trong 30 năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội bà đã có những vai diễn để đời trong các vở kịch như “Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh,” “Thầy khóa làng tôi,” “Mắt phố”…
Khi nhớ lại những ngày cống hiến cho sân khấu kịch Hà Nội, ánh mắt bà ánh lên những tia rạng rỡ.
“Tôi với Hoàng Dũng, Minh Vượng… rất thân nhau. Ngày ấy, chúng tôi cứ diễn hết mình, mang hết ruột gan, tâm tư ra mà diễn, như con tằm rút ruột nhả tơ. Cứ nghe thấy cấp trên nói ‘mai dựng vở mới đấy nhé’ là sung sướng, háo hức vô cùng. Khi nào xem bảng phân vai mà thấy không có tên mình thì buồn lắm,” bà trầm ngâm hồi tưởng lại.
Thời kỳ mới về Đoàn kịch Hà Nội, bà chỉ nặng có 46kg. Ngược dòng hoài niệm, bà bảo thời bao cấp làm nhiều quá mà không có cái ăn nên không mấy ai béo cả.
Buổi sáng nghệ sỹ Hoàng Cúc lên đoàn tập vở, buổi trưa chạy rất nhanh đến đài truyền hình để ghi hình những vở kịch thu tiếng trực tiếp, buổi tối lại đi diễn trên sân khấu cho khán giả xem.
“Người nghệ sỹ nghèo đến độ một đêm diễn không đủ tiền ăn một bát phở. Có những vở mình tôi nhận cả 4 vai như ‘Em đẹp dần lên trong mắt anh.’ Nhiều khi diễn xong tôi không thở nổi nữa,” bà chia sẻ.
“Những người ở Đoàn kịch Hà Nội thời bấy giờ thường phải tìm việc làm thêm mới đủ sống, anh Hoàng Dũng đi bán quần áo trẻ con ở phố Hàng Đường, chị Minh Vượng đi bán giày dép, chị Kim Xuyến mở tiệm áo cưới. Tôi cũng tập toẹ mở tiệm áo cưới. Nhưng không biết có phải vì người ta thương không mà tiệm khá đông khách. Sau một năm, tôi có tiền mua được một chiếc xe Dream Thái,” bà nhớ lại.
Khi tạm lo đủ cho gia đình, người nghệ sỹ mới yên tâm cháy hết mình cho nghệ thuật.
“Ngày ấy nghèo nhưng vui. Cuộc sống thời ấy khiến con người ta cứ trong veo và hồn nhiên, chỉ biết tận hiến cho nghệ thuật thôi, không mưu cầu hay toan tính điều gì. May mắn và tài sản lớn nhất của chúng tôi lúc đó là tuổi trẻ, có sức khỏe nên không ngại gian khổ, chỉ cần sống được với đam mê là say sưa cống hiến. Ngoài diễn kịch ra tôi còn nhận được nhiều lời mời đi làm phim nhựa. Chất nghệ thuật và cái màu điện ảnh trong phim nhựa đẹp vô cùng nên tôi thích đi đóng phim lắm,” bà kể.
Sau 10 năm vắng bóng trên màn ảnh và sân khấu, nghệ sỹ Hoàng Cúc đã trở lại và gây tiếng vang với vai bà mẹ chồng trong phim “Hoa hồng trên ngực trái” phát sóng năm 2019-2020.
Bà vào vai bà Hồng, mẹ chồng của Khuê (Hồng Diễm). Thấu hiểu được những hy sinh thầm lặng của Khuê dành cho gia đình, bà luôn luôn quan tâm và động viên cô hết lòng. Khi Thái, con trai bà, có nhân tình, về nhà hắt hủi vợ, bà Hồng luôn ở bên bảo vệ và che chở cho Khuê.
“Khi bộ phim lên sóng, tôi ra đường được mọi người yêu mến lắm, từ trẻ đến già, không chỉ các bà mẹ mà cả những cô gái trẻ đều yêu vai diễn đó, các cháu bé gặp ngoài đường đều xin chụp ảnh với bà,” nghệ sỹ Hoàng Cúc nói.
Trong phim, bà Hồng là người mẹ chồng hết lòng thương con dâu thì ở đời thực, diễn viên Hoàng Cúc cũng vậy. Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) Đỗ Thanh Hải cũng từng chia sẻ rằng anh mời nghệ sỹ Hoàng Cúc vào vai này vì bà quá yêu con dâu.
“Tình cảm với con dâu ở ngoài đời giúp tôi nhập vai tốt. Có những phân cảnh, tôi nghĩ nếu rơi vào mình, tôi cũng xử lý tương tự bà Hồng,” nghệ sỹ chia sẻ.
Con dâu của bà là nghệ sỹ Thùy Linh, hiện công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Lúc con trai duy nhất của bà giới thiệu người yêu, nghệ sỹ vẫn đang là phó giám đốc nhà hát. Bà chỉ hỏi thăm mọi người trong đoàn xem cô gái có “ngoan” không, bởi đối với bà, “ngoan” là quan trọng nhất.
“Trong cuộc sống, để có thể thương yêu nhau thì không phải là sự ngẫu nhiên mà cần có sự vun đắp. Tôi tin rằng những người làm cha mẹ lúc nào cũng muốn thu vén, chăm sóc cho các con, muốn một gia đình êm ấm thuận hòa. Thường thì vai trò chủ yếu trong mối quan hệ này là mẹ chồng,” bà nói.
Xuất phát từ tình yêu thương chân thành và sự hy sinh, bà hết lòng chăm sóc con cháu. May mắn khi bà có điều kiện cả về kinh tế và sức khỏe để hỗ trợ các con.
“Các con gọi tôi là bà mẹ quốc dân. Khi con dâu sinh con, tôi chăm cả mẹ, cả con. Buổi sáng đưa cháu ra phơi nắng, cho cháu ăn bột. Cảm thấy lúc nào cũng đắm đuối vì con, cháu. Cháu quấn và yêu bà, suốt ngày gọi mẹ Cúc,” bà kể.
NSND Hoàng Cúc bảo bà hạnh phúc vì có con dâu cùng là nghệ sỹ làm việc trong nhà hát. Bà kể, lần con dâu tham gia liên hoan sân khấu trẻ, bà hướng dẫn con vai diễn trong vở “Em đẹp dần lên trong mắt anh” mà trước kia bà từng ghi dấu ấn. Hai mẹ con cùng tập đến nỗi Thùy Linh đổ bệnh, thế nhưng mẹ chồng thì vẫn hừng hực khí thế, động viên con dâu.
“Tôi thương lắm, bởi lúc sinh con xong thì gần như là con dâu tôi không đi diễn được. Tôi khuyến khích con đi làm chứ không thì phí. May mắn là hai mẹ con đồng cảm trong cuộc sống cũng như công việc,” bà tâm sự rằng hai mẹ con như hai người bạn tri kỷ.
Thùy Linh bận rộn nhưng luôn thích ở gần, nấu ăn và chăm sóc mẹ chồng, nhất là thời gian bà lâm trọng bệnh. Nghệ sỹ Hoàng Cúc cũng nhờ con dạy cách sử dụng smartphone.
“Phụ nữ bây giờ không thể vừa đi làm, vừa chăm sóc gia đình chồng, nuôi dạy con cái mà ngày vẫn ba bữa chu toàn. Đàn bà tề gia nội trợ thì làm sao có thời gian cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Nội trợ có phải là tiêu chuẩn, thước đo đánh giá phẩm chất của người phụ nữ nữa đâu,” nghệ sỹ nói.
NSND Hoàng Cúc chia sẻ rằng trên sân khấu, phim ảnh, bà đã khóc rất nhiều cho nhân vật của mình rồi, nên ngoài đời bà rất ít khóc. Thậm chí, có những lúc bà ốm nặng tới mức sợ không qua khỏi, người thân trong nhà nhìn bà chết lặng nhưng bà nhìn họ, vẫn nở nụ cười.
Năm 2010, bà đưa con dâu đi khám sức khỏe để chuẩn bị mang thai, sẵn tiện kiểm tra sức khỏe của mình. Bất ngờ, bác sỹ kết luận bà bị ung thư gần đến giai đoạn ba. Lúc nhận thông báo, bà cười, bảo với các con nhẹ nhàng: “Mẹ bị ung thư rồi.” Ngày hôm sau, bà hẹn đi ăn với các bạn bè ở nhà hát, nghệ sỹ dặn con dâu không được nói bệnh tình.
“Đi ăn, nói chuyện, uống bia thoải mái rồi mai vào viện, coi như là định mệnh,” bà nói.
Nghệ sỹ Hoàng Cúc nói điều khó khăn nhất khi chữa trị ung thư là phải vượt qua chính mình. Nhiều người không chịu được đau đớn trong quá trình hóa trị và chấp chận cái chết nhưng bà thì không. Tóc rụng nhiều theo từng mảng, nghệ sỹ chủ động gọi thợ đến cạo đầu. Có người tò mò hỏi thăm, bà còn đùa là xuống tóc để nhập thất, đi tu. Những lần hóa, xạ trị khiến bà kiệt sức. Sợ các con đau lòng, bà đóng cửa phòng, lấy đá lạnh ấn lên đầu giữa ngày đông dù buốt lên tận óc.
“Chạy hoá trị đến mũi thứ sáu, tôi sụp đổ hoàn toàn. Lúc đó chỉ có cảm giác trận chiến của mình sắp kết thúc. Nhưng rồi lại nghĩ, mình phải tiếp tục cố gắng trong trận chiến này. Muốn thắng được phải hiểu rõ căn bệnh của mình và tôi lao vào đọc rất nhiều tài liệu về bệnh ung thư,” bà nói.
“Người ta bảo phải ‘lắng nghe cơ thể mình’ nhưng tôi đã có một thời gian quá dài không để ý tới sức khoẻ. Đi diễn, cả ngày trời quên không ăn. Nửa đêm về vẫn lao vào tắm. Quá nhiều nguyên nhân dẫn đến bị bệnh, trong đó có nguyên nhân là do thiếu hiểu biết. Chính những điều đó đã hun đúc nên sự trải nghiệm và tìm hiểu để mình rèn luyện sự mạnh mẽ,” bà nói.
Thời điểm bị bệnh, bà hay đi xoa bóp, bấm huyệt ở các cơ sở của người khiếm thị. Tiếp xúc với họ, bà thấy mình học được nhiều thứ. Họ không nhìn thấy nhưng họ hiểu biết và sống lạc quan. Chính những người đó đã khiến bà thay đổi rất nhiều về nhận thức.
Bao nhiêu đau đớn bà gửi hết vào thơ một cách nhẹ nhàng:
“…Vết thương hàn năm ngón trái đè lên
Năm ngón phải sưng vù cong câu hỏi
Biết trên đời hoa nở trái mùa không?…”
Để rồi ở ngoài đời thực, bà cắn răng chịu đựng, không than vãn với ai, thậm chí còn động viên ngược lại người thân.
“Trong một cuốn tiểu thuyết tôi từng đọc có câu ‘trông chết cười ngạo nghễ,’ cho nên tôi xem cái chết không có gì đáng sợ. Cứ sống vui hôm nay đi, chuyện ngày mai tính sau. Ngày nào mình còn cảm thấy vẫn vui được thì cứ vui,” NSND Hoàng Cúc trải lòng.
Ngay sau khi bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” kết thúc, bà phải vào viện cấp cứu do ruột thừa có vấn đề và có khối u trong bàng quang. Ngay lập tức, bà phải thực hiện hai ca mổ nội soi. Hiện nay thì bệnh ung thư của bà không di căn nữa. Nghệ sỹ lạc quan khẳng định rằng bà đang rất khỏe.
“Trong cuộc sống có nhiều bi kịch xảy đến với rất nhiều người, trong nhiều hoàn cảnh nên tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chiến thắng bản thân mình. Ở tuổi này tôi cũng xác định là ‘sinh lão bệnh tử,’ cái chết cũng là một điều hiển nhiên, nhẹ nhàng. Tôi đã chiến đấu với ung thư 10 năm. Những gì có thể làm cho mình, cho con thì tôi cũng đã làm hết rồi,” bà tâm sự.
Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân lần thứ hai, nữ nghệ sỹ rưng rưng những niềm hạnh phúc. Chồng của nghệ sỹ Hoàng Cúc hiện nay là một người bạn lâu năm. Ông là người mang đến cho bà rất nhiều cảm xúc khiến bà luôn cảm thấy yên bình.
“Phụ nữ ít khi muốn đi bước nữa lắm, phải là người tri kỷ với mình, rất đồng cảm và trân trọng nhau thì mới có thể có được hạnh phúc tuổi xế chiều. Mọi thứ đến có lẽ bởi duyên phận,” bà trải lòng.
Nghệ sỹ chia sẻ bí quyết gìn giữ hạnh phúc là “phu thê phải tương kính như tân,” phải tôn trọng nhau và dành cho nhau sự tự do về không gian, thời gian và cả cảm xúc. Với chồng mình, bà nhận xét ông là người tốt, giàu đức hy sinh và trân trọng gia đình.
“Nhiều cặp vợ chồng khi chưa quen hơi bén tiếng thì còn giữ gìn hình ảnh. Lấy nhau về rồi lại trở nên xấu xí trong mắt nhau. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có ý thức giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt bạn đời. Tôi không bao giờ cẩu thả được trong mọi việc. Khi bày mâm cơm, một đĩa rau hay một đĩa thịt cũng phải được chăm chút về hình thức thì ăn mới thấy ngon miệng,” bà chia sẻ lời khuyên.
Hàng ngày, bà vẫn ngồi thiền, tập yoga và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh để giữ gìn sức khỏe. Nghệ sỹ cũng có nhiều thú vui như làm thơ, viết truyện ngắn, chụp ảnh, đi du lịch, làm từ thiện và chăm sóc con cháu. Bà bật mí rằng sắp tới bà sẽ có những tác phẩm được đăng báo. Những vần thơ đầy tính chiêm nghiệm được hun đúc từ một cuộc đời nhiều thăng hoa và khổ đau:
Sân hận chi cũng chỉ nghĩa vô vi
Ngồi nơi đó tịnh không đời vô thức
Xin trời già thêm ngày nữa yên vi.