Nghệ sĩ Đặng Hùng đã có lúc băn khoăn khi quyết định để con gái Linh Nga sang Trung Quốc học múa khi mới 12 tuổi. Từng miệt mài trên sàn tập ở trường Múa Hà Nội bảy năm rồi thêm sáu năm rèn luyện ở Nga, hơn ai hết, ông hiểu cái đắng cay của nghề mình đang theo đuổi, cả sự khó khăn khi sống ở đất khách quê người. Huống chi, lúc đó, ông còn chưa biết chắc Linh Nga có yêu nghề như bố mẹ, có chịu được sự khắt khe trong luyện tập, có chống chọi được mùa đông Trung Quốc dài dằng dặc khi nỗi nhớ nhà lẫn sự khác biệt văn hóa cứ dày lên. Ông cũng đã lo, nhỡ đâu con không theo được đến cùng, rồi lại mang sự tự ti ngoài múa không biết làm gì thì cả đời con lỡ dở.
Nhưng may thay, một năm sau, Linh Nga nói với ông: “Con có thể không ăn hai ngày nhưng không thể nhịn múa một ngày”. Lúc ấy, ông mới thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ những ngày theo bố mẹ đi diễn, bay bổng theo những động tác thăng hoa trên sân khấu, nghe tiếng vỗ tay của khán giả, những cái ôm cũng lẫn mùi mồ hôi sau giờ tập vô tình ngấm sâu vào tiềm thức của Nga.
Gia đình NSND Đặng Hùng – Vương Linh
Sau 6 năm học múa ở Quảng Đông, Đặng Hùng lại để Linh Nga học thêm 4 năm nữa ở Bắc Kinh. Theo ông đã trót học thì phải học ra trò dù tỉ lệ chọi ở cuộc thi đầu vào rất cao. Nhưng bây giờ, chẳng cần nhắm mắt lại, ông cũng nhớ rõ tiếng Linh Nga gọi cho mình sau mỗi vòng thi: “Bố ơi, con được vào vòng 200 thí sinh…”
Ông cũng không quên được cái tên Đặng Linh Nga được viết hoa, vượt qua 2000 người khác nằm trong danh sách 16 thí sinh trúng tuyển. Ông cũng tự hào thay con, khi ban giám khảo bất ngờ biết Linh Nga là người Việt. 10 năm không nhìn thấy con lớn lên từng ngày, dõi theo con qua những cú điện thoại đường dài, gặp mặt con chỉ qua những kỳ nghỉ ngắn ngủi,… hết thảy những điều đó để đánh đổi một Linh Nga hôm nay – “chim công làng múa”, tỏa sáng trên đôi chân của mình.
NSND Đặng Hùng chia sẻ, hành trình của Linh Nga bây giờ dường như bước theo dấu của bố mẹ từng đi, cũng khổ luyện nhiều năm ở nước ngoài rồi trở về Việt Nam. Bố mẹ ngày trước vì múa, mà gửi con cho ông bà ngoại trông nom. Linh Nga cũng vì múa, mà gửi con gái Linh Linh lại cho vợ chồng ông chăm sóc. Cái vòng tròn lặp lại ấy khiến ông tự hào, nhất là khi cả nhà đều có mặt ở Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận danh hiệu NSND, NSƯT: “Khi tôi vừa nhận danh hiệu lui lại phía sau, vợ đang trao giải phía trước mặt, còn con gái ngồi phía dưới sân khấu chụp ảnh bố mẹ. Vô tình, cả ba tạo thành một đường thẳng. 44 năm mới có một đường thẳng kì diệu như vậy”. Niềm hãnh diện ấy, không phải ai cũng có được.
Nhiều người hỏi với ông múa là gì, mà cả đời ông dành trọn, Đặng Hùng chỉ đáp: “Múa là con đường duy nhất tôi đi”. Dẫu cũng vì mải mê múa, mà vợ ông sinh non Linh Nga ở tháng thứ 7, vỏn vẹn 2 kg phải nằm lồng kính. Rồi những ngày đầu về nước, múa không phải là nghề mà thù lao tương xứng với công sức. Hai vợ chồng phải nuốt nước mắt gửi con cho ông bà, lặn lội từ Hà Nội vào Sài Gòn để tìm đường sống với múa. Ông có thể chịu đựng và hi sinh nhưng xót nhất là nhìn cả vợ con mình cũng vì múa mà thiệt thòi. Nhưng Đặng Hùng hiểu, cái nghiệp múa mà cả ông và vợ mình theo đuổi đáng để đánh đổi bằng năm tháng xa con, bằng những ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp rong ruổi khắp thành phố, bằng những đồng tiền lẻ tích góp chẳng dám tiêu xài. Với múa, mọi sự hi sinh đều xứng đáng.
Lớp Ngôi sao nhỏ mà ông mở đã kéo dài 20 năm và chưa khi nào ngơi học sinh. Phụ huynh dắt con đến, nói với ông: “Tôi không ước cháu thành Linh Nga, chỉ mong cháu biết tự mặc quần áo, tự đi tắm, nói được điều nó muốn là đủ rồi”. Múa rèn nên tính người, đó là lí do vì sao, ông luôn mong Linh Nga theo nghề, bởi lẽ, con có thể không sáng danh bằng múa nhưng nhờ múa mà con trưởng thành. Múa dạy sự hợp tác tập thể, mình làm nhụy sen đâu thể thiếu những cánh sen. Múa rèn tính ngăn nắp, gọn gàng bởi ở chung nhiều người làm sao bừa bộn. Múa hướng mình biết ăn uống bao nhiêu là đủ để vóc dáng vừa vặn.
“Linh Nga hơn chúng tôi ngày xưa, bởi con có thể làm mẫu ảnh, đóng phim quảng cáo. Nhưng dù là gì, con cũng là diễn viên múa và không rẽ sang nghề khác”
Người ta cũng đùa rằng, phải chăng ông kỳ vọng cháu gái mình cũng theo nghề múa khi đặt tên cháu có chữ Linh tương đồng (bà là Vương Linh, mẹ Linh Nga, con Linh Linh). Đặng Hùng cười bảo: “Mong thì cũng mong nhưng quãng đường để theo nghề quá ư là vất vả. Đến tuổi này, mình thấy thương cháu hơn cả thương con mình ngày xưa. Ví dụ, nó không bằng mẹ nó thì mình phải tính.” Nhưng ông không giấu nỗi niềm vui khi Linh Linh còn bé đã thích múa, để mỗi lần bật nhạc, hai ông cháu lại phiêu cùng nhau. Còn động tác, theo con mắt trong nghề nhiều năm của ông, là linh hoạt, tự nhiên, lém và hồn hơn cả Linh Nga hồi xưa.
Chặng đường hơn 40 năm, khó nhọc có, đắng cay chẳng thiếu nhưng nếu được chọn lựa lại, Đặng Hùng vẫn nhất quyết chọn múa là cái nghiệp cả đời. Đến bây giờ, ông cũng chắc chắn cho điều mình nói: “Chỉ cần đi theo đến tận cùng đam mê, quả ngọt sẽ gặt, dù có khi muộn màng”
Bài: Mỹ Khánh
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp