Lâu nay khái niệm “liên hoan” thường được hiểu là nơi các đơn vị nhà nước (ca múa nhạc, truyền hình, sân khấu…) tập hợp nhau cùng thi thố biểu diễn – và dân chúng coi đó là “chuyện của họ”. Năm 2008, nghệ sĩ Trí Minh khởi xướng Liên hoan Âm thanh Hà Nội và từ đó tới nay bền bỉ đưa âm nhạc điện tử và khái niệm “liên hoan âm nhạc” đến gần hơn với giới trẻ. Nhưng nỗ lực ấy vẫn là quá nhỏ so với một thành phố đóng vai trò trung tâm văn hóa xã hội của cả nước như Hà Nội. Ước mơ Hà Nội có thể ngập tràn trong âm nhạc, tuổi trẻ và sung lực sáng tạo đã chạm tầm tay – trong những ngày diễn ra Monsoon Music Festival (MMF). Tên gọi “Gió mùa” (Monsoon) được nhạc sĩ Quốc Trung (người sáng lập đồng thời là tổng đạo diễn của festival) lựa chọn, như một biểu tượng cho sự thay đổi tư duy trong đời sống âm nhạc và ý thức cộng đồng mà liên hoan này kỳ vọng tạo nên. “Gió mùa” cũng là khoảng gợi cảm đặc thù của thời tiết Hà Nội khi trời chuyển tiết cuối thu. Nếu trơn tru tốt đẹp đúng như dự định, thì kể từ đây, hàng năm cứ vào tháng Mười tiết gió mùa, Hà Nội lại được háo hức đón những ngày lễ hội âm nhạc tuyệt đỉnh sảng khoái.
Nhạc sĩ Quốc Trung
Hội ngộ của những cá tính âm nhạc và những dự án mới
– Từ đầu năm, nghe anh nói về một festival âm nhạc quốc tế tại Hà Nội khi mới chỉ ở mức độ “ấp ủ”, cũng chưa ai hình dung được “nó” sẽ thế nào. Bây giờ thì anh đã sống trong giấc mơ ấy rồi, hưng phấn là điều tất nhiên, nhưng hoang mang hình như cũng có?
– NS Quốc Trung: Thực sự, tới mấy tháng trước khi diễn ra MMF, tôi vẫn còn không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Nên đợi có tài trợ trước rồi mới xây dựng chương trình (trong khuôn khổ phù hợp với kinh phí mình có), hay cứ lên chương trình xong mới đi kêu tài trợ? Sau, chúng tôi phải theo phương án 2, nó đẩy mình vào thế bị động, không có tiền vẫn phải chạy đúng như cái khung mình định ra trước. Lúc đầu tôi hy vọng MMF sẽ có hậu thuẫn của một quỹ để nuôi được ê-kíp sáng tạo ở mức tối thiểu. Tiền tài trợ sẽ được bảo toàn tối đa, chỉ sử dụng trực tiếp cho các hoạt động âm nhạc trong festival. Nhưng thực tế thì chúng tôi phải rất chắt bóp mới lo nổi cho Monsoon, bản thân tôi và đạo diễn Phạm Hoàng Nam đều không lấy đồng công nào từ MMF, các bạn trong ê-kíp cũng nhiệt tình hết mình và không ai đòi hỏi lương. Tôi thấy không nên tận dụng trách nhiệm và cống hiến miễn phí của mọi người mãi được, dù họ không đòi hỏi. MMF phi lợi nhuận, cũng không chia sẻ được giá trị kinh tế cho ai cả, chúng tôi đang được thắp bởi cái gì đó rất lý tưởng thôi. Tôi chỉ muốn xây dựng MMF như một di sản văn hóa của cộng đồng. Hy vọng sau khi đã có trải nghiệm cùng âm nhạc và tinh thần của MMF, thấy những lợi ích có thật mà cộng đồng nhận được… thì từ những năm sau kinh phí sẽ dễ dàng hơn.
– Ngoài các thông điệp lan tỏa về bảo vệ môi trường, ý thức cộng đồng… thì mục đích tối thượng của một festival âm nhạc đương nhiên vẫn phải là âm nhạc. Anh có kỳ vọng MMF sẽ truyền cảm hứng cho giới nghề nghiệp và công chúng?
– MMF chỉ là một yếu tố để tác động thôi, tôi không dám mong chờ nó sẽ thay đổi đời sống âm nhạc Việt Nam. Tôi đang lo mọi người cho rằng MMF là cao siêu, kinh khủng, hoặc xét nét soi mói nó. Thực tế, nó rất phổ cập và gần gũi. Tôi mong muốn MMF là party âm nhạc, sảng khoái, hưng phấn và thả lỏng. Nhưng nó có tiêu chí nghệ thuật rõ ràng: những nghệ sĩ có cá tính âm nhạc và những dự án mới. Thị trường và đời sống âm nhạc cần những thứ lâu dài và rất nhiều mô hình để chấn hưng. MMF có thể xem là một hướng đi, một cách đóng góp. Tôi tin nó mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, lan tỏa hơn những show riêng biệt.
Dùng cụm từ “truyền cảm hứng” cho MMF là hoàn toàn chính xác. Nghệ sĩ đến đó dù với tư cách khán giả đi xem thôi, họ cũng được thấy một không khí làm nghề đáng cảm động, hoặc được chia sẻ về các dự án của mình. Với công chúng, MMF tạo ra một không gian rất thư giãn và vui vẻ, âm nhạc mang lại cảm hứng hồn nhiên trong sáng cho mọi người. Còn cảm hứng đó kéo dài bao lâu thì lại tùy thuộc vào đời sống, nhưng dù sao cũng đã có một khoảng thời gian họ được sống hết mình trong âm nhạc.
Hà Trần cháy hết mình trên sân khấu là một trong nhiều hình ảnh đẹp của “Monsoon music festival”
– Một tiêu chí quan trọng của MMF là giới thiệu nghệ sĩ mới, dự án mới của âm nhạc Việt Nam. Trong khi thực tế âm nhạc họa hoằn mới xuất hiện một gương mặt đáng gọi là nhân tố mới. Còn dự án chất lượng thì ngay cả với những tên tuổi trụ cột của nền âm nhạc hiện nay, cũng phải mất vài năm để có thể thai nghén và hoàn thành một sản phẩm mới. Anh đặt ra điều kiện khó như thế, khác nào đưa mình vào “cửa tử”?
– Tôi muốn tạo sức ép ngay từ đầu, là các nghệ sĩ tham gia phải có một dự án mới như món quà âm nhạc mang đến festival này. Khi tôi làm Rock Storm, chỉ có một câu hỏi thôi, nó khó kinh khủng và luôn trở đi trở lại: Làm như thế nào đây? Bởi không thể mùa nào cũng là ban nhạc đó, với những bài hát đó. Phải có gì mới chứ! Nếu định làm một festival âm nhạc đúng nghĩa, thì phải là vậy – dù “cửa tử” như cách bạn nói. Trong phần biểu diễn có thể được phép xen kẽ các hit cũ của nghệ sĩ, nhưng đưa ra sản phẩm âm nhạc mới là điều tất nhiên và bắt buộc. Nếu chỉ toàn cover và nhan nhản những thứ cũ rích, thì festival đó sẽ thành một thứ liên hoan văn nghệ quần chúng. Tôi muốn MMF trở thành một khao khát của các nghệ sĩ trẻ, họ không có cơ hội kiếm tiền ở đó, nhưng họ được trao tặng sự hưng phấn mà không bao giờ họ tìm thấy ở những không gian biểu diễn khác. Phòng trà hay nhà hát có thể nhiều tiền hơn, nhưng không thể vui bằng. Và niềm vui, sự say sưa hết lòng – đó là thứ cát-sê mà MMF hào phóng trả cho mọi người.
Đương nhiên, tôi sẽ chịu sức ép khủng khiếp vào năm tới. Tôi chuẩn bị cho MMF năm nay từ rất sớm, ngay từ khi biết Thanh Lam và Hà Trần có nhen nhóm dự án mới, tôi đã thuyết phục 2 nghệ sĩ để dành nó cho festival này. Năm sau liệu có ai mới ai hay? Tôi không kiểm soát được điều ấy. Cũng mong muốn những năm sau, tỉ lệ nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong MMF được khoảng 60%. Nhưng thực tế có đạt được điều đó không lại hoàn toàn phụ thuộc vào các nghệ sĩ.
Không thể lấy đám đông làm thước đo giá trị nghệ thuật
– Thưa anh, chúng ta phải hiểu thế nào về khái niệm “mới”? Tính chất âm nhạc, mới với chính nghệ sĩ hay với nền âm nhạc?
– Mới, là đi trước khán giả chứ không phải đi theo khán giả. Và phải có tài năng để dẫn dụ khá giả tự nguyện, hứng thú đi theo mình.Tôi nói với các nghệ sĩ, bạn có gì mới nhất và thích thú nhất, thì hãy mang đến MMF. Bởi ở đó, không có sức ép nào về việc phải bán vé, bạn được trình diễn với tâm lý thoải mái nhất, ngay cả bị từ chối cũng đâu sao. Còn khán giả, tôi muốn họ có thói quen đi xem nghệ sĩ trình bày cái mình chưa biết, chứ không phải xem lại cái mình đã quen. Bởi như thế, nghệ thuật mới phát triển được.
– Và sau đây, anh có tin một trong những động lực và cảm hứng để các nghệ sĩ xây dựng dự án âm nhạc mới, là việc họ được có mặt trong MMF?
– Tôi không mong muốn nghệ sĩ Việt Nam thực hiện một dự án mới chỉ để tham gia MMF, vì như thế là quá thiệt thòi cho các bạn ấy. MMF là giá trị cộng thêm, một cổ vũ và kích ứng tinh thần cho những gì thú vị họ đang làm, thế thôi. Hơn nữa, có thể với nhiều người thì MMF không có giá trị. Khi màu sắc âm nhạc, thị phần của họ không ở trong “phổ” của MMF, họ cũng không cần đến festival này làm gì.
Khán giả trẻ cuồng nhiệt với “Monsoon music festival”
– Áp lực của các nghệ sĩ khi tham gia một festival âm nhạc có lẽ là làm sao liên tục giữ khán giả ở lại trong suốt phần trình diễn của mình. Khi ấy, họ phần nào đo được nhiệt độ và nhu cầu âm nhạc của công chúng qua sự bày tỏ trực tiếp (bằng việc đứng lại nghe hay bỏ ra ngoài uống bia)?
– Đúng vậy. Nhưng ngay cả khi khán giả bỏ đi uống bia, cũng không có nghĩa là nghệ sĩ ấy chán. Xét trên sở thích cá nhân thì không ai được ép (và cũng không ép được) cái mà người ta không thích. Việc quy về một chuẩn trong âm nhạc là rất sai, chính vì vậy, tôi muốn khán giả đến với MMF thật cởi mở. Nhất là khi bạn còn trẻ, thì đừng nghe nhạc với một thẩm mỹ cực đoan và đóng mình. Thành công thì chẳng có công thức đâu, nhưng công thức của thất bại thì chỉ đơn giản thế này: khi ta muốn làm thỏa mãn tất cả mọi người!
– Thỏa mãn đám đông không có nghĩa là tạo dựng được giá trị cộng đồng. Bảo toàn cái tôi cá nhân mạnh mẽ của người nghệ sĩ đôi khi có thể đem lại những giá trị tích cực mà sau đó cộng đồng được thụ hưởng. Tôi thấy anh đang cắm cúi đi con đường có vẻ ích kỷ (nếu coi việc là mình, cất tiếng nói đơn độc của chính mình như một điều ích kỷ)?
– Đối với nghệ thuật, chúng ta không thể lấy số đông làm thước đo. Giá trị của đám đông không phải thứ giá trị của cái mới và phát triển. Bạn không thể tự mâu thuẫn đến mức vừa muốn có đám đông vừa muốn đạt giá trị nghệ thuật. Những người đông fan rồi, thì hãy tự tin về điều đó, đừng đau khổ khi mình không sáng tạo ra được giá trị mới. Việc tôi đi ngược lại đám đông không có gì là kỳ hoa dị thảo, tôi chẳng cố tình làm điều ấy. Chỉ là “cơ địa” của tôi không chịu được những thứ phổ cập. Vì muốn phổ cập phải dung hòa được với đám đông, mà năng lực đó của tôi rất yếu ớt.
– Anh có bị phân vân giữa chuyện làm nghề và làm (ra) tiền không? Mọi người thấy hơi kỳ lạ khi anh dành sự hào hứng cho những thứ có khả năng lỗ (như Cầm Tay Mùa Hè) hoặc đang miễn phí công sức (như MMF)?
– Có một câu hỏi thường xuyên trở lại với tôi: Sao mình lại rúc đầu vào thứ khổ thế này? Rõ ràng những việc tôi làm không mang lại tiền, và tôi cũng chẳng cần thêm sự nổi tiếng. Còn giá trị cộng đồng ư? Chắc gì mọi người đã ghi nhận! Cuối cùng thì tôi tìm được lý do, đó là vì những công việc ấy đã tạo cho tôi cảm hứng sống. Bởi tôi luôn cần có niềm vui sống, thách thức thường trực. Khi bắt tay vào làm MMF, tôi hoàn toàn bỡ ngỡ, làm đến đâu mới vỡ ra đến đấy. Đến năm sau, tôi nghĩ MMF vẫn là thử thách mới. Tôi không đặt mục tiêu về tiền, danh tiếng hay phải được xã hội công nhận. Nếu đặt ra, lỡ không đạt được sẽ làm mình mất đi niềm vui thuần khiết. Tôi không thể làm được dự án này nếu chỉ có một mình. Như vậy, thành công của tôi ở trong MMF là đã truyền cảm hứng và tạo được kết nối cho những đồng sự và bạn bè quanh mình. Họ cùng tôi hết lòng cho một mục đích trong sáng, điều đó vô cùng quý giá. Tôi nghĩ mình không có lợi lộc gì cho ai, may chăng họ thích âm nhạc của tôi thôi. Nhưng mọi người đều xúm tay vào với đam mê và cống hiến thực sự, đó gần như là ngọn lửa duy nhất để thắp lên một lý tưởng chung. Nếu không có được lòng tin mạnh mẽ ấy, thì một dự án như thế này mệt mỏi vô cùng. Nhưng bạn thấy đó, cuối cùng chúng tôi đã tới đích với niềm vui thật rực rỡ.
Bài: Quỳnh Tun