Người ta thích Quốc Bảo bởi tiếng nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, lời đẹp và ý hay. Những gì anh viết ra được báo chí ưa “đặt hàng”. Thế nhưng, đường đời chẳng bao giờ là quá ngọt ngào với ai cả, Quốc Bảo cũng đã phải trải qua những cay đắng trong sự nghiệp và hôn nhân. Nhạc sĩ vốn nổi tiếng tài hoa và cả đào hoa này từng tự bạch trong cuốn “Thị dân”: “Tôi đam mê tình yêu, thế thì phải viết ra nó. Tôi đam mê nhan sắc, thế thì hãy cầm lấy máy ảnh và chụp. Tôi đam mê Sài Gòn, thế thì hãy ngợi ca nó suốt đời”.
Thề không dùng chữ nghĩa làm tổn thương người khác
– Anh từng lập thệ sẽ không bao giờ dùng chữ nghĩa làm tổn thương người khác, và từ chối tất cả ‘đơn đặt hàng’ của biên tập viên các báo cho các bài phê bình, vì sao vậy?
– Tôi khởi nghiệp viết báo với tư cách một người phê bình, từ năm 1992. Vâng, mới vào nghề mà đã đòi phê với bình, thật liều. Lúc ấy tôi có nhiều hoài bão, cứ mong nhờ nhận định của mình mà cái xấu bị loại trừ, cái đẹp được nhân lên. Sau về viết cho Tuổi Trẻ, tôi cũng viết nhận định, phê bình nhiều hơn tường thuật. Lúc làm tạp chí mạng Giai Điệu Xanh (2003 – 2005) thì thuần phê bình.
Nhưng rồi tôi nhận ra tuy khá muộn, rằng mặc cho ta cố gắng cách mấy, cái tốt vẫn cứ tốt và cái xấu vẫn cứ tồi. Chẳng thay đổi được gì. Công chúng thì a dua mà nghệ sĩ thì nhạy cảm, thế nên bình với phê chỉ mất lòng. Tôi làm ngơ.
Tôi quan tâm đến các đề tài xã hội khác: về thành phố tôi sống, về những người bạn, về các kỷ niệm, và chuyển sang viết tản văn. Viết thế vừa giúp mình nhớ lại, ôn lại, vừa tri ân những người đã có ý nghĩa với đời mình, lại mềm mại, dễ thương. Tôi thích thế hơn. Yên ả hơn, vui hơn. Còn sinh hoạt văn nghệ nó đi lên hay đi xuống, hay đi ngang như cua, cũng kệ nó.
– Vậy là Quốc Bảo viết, nhưng có lẽ bất lực với những gì mình viết ra, và từ những kinh nghiệm cá nhân, anh đã chọn giải pháp… thờ ơ, né tránh vì sợ đụng chạm và mất lòng? Đây có phải là sự lựa chọn khôn ngoan, tỉnh táo nhất của anh?
– À, cũng không hẳn ngòi bút bất lực, mà việc định hướng thẩm mỹ bất lực. Tôi đi dạy 10 năm, thấy rõ là chúng ta không giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường đến nơi đến chốn, thì làm sao vài bài báo có thể làm gì. Còn chuyện công chúng a dua thì không hẳn đấy là kinh nghiệm của cá nhân tôi, mà là chuyện dân làm báo và tiếp thị ai cũng biết. Kích động dư luận, truyền miệng, đồn đại, thổi phồng, bóp méo, thủ thuật lôi kéo đám đông sơ đẳng mà.
– Nhưng chính anh cũng đã có thời gian xảy ra scandal và các nhà báo hình như cũng chẳng nương tay gì? Bây giờ trên wikipedia vẫn còn lưu giữ những “tai tiếng” đó, anh nghĩ sao?
– À kiểu nhục hình trung cổ, nhưng nhiều người bị nặng hơn tôi, họ còn không thanh minh huống gì tôi. Ai bỏ thì giờ cho chuyện vô ích thì không làm được chuyện có ích. Còn wiki ấy à, tôi đã nói với bạn rằng tôi dị ứng với cái trò nhà nhà làm từ điển chưa nhỉ?
– Sau đợt bị “nạn” đó, anh có thấy ghét báo chí, hay truyền thông không?
– Giai đoạn 2004, tôi vẫn làm báo. Tôi không ghét báo chí nói chung, tôi chỉ chán cách hành xử của một số cá nhân cụ thể. Nó bất cập nhân tình. Và tôi bỏ viết. Cuối 2004, tôi bắt đầu viết tản văn, tiểu luận, không tham gia “sinh hoạt” báo chí nữa.
Khắc kỷ và giữ kỷ luật sắt
– Qua các tác phẩm nhạc, các bài viết, mọi người thường hay hình dung Quốc Bảo đúng là một túyp người nhẹ nhàng, lãng mạn, bay bổng, và da diết nữa. Anh thấy có ổn không?
– À, đó là bút pháp. Còn người thật thì tôi khá khô khan, thực tế, khắc kỷ và rất kỷ luật. Như một người lính, một thầy tu.
– Chuyện khô khan, thực tế, khắc kỷ, kỷ luật, ở đây giúp gì anh trong rất nhiều mối quan hệ với các người đẹp, nhất là những người muốn tìm đến anh như một cánh cửa của sự thành công?
– Có hai vấn đề khác nhau. Tôi khắc kỷ và giữ kỷ luật sắt cho bản thân vì đó là phương cách duy nhất giúp tôi tồn tại – xin hiểu cho là tồn tại bằng nghề hiện giờ, nghề nhạc. Tôi không có được hậu thuẫn nào từ gia đình và không một ưu đãi nào từ xã hội, phải vừa kiếm sống vừa theo đuổi nghề và rồi dùng nghề để kiếm sống.
Khắc kỷ như thế nào ư? Tôi không chiều đãi bản thân, không cho nó nghỉ ngơi ngay cả khi đang ốm nếu có việc cần làm, không sai hẹn bao giờ, không tha thứ cho lỗi lầm của mình và nhìn thẳng vào sự thật.
Còn với người khác, tôi thường có hai thái độ: hoặc rất thờ ơ (nếu đó là người tôi thấy không ăn nhập gì với đời mình) hoặc chân thành và tận tình. Thường tôi không cởi mở ở phút đầu, rất dè dặt và lạnh lùng nữa.
Tôi sẵn sàng giúp ai đó nếu thực sự nhìn thấy khả năng của họ, vì hồi xưa tôi từng khao khát được học ở một vị thầy giỏi, được một người nào sẵn lòng giúp mình vượt qua một trở ngại… Chuyện người đẹp người xấu hình như không có gì liên quan ở đây.
– Phải chăng chính cái sự khắc kỷ, nghiêm khắc đến khuôn phép ấy được anh “áp dụng” ngay cả trong chuyện tình cảm? Và nó từng tạo nên sự “tức tưởi” của bạn đời cũ và bạn gái của anh?
– Xin miễn bình luận.
– Và anh ” vẫn tiếp tục để tình yêu đi qua, vẫn tiếp tục sống mà không khóc nổi khi chỉ còn một mình”? Hình như có một sự gồng mình để thoát khỏi sự đau khổ?
– Đời dạy tôi thay vì khóc, nên cười. Khóc là mình nhũn ra, cười giúp ta cứng cáp. Cười vui, cười buồn, cười đau, nhiều kiểu, nhưng phải cười. Còn đau quá, thì không hẳn, tôi biết mình còn sướng hơn nhiều người.
Q. đã là người cũ
– Người ta thường tự bảo “biết đủ là được”, anh nghĩ sao về câu này? Hiện tại của anh thế nào về kinh tế?
– Tôi có một ít khả năng về âm nhạc, văn chương, nhiếp ảnh, cũng không đáng gọi là tài. Tất nhiên tôi vẫn có thể đi cuốc đất, bổ củi, đạp xích lô, làm thợ hàn như tôi từng làm sau khi xong phổ thông và chưa có cánh cửa nào mở ra. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến tất cả, tôi làm sao thoát được. Nhưng tôi ít nhu cầu nên cũng không đến nỗi điên đảo vì kinh tế.
– Còn tinh thần thì sao? Hình như yêu cũng là một liệu pháp tinh thần luôn được anh sử dụng, dường như anh là một người… dễ yêu?
– Tinh thần tôi bình ổn, đời sống nhẹ nhõm. Dễ chịu lắm. Đời thật đáng sống và đáng để yêu. Còn tôi có dễ yêu hay không, thì người yêu tôi biết.
– Cuốn “Thị dân” và chương trình âm nhạc vừa rồi là thành quả những tháng ngày bên Q., người mang lại cảm hứng cho anh?
– Xin đính chính một chút: cuốn “Thị dân” được đề tặng Q., người yêu cũ của tôi; còn chương trình nhạc ở phòng trà WE vừa rồi không liên quan gì đến Q. hết.
– Xin cảm ơn anh đã đối thoại cùng Đẹp online.
Trong dịp sinh nhật 30.6 vừa rồi, Quốc Bảo đã công bố bức thư tình của Albee – người bạn gái mới của anh. Bức thư cho thấy nàng quả là một cô gái trong sáng và đúng theo gout của Quốc Bảo. Nối tiếp Q, có lẽ, Albee đang là nguồn cảm hứng sáng tác của Quốc Bảo. Anh chụp ảnh Albee và post liên tục lên FB. Gần đây các ca khúc mới anh sáng tác đã nhận được sự hưởng ứng khích lệ của rất nhiều người. Người ta đoán rằng tình yêu mới với Albee đã đem lại nguồn cảm xúc cho người nghệ sĩ.
Ảnh: Phạm Hoài Nam