NS Phó Đức Phương: Có lúc tôi chỉ là ông bố... lìu tìu - Tạp chí Đẹp

NS Phó Đức Phương: Có lúc tôi chỉ là ông bố… lìu tìu

Sao

– Ngoài âm nhạc, ông còn có những người con tài năng, tại sao ông ít nói về họ?

– Tôi có ba con, hai con gái đầu, một làm giảng viên piano ở Nhạc viện Hà Nội hay nhường nhịn và an phận. Cô thứ hai mạnh mẽ hơn, làm ở Đài Truyền hình Hà Nội. Con út theo cổ điển, mới có đêm trình diễn giao hưởng ở Nhà Hát Lớn 2 đêm (nhạc sĩ Phó Đức Hoàng, được đánh giá là một tài năng mới của nhạc giao hưởng Việt – PV). Tôi có chút yên tâm về chàng trai này nhưng chưa đủ cơ sở kết luận để tự hào (cười) vì con mới là một sinh viên xuất sắc nhưng chưa đủ để gọi là có tên.

– Ông có thể chia sẻ về chàng trai đặc biệt ấy chứ?

– Mỗi người sinh ra như có một căn mệnh và con trai tôi cũng vậy. Con đi vào nhạc giao hưởng đúng với tính cách và sở trường sở đoản của con. Cậu chàng vốn rất ít lời. Thời lên 7, 8 tuổi, bố mẹ và khách khứa đến chơi quý cậu ta, hay mua sách tặng nhưng cậu chàng chẳng bao giờ đọc, suốt ngày chỉ vi tính thôi. Không đam mê văn chương thì không thể theo nhạc… có lời như cha nó được, nên chỉ còn con đường đi vào nhạc không lời (cười).

– Là một nhạc sĩ, ông nghĩ mình truyền dạy được gì cho con?

– Không dạy được nhiều đâu, con đường là do con lựa chọn. Mình chỉ quan sát thôi. Khoảng năm 2003 tôi làm Tổng đạo diễn Para Games ở Hà Nội, lúc đó con trai 13 tuổi, hai tháng sau khi chương trình kết thúc, tôi thấy nó đã thuộc làu phần âm nhạc của cả chương trình (do tôi, Trương Ngọc Ninh, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Đức Trịnh thực hiện) và suốt ngày mở ra nghe. Lúc đó tôi thấy “thằng này lạ” (cười).

Hiện cậu chàng đã tốt nghiệp ngành sáng tác ở Đại học Boston tại Mỹ và đang chuyển sang học ở Nhạc viện Miami để học cao học và tiến sĩ.

– Câu chuyện giữa hai cha con, nếu có là gì?

– Chúng tôi đều… ít nói nên hai cha con cả ngày có khi chỉ nói được với nhau 3, 4 câu. Thôi thì trời sinh nên cứ để… kệ. Tôi chỉ biết chăm sóc và tạo điều kiện cho con theo đuổi đam mê. Nếu thích ai, cậu tự tìm hiểu và nghe trên máy tính. Nếu có quan tâm đến bố cũng trong lặng tim. Chẳng hạn thấy bố đang nằm nghe nhạc, cậu mang đĩa sang phòng mở cho bố nghe, ý bảo con đang thích cái này, bố nghe đi (cười). Nếu bố bảo loại này bố không thích đâu vì nó máy móc, cơ học lắm, con không nên đi theo hướng này, con nên thế này… Bằng cách đó con có thể hiểu được suy nghĩ của tôi. Những cuộc nghe nhạc với nhau là lúc tranh thủ để nói với con nhiều nhất về thẩm mĩ âm nhạc.

– Kiệm lời, nhưng ông nghĩ mình tác động đến con trai ở những phương diện nào?

– Tôi nghĩ là những ngã ba, ngã tư ở cuộc đời con. Chẳng hạn mẹ thấy cuộc đời sáng tác âm nhạc của bố vất vả mà nghèo (cứ nói thật thế), nên lúc nào cô ấy cũng hướng con lớn lên đi học ở một trường nào đó sau này dễ… kiếm ăn (cười) thì bố là người ủng hộ triệt để con theo đuổi đam mê. Trong lúc mẹ chưa biết hướng con theo cái gì cụ thể, cứ thoát nhạc đã, thì bố ủng hộ con cứ thi vào nhạc viện, thế là cu cậu sướng rồi.

Hoặc khi đang học phổ thông lúc nào cũng bị giáo viên bắt học thêm, thằng bé cứ mặt xanh nanh vàng, tôi thương con quá động viên con chuyển sang trường Lương Thế Vinh (PTTH Lương Thế Vinh – PV), thoát được nạn học thêm. Lúc vào Nhạc viện, người ta khuyên ngưng học văn hóa bên ngoài, chỉ học các môn cơ bản và học nhạc, tôi lại khuyên con không học chương trình văn hóa trong Nhạc viện mà theo học văn hóa ở trường Lương Thế Vinh, chỉ học âm nhạc ở Nhạc viện. Đó là phần lý do sau này con không phải cố nhiều trong quá trình đi du học.

Chỉ có một lần ép con thế này mà tôi thấy mình hơi sống sượng, đó là khi con đang học Trung cấp Piano và bắt đầu học sáng tác, lúc đó tôi khởi lên tham vọng con có thể trở thành nhạc sĩ và đánh piano tuyệt vời, nên bắt con học piano rất căng. Tất nhiên cu cậu chẳng phản kháng gì cả, chỉ khổ ải luyện tập thôi. Sau này em ruột tôi phải nhảy vào can (cười).

– Tên tuổi của cha có bao giờ trở thành áp lực với con trai?

– Tôi nghĩ là con chủ động né những áp lực đó. Nhưng đến bây giờ thì nó thấy bố có lúc… lìu tìu quá (cười lớn).

– Lúc phát hiện ra con trai thấy “bố lìu tìu quá”, ông có cảm giác thế nào?

– Tôi thấy con đúng, vì phần “lìu tìu” của mình so với con là rõ rồi nên mình chẳng ngượng ngùng gì. Tất nhiên cu cậu chẳng bao giờ nói về điều đó (cười).

Tuy nhiên “bụng bảo dạ” nên mình vẫn dõi theo con, vẫn biết ngoài những phần lìu tìu thật, thì sự trải nghiệm bằng cả cuộc đời cũng cho mình nhiều thứ và muốn con hiểu được bài học lớn nhất là ở cuộc đời. Tất nhiên tôi không bắt con phải có ngay những điều ấy. Với tôi con vẫn là một ẩn số, vì để trở thành một người có một chồng sách với việc trở thành một tác giả là những câu chuyện khác nhau. Tôi mong con trở thành một tác giả thực sự.

– Ông có bao giờ dành lời khen tặng cho con trai?

– Hình như hiếm lắm! Nhưng con biết tôi hài lòng về mình ở khía cạnh nào.

– Hai cha con có gì giống nhau?

– Có! Con giống với tôi ở thời kỳ đầu – lúc tôi sáng tác: trầm tính. Nhưng cậu chàng có phần cực đoan hơn, hướng nội hơn. Con rất ngại người khác chen vào dòng sống của mình. Chẳng hạn ở nhà con có một phòng riêng, mỗi lần tôi gõ cửa bước vào thì sự khó chịu hiện lên khuôn mặt cậu chàng, không giấu đi đâu nổi. Chưa cần biết bố có việc gì, chỉ cần nhìn thấy bố bước vào đã khó chịu rồi. Thì thôi, mình có việc gì khẩn trương thông tin ngắn gọn rồi… chuồn (cười lớn).

– Con trai ông đã bước sang tuổi 26, ở tuổi đó Phó Đức Phương có những gì?

– Tôi có “Những cô gái quan họ”, “Hồ Trên Núi” còn con bây giờ đang có những bản nhạc đầu tiên của mình. Kể ra hai bố con cũng hơi giống nhau. 22 tuổi tôi vào Nhạc viện Hà Nội, thì 22 tuổi con vào Nhạc viện Boston. Thì đời con nó phải hơn đời bố chứ. Nhỉ!

– Xem ra thì gia sản của ông bây giờ là những bài hát hay những đứa con?

– Tôi nghĩ là những bài hát! Nhưng có lẽ là cả hai.

– Nhất định là không thể phủ nhận bản thân sao, thưa ông?

– Thực ra thì cũng có thể gieo niềm tự hào về con được rồi, nhưng chặng đường của con còn dài, tôi biết thế, vì con đã chọn một con đường không dễ dàng.

– Vậy là ông bố không còn trẻ vẫn phải nai lưng làm kiếm tiền nuôi con, nên người ta bảo Phó Đức Phương làm quyền tác giả là vì gánh nặng nuôi con du học đấy. Ông có muốn… thanh minh gì?

– Bậy! Đó là chuyện bậy của sự suy diễn. Tôi phải nói thật rằng, tôi từng là người bao sân và kiếm tiền rất tốt ở giai đoạn miệt mài sáng tác. Nếu tôi vẫn muốn kiếm tiền thì đến giờ tôi thậm chí kiếm tiền hơn cả Trần Tiến, Nguyễn Cường… Thời kỳ đó một mình tôi kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn (trong đó có ba học sinh là vợ trẻ, hai con lớn và một sơ sinh chính là Hoàng) mà vẫn đủ tiền mua hai miếng đất.

Sau này đi làm quyền tác giả, tôi chỉ đủ ăn. Tôi đã nói quyền tác giả không chỉ lấy đi của tôi những bài hát, mà cả tiền bạc tôi cũng chấp nhận không còn được như xưa.

Còn con trai tôi giờ đây chỉ cần bố hỗ trợ tiền ăn, còn con cũng có học bổng và làm trợ giảng đủ trang trải cuộc sống.

– Tác quyền mang đến gì mà khiến ông phải… hi sinh?

– Nhạc của tôi mềm mại, nhiều âm tính, nó là một phần con người tôi. Bản thân tôi từng là người ít bộc lộ, hướng nội.

Từ khi làm bản quyền âm nhạc, đôi lúc tôi gồng mình lên để chống trả lại với những tị hiềm, thành ra trở nên bướng bỉnh. Việc đó nó bổ sung cho tôi một tính cách, phần dương tính (bộc trực, hướng ra ngoài). Hành trình biến đổi đó khiến tôi vui và thấy mình cân bằng, nhịp nhàng, đa diện hơn. Nếu tôi không xông ra làm quyền tác giả, có lẽ tôi suốt đời là người tế nhị, kín đáo, thâm trầm (cười). Ngày xưa tôi thấy mình có xu hướng lảng tránh nhiều thứ, giờ đây tôi thấy mình có thể đương đầu được với nhiều việc hơn.

– Quan trọng là, ông thích Phó Đức Phương của thời nào hơn?

– Có lẽ là con người tôi bây giờ. Mọi thứ không mất đi, mà tôi hoàn thiện mình hơn.

– Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Thể thao Văn hóa & Đàn ông

logo

 

Thực hiện: depweb

07/12/2016, 16:05