Nora & bản năng gốc - Tạp chí Đẹp

Nora & bản năng gốc

Sống

(Nhân xem vở Nhà Búp Bê của Nhà hát Tuổi Trẻ)

Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2008, tôi được tổ chức sân khấu quốc tế của Nauy, mang tên Isen (Ibsen Awards) mời dự hội thảo về vấn đề thân phận người phụ nữ trong kịch Ibsen, qua chuỗi nhân vật Nora trong “Nhà búp bê”, một kịch bản được coi là kinh điển thế giới đã hàng trăm năm của H. Ibsen.

Hội thảo diễn ra tại thủ đô Oslo và Skien, nơi có bảo tàng Ibsen, quê hương nhà viết kịch vĩ đại này. Chủ đề chính của hội thảo liên quan mật thiết đến nhân vật trung tâm là phụ nữ, và sự giằng xé giữa bản năng làm vợ, với khát vọng bình đẳng, tự do giới tính, tự do thân phận, làm rung chuyển ứng xử của thế giới đàn ông với phụ nữ, không chỉ xã hội châu Âu thời Ibsen và sau đó hàng trăm năm, mà còn gây hiệu ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, với những vấn đề tương tự của phụ nữ Việt hiện đại.

Chuyện kịch “Nhà Búp Bê” rất giản dị: Vợ chồng Nôra – Tocvan, lấy nhau vì tình. Trong hạnh phúc, Nora tự hào chiếm hữu bí mật: Nàng đã vay số tiền rất lớn, cứu chồng khỏi chết bệnh, bằng cách giả mạo chữ kí cha đẻ, làm văn tự nợ, và sau đó, giấu chồng, ngày ngày bí mật làm thêm, dành dụm, bớt xén chi tiêu gia đình để trả nợ dần.

Việc làm bí mật này đã được thỏa thuận giữa Nora và người cho vay, cho đến khi chồng Nora, một luật sư giỏi, được thăng giám đốc ngân hàng. Vừa nhậm chức, anh ta quyết định đuổi một nhân viên vì giả mạo giấy tờ. Nhân viên này đến Nora cầu cứu, hóa ra là chủ nợ của Nora. Anh ta nài ép Nora xin chồng ngưng đuổi việc anh ta, nếu không sẽ phanh phui bí mật của Nora.

Vừa mới trước đó, Nora đã xin chồng cho bạn gái “điền vào chố trống” của chính người đàn ông này. Bỗng chốc, Nora bị đẩy đến đường cùng. Kịch thắt nút ở chỗ này. Nôra phải chọn: một bên là bí mật phải được giữ để duy trì hạnh phúc gia đình, một bên là việc giả mạo chữ kí sẽ bị tố cáo, đổ vỡ gia đình không tránh khỏi. Nora biết chồng không tha thứ việc dối trá, song, Nora lại hy vọng: vì đã cứu sinh mạng chồng, chắc sẽ được chồng thông cảm. Nàng đã nhầm!

Kịch bản Ibsen xoáy vào diễn tả sâu sắc quá trình phát hiện sự nhầm lẫn ấy, và sự vỡ lẽ về cách sống bản năng, sự đổ vỡ niềm tin vào hôn nhân, cùng cái giá phải trả của Nora. Hàng trăm năm sau ngày H.Ibsen qua đời (1828-1906), công chúng châu Âu, và toàn cầu, vẫn bị ám bởi tiếng sập cửa của Nôra trong Nhà Búp Bê.

Năm 2006, Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt “Nhà Búp Bê”, nhân Lễ hội Ibsen tại Việt Nam. Được mời làm cố vấn văn học, khi “vỡ hoang” “Nhà Búp Bê” cùng dàn diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi đề nghị cách giải thích thông điệp chính của kịch bản và được diễn viên, nhất là vai chính Nora của Lê Khanh, đồng thuận.

Nora trong “Nhà Búp Bê” đã vỡ lẽ một sự thật đắng về bản năng làm vợ của mình, dẫn đến việc Nora “phản tỉnh” bằng hành động mạnh: chấm dứt cuộc sống gia đình, dứt áo ra đi!

Kịch bản được bắt ngay vào tình huống hội hè với hai sự kiện tươi sáng: vợ chồng Nora chuẩn bị đón Giáng sinh và chồng Nora vừa nhậm chức lớn. Nhưng tất cả đã trở nên mịt mù rối loạn chỉ vì sự biến: cuộc “mặc cả” khủng khiếp của “chủ nợ” với “con nợ” Nora.

Nhiệm vụ Lê Khanh ngay hồi kịch đầu là diễn tả một người vợ ngất ngây trong hạnh phúc được sống vì chồng (ngây thơ, liều vay tiền mà không biết mình phạm pháp và ảo tưởng cho đó là hạnh phúc), thế rồi bỗng chốc… sụp đổ.

Nhiệm vụ tiếp của Khanh là diễn tả sự sụp đổ niềm tin, lần lượt vào “đối tác” xung quanh nàng. Đầu tiên là người chủ nợ. Sau đó là chồng, khi Tocvan phũ phàng từ chối khẩn cầu của vợ, thẳng tay kí lệnh đuổi việc người chủ nợ của Nora. Mọi việc đều dẫn đến nguy cơ vỡ lở.

Theo logic ấy, Nora sẽ không những mất chồng, mất gia đình mà sẽ phải ngồi tù vì phạm pháp. Không còn đường nào khác, Nora định cầu cứu vị bác sĩ bạn thân của hai vợ chồng, thì bất ngờ vị này lại tỏ tình với nàng, do biết mình sắp chết bệnh, khiến Nora không thể mở lời. Vô phương. May sao, cô bạn gái thân của Nora, vốn là người yêu cũ của viên chủ nợ, đã thành nhân vật gỡ rối.

Bằng tình yêu cũ càng, cùng ý định làm lại cuộc đời với người này, cô bạn Nora đã loại bỏ được kế hoạch tố cáo của anh ta với chồng Nora. Sau ngần ấy va chạm, gãy đổ niềm tin, vỡ tan ảo tưởng, Nora mới biết mình đã sống quá cả tin, quá ngây thơ và quá thiên về bản năng, một lối sống hoàn toàn “duy tình” (có lẽ không chỉ Nora trong kịch Ibsen, mà còn là cách sống hết mình của Mỵ Châu Việt Nam trong bi kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy ở thành Cổ Loa xưa, mà thi sĩ Tố Hữu từng xót thương “nghị án” Mỵ Châu bằng thơ: “trái tim nhầm chỗ để lên đầu, nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).

Là một phụ nữ thông minh, cuối cùng, khi cần, Nora cũng đã đưa ra được quyết định xé lòng! Bi kịch lớn nhất của Nora là chỉ biết yêu chồng theo bản năng, khi bị sụp đổ niềm yêu ấy, đã may mắn gượng dậy được. Và Nora đã ra đi khỏi “bản năng gốc”, biết điều chỉnh bằng lý tính, để tự trưởng thành.

Ibsen đã không chỉ đường tiếp cho Nora, nhưng bằng vào quá trình thoát ra những ngộ nhận về hạnh phúc và tình yêu, Nora đã lần lượt trả lời các câu hỏi thân phận: có phải lâu nay mình sống hoàn toàn lệ thuộc vào chồng, như con búp bê nông nổi? Có phải sống như thế mới vừa lòng chồng?

Cái chết của vị bác sĩ, cách xử lý sự đời khỏe mạnh, cách đến tình yêu mạnh mẽ của người bạn gái, cách thoát khỏi tình thế ngặt nghèo của người chủ nợ và nhất là cách cư xử hèn nhát, gia trưởng, thô lậu của người chồng, đã khiến Nora tỉnh thức, tìm được lối ra, từ bỏ được “bản năng gốc” vốn bị quy định nghiêm ngặt trong cuộc sống búp bê với chồng, quyết đi tìm cuộc sống mới và khác.

Lê Khanh cố tình kiệm lời, cách diễn phẳng, ít động tác ngoại hình, vì thế Khanh đã nuốt trọn nỗi đau nhân vật tận cuối lòng, đã nhận chìm sóng ngầm xuống đáy niềm đau… Cách tiết chế này rất gần với tính “ước lệ” trong nghệ thuật biểu diễn của sân khấu truyền thống Việt Nam.

Màn đã khép, tiếng sập cửa không vang lên như mặc định của kịch bản, nhưng còn vọng mãi niềm bi kịch của Nôra, trong thổn thức của chiếc đồng hồ to treo giữa sân khấu, khiến nhiều người xem phụ nữ rơi lệ, khi bắt gặp chính mình trong đó.

Không phải ngẫu nhiên, Lê Khanh đã yêu cuộc đấu tranh với “bản năng gốc” trong nhân vật Nora, cố tìm cho nó cách diễn đạt Việt, để đến với công chúng Việt hiện đại. Khanh tâm sự: “Tôi cảm nhận một Nôra rất Việt Nam.

Sự ngộ nhận về hạnh phúc một cách bản năng đã xóa nhòa con người thật trong người phụ nữ. Tìm được mình là ai, hay mình đã không phải là ai – làm chủ được mình, đó là cuộc đấu tranh nội tâm nghiệt ngã. Nôra chính là sự trưởng thành của bản năng phụ nữ”.

Càng diễn, Lê Khanh càng thăng hoa trong vai Nôra. Càng rõ điều Ibsen gửi gắm trong “Nhà Búp Bê” vẫn nóng hổi ý nghĩa thời sự với xã hội Việt Nam đương đại: Phụ nữ thời nào cũng không nên sống thụ động, ảo tưởng với bản năng “búp bê”. Nên chăng làm chủ thân phận mình và chủ động đứng dậy từ lầm lạc, từ vỡ lẽ sự thật ngay trong gia đình mình.

Quá trình kiếm tìm hạnh phúc đúng nghĩa nằm ngay trong quá trình kiếm tìm giá trị của bản thân, trong sự điều chỉnh bản năng một cách lí tính và quá trình đó có thể chính là hạnh phúc!

TS. Nguyễn Thị Minh Thái
Hình ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thực hiện: depweb

11/03/2009, 16:07