Nồng nàn hương vị

Sụn heo giả cầy

Nguyên liệu: cho  4 người

500g sụn heo
100g củ riềng
50g sả cây
50g tỏi
20g ớt hiểm
30g hành tím
1 củ nghệ tươi
Gia vị: Hạt nêm, mắm tôm, tiêu xay, đường, bột ngọt, dầu ăn, cơm mẻ
Rau ăn kèm: Lá mơ lông, ngò gai, ngò om

 

Cách làm:

1. Sụn heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Riềng, nghệ xắt lát mỏng. Sả cây cắt lấy phần gốc, đập giập, băm nhỏ. Tỏi, ớt hiểm, hành tím băm nhỏ. Lá mơ lông, ngò gai, ngò om rửa sạch, vẩy ráo.

2. Cho riềng, nghệ, sả, tỏi, ớt, hành tím băm và ½ chén cơm mẻ vào máy xay sinh tố, xay cho thật nhuyễn, trút ra tô. Quậy đều hỗn hợp vừa xay với mắm tôm, đường, dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm, tiêu xay, cho sụn heo vào trộn đều, để khoảng 20 phút cho sụn thấm gia vị.

3. Cho sụn heo vào khay, đặt vào lò vi sóng, chọn chế độ nướng, nướng sụn trong khoảng 15 – 20 phút ở nhiệt độ 175 độ C. Khi sụn chuyển qua màu vàng, có mùi thơm là được. Lấy sụn heo cho vào đĩa, ăn kèm rau.

Sụn gạo huyết rồng, nha đam

Nguyên liệu: cho 4 người

150g gạo lức
350g cua
200g nha đam
1 quả trứng gà
½ thìa cà phê muối
1 thìa cà phê hạt nêm
1 thìa cà phê đường
½ thìa cà phê tiêu xay
1 ít hành lá, ngò rí

 

Cách làm:

1. Gạo lức ngâm, vo sạch, cho vào nồi cơm điện nấu thành cháo loãng, để nguội. Cho cháo gạo lức vào máy xay, xay cho cháo mịn, trút ra để riêng. Cua ngâm nước đá hoặc dùng dao nhọn đâm vào ức cho cua chết, rửa sạch, hấp chín, gỡ lấy thịt.

2. Nha đam gọt sạch vỏ, luộc chín, cắt hạt lựu lớn, để ráo. Trứng gà tách vỏ, cho vào chén, quậy đều. Hành, ngò xắt nhỏ.

3. Cho chào vào nồi, đun sôi trở lại, nêm nếm muối, hạt nêm, đường, tiêu xay cho vừa ăn. Trút nha đam vào đun sôi trở lại, rây trứng qua vợt lưới để tạo vân cho đẹp mắt, cho thịt cua vào, tắt bếp. Múc súp ra chén, hành, ngò vào. Dùng nóng rất ngon.

Gỏi cật heo Quảng Đông

Nguyên liệu: cho 4 người

300g cật heo
100g cà rốt
80g hành tây
1 trái ớt sừng
1 thìa cà phê tỏi băm
10g ngò rí
1 thìa súp dầu ăn

Nước trộn gỏi: ½ thìa cà phê ớt băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa súp nước cốt chanh, 2 thìa súp đường, 2 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê dầu mè, ½ thìa cà phê mù tạc vàng, khuấy tan đều.


 

Cách làm:

1. Cật heo rửa sạch, xắt làm đôi, lạng bỏ hết phần gân trắng. Trụng cật qua rượu trắng, luộc chín với nước gừng cho bớt mùi hôi, xắt thành lát vừa ăn.

2. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi nhỏ, trụng qua nước nóng, vớt ra để ráo. Ớt sừng bỏ hạt, xắt sợi. Hành tây bỏ vỏ lụa, xắt sợi vừa. Cho khoảng 1 thìa súp dầu ăn vào chảo, cho tỏi băm vào phi vàng, trút ra chén.

3. Cho cật heo, cà rốt, hành tây, ớt sừng vào đĩa, trộn đều, rưới nước trộn gỏi lên trên. Trang trí với ngò rí, khi ăn cho tỏi băm phi lên trên. Dùng kèm với bánh tráng hoặc bánh phồng tôm.

Khử mùi hôi cật, tim heo

Tim, cật heo ăn rất ngon nhưng nếu không sơ chế đúng cách sẽ còn mùi khó chịu. Cách khử mùi hôi của tim, cật thật ra cũng rất đơn giản:

– Đối với tim heo: Khi mua tim heo về, bạn khoan hãy nhúng vào nước vội, hãy lấy một ít bột mì cho vào đĩa, để tim heo vào lăn qua một lớp bột cho đều. Khi bột bám đầy vào bề mặt tim heo, hãy dùng tay xoa nhẹ. Nếu phần bột bị rơi, hãy cho thêm một lớp bột khác vào và xoa tiếp trong khoảng 2 – 3 phút là được. Chỉ nên xoa nhẹ để tim heo không bị bầm giập. Sau đó, rửa tim heo qua nước lạnh và mang đi chế biến. Mùi hôi sẽ hết.

– Đối với cật heo: Khi làm cật heo, chúng ta phải lạng bỏ cho hết lớp màng trắng bên trong. Nếu giữ lại lớp màng này, khi ăn cật sẽ có mùi hôi, khai rất khó chịu. Có thể rửa cật heo qua rượu trắng, xả lại với nước sạch rồi chần qua nước nóng. Hoặc cũng có thể rửa cật với nước lạnh sau đó mang đi luộc qua nước rượu gừng, mùi hôi sẽ hết.

Nên nấu và ăn khi tim, cật heo còn tươi, mới. Không nên ăn tim, cật đã để lâu dù là bên ngoài hay cho vào tủ lạnh. Giá trị dinh dưỡng trong chúng sẽ giảm đi rất nhiều.

Phở chua xá xíu

Nguyên liệu: Cho 4 người

1kg xương bò
300g thịt nạc dăm
500g phở gạo lức
80g đậu phộng rang
3 cái tai vị
1 thìa súp hành tím băm
1 thìa súp hành lá băm
2 thìa súp nước cốt me
Bắp chuối, rau muống bào, giá, rau sống các loại, ớt sừng xắt lát ăn kèm.

Gia vị: Tương đen, tương đỏ, muối, hạt nêm, đường, tiêu xay, mạch nha, dầu hào, đường, bột ngọt, ngũ vị hương, dầu ăn, gia vị lẩu Tứ Xuyên.

 

Cách làm:

1. Xương bò rửa sạch, cho vào nồi cơm điện cùng 1,5 lít rưỡi nước, hầm cho xương tiết ra nước ngọt. Lược lại nước dùng. Thịt heo cắt miếng vừa ăn, ướp với hành tím, hành lá băm, mạch nha, dầu hào, tương ớt, đường, bột ngọt, hạt nêm, ngũ vị hương, để thấm 30 phút.

2. Làm nóng chảo dầu, phi thơm tai vị, cho thịt vào đảo săn lại, cho khoảng 1 chén nước dùng vào nấu cho thấm. Khi nước sền sệt, lấy thịt cho vào lò vi sóng nướng cho thịt vàng mặt là được. Để nguội, xắt lát vừa ăn.

3. Đun sôi lại nước dùng, nêm nước me, muối, đường, hạt nêm vừa ăn. Trụng phở cho vào tô, xếp thịt, giá, rau muống, chuối bào lên, chan nước dùng vào, ăn kèm rau sống các loại, ớt xắt lát, tương đen, tương đỏ và đậu phộng rang.

 

Phở chua Lạng Sơn

Phở chua nổi tiếng nhất phải kể đến vùng đất nơi địa đầu tổ quốc – Lạng Sơn. Một tô phở chua đạt chuẩn quan trọng nhất là ở nước xốt, hay còn được gọi “nước đủ”. Để có một nồi nước xốt ưng ý, người nấu phải kết hợp từ nhiều gia vị như hành, tỏi, ớt, cà chua, đường, nước mắm, gừng và không thể thiếu giấm đường. Đây là một loại giấm được lấy từ quả chuối tây chín. Sau nhiều công đoạn ủ, lên men thì mới cho ra được thứ giấm tự nhiên và đặc trưng này.

Một tô phở chua được kết hợp từ hai phần: phần khô và phần nước. Nước lèo của món phở chua ngon nhất khi được lấy từ bụng vịt quay. Thứ nước này khi ăn vừa thơm ngầy ngậy nhờ có phần mỡ vừa đậm đà do vịt được tẩm ướp từ trước. Cái khó của phở chua còn nằm ở sự pha trộn. Nó phải được trộn trước khi ăn và phải canh sao cho lượng nước dùng vừa đủ. Khi trộn cũng phải khéo để món phở không bị nát vụn hay quá nhiều gia vị làm món ăn mất đi vị đặc trưng.

Thịt xá xíu

Xá xíu là một món ăn được khá nhiều người ưa chuộng. Thường thì người ta lấy thịt nạc dăm, thịt vai, má heo hoặc ba rọi để làm xá xíu. Có thể ăn kèm xá xíu với bánh bao, bánh mì, cơm trắng, cơm chiên, cuộn rau sống… đều được. Nếu không dùng lò vi sóng, chúng ta có thể chiên thịt trên chảo. Nhưng khi chiên chỉ cho ít dầu và chiên thịt trên lửa nhỏ để thịt có màu vàng nâu đều và thịt không bị cháy bên ngoài mà trong vẫn còn sống.

Với những người ăn chay, để làm món xá xíu, người ta lấy nguyên liệu chính là tàu hũ ky.

Theo Gia đình vào bếp


From the same category