Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Thông tin này khiến người dân thêm mất lòng tin vào khả năng của chính quyền đại lục trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm quốc gia.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để phát triển các loại cây trồng biến đổi gen (GMO) với hy vọng có thể đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho 1,4 tỷ người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư luận vẫn đặt nhiều nghi vấn xung quanh công việc này, hoạt động canh tác để thực hiện mục đích thương mại hiện vẫn chưa được chào đón rộng rãi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo của Greenpeace phát hiện có khoảng 93% số mẫu thử nghiệm lấy từ các ruộng ngô trong năm ngoái tại năm địa phương thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi được xem là vựa lúa mỳ của Trung Quốc, đã cho kết quả dương tính với GMO.
Nghiêm trọng hơn, những thí nghiệm thực hiện trên phần lớn những mẫu hạt lấy được từ các sản phẩm ngũ cốc và những mẫu thực phẩm chế biến từ ngô tại các siêu thị trong khu vực cũng cho ra kết quả tương tự.
Theo Greenpeace, “có một khả năng lớn là phần lớn ngô biến đổi gen đã thâm nhập vào các cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên toàn Trung Quốc dưới dạng thực phẩm dành cho người dân.”
Mặc dù Greenpeace chưa xác định được cách thức mà ngô biến đổi gen đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, song tổ chức này đã luôn cảnh báo Bắc Kinh về việc các loại cây biến đổi gen trồng thử nghiệm được bày bán với mục đích thương mại bất hợp pháp.
Những phát hiện của Greenpeace như đang “đổ thêm dầu vào lửa” khi người dân phản đối GMO. Tại Trung Quốc, một vài tổ chức chống GMO thậm chí còn kiện chính phủ vì đã không công bố các thông tin về việc cho phép nhập khẩu các cây trồng GMO và cho phép canh tác nội địa.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này.
Theo VietnamPlus