“Non-hotelier” – giải mã sức hút từ thời trang đến bất động sản hàng hiệu

Thị trường bất động sản hàng hiệu đã tăng trưởng 230% trong 10 năm qua. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ duy trì trong nhiều năm tới khi hàng loạt thương hiệu vốn không thuộc ngành khách sạn (non-hotelier) muốn khám phá lĩnh vực này.

Armani, Aston, ELIE SAAB, Lamborghini, Martin, Porsche, Versace – những thương hiệu thời trang và xe hơi siêu sang này có một điểm chung mà ít ai biết đến.

Năm 2017, khu nhà ở mang thương hiệu Porsche được chính thức đưa vào hoạt động ở thành phố Miami. Không lâu sau đó, Aston Martin khai trương dự án nhà ở siêu sang tại đây. Và mới đây, Bentley công bố sẽ khánh thành khu nhà ở đầu tiên mang thương hiệu này vào năm 2026.

Các thương hiệu thời trang cao cấp như Roberto Cavalli, Versace, ELIE SAAB và Armani cũng đang triển khai dự án tại New York, Dubai và Miami, 3 thành phố nổi tiếng về bất động sản hàng hiệu.

Phối cảnh dự án tòa nhà chọc trời do Nhà mốt hàng đầu Italy – Cavalli – phối hợp triển khai tại Dubai Marina
Sự “lên ngôi” của non-hotelier

Dù các dự án nhà ở bảo chứng bởi các thương hiệu khách sạn (hotelier) vẫn đang chiếm lĩnh thị trường với tỷ lệ 84% nhưng tốc độ tăng trưởng số dự án nhà ở mang thương hiệu phong cách sống (non-hotelier) như thời trang, xe hơi lại đang tăng mạnh, từ 11% năm 2010 lên 16% năm 2020. Dự kiến đến năm 2025, thế giới sẽ có thêm 11 non-hotelier tham gia thị trường, theo Savills.

Với sự nổi tiếng vốn có, các thương hiệu đình đám trong phân khúc sản phẩm xa xỉ không gặp nhiều khó khăn khi gia nhập thị trường bất động sản. Thêm vào đó, số lượng triệu phú, tỷ phú trên thế giới tăng từng ngày đang khiến cho các non-hotelier nóng lòng. Báo cáo tài sản toàn cầu hàng năm của ngân hàng Credit Suisse cho biết có tổng cộng 56,1 triệu người trên toàn cầu có tài sản hơn 1 triệu USD trong năm 2020, tăng 24% so với năm 2019, con số này đã chiếm hơn 1% dân số thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Savills, đến năm 2026 thế giới có hơn 900 dự án bất động sản hàng hiệu, một con số tăng gần gấp đôi so với hiện tại.

“Vũ khí” của các thương hiệu xa xỉ

Hàng hiệu đã làm nên một làn sóng phong cách sống mới, từ các lĩnh vực phổ biến nhất, được sử dụng hàng ngày như thời trang với các thương hiệu như Louis Vuitton, Gucci, Chanel, ELIE SAAB… siêu xe Mercedes, BMW, Rolls-Royce, Bugatti,… cho đến các lĩnh vực ít phổ biến hơn như nội thất: Henredon, Restoration Hardware, Edra, Poliform,v.v…

Dù có mức giá đắt đỏ nhưng những thương hiệu này có những “vũ khí” riêng để luôn được săn đón, khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả, thậm chí trả mức giá cao hơn để nhanh chóng sở hữu được nó.

“Vũ khí” đầu tiên phải kể đến đó là sự độc bản trong thiết kế, để thu hút được sự quan tâm của giới siêu giàu và có gu nghệ thuật, các thương hiệu xa xỉ đều có thiết kế độc lạ, mang dấu ấn và đặc trưng của thương hiệu, được “may đo” theo chuẩn mực cao nhất, với sự tỉ mỉ và chỉn chu trong việc lựa chọn chất liệu, thiết kế cũng như gia công sản phẩm. Tinh thần này luôn được các thương hiệu xa xỉ mang vào tất các các sản phẩm của họ kèm theo các dịch vụ chăm sóc đặc quyền dành cho khách hàng.

Bên cạnh đó, sự khan hiếm và số lượng giới hạn chính là “vũ khí” mạnh nhất của các thương hiệu này, khẳng định giá trị bền vững và gia tăng theo thời gian. Điển hình như chiếc Vespa 946 Christian Dior mới đây đã khuấy động thị trường với mức giá hơn 700 triệu đồng với số lượng chào bán giới hạn chỉ 33 chiếc tại Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn giá sang tay của chiếc xe này lên tới mức 2 tỷ đồng bởi nhu cầu gia tăng vượt mức của khách hàng. Hay chiếc túi Hermès Birkin biểu tượng của những sản phẩm xa xỉ và đắt đỏ nhất thế giới, đây là món phụ kiện độc quyền thậm chí còn được một số người coi là một khoản đầu tư tốt hơn vàng hoặc thị trường chứng khoán bởi số lượng giới hạn trên toàn cầu, chiếc túi huyền thoại này có giá lên đến 1,4 triệu đô với phiên bản giới hạn từ NTK Ginza Tanaka.

Sự khan hiếm và độc bản tạo nên giá trị của Bất động sản hàng hiệu

Tương tự, các dự án Bất động sản mang thương hiệu phong cách sống (non-hotelier) cũng thừa hưởng những “vũ khí” đó. Những tín đồ thời trang chính hiệu hay giới siêu giàu luôn thích mọi thứ trên người của mình đều là hàng hiệu độc bản và giới hạn. Một căn hộ mang thương hiệu của hãng thời trang yêu thích sẽ là một món đồ quan trọng không thể thiếu trong bộ sưu tập hàng hiệu của họ. Armani, ELIE SAAB, Missoni, Versace đã sớm nhận ra điều này.

Dấu ấn của những chiếc váy Haute Couture lãng mạn với đường nét hoa văn thanh tao của ELIE SAAB vốn xuất hiện tại Tuần lễ thời trang Paris, các thảm đỏ danh tiếng cũng đã góp mặt tại các dự án Bất động sản hàng hiệu của ông. Các chủ nhân giờ đây sẽ có thể chiêm ngưỡng những tuyệt tác đó ngay trong căn nhà của mình. Các dự án của ELIE SAAB tạo ra đều theo tiêu chuẩn cao nhất của thời trang Haute Couture, từ công đoạn lựa chọn vật liệu cho đến thi công hoàn thiện, được chế tác thủ công từ những nghệ nhân bậc thầy với số lượng cực kỳ giới hạn.

Bên trong dinh thự The Rivus của Elie Saab, dự án “non-hotelier” đầu tiên tại Việt Nam

Sau Dubai với sự bùng nổ của các thương hiệu non-hotelier, gần đây nhất, ELIE SAAB hợp tác cùng Masterise Homes phát triển dự án dinh thự hàng hiệu The Rivus – đánh dấu sự gia nhập lần đầu tiên của non-hotelier tại Việt Nam. Số lượng khan hiếm của các dự án dinh thự ELIE SAAB trên toàn thế giới cũng chính là sự bảo chứng cho giá trị gia tăng bền vững của loại hình bất động sản hàng hiệu này.

Tương tự như một chiếc túi hiệu, xe hiệu, bất động sản hàng hiệu còn có thể là một món đầu tư sinh lời hấp dẫn với tiềm năng phát triển của các thương hiệu non-hotelier trong tương lai.


From the same category