Trong cuốn sách ”Nokia đang thay đổi: Sức mạnh của sự lạc quan hoang tưởng dẫn dắt tới sự thay đổi lớn lao” (*) của mình, ông Risto Siilasmaa đã kể lại trường thiên tiểu thuyết hấp dẫn về cách Nokia bị đánh bật khỏi ngành kinh doanh điện thoại di động mà nó từng thống trị, và phải tự đổi mới như thế nào.
Khi Apple tung ra iPhone năm 2007, Nokia ban đầu chỉ coi công ty này là một đối thủ cạnh tranh tại thị trường ngách, và mức giá cao ngất mà Apple đưa ra sẽ chỉ thu hút một lát nhỏ trong thị trường.
Xét cho cùng, những chiếc điện thoại của Nokia dường như có mọi đặc điểm hấp dẫn cần thiết để thành công. Người dùng có thể tải nhạc và nghe radio; họ có thể sử dụng điện thoại của mình để chụp ảnh và quay video; họ có thể gửi và nhận email, thậm chí là dùng bản đồ.
Ông Siilasmaa đã có chỗ ngồi ở hàng ghế đầu tiên để theo dõi vở kịch diễn ra từ khi ông gia nhập công ty, nhưng ông lại có rất ít sức ảnh hưởng thực tế.
Ông giải thích rằng, các thành viên ban giám đốc chỉ được tiếp cận một cách giới hạn với một lượng giới hạn các thông tin quan trọng về công ty. Tuy nhiên, với nền tảng kiến thức về phần mềm của mình, ông đã nhanh chóng nhận ra vấn đề lớn của Nokia.
Các thiết bị của công ty có thể cạnh tranh với iPhone về mặt máy móc, nhưng hệ điều hành thì không thể. Đối với người dùng, hệ điều hành Symbian của Nokia quá rườm rà, vì nó bắt họ phải gửi xác nhận mỗi khi có bất kỳ chức năng mới nào được thêm vào điện thoại.
Nokia cũng có một loạt các thiết bị với những yêu cầu điều hành khác nhau – điều đó khiến các nhà phát triển ứng dụng khó mà tùy chỉnh được các dịch vụ của họ.
Ngược lại, Apple chỉ có một nền tảng duy nhất và đã được hưởng lợi từ việc có thể thiết kế được nguyên một hệ thống từ con số 0.
Ngày càng lo ngại về các vấn đề này, ông Siilasmaa đã lập một tài liệu chiến lược đề nghị công ty cân nhắc việc đưa hệ điều hành Android, khi đó đang nhanh chóng chiếm được thị phần, vào các mẫu điện thoại của họ. Ông đã gửi bản chiến lược này tới thẳng cho chủ tịch Jorma Ollila của Nokia.
Mọi vở kịch hay đều cần một vai phản diện, và cuốn sách của ông Siilasmaa đã chọn ông Ollila vào vai đó.
Trước khi trở thành chủ tịch, ông đã giữ chức giám đốc điều hành Nokia từ năm 1992 đến năm 2006. Đây cũng là giai đoạn nổi lên thống trị của Nokia. Ông dường như không đánh giá cao việc một giám đốc không điều hành lại đưa ra lời khuyên cho mình.
Ông Siilasmaa viết: “…với một chủ tịch có miệng lưỡi cay nghiệt và nhạy cảm với sự phê bình nắm quyền kiểm soát và có ý định duy trì quyền lực sắt, việc đặt ra những câu hỏi cũng không khác sự chống đối cho lắm.”
Ông thử thêm một lần nữa – lần này bản chiến lược được gửi cho giám đốc điều hành và các thành viên khác trong ban giám đốc, nhưng những mối quan ngại của ông không bao giờ được nêu ra tại các cuộc họp.
Ông Ollila, năm nay đã 68 tuổi, nói rằng những khẳng định của ông Siilasmaa là phóng đại và không đúng sự thật. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Nokia đã suy giảm mạnh trong những năm cuối mà ông Ollila nắm quyền, và ông đã không làm được gì để ngăn chặn điều đó.
Đúng là công ty đã hợp tác với Microsoft để cho ra mắt Lumia, dòng điện thoại dùng hệ điều hành Windows. Nhưng tới năm 2012, khi ông Ollila rời ban giám đốc, giá trị thị trường của Nokia đã giảm tới 92% tính từ khi Apple ra mắt iPhone và công ty liên tục thua lỗ.
Kẻ chống đối sau đó buộc phải di chuyển ra giữa sân khấu. Ông Siilasmaa trở thành chủ tịch mới trong bối cảnh vận may của công ty đã chạm đáy. Tin tức thì trở nên tồi tệ hơn: điện thoại Lumia nhận được đánh giá tốt, nhưng đã thất bại trong cuộc chiến giành thị phần.
Thế nên, ông Siilasmaa đã hành động. Năm 2013, Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft và tấn công sang hướng khác. Công ty mua lại cổ phần của Siemens trong một liên doanh gọi là nsn và mua lại Alcatel-Lucent.
Hiện nay, Nokia cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số “từ đầu đến cuối,” các thiết bị mạng và phần mềm cho các nhà khai thác viễn thông.
Ngành kinh doanh này có mang về lợi nhuận, nhưng giá cổ phiếu của Nokia gần như chẳng có sự thay đổi gì trong vòng 5 năm qua, và thành công trong tương lai đang phụ thuộc vào làn sóng chi tiêu cho các mạng viễn thông 5G, một điều sẽ không nhanh chóng xảy ra.
Nokia đã trở thành một ví dụ kinh điển về những hiểm họa mà sự siêu đổi mới mang lại cho các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp.
Câu chuyện của ông Siilasmaa nhấn mạnh vào tầm ảnh hưởng ít ỏi của các thành viên ban giám đốc khi họ phải đối mặt với một đội ngũ quản trị chỉ biết cố thủ một chỗ.
Ông khẳng định rằng vai trò của ban giám đốc phải là thách thức đội ngũ quản trị. Các ông chủ phải có thái độ “lạc quan hoang tưởng,” và phải luôn đề phòng các mối đe dọa tiềm năng. Câu chuyện của Nokia cho thấy lý do tại sao họ phải như vậy.
(*) Tựa gốc của sách: Transforming Nokia: The Power of Paranoid Optimism to Lead Through Colossal Change”