– Không thấy anh trên hàng ghế giám khảo “Bước nhảy hoàn vũ” (BNHV) tối qua, tự dưng lại thấy… “nhơ nhớ”! Áy náy thì đúng hơn, cứ như dư luận vừa làm một việc gì đấy hơi quá, không phải…
– Vậy ra chị vẫn nghĩ rằng tôi rời BNHV là vì sức ép dư luận? Ố ồ! Nên nhớ là cho đến tận ngày hôm qua, bên Ban tổ chức (BTC) còn gọi điện cho tôi để cập nhật tình hình sức khỏe của tôi và hy vọng tôi sẽ chóng hồi phục để kịp sớm quay lại BNHV trước khi nó kết thúc…
– Anh có nghĩ họ đang “xã giao” không?
– Không ai đi “xã giao” bằng những lời mời tha thiết đến thế cả, khi mà tôi đâu phải là một “thế lực” đối với họ! Họ có quyền mời nhiều người khác mà!
– Cái này gọi là “chết vì cả nể” rồi đây!
– Đúng là dễ phải có đến 70 – 80% là yếu tố tình cảm ở đây. Nhưng quả thật, trước khi quyết định nhận lời, bao giờ tôi cũng cân nhắc rất kỹ xem lời mời ấy tha thiết đến đâu, họ cần mình ở mức độ nào và mình có thể đảm đương được vị trí đó hay không…
– Vậy tới lúc này anh đã có câu trả lời cho mình chưa?
– Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến BTC mời tôi chính là vì họ cần ở tôi không chỉ một vị giám khảo có chuyên môn về âm nhạc mà còn là một vị cố vấn có thể đưa ra những góp ý cho ban nhạc, cho thí sinh… trong quá trình dàn dựng tiết mục và luyện tập. Và cái vai trò “đứng sau” kia mới là quan trọng và là nơi tôi đóng góp được nhiều hơn cả cho BNHV. Còn việc lên sóng nói dăm câu ba điều kia, tôi cho chỉ là việc phụ.
– Vậy, có lúc nào anh nghĩ anh đã đứng nhầm chỗ không, hoặc ít nhất, BTC đã nhìn nhầm? Rằng, chỗ của một người (vẻ như) không lợi khẩu cho lắm, trong một show truyền hình thực tế, thì tốt nhất là… hậu trường?
– Thì vẫn thường là thế mà, công việc của tôi xưa nay vẫn luôn là người “đứng sau”. Chỉ duy nhất lần này là nhà tổ chức cần tôi “bao sân trọn gói”, trong tư cách một nhà cố vấn. Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ mình là người kém lợi khẩu, lại càng không phải là một người nhút nhát và dễ dàng bị “khớp” trước đám đông, khi mà đã từng có 12 năm giảng dạy. Chỉ có điều, tôi vốn dĩ không phải là kẻ lắm lời nên chỉ muốn nói cốt sao cho vừa đủ mà thôi, bằng những từ đơn giản nhất có thể!
– Nhưng để được thiên hạ coi là “đủ” khó lắm anh ơi – như anh đã biết! Thực ra thì có thể chỉ là vì họ đã quá yêu mến một Quốc Bảo mượt mà và trôi chảy của ca từ!
– Và bây giờ họ muốn anh ta cũng phải tiếp tục nói những lời hoa mỹ ấy từ hàng ghế giám khảo BNHV? Chẳng phải có khoảng cách giữa văn viết và văn nói sao? Nói thật, ngồi ở đấy mà nói những từ mướt mát văn hoa, tôi thấy nó kỳ lắm!
– Đã đành là thế, hẳn rồi! Nhưng quả thật là, ít nhiều, tôi vẫn thấy ngỡ ngàng trước một Quốc Bảo sao lại vẻ như khó khăn đến thế trong khi sở hữu một vốn từ mênh mông đến thế!
– Hai chuyện đó khác nhau. Với văn nói, tôi thực lòng muốn tìm cách “hãm” bớt vốn từ của mình sao cho nó đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, nghiêm ngắn nhất, lịch sự nhất, đủ để không làm “bẩn sóng” của nhà đài và khả dĩ giúp ích được cho thí sinh. Bằng không, nó dễ thành “cải lương” lắm, nếu cứ hoa hòe hoa sói.
Hơn nữa, trong khi diễn đạt ý, bao giờ cũng có những tầng nghĩa ngầm bên dưới, nó gợi ra một điều gì đó xa hơn lớp vỏ ngôn từ, và nó gây ảnh hưởng đến thí sinh. Khen hay chê, cũng vì quyền lợi thí sinh. Khen thì dễ rồi, còn chê, phải nói sao cho lịch sự đàng hoàng, không thô lỗ. Tôi hướng trực tiếp đến thí sinh, không nói khơi khơi với đám đông.
– Anh có nghĩ mình hơi bảo thủ không? Chẳng nhẽ các comment vừa qua không làm anh suy nghĩ gì sao?
– Tôi thấy lúc này người ta hay nói đến “quyền lực của comment”. Tôi thì lại không muốn dùng từ “quyền lực” ở đây vì tôi đâu có quan tâm đến nó. Hay đúng hơn, nó (có thể) là quyền của họ, chứ không thể là một thứ quyền lực đối với tôi! Lúc này, giờ này, tôi có phải là một thằng bé trong cái làng này nữa đâu mà lại phải “yếu bóng vía” đến thế?
– Nhưng biết đâu, chính bởi vì không phải là “thằng bé”, mà mình mới càng cần phải giữ gìn hình ảnh hơn?
– À giữ gìn hình ảnh nghĩa là phải đóng tuồng cải lương? Cũng cần phải phân biệt rõ ràng khái niệm công chúng ở đây, thay vì đưa ra một khái niệm “chung chung”, “co giãn”. Đám đông thì chín người mười ý, biết đâu mà lần! Thế nên, tôi nghĩ, mình chỉ thuộc về những công chúng của mình trong những dự án âm nhạc của mình, chứ ở đây tôi là cái anh “đánh thuê” cơ mà, đâu phải là dự án của tôi, tôi làm tốt hợp đồng với nhà tổ chức, xong.
– Ô, vậy khi đi “làm thuê”, anh không nghĩ gì đến chuyện “được – mất” sao?
– Tôi quan tâm nhiều hơn đến cái người ta nhận được từ mình, sau những gì mình nhận được từ họ. Và vì vậy sự bằng lòng của nhà tổ chức, sự tiến bộ của thí sinh, trong đó ít nhiều có sự đóng góp của mình (không chỉ lúc ngồi ghế giám khảo mà nhiều hơn cả là lúc ở hậu trường) – đó mới là cái “được” mà tôi quan tâm hơn cả.
– Vậy anh có tính trở lại BNHV nữa không? Người bảo anh rút hẳn, người bảo anh chỉ tạm dừng, thế là sao?
– Bác sĩ thì họ khuyên tôi là cần phải tránh di chuyển và kiêng ánh sáng mạnh trong khoảng hơn hai tháng, dù tình trạng bệnh chưa đến mức phải phẫu thuật. Tăng nhãn áp không phải chuyện hiếm, cũng tùy người mà bệnh có trở nặng thành thiên đầu thống hay ta vẫn sống chung được với nó. Thế nên, mặc dù BTC vẫn để “cửa ngỏ” để đợi tôi về, nhưng tôi vẫn e rằng nếu đúng là hai tháng – như lời khuyên của bác sĩ – thì chắc là không kịp để tôi quay lại: giữa tháng 6 là đã kết thức BNHV rồi còn gì!
– Vẻ như “trùng khớp” quá nhỉ: dư luận la ó, và anh kêu bị bệnh? “Rút lui trong danh dự” sao?
– Tôi chả làm gì mất danh dự để mà phải “rút lui trong danh dự” cả! Bệnh tình trời kêu ai nấy dạ thôi, có sao nói vậy, chứ tôi việc gì phải viện cớ?
– Chí Anh nói rằng “Khán giả đã quá khắt khe” với anh! Không chừng còn tệ hơn là chứng “tăng nhãn áp”, là chứng “tăng… thính áp” đấy nhỉ?
– Chí Anh thật tốt đối với tôi, nhưng thôi, để ý làm gì, việc mình mình làm! Và đã làm thì phải tập trung cao độ vào việc chính, hơi đâu đi để ý ba cái chuyện ngoài lề. Còn thì khắt khe, đấy là việc của khán giả. Nên tôi chả quan tâm, cũng chả trách gì họ!
– Vì thực ra là họ có quyền?
– Đúng rồi, đương nhiên bình phẩm là quyền của họ, và chuyện đó là hiển nhiên trong thời đại của mạng cộng đồng, miễn nó không vượt quá khả năng nhận thức của họ và họ kịp suy nghĩ trước khi phát biểu – mong là thế! Đúng là khi đứng ngoài, tôi cũng từng là một khán giả rất khắt khe, nhưng phải khi nhập cuộc, tôi mới thấy hết cái khó khăn của những người thực hiện một chương trình truyền hình thực tế nó “kinh khủng” thế nào, nếu như muốn làm cho nó lôi cuốn…
– Quốc Trung từng thông cảm với giám khảo Got Talent rằng: “Thí sinh thiếu muối (ở chặng đầu) thì làm sao giám khảo mặn được”. Anh có nghĩ sở dĩ Quốc Bảo không “mặn”, có thể một phần cũng là do “mẻ lưới” của BNHV năm nay ít “cá to”?
– Tôi thực sự không muốn “đổ lỗi” cho ai trong chuyện này theo cách đấy. Nhưng điều Quốc Trung nói, tôi nghĩ, không phải là không có lý. Vì nói gì thì nói, chất lượng thí sinh chắc chắn là ít nhiều ảnh hưởng đến cảm hứng của giám khảo – điều đó là đương nhiên chứ! Thực tế là có những tiết mục xem xong, chúng tôi không biết “comment” kiểu gì. Có những tiết mục khi tập thì rất ổn, vậy mà khi lên sàn lại chẳng có gì để xem, lạ thế! Dàn thí sinh của BNHV năm nay, tôi thấy, tất thảy họ đều nỗ lực hết sức nhưng để tìm được một người có bản năng nhảy múa đậm đà đến nhuần nhị như Ngô Thanh Vân hay kể cả như Thu Minh ở mùa trước, thì quả tình là tôi chưa nhìn thấy ai, trong cả 10 người. Chất lượng âm thanh, cách chơi của ban nhạc cũng gây hứng hoặc làm mất hứng dễ dàng.
– Kể cả Minh Hằng?
– Kể cả Minh Hằng. Nhưng tất nhiên, tôi vẫn tin khả năng về nhất của cô ấy, với điều kiện phải giữ được phong độ. Ngoài ra, tôi cũng rất yêu khát vọng chiến thắng ở Vân Trang nhưng tiếc là đêm qua, cô ấy đã phải dừng bước.
– Không còn gặp anh ở BNHV, vậy khán giả có thể gặp lại anh ở đâu?
– Ở… văn viết, nếu như đó là điều họ thích. Không lâu nữa đâu, vì khoảng giữa tháng 6 này, tôi sẽ lại ra một tập sách nữa. Lần này là ký chân dung, tựa là “Những cái tên, những mặt người”. Cùng lúc đó, sẽ là một album gồm toàn những ca khúc mới của tôi …
– Rõ là anh làm tôi thở phào rồi nhé! Cảm ơn anh!