Những cảnh báo và nghi ngờ về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải bây giờ mới có. Đã luôn xuất hiện những số liệu khác nhau giữa báo cáo của các ngân hàng thương mại và tính toán mang tính cảnh báo của các tổ chức quốc tế. Điều đó đã phần nào cho thấy lịch sử của nợ xấu với tất cả những vấn đề phức tạp và nhạy cảm của nó.
Nói về điều này, một chuyên gia từng tham gia cơ quan quản lý ngân hàng và cả cơ quan giám sát về tài chính nói, những năm trước đây tín dụng luôn tăng trưởng trên 30% thậm chí có năm đến khoảng 50%. Có những ngân hàng liên tiếp nhiều năm tăng trưởng tín dụng ở trên dưới 40%… với thực tế đó không làm nảy sinh nợ xấu mới là chuyện lạ.
Thực tế, trong những lần nói về nợ xấu trước đây, vị chuyên gia này đã cảnh báo trên các diễn đàn và cả những báo cáo tư vấn về thời điểm vấn đề này phát lộ, uy hiếp các ngân hàng và tác động cả nền kinh tế. Mở rộng hơn, ông đã cảnh báo về sự dễ dãi và kém hiệu quả của đồng vốn dẫn đến chất lượng tín dụng thấp sẽ đến lúc phải trả giá.
Tuy nhiên, nhưng năm trước đây những cảnh báo đó xem ra còn quá xa vời, nó bị che lấp bởi những thành quả tăng trưởng kinh tế cao, DN và ngân hàng vẫn kiếm được lợi nhuận lớn.
Nhưng khi nền kinh tế tải qua những thời điểm khó khăn, nhất là từ năm 2008 đến nay thì nguy cơ được cảnh báo trên đã lộ diện khi nợ xấu liên tục tăng cao, tốc độ tăng nợ xấu lên đến mấy chục phần trăm một năm. Cho đến năm nay, thì vấn đề nợ xấu càng trở nên trầm trọng và nó không còn là vấn đề của riêng ngành ngân hàng mà của cả DN và nên kinh tế.
Nói cách khác, nợ xấu là một “di sản” của nhiều năm để lại, và đây chỉ là thời điểm nó lộ diện buộc chúng ta phải đối diện.
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu đã được đề cập rất nhiều, bên cạnh việc mổ xẻ các nguyên nhân và quy trách nhiệm đối với các khoản nợ xấu thì tất cả các ý kiến đều chung quan điểm: đây là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế cần phải xử lý nhanh và hiệu quả nhất.
Theo phân tích từ các chuyên gia Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ xấu đến từ rất nhiều nguồn. Trước hết, đó là nợ xấu trong bất động sản (BĐS) do hệ lụy của một quá trình phát triển nóng, tràn lan và giá nhà đất “bong bóng” của lĩnh vực này. Đáng lưu ý, bên cạnh khoản cho BĐS thì còn nhiều khoản vay khác được thế chấp bằng BĐS hay liên quan đến BĐS cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc sụt giảm của thị trường nhà đất.
Nợ xấu cũng đến từ khoản cho vay sản xuất kinh doanh. DN vay tiền sản xuất, nhưng đầu ra khó khăn, hàng tồn kho cao, vốn đọng… DN không có tiền trả ngân hàng, gây ra nợ xấu.
Bên cạnh đó, cùng không thể bỏ quan khoản nợ đến từ nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Các nhà thầu vay tiền để ứng vốn thi công, không được thanh toán đúng hạn, công trình bị dừng ngang chưa thể quyết toán… khiến cho khoản nợ này tăng lên và đến nay đến trên 90 ngàn tỷ là một con số không hề nhỏ.
Nhìn từ đây để thấy, ngân hàng đang chịu sức ép từ nợ xấu nhưng xử lý nợ xấu không chỉ vì hệ thống ngân hàng mà còn tháo gỡ những vướng mắc cho DN và tắc ngẽn của cả nền kinh tế. Quan hệ tín dụng là giữa ngân hàng và DN, nợ xấu liên quan trực tiếp đến hai đối tượng này là họ phải trực tiếp giải quyết. Nhưng bên cạnh đó cũng cần vào cuộc của các cơ quan quản lý, Chính phủ để sớm khai thông một trong những bế tắc, nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế.
Hiện nay, bên cạnh việc tập trung xử lý nợ xấu như một yêu cầu nghiệp vụ thường xuyên và cấp bách nhất thì Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Đề án về Công ty mua bán nợ với mục tiêu lớn nhất là tập trung xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác đang vào cuộc để giải cứu BĐS để gỡ khoản nợ xấu lớn nhất đang nằm trong khu vực này.
Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Công thương, Bộ Tài chính đang tích cực có các biện pháp để hỗ trợ DN bán hàng, khôi phục sản xuất nhằm giải phóng lượng hàng tồn khó, xoay vòng đồng vốn trả ngân hàng.
Mới đây, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các bộ ngành và địa phương có biện pháp xử lý sớm nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Động thái trên đây cho thấy, việc xử lý nợ xấu đã và đang được khởi động đồng bộ. Vấn đề còn lại là phải thực thi một cách nhanh chóng và quyết liệt nhất. Tránh tình trạng chậm trễ như đã xảy ra với đề án 9.000 tỷ hỗ trợ con cá tra như đã xảy ra.
Chúng ta cũng cảm nhận được sự sốt ruột của nhiều người đối với vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, với một “di sản” để lại từ nhiều năm, ẩn chứa trong nó rất nhiều vấn đề phức tạp thì rất cần nhanh cũng không thể vội được. Điều quan trọng là phải xử lý được từ gốc và xử lý nhanh nhưng vẫn đảm bảo được sự ổn định của hệ thống ngân hàng, duy trì sản xuất kinh doanh của DN…
Từ câu chuyện của vàng thời gian qua cho thấy những biến động về chính sách liên quan đến tiền tệ, ngân hàng sẽ có tác động lớn đến toàn bộ thị trường. Chỉ riêng việc chấm dứt huy động vàng đã kéo theo nhiều hệ lụy về giá cả, biến động thị trường, thanh khoản các ngân hàng.
Với nợ xấu, những ảnh hưởng của nó lớn hơn thì càng phải thận trọng hơn khi liên quan đến số phận của DN, ngân hàng cả những lĩnh vực lớn như BĐS. Vì thế, đòi hỏi phải có chiến lược đúng đắn và những bước đi khôn ngoan, không vội vàng để tránh gây thêm những tổn thương không đáng có đối một nền kinh tế vốn đã yếu đi nhiều trong khó khăn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có niềm tin về cơ sở để xử lý nợ xấu khi quy mô nợ xấu hiện hơn 8% nhưng các ngân hàng đã trích lập dự phòng hơn 70 ngàn tỷ đồng. 84% khoản nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản với giá trị bằng 130% khoản nợ xấu đó.. Điều này, cộng với các bước đi căn cơ để xử lý nợ xấu như trên đã có chúng ta cơ sở để xử lý hiệu quả ‘di sản” nợ xấu hiệu quả.
Theo Vietnamnet