Nói và làm: Sáng tạo, nỗi buồn kinh tế tri thức Việt Nam

Điều này dường như tương đồng với thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Và trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, sự sáng tạo và kinh tế tri thức đang có vai trò như thế nào?

Mô hình tăng hết cỡ “hết ga”

Năm 1986, khi nền kinh tế bị dồn vào chân tường, bản năng tồn tại mách bảo, chúng ta buộc phải thay đổi mô hình phát triển. Theo đó, là sự thừa nhận nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Lộ trình đổi mới đã “cởi trói” để một nền kinh tế cực kỳ khó khăn vụt lớn lên trở thành một hiện tượng của cả thế giới khi liên tục tăng trưởng trong nhiều năm liền và đạt được nhiều thành tựu tựu lớn.

Đến năm 2011, GDP của Việt Nam đạt tới 1.250 USD. Đó là thành tựu của 25 năm mở cửa để cho sức sống, bản năng phát triển của dân tộc trỗi dậy. Đây được coi là thành tựu của những đột phá về tư duy và chính sách.

Cánh cửa “đổi mới” mở ra, nội lực được khởi dậy, tri thức nhân loại ùa vào, theo đó là những thành tựu của nhân loại về tri thức, về khoa học được chuyển giao vào cuộc sống. Nhờ đó, tiềm năng của đất nước được phát huy. Nguồn nhân lực đông đảo có việc làm, những tài nguyên được đánh thức… Sự ra đời của hàng ngàn doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhiều thành tựu kinh tế lớn được cả thế giới thừa nhận… Nền kinh tế Việt Nam đã dần có được một vị thế đang kể trên khu vực và thế giới đã chứng minh điều đó.

Điều đó có thể hình dung như một đứa trẻ do bó buộc nên chỉ nặng 10kg, khi được tạo không gian rộng hơn để phát triển thì sau 25 năm, đứa trẻ đó đã là một chàng thanh niên nặng 50 kg.

Tuy nhiên, điều chúng ta cần suy ngẫm, cũng với thời gian ấy, với một đứa trẻ có được môi trường tốt hơn, một chế độ chăm sóc cao hơn thì sau 25 năm phải là chàng thanh niên nặng 70 kg và không những thế còn được trang bị những kỹ năng và tri thức để tự tin vào đời.

Mới đây, Global Finance – một tạp chí uy tín của Mỹ khi nói về mức sống đã xếp Việt Nam vào thứ 129. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam theo sức mua là 3.104 USD/năm. Với thứ hạng như vậy, Việt Nam được coi là nước khá giả hơn một số nước ở châu Phi cận Sahara. Với các nước trong khu vực, VN khá giả hơn Lào và Campuchia.

Đó là nói về thứ hạng theo cách nhìn của Global Finance, còn theo ông Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Công Thương cho rằng, khi đánh giá về trình độ kinh tế của một quốc gia, người ta thường xem, nước đó sản xuất ra cái gì và cung cấp cho thế giới sản phẩm nào, giá trị gia tăng ra sao. Theo đó, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phân chia thành hai nhóm: Thứ nhất là tài nguyên như: dầu thô (khoảng 8 tỷ USD) than đá (khoảng 1,5 tỷ USD; số liệu năm 2011). Nhóm thứ hai là hàng gia công như: Dệt may (13,8 tỷ USD; giày da (6,5 tỷ USD) thuỷ sản (khoảng 5 tỷ USD);  gạo (khoảng 4 tỷ USD) cao su đạt 2,32 tỷ USD …

Một trong những mặt hàng “xuất khẩu” khá quan trọng nữa của VN là lao động. Theo số liệu của Bộ Lao động thương binh xã hội, VN hiện có khoảng nửa triệu người làm việc ở nước ngoài. Chủ yếu là các lĩnh vực lao động giản đơn như thợ cơ khí, xây dựng, người giúp việc, dọn vệ sinh…

Tri thức: Động lực tăng trưởng mới

Nhìn tổng thể, nền kinh tế VN vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ mạt, ít được đào tạo và hiện đang làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. VN vẫn là nước có năng suất lao động ở mức quá thấp. Với thế giới, năng suất lao động được đánh giá là thước đo của hệ thống chính sách, động lực chính của sự tăng trưởng bền vững.

Có thể lấy ngành Dệt may là một ví dụ. Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may, hiện có hơn 2 triệu lao động làm việc trong ngành này. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2011 đạt 13,8 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ đạt 1.340 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD, xấp xỉ 0,44%.

Cùng với dệt may, là dày da, nông lâm thuỷ sản… trong những năm qua, Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 25%/năm, nhưng sự tăng trưởng kim ngạch đều dựa vào giá trị gia công là chủ yếu, nên chỉ giải quyết được vấn đề việc làm với mức thu nhập trung bình mà không tạo ra được những tên tuổi thương hiệu vượt ra ngoài biên giới quốc gia, cũng không tạo ra được sự liên kết giữa các nhóm ngành xuất khẩu.

Để chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng mới không thể chỉ dựa vào sức sống bản năng và những yếu tố có sẵn. Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập niên vẫn không trở thành quốc gia phát triển.

Khi đang thực sự nghèo, quốc gia đó có thể biến chính cái nghèo thành lợi thế. Nhân công giá rẻ làm cho một nền kinh tế có thu nhập thấp cạnh tranh trong sản xuất sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, mô hình đó cuối cùng không tăng trưởng được nữa. Khi thu nhập tăng, chi phí tăng, các ngành công nghiệp sản xuất cũ kỹ, công nghệ thấp mất khả năng cạnh tranh. Các quốc gia sau đó phải chuyển “chuỗi giá trị” sang xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn.

Nhưng ngay cả như thế cũng không đủ để tránh bẫy. Để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế cần đổi mới và sử dụng lao động cũng như nguồn vốn hiệu quả hơn. Điều đó đòi hỏi một mô hình hoàn toàn khác trong kinh doanh. Thay vì chỉ lắp ráp các sản phẩm được thiết kế bởi những nước khác, với công nghệ nhập khẩu, các công ty phải chủ động đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, sử dụng lao động có tay nghề cao để chuyển hóa những khoản đầu tư thành sản phẩm mới và lợi nhuận cao hơn.

Mới đây, trong một lần ngồi với một người người Mỹ ở Hà Nội, nhìn ra ngoài là những chiếc xe hơi sang trọng, biển số đẹp. Chỉ vào một chiếc Lexus tôi bảo anh, nước Mỹ được coi là khởi phát của ngành công nghiệp ô tô, nhưng lại phải nhập khẩu xe hơi của Nhật Bản, phải chăng, vì thế mà kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái? Đó cũng là biểu hiện của sự già cỗi?

Ông trả lời rằng, trong chiếc xe hơi đó, người Nhật thu lợi được bao nhiêu, người Mỹ thu được bao nhiêu? Rồi anh giải thích: xe do người Nhật chế tạo, nhưng, những công nghệ cơ bản vẫn là phát minh của người Mỹ. Từ hệ thống máy cái đến các thiết bị định vị trên xe, công nghệ 3G, 4G trang bị trên xe đều là của người Mỹ. Nhà sản xuất đang phải trả bản quyền cho người Mỹ trong từng sản phẩm. Càng nhiều xe hơi ra đời, thu nhập chuyển về Mỹ càng lớn!

Chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng dẫu có suy thoái thì nước Mỹ vẫn đang được đánh giá là nền kinh tế số 1 thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với thứ hạng nằm trong top 10 các nước dẫn đầu về chỉ số sáng tạo toàn cầu năm 2012.

Phan Thế Hải

Theo Vietnamnet


From the same category