Trong báo cáo mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cho rằng, dù hiện tượng CPI giảm 2 tháng vừa qua đáng quan tâm nhưng nhiều khả năng CPI sẽ tăng lại vào những tháng tới đây. Bản chất việc CPI giảm thấp trong thời gian qua, đặc biệt là giảm nhanh ở 2 tháng 6 và 7 không phải do chính sách tiền tệ mà là dựa nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Vì vậy, việc lạm phát giảm thấp sẽ chỉ mang tính tạm thời và có thể chính những yếu tố này sẽ tác động ngược lại đối với CPI trong thời gian tới.
Cơ quan giám sát này đã cảnh báo, trong bối cảnh này, nếu nới lỏng chính sách quá mức thì nguy cơ sẽ lại làm bùng nổ lạm phát vào những năm tiếp theo. Đây là điều tuyệt đối cần chú ý ở năm 2013.
Thế nhưng, trong những diễn biến mới đây về chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả… hầu hết đều theo xu hướng bơm thêm tiền, đẩy mạnh tín dụng và tăng giá thì hầu như tất cả đều có chung một quan điểm: không ảnh hưởng và không lo lạm phát tăng trở lại. Liệu đây có phải là một sự lạc quan tái quá hay là vẫn là một quan điểm điều hành theo mục tiêu ngắn hạn mà chúng ta vẫn thường thấy?
Để hỗ trợ và kích thích kinh tế, Chính phủ đang tăng đầu tư công trở lại sau thời kỳ siết chặt để chống lạm phát. Theo đó, ngoài việc giải ngân 20 ngàn tỷ nằm trong kế hoạch 2012 thì sẽ ứng trước 30.000 tỷ đồng của tài khóa năm 2013. Tính ra, trong nửa cuối năm nay mỗi tháng sẽ có khoảng 22.000 – 23.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân.
Đây là một lượng tiền khá lớn bơm ra trong thời gian còn lại của 2012. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng, sự dồi dào của dư địa vốn đầu tư công nên việc tăng vốn đầu tư sẽ không lo lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại cho rằng; nếu giải ngân chỉ để tăng trưởng GDP thì quá đơn giản. Việc giải ngân bao nhiêu cần phải căn cứ vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, việc giải ngân phải bảo đảm có hiệu quả, không nên đầu tư bằng mọi cách hết số tiền trên mà không đảm bảo tính hiệu quả thì lạm phát sẽ lại cao, tăng trưởng trì trệ, rồi lại giảm lạm phát, rồi lại kích thích tăng trưởng, vòng quay đấy sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp dưới 1% và gần như không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy nhanh lộ trình giảm lãi suất và dự kiến có thể sẽ hạ lãi suất tiếp; cùng với đó là hàng loạt biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng…
Tuy nhiên, trong khi đang tập trung cho đẩy mạnh tín dụng, dường như nguy cơ lạm phát do nới lỏng chính sách tiền tệ mà Việt Nam liên tiếp mắc phải trong thời gian qua đã không được nhắc đến.
Tính toán của chuyên gia từ Ủy ban giám sát tài chính cho thấy, nếu tín dụng từ nay đến cuối năm mỗi tháng tăng 1,5% (tương đương 6 tháng là 9%) thì tăng trưởng GDP của cả năm 2012 từ 5,3-5,4%. Với mức này, lạm phát 5 tháng sau đó từ 0,5-1% mỗi tháng. Nếu tín dụng là 2%/tháng thì 6 tháng, cuối năm sẽ là 12%, GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5-5,6%. Tuy nhiên, như vậy nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại 5 tháng sau đó.
Vấn đề đặt ra là, tăng trưởng tín dụng có thể là 17% nhưng nếu chia đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng chỉ là 12% nhưng lại chỉ trong 6 tháng thì vô cùng nguy hiểm, nền kinh tế không hấp thụ hết lượng tiền mặt dư thừa và như vậy lạm phát sẽ trở lại.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan này nhắc đến nguy cơ này, trước đó cơ quan giám sát tài chính đã nêu cảnh báo, mỗi khi lượng vốn trên 90 nghìn tỷ đồng/tháng được đưa vào nền kinh tế thì mức lạm phát 6 tháng sau đó đều trên 2%/tháng. Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn, các biện pháp tăng tổng cầu nền kinh tế cần được phân bổ với qui mô và liều lượng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tránh nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Trong hơn 1 tháng qua, khi điện tăng giá 5%, gas tăng giá hơn 20%, xăng hai lần tăng giá hơn 5%… nhưng tất cả các DN và cơ quan quản lý trực tiếp đều tuyên bố rằng: giá tăng không ảnh hưởng đến đời sống người dân và không gây lạm phát. Và dường như thế là đã đủ nên trong các thông tin và giải trình tăng giá các mặt hàng quan trọng gần đây người ta đã không còn đưa ra các tính toán về tác động của tăng giá lên hàng hóa và dịch vụ cụ thể cũng như lạm phát nói chung.
Tuy nhiên, dẫn lại một câu chuyện còn nóng hổi, các chuyên gia kinh tế cho thấy, năm 2008, khi kinh tế khó khăn, một chính sách kích cầu lớn đã được đưa ra trong cả năm tiếp theo nhằm lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian ngắn. Và hậu quả là lạm phát đã sớm quay trở lại hai con số. Năm 2010, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, chính sác tiền tệ được siết chặt trong những tháng đầu năm nhưng do sức ép tăng trưởng nên cuối năm đã nới ra và hậu quả là lạm phát đã tăng trở lại và trở nên trầm trọng trong 2011.
Trong các ngiên cứu về lạm phát và ngay cả lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ ra rằng, lạm phát có nguyên nhân lớn về tiền tệ, bên cạnh đó sức ép từ tăng giá hàng hóa đầu vào trên thế giới và trong nước cũng khiến lạm phát tăng mạnh hơn, gây khó khăn cho DN và nền kinh tế.
Thậm chí, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hầu hết các dự đoán về lạm phát để làm cơ sở cho điều hành chính sách của Việt Nam trong giai đoạn biến động vừa qua đều không chính xác. Vì thế, chúng ta luôn phải ở trong tình trạng bị động và ứng phó với lạm phát. Các chính sách về ổn định và tăng trưởng vẫn thường nóng ruột, theo đuổi mục tiêu ngắn hạn. Hậu quả dễ thấy là Việt Nam cứ quanh quẩn với bài toán: bơm tiền kích tăng trưởng rồi lại siết chặt để chống lạm phát. Điều này đã được đúc kết trong một quy luật “hai tăng một giảm”.
Thông thường, sự nới lỏng tài khóa, tiền tệ cộng với tăng giá ngoài những biểu hiện tức thì lên giả cả dịch vụ thì sự ảnh hưởng lâu dài của nó còn có một độ trễ khi các tác động con qua nhiều vòng thẩm thấu. Chính vì thế, cảnh báo lạm phát trong những tháng cuối năm và 2013 là không phải không có cơ sở. Cho nên, dù đang trong xu hướng CPI đi xuống nhưng điều đó không thể là một đảm bảo để nói: lạm phát không đáng lo.
Theo Vietnamnet