Nói và làm: Hạ lãi suất, tùy hứng ngân hàng - Tạp chí Đẹp

Nói và làm: Hạ lãi suất, tùy hứng ngân hàng

Tin Tức

Tuy nhiên sau niềm vui ngắn, nhiều người đã không khỏi nghi ngờ tính khả thi của nó. Bởi vì, dù là chỉ đạo của Thống đốc nhưng giảm hay không là quyền của các ngân hàng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa thì mấy ngày qua nhiều DN cho biết, ngay sau khi có thông tin trên họ đã liên hệ ngân hàng để hỏi về việc hạ lãi suất nhưng thực tế đa số các ngân hàng đều chưa có gì cụ thể, một số nơi đã tuyên bố nhưng để có được quyết định giảm lãi suất chắc còn phải chờ.

Theo các DN, việc hạ lãi suất nợ cũ về 15% đã không được cụ thể bằng các văn bản pháp luật mà đơn giản chỉ nằm trong Thông báo “Ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012” mà thôi.

Về cơ bản, tính hiệu lực pháp lý của văn bản này rất yếu vì vậy các ngân hàng thương mại không thực hiện thì khó mà làm gì được.

Cụ thể Thông báo viết: “Đánh giá, rà soát dư nợ các khoản vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15% để giúp các DN và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh”.

Vì thế, một chủ DN nói: với yêu cầu chung chung “xem xét điều chỉnh giảm lãi suất ” thì các ngân hàng hoàn toàn có thể hiểu việc có hạ lãi suất hay không vẫn thuộc quyền của họ. Bởi như vậy là không bắt buộc phải thực hiện. Hơn nữa, trước đến, bao nhiêu việc luật định, bắt buộc mà ngân hàng có thực hiện đâu mà hy vọng nhiều vào việc xem xét

Để có tính pháp lý cao, có lẽ NHNN cần phải ban hành một Thông tư và có hướng dẫn cụ thể như vậy các ngân hàng sẽ phải thực hiện. Nhưng ban hành Thông tư thì nó cũng chỉ có hiệu lực từ ngày ký chứ không có tính hồi tố cho thời điểm trước khi ban hành.

 

Hơn nữa, NHNN trước chỉ quy định trần huy động, không quy định trần cho vay, việc lãi suất cho vay bao nhiêu là thỏa thuận hợp đồng hai bên. Nay mà yêu cầu bắt buộc e cũng “phạm luật”.

Có lẽ vì vậy mới có thông báo thay cho thông tư. Tuy NHNN khẳng định sẽ yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo định kỳ về việc hạ lãi suất nhưng báo cáo có lẽ cũng chỉ để mà biết chứ khó có thể làm gì được nếu các ngân hàng thương mại không tuân lệnh. Nói tóm lại chỉ đạo trên cũng chỉ là kêu gọi và các ngân hàng có chia sẻ khó khăn với các khách hàng hay không thì còn tùy “hứng”.

Thực tế, với chỉ đạo như vậy thì chỉ có các NHTM quốc doanh là sẽ thực hiện bởi những ngân hàng này ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn có nhiệm vụ chính trị. Ngoài ra cũng sẽ có 1 số ngân hàng thương mại cổ phần có khả năng và muốn lấy lòng khách hàng, được tiếng với nhà quản lý còn còn các ngân hàng khác thì chưa biết ra sao.
Thực tế từ các hiệp hội, nhiều DN phản ánh khi có thông tin họ đã liên lạc với ngân hàng để hỏi thì nói cần phải chờ đợi. Đợi cái gì và đợi đến khi nào thì mỗi ngân hàng nói 1 cách chẳng giống nhau. Có nơi nói đợi hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, có nơi chỉ nói đơn giản là phải đợi mà thôi. Thậm chí có khách hàng được trả lời thẳng là không được giảm, còn lý do vì sao thì thì không giải thích rõ ràng.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có nhiều lý do để biện minh. Một số NHTMCP cho biết hạ lãi suất còn phải chờ ý kiến từ các cổ đông. Một số ngân hàng cũng cho biết các khoản cho vay tiêu dùng vốn rủi ro cao nên phải chịu lãi suất cao. Nếu nay đưa về 15% thì rất có thể ngân hàng sẽ gánh chịu thiệt hại lớn.

Không ít các ngân hàng cho biết việc hạ lãi suất xuống 15% không khác gì cào bằng tất cả. Những DN có uy tín có các dự án hiệu quả, không nợ quá hạn, nợ xấu… đương nhiên ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất thấp, ngược lại những DN nợ xấu, nợ quá hạn lớn, kinh doanh thua lỗ, thiếu tin cậy thì lãi suất phải chịu mức cao.

Đưa tất cả về 15% sẽ không thể đánh giá phân loại được các khách hàng. Vì vậy hạ đồng loạt xuống 15% là rất khó thực hiện.

Một số ngân hàng cho biết, vẫn bắt buộc phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, ngân hàng không thể miễn giảm lãi suất đối với những DN đang nợ quá hạn, tài sản thế chấp không đảm bảo tính pháp lý.

Hơn thế, để có thể giảm các món nợ cũ về mức dưới 15%/năm, sắp tới ngân hàng sẽ phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí vốn, tìm cách tăng thu nhập từ dịch vụ… Đó là chưa kể những món vay cũ, bản thân ngân hàng cũng phải huy động với lãi suất cao nay cho hạ lãi suất dưới 15% thì ai bù lỗ cho họ?.

Vì vây, nếu không có được giải pháp hữu hiệu thì việc hạ lãi suất xuống 15% rất khó thực hiện đồng loạt. Nếu chỉ 1 vài ngân hàng thực hiện, các ngân hàng còn lại không làm thì giá trị rất thấp và tất nhiên DN sẽ chẳng nhận được những chia sẻ từ phía ngân hàng. Chỉ đạo của NHNN thì rõ ràng còn thực tế thì còn phụ thuộc vào năng lực và cảm hứng của mỗi ngân hàng.


Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

16/07/2012, 11:38