Nói và làm: Chưa lên ‘đại gia’ đã thành con nợ

Đầu tháng 8 vừa qua, công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn (Hải Phòng) về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ Công ty Thép Thái Sơn, cũng bị khởi tố cùng tội danh. Nguyên nhân sâu xa là do vay nợ quá nhiều, đầu tư nóng để rồi vỡ nợ.

Từ một đại gia có tiếng trên thị trường sắt thép, nay cả hai cha con ông Thụ vướng vào vòng lao lý. Lâu nay, Thái Sơn được tiếng là “làm ăn đàng hoàng”. Năm 1995, Công ty Thái Sơn được thành lập với lĩnh vực kinh doanh chính là sắt thép phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, Thái Sơn mở rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản… Năm 2011, Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2011, khi tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay lên tới 24%, Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi.

Kể từ đó, số nợ của Công ty Thái Sơn không ngừng tăng lên. Tính đến nay, số nợ là trên 1.300 tỷ đồng, dẫn đến phải lừa đảo để có tiền. Câu chuyện của Thái Sơn là bài học đắt giá với DN phải vay quá nhiều tiền ngân hàng để kinh doanh…

Đây không phải là một câu chuyện cá biệt. Vì theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, hiện nay, các DN Việt Nam có tỷ lệ nợ vay trên vốn tự có khá cao. Thời gian qua, do kinh tế phát triển nóng, nên mục tiêu là vay được nhiều chứ không phải là vay có hiệu quả. Vay càng nhiều càng tốt, nay phải đối mặt với lãi suất cao dẫn đến bất lợi.

Trên tổng thể, tăng trưởng tín dụng bình quân của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây lên tới 30%. Tỷ lệ tín dụng trên GDP mặc dù đã giảm từ mức 121% trong năm 2010 xuống còn 108% trong năm 2011, nhưng con số này vẫn còn rất cao so với mức 48% trong năm 2003. 

Chính vì thế, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại Việt Nam, đã công bố tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân quý II/2012 của 647 công ty phi tài chính niêm yết cao hàng đầu thế giới, lên tới 1,53 lần.“Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nền kinh tế khác, cả nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi. Ví dụ, các công ty niêm yết tại Mỹ năm 2011 có tỷ lệ 1,2 lần và tại Trung Quốc có tỷ lệ 1,06 lần”, ông Thành nói.

Báo cáo tài chính của các công ty quý II cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu theo ngành kinh doanh của ngành xây dựng và bất động sản là cao nhất với tổng nợ phải trả gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, lên đến 207%. Các DN niêm yết phi tài chính có tỷ lệ này là 153%, ngành năng lượng là 144%. Thấp nhất là ngành hàng tiêu dùng với 80%.

Tỷ lệ này tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tới hơn 1,73 lần, cao hơn mức bình quân 1,5 lần của các DN niêm yết nói chung. Thậm chí, theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2011, nợ của nhiều DN Nhà nước gấp 3-10 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ trên 10 lần.

Ông Nguyễn Nam Sơn – thành viên HĐQT, Công ty Chứng khoán Thiên Việt, Giám đốc điều hành Vietnam Capital Partners – cho rằng: “Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các công ty Việt Nam lên tới 120% so với mức trung bình 45% trong khu vực. Đây là chỉ số đáng báo động vì chỉ cần trên 60% là DN đã có rủi ro phá sản nếu thị trường diễn biến xấu”.

Vay nợ lớn để đầu tư, song đầu tư không hiệu quả, tất cả những điều đó đã đẩy DN và nền kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro vĩ mô, nghiêm trọng nhất là lạm phát và nợ xấu. Chưa hết, việc lệ thuộc vốn ngân hàng quá nhiều và lạm dụng đòn bẩy tài chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi nền kinh tế rơi vào khó khăn và có biến động.

Thời gian trước đây, kinh doanh dễ dàng, kiếm lợi nhanh nên hình thành ở hầu hết các DN tư duy “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhằm kiếm lời nhanh trước mắt chứ không đầu tư bài bản. Nhiều DN cứ thấy ngành nào “ngon ăn” là đâm bổ vào, chỉ mong “thu hoạch” ngay trong vòng 1-2 năm mà quên đi những rủi ro và các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín, niềm tin của khách hàng.

Theo khảo sát của một hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài cho thấy, trên 98% doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), đây cũng là minh chứng cho căn bệnh “ăn xổi ở thì” của doanh nghiệp Việt Nam.

Không ít DN vừa ra đời đã đặt mục tiêu trở thành những tập đoàn hàng đầu hay toàn cầu. Chẳng hạn như Công ty Chứng khoán Đông Dương, chỉ với số vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng, nhưng mục tiêu lại đầy tham vọng, muốn sau 10 năm nữa sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu. Tham vọng lớn nhưng không tính đến những yếu tố mang tính dài hạn, đã khiến công ty này có hàng loạt những quyết định kinh doanh theo hướng ngắn hạn, mở rộng các loại hình nghiệp vụ quá khả năng thực có. Và công ty cũng say sưa đầu tư đa lĩnh vực. Thế là, thay vì trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, thì công ty này hiện có 3 năm lỗ liên tiếp. Việc lỗ luỹ kế hơn 30 tỷ chỉ trong 5 năm hoạt động đã ăn gần hết vốn DN.

Tầm nhìn ngắn và tư duy theo số đông là nguyên nhân thất bại của nhiều doanh nghiệp. Việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và thiếu bền vững đã khiến DN dễ dàng rơi vào khủng hoảng khi nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay.

Theo Vietnamnet


From the same category