Nỗi lòng của phái mạnh

Quan niệm truyền thống vẫn cho rằng: Đàn ông “đội trời đạp đất ở đời”, đấng “tu mi nam tử” phải coi sự nghiệp là trên hết, sau mới đến gia đình. Khi cần, vì sự nghiệp, đàn ông có thể bỏ gia đình. Vì thế, họ đẩy mọi việc gia đình cho “nội tướng”, tức là người vợ. Nhưng phụ nữ ngày nay đâu còn bị trói chân trong ngưỡng cửa gia đình mà cũng tham gia hoạt động ngoài xã hội như nam giới. Cho nên không có cách nào khác hơn là đàn ông cũng phải ghé vai vào chia sẻ việc nội trợ. Và như thế, ngay cả với đàn ông, sự nghiệp và gia đình đều quan trọng như nhau. Bởi vì, thành công trong sự nghiệp mà gia đình không ấm êm, hạnh phúc thì cũng coi như mới chỉ làm được một nửa. Vì thế, cần có quan niệm mới, gia đình hạnh phúc là một trong hai mục tiêu của đời người đàn ông, là thành công quan trọng không kém sự nghiệp.

Một tư tưỏng lỗi thời nữa cũng cần phải được xóa bỏ, đó là quan niệm đã là đàn ông thì phải thành đạt, là phải được cả danh lẫn lợi, vừa thăng tiến về địa vị xã hội, vừa lắm của nhiều tiền. Chính điều này chất lên vai nam giới một gánh quá nặng. Làm cho đa số những người đàn ông bình thường mặc cảm là mình kém cỏi. Quan niệm giải phóng nam giới cho rằng, đàn ông biết chăm lo cho gia đình, chỉ dành một phần – chứ không phải là tất cả – năng lực của mình cho sự nghiệp đã là hoàn hảo rồi, có thể coi là một người đàn ông chuẩn mực, có thể tự bằng lòng với mình được rồi.

Tại sao đàn bà có thể bộc lộ sự yếu đuối của mình mà đàn ông thì không? Nên nhớ rằng trước khi là đàn ông, họ cũng là con người. Tại sao cứ phải lên gân lên cốt, luôn làm ra vẻ cứng rắn mới ra vẻ đàn ông? Thành thử nam giới cứ phải kìm nén tình cảm thực của mình. Điều đó không có lợi về mặt tâm lý. Nó có thể sinh ra những ức chế, lâu dần có thể dẫn đến căn bệnh lầm lì, ủ rũ, suy nhược, chán đời, gọi là bệnh trầm cảm. Có nhà khoa học còn cho đó là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ bình quân của đàn ông hiện nay kém phụ nữ đến 7 năm. Vì thế, đàn ông cũng có thể bộc lộ tình cảm yếu đuối của mình, chỉ có như vậy trong lòng mới nhẹ nhõm đi. Tạp chí “Paris Match” số ra gần đây đã chụp được ảnh sáu người đàn ông đang khóc mà toàn những nhân vật nổi tiếng. Họ chẳng sợ ai cười mà trái lại còn được phụ nữ coi là những đàn ông đích thực, giàu tình cảm, đáng yêu.





Tại sao đàn bà có thể bộc lộ sự yếu đuối của mình mà đàn ông thì không? Nên nhớ rằng trước khi là đàn ông, họ cũng là con người. Tại sao cứ phải lên gân lên cốt, luôn làm ra vẻ cứng rắn mới ra vẻ đàn ông? Thành thử nam giới cứ phải kìm nén tình cảm thực của mình.
Lại nói đến lĩnh vực yêu đương, đâu phải duy nhất chỉ có đàn ông mới được giữ vai trò chủ động? Đã gọi là bình đẳng, phải xóa bỏ quan niệm lỗi thời coi phụ nữ là bông hoa còn nam giới như con bướm. Nghĩa là phụ nữ cứ thụ động chờ đợi, chỉ có nam giới được phép tấn công thôi. Ngay trong quan hệ vợ chồng, quyền chủ động cũng dành cho nam giới. Nếu chị em nào có hăng hái một chút lại bảo “cầm đèn chạy trước tàu hỏa”. Thật ra chỉ khi nào phụ nữ chủ động mới dễ đạt đến sự hài hòa trong quan hệ tình dục của hai người và cả hai mới có khả năng đạt đến hưng phấn cực điểm. Nhưng kết quả các cuộc điều tra xã hội học cho thấy, những đôi vợ chồng như vậy rất ít. Đa số phụ nữ và cả nam giới vẫn giữ một quan niệm thủ cựu là trong “chuyện ấy” đàn ông luôn phải giữ vai trò chủ động còn vợ chỉ thụ động làm theo yêu cầu của chồng. Nếu người vợ có chủ động, chính nam giới cũng cho là khó chấp nhận, thậm chí còn lo sợ người vợ có nhu cầu cao như thế có thể dễ ngoại tình?

Lại nữa, bạo lực trong gia đình là một vấn đề đang được quan tâm, đúng là những đàn ông đánh vợ cần phải được xử lý nghiêm khắc. Nhưng mặt khác cũng phải thấy, không ít đàn ông bị vợ ngược đãi về mặt tinh thần, bằng những lời lẽ cay nghiệt, độc ác, bằng cách đối xử tàn tệ. Lẽ nào những hiện tượng ấy không gây hậu quả nghiêm trọng? Nhưng hầu như người ta chỉ nhìn thấy những vết bầm tím trên thân thể người vợ mà ít thấy những vết thương rỉ máu trong tâm hồn người đàn ông bị vợ ngược đãi, bị đầu độc bằng những câu nói đau đớn như dao khía vào lòng. Cho nên, phản đối nam giới áp bức nữ giới, nên chăng cũng phải phản đối nữ giới áp bức nam giới? Đó là chưa kể, khi phụ nữ bị ngược đãi còn có Hội Liên hiệp phụ nữ để mà khiếu kiện, có thể đến nhiều tòa soạn báo Phụ nữ để được bênh vực nhưng nam giới bị vợ ngược đãi biết kêu ai?

Bước sang thế kỷ 21, đa số nhà xã hội học khẳng định rằng, quan hệ nam nữ sẽ được bình đẳng trong tương lai. Nhưng thực tế, trong vài thập kỷ gần đây, người ta nhận thấy, mâu thuẫn giới có chiều hướng gia tăng. Bởi vì tư tưởng trọng nam khinh nữ đã được xóa bỏ về căn bản nhưng trạng thái thăng bằng mới lại chưa được xác lập. Phải chăng, giải pháp đúng đắn hiện nay là cần phải tăng cường sự hiểu biết giữa hai giới, giải phóng phụ nữ phải đồng thời với việc giải phóng nam giới, cả hai nắm tay nhau cùng tiến đến bình đẳng thực sự và toàn diện.

(Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa)


From the same category