Nỗi lo “màn hình” phẳng - Tạp chí Đẹp

Nỗi lo “màn hình” phẳng

Làm Đẹp

Vừa tốt nghiệp đại học xong, 22 tuổi, gương mặt thanh tú, nụ cười duyên cực đỉnh, thế nhưng Mai Phương lại chẳng tự tin chút nào mỗi khi đứng trước người yêu. Lý do chỉ có một: cô nàng đang sở hữu vòng một… “có cũng như không”, chẳng biết làm sao để cải thiện!

Vì sao “núi đôi” phẳng lỳ?

Phương kể: “Mẹ tớ “phẳng” nên tớ cũng “phẳng”, di truyền mà, buồn ghê!”. Tuy nhiên, yếu tố di truyền như bạn Phương nói, theo BS Nguyễn Ngọc THông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Tp.HCM chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và rất khó tác động để thay đổi kích thước của “núi đôi” được. Gò bồng đảo của các nàng có cấu tạo gồm: núm vú, quầng vú, bầu vú, lớp mỡ dưới da và hệ thống các tuyến vú (còn gọi là các tuyến sữa). Phần đáy của “núi đôi” là hệ thống các tuyến, mỗi tuyến có một ống tuyến nối chụm lại tạo thành núm vú, dưới nền là lớp cơ ngực. Theo đó, kích thước “núi đôi” lớn hay nhỏ, phẳng lì hay nhô cao là do các mô tuyến, mô mỡ và mô đệm dưới da quyết định đấy các nàng ạ.

 

Bác sĩ Thông cho rằng, bên cạnh nguyên nhân di truyền, hai nguyên nhân khiến “núi đôi” phẳng chiếm đa số hơn chính là do các bạn gái suy dinh dưỡng và rối loạn nội tiết. Nàng nào quá gầy thì đừng mong sở hữu một cặp “núi” căng tròn. Khi cơ thể quá gầy, thiếu chất dinh dưỡng sẽ khiến hệ thống mô tuyến, mô mỡ kém phát triển, “núi đôi” vì thế cũng không thể “nhô” cao lên được.

Đến tuổi dậy thì, buồng trứng của các nàng có nhiệm vụ tiết ra nội tiết tố estrogen và progesterone kích thích “núi đôi” phát triển. Trong đó, nội tiết estrogen đóng vai trò quan trọng giúp mô tuyến lớn lên. Các lớp mỡ dưới ngực cũng được nội tiết tố kích thích để phát triển, nhờ vậy hình dáng “núi đôi” sẽ được cải thiện theo. Trường hợp ngược lại, nếu buồng trứng giải phóng nội tiết tố không đều, không hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến kích thước của cặp nhũ hoa. Hoặc buồng trứng tiết nội tiết tốt nhưng cơ quan tiếp nhận của tuyến vú kém nhạy cảm thì “núi đôi” vẫn “gầy ròm” mà thôi.

“Bạn gái không gặp bất thường gì về phái tính, đến tuổi dậy thì vẫn có “nguyệt san” bình thường nhưng “núi đôi” lại lép xẹp thì đó không phải là bệnh. Tuy nhiên, nếu thấy “núi đôi” không phát triển kèm theo không có kinh nguyệt, lông mu, lông nách cũng nhẵn nhụi thì nên sớm đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn kịp thời. Vì có thể khổ chủ đang gặp phải vấn đề về nội tiết”, bác sĩ Thông mách nước.

 

“Đắp núi” cách nào đây?

Nhiều bạn gái lo lắng: “Núi đôi” của tớ nhỏ, không biết sau này tớ có đủ… khả năng làm mẹ không?” Với câu hỏi này, bác sĩ Thông khuyên các nàng yên tâm. Khi mang thai, ngoài estrogen và progesterone, cơ thể phái đẹp còn tiết thêm nội tiết tố prolactin từ tuyến yên, kích thích tuyến vú phát triển và bài tiết sữa. Vì vậy, dù lớn hay nhỏ, “núi đôi” vẫn đáp ứng đủ chức năng làm mẹ cho phái đẹp. Việc cải thiện “tầm vóc” của “núi đôi” trước hết là thỏa mãn yếu tố thẩm mỹ, giúp các nàng tự tin. Theo bác sĩ Thông, có ba cách cơ bản sau:

– Cung cấp dinh dưỡng cho “núi đôi”

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp bạn gái sở hữu “núi đôi” đẹp, săn chắc. Vì vậy, để cải thiện “núi”, các nàng nên hấp thu đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng như: chất đạm (thịt, sữa, các loại hạt, cá, đậu, ngũ cốc…) giúp tăng mô cơ, chất đường (các loại trái cây, ngũ cốc, mật ong…), chất bột (bánh mì, cơm, đậu…), chất béo có tác dụng tăng lớp mỡ cho núi đôi. Còn chất xơ, vitamin và khoáng chất có tác dụng giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể suôn sẻ, “núi đôi”  vì vậy cũng phát triển hơn.

– Tập thể dục

Thường xuyên tập thể dục có tác dụng phát triển mô cơ, tăng thông khí phổi, cơ thể khỏe mạnh. Tuy không có tác dụng trực tiếp lên “núi đôi” nhưng các bài tập thể dục cũng hỗ trợ cơ ngực phát triển, kéo theo kích thước “núi đôi” được cải thiện. Bạn gái nên tập theo các bài tập giúp phát triển cơ ngực và nâng đỡ ngực như nằm sấp chống đẩy, thể dục nhịp điệu, tập luyện với tạ nhỏ…

 

– Chọn trang phục che khuyết điểm

Để “ăn gian” kích thước vòng 1, bạn gái có thể chọn áo ngực có miếng đệm giúp nâng ngực hiệu quả. Ngoài ra, trang phục bên ngoài có nhiều họa tiết, bèo, xếp li giúp đánh lừa thị giác người đối diện cũng là một lựa chọn nên quan tâm. Nếu ngực “phẳng” do: rối loạn nội tiết hoặc do rối loạn nhiễm sắc thể; mắc các bệnh lý di truyền, bệnh mãn tính, bệnh tim, thiếu máu, cường giáp, tiểu đường hay các bệnh lý nội tiết khác ảnh hưởng đến nội tiết của buồng trứng (như bệnh tuyến giáp, khối u tuyến cường thận…). lời khuyên tốt nhất dành cho các nàng là nên đến bệnh viện để có hướng xử lý phù hợp.

Yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong trường hợp này. Sự lo lắng, mặc cảm kéo theo ức chế tâm lý sẽ tác động đến sự phát triển của chức năng nội tiết làm kích thước “núi đôi” khó cải thiện hơn. Vì vậy, các nàng “phẳng” nên giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng thái quá trong mọi trường hợp.

Tăng size “núi đôi” siêu tốc?

Khi thấy “núi đôi” lép xẹp, nhiều bạn gái thường muốn nhanh chóng tăng size cho vòng một nên dễ nghe theo những lời quảng cáo ngon ngọt, những cách mách nước thiếu khoa học, sử dụng các sản phẩm chứa nội tiết estrogen. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thông, các loại thuốc này chưa được kiểm chứng nên chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả như ý. Việc dùng thuốc có chứa các nội tiết cần được bác sĩ theo dõi bởi nội tiết không chỉ tác dụng lên ngực mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác, có thể gây ra tác dụng phụ.

Không ít bạn gái tự ý đặt túi ngực, bơm silicon để nhanh chóng có bộ ngực đẹp. Thế nhưng, trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp thẩm mỹ nào, bạn nên cân nhắc kỹ và cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nên đến các trung tâm thẩm mỹ có uy tín, có bác sĩ chuyên khoa để việc làm đẹp được an toàn.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

25/08/2012, 12:21