Dịp Tết, con phố dẫn vào chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tấp nập xe cộ. Hai bên đường, các hàng bán đồ lễ, đổi tiền mới, viết sớ nhộn nhịp khách ra vào. Ôtô, xe máy đậu kín trong bãi, tận dụng từng khoảng trống vỉa hè xung quanh chùa.
Bên trong chùa, khách chen vai khấn bái. Dù đông đúc nhưng năm nay, hiện tượng trộm cắp, móc túi ở chùa Hà được nhà chức trách ghi nhận đã giảm đáng kể.
“Tính đến 17/2, công an phường chưa tiếp nhận đơn trình báo nào về việc bị móc túi, mất cắp ở chùa”, Phó công an phường Dịch Vọng Bùi Đăng Trung cho hay.
Theo đại úy Trung, từ 30 Tết, Công an Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp với công an phường lập 4 chốt bảo vệ từ cổng vào đến trong chùa; đồng thời nhắc nhở người dân đến dâng hương đề cao cảnh giác, tự bảo quản tài sản.
Khách tấp nập đi lễ chùa Hà dịp đầu năm. Ảnh: Nam Anh
Tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội), từ sáng mùng 1 Tết khách thập phương đã tấp nập tới làm lễ. Theo ông Trương Tín Hồi, Phó trưởng ban quản lý di tích Phủ, trung bình mỗi ngày có khoảng vài nghìn người về đây cầu an. Để phòng chống trộm cắp hiệu quả, Ban quản lý đã lắp đặt hệ thống camera trong các ban thờ nhằm quan sát những người khả nghi, phòng chống cháy nổ mỗi khi lượng khách đến dâng hương đông.
“Chúng tôi vẫn khuyến cáo qua loa phóng thanh và dán ảnh những nghi phạm thường xuyên trộm cắp ngay trên bảng lối vào Phủ để mọi người biết nên tình trạng rạch, móc túi năm nay giảm hẳn”, ông Hồi cho hay.
Mấy ngày Tết vừa qua, tại Phủ chỉ ghi nhận trường hợp Nguyễn Thị Hoa (quê Bắc Giang) bị bắt quả tang đang móc túi vào mùng 2 Tết. Chị Trần Hương Lan (ở quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Năm nào đi lễ cũng phải đề phòng kẻ gian, năm nay tôi thấy yên tâm hơn dù người đông”.
Điểm thờ cúng có tiếng linh thiêng ở Hà Nội là chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa). Theo ghi nhận của phóng viên, nơi đây xảy ra trộm cắp, móc túi hơn các nơi khác bởi lượng khách đông, khuôn viên chùa không rộng.
Chị Quỳnh với khuôn mặt buồn so trình báo về việc bị mất trộm ví tiền. Ảnh: Nam Anh
Đang chen chân đặt lễ, chị Quỳnh (nhà ở khu Xa La, Hà Đông) tá hỏa lao ra khỏi đám đông khi phát hiện chiếc ví kẻ màu đen và nâu để trong túi xách không cánh mà bay. “Trong túi em để vài triệu đồng và toàn bộ giấy tờ xe, chứng minh thư, thẻ ATM. Tiền mất đã đành nhưng toàn bộ giấy tờ giờ làm lại rất khó và mất thời gian”, chị Quỳnh mếu máo rồi quay sang bảo chồng đi trình báo với ban quản lý chùa.
May mắn hơn chị Quỳnh, chị Hoa (ở đường Hoàng Hoa Thám) cũng suýt bị kẻ gian móc túi. “Tôi đang khấn vái bỗng bị huých một cái nên chột dạ giơ tay ôm luôn chiếc túi. Tôi nghĩ kẻ gian trà trộn vờ khấn vái, chen lấn rồi ra tay”, chị Hoa nhận định rồi chỉ tay về phía người đàn bà mặc áo vàng đang đi nhanh khỏi đám đông.
Tại chùa Phúc Khánh hiện không có các tờ giấy dán thông báo “tìm giấy tờ” dọc lối vào như các năm trước. Dịp Tết Quý Tỵ, ban quản lý chùa cũng tiếp nhận hàng chục khách trình báo mất cắp. Họ để lại tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại lại nhà chùa, hy vọng sẽ tìm lại được giấy tờ đã mất.
Bà Hà (người phát lộc hay ngồi ở phía bàn ghi công đức) cho biết, năm nào ở đây cũng xảy ra tình trạng mất cắp. “Kẻ gian thường đi vài người, khi trộm cắp được sẽ tuồn cho đồng bọn đem ra ngoài”, bà Hà cho hay.
Cũng theo bà, bọn trộm chỉ quan tâm đến tiền, khi lấy xong chúng vứt lại ví cùng toàn bộ giấy tờ. “Mấy ngày nay, nhà chùa sau khi dọn dẹp cũng tìm thấy được cả chục chiếc ví ở các khe cửa, nhà vệ sinh hoặc những nơi kín đáo”, bà Hà cho biết.
Hòa vào dòng người tấp nập đi lễ đầu xuân, chị Nguyễn Anh Phương (ở quận Thanh Xuân) tâm sự: “Chỉ mong chính quyền dẹp bỏ được tình trạng trộm cắp để những người đi lễ thấy thanh thản. Nhiều người đi lễ không chỉ để cầu may mà còn để gìn giữ nét văn hóa có từ bao đời”.