Nỗi cô độc ẩn sau danh xưng “người của công chúng”

“Lời nói có thể giết chết con người nhưng cũng có thể cứu rỗi người khác” là lời nhắn nhủ mà Goo Hara đã để lại trước khi từ biệt thế gian này. Không chỉ riêng cô, 4 người đồng nghiệp khác cũng đã quyết định quyên sinh như một cách giải thoát khỏi hiện thực tàn khốc. Gần đây nhất là Moon Bin (ASTRO), nam thần tượng đi đến nơi tốt đẹp hơn vào năm 25 tuổi, kết thúc 17 năm hoạt động trong lĩnh vực giải trí và là người của công chúng. 

5 trường hợp tuyệt mệnh, chỉ với 1 lý do 

Vào 6 năm trước, ngày 18.12, người hâm mộ Kpop nói chung và nhóm nhạc SHINee nói riêng không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của Jong Hyun. Vốn là một thành viên luôn vui tươi và cống hiến hết mình cho âm nhạc, Jong Hyun lại quyết định rời đi bằng cách đốt than trong phòng kín, kết thúc chuỗi thời gian dài bị chứng trầm cảm hành hạ. Trước đó, nam ca sĩ đã để lại tin nhắn tuyệt mệnh cho chị gái với nội dung rằng: “Em đã khổ sở đến tận bây giờ rồi. Hãy để em đi. Hãy nói rằng em đã vất vả rồi đi. Đây là lời chào cuối cùng”.

Sự ra đi của Jong Hyun được xem là kết quả của sự vô vọng. Chàng ca sĩ sinh năm 1992 vốn có khiếu âm nhạc nhạy bén khi vừa có thể sáng tác và cân cả mảng ca hát lẫn nhảy múa. Song, từ khi hoạt động trong nhóm cho đến giai đoạn tách solo, Jong Hyun vẫn không thể nhận lại những điều xứng đáng với công sức mà anh đã bỏ ra. Chủ nhân của bản hit “Breath” không khỏi khiến người hâm mộ xót xa, vì chính anh là người đau buồn nhưng luôn tìm mọi cách xoa dịu người khác, viết nên những lời ca đầy truyền cảm “Không sao cả, vòng tay tôi sẽ ôm lấy bạn” để động viên khán giả. 

Bên cạnh Jong Hyun, giới giải trí Hàn Quốc còn chứng kiến những lần người nổi tiếng ra đi với nguyên nhân tương tự. Đó là nữ diễn viên Yoo Ju Eun khi cô chỉ mới 27 tuổi, hay gần đây nhất là thành viên nhóm nhạc ASTRO – Moon Bin ở tuổi 25. “Tôi thực sự muốn đóng phim. Có lẽ đó là tất cả của tôi, hoặc là một phần của cuộc đời tôi. Nhưng thật không dễ dàng sống với nó” là những lời cuối cùng trong di thư của nữ diễn viên. Về phía Moon Bin, tuy nam ca sĩ không để lại bất kỳ di vật nào, người hâm mộ cũng ngầm hiểu được anh quyết định ra đi khi sự kỳ vọng được công nhận bao năm không thể được thực hiện. Bởi lẽ, Moon Bin sớm gia nhập giới giải trí từ năm 6 tuổi ở vai trò diễn viên nhí, sau đó bền bỉ ở lĩnh vực ca hát nhưng Moon Bin vẫn chỉ là một cái tên không quá nổi bật trên bản đồ âm nhạc Hàn Quốc. 

Ngoài ra, năm 2019, thông tin “hoa tuyết trắng” Sulli treo cổ tại nhà riêng, chấm dứt cuộc đời ở tuổi 25 đã gây chấn động thời điểm bấy giờ và kéo dài đến hiện tại. 6 tuần tiếp theo, giới giải trí Hàn lại ngỡ ngàng khi người chị thân thiết của Sulli, nữ ca sĩ Goo Hara của nhóm nhạc Kara cũng lựa chọn tự sát ở tuổi 28. Sự ra đi của cặp bạn thân nổi tiếng Kpop là hậu quả của hành vi bạo lực ngôn từ, bủa vây bởi hàng nghìn tin đồn và bình luận ác ý. Nếu như Sulli bị chỉ trích vì quen bạn trai lớn hơn 14 tuổi, “ăn cháo đá bát” với f(x) và ủng hộ việc không mặc áo lót, thì Goo Hara bị “ném đá” do nghi ngờ quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, hẹn hò với Jun Hyung (B2ST) cùng vụ việc bị bạn trai cũ dọa tung clip nóng lên mạng.

Đánh đổi cả “mạng sống” khi là người của công chúng

Sự nổi tiếng, thành công là điều có lẽ ai cũng mơ ước. Nhưng khi đã có được, chúng lại rất dễ vụt mất dù chỉ trong một chốc lát. Sự thành công ấy – bao gồm cả danh tiếng và thương mại được chấp nhận, xây dựng và “mua bán” bởi cộng đồng bao gồm những người mến mộ họ, biết rất rõ về họ, hoặc số đông những người “qua đường” và không hề biết gì về họ. Sự hứng thú ấy cũng có thể chỉ thuộc một giai đoạn nhất định, khi hợp thời thì được tung hô, còn khi hết thời hoặc phạm phải va vấp nhỏ thì lại bị lên án thậm tệ.

Vô hình chung điều này khiến người của công chúng càng phải giữ hình tượng, thu mình lại để không có bất kỳ khủng hoảng nào sẽ xảy ra. Vì những sai lầm ấy không chỉ ảnh hưởng đến họ, mà còn các thành viên cùng nhóm, công ty và cả những người fan chân chính. Ngược lại, nếu không phải lo sợ vì “mất lòng” công chúng, thì là sự chờ đợi trong vô vọng khi không biết khi nào thời tới, hay như thế nào mới thật sự được công chúng công nhận. 

Hàng trăm, hàng nghìn fansite luôn túc trực 24/7 để “săn” hình người nổi tiếng.
Là thành viên của nhóm nhạc quốc dân Girls’ Generation, Tae Yeon vẫn bị chỉ trích nặng nề vì hẹn hò đàn em Baek Hyun.

Chẳng hạn như khi idol bị khui tin hẹn hò. Thay vì được chúc phúc, các idol lại cảm thấy “có lỗi”. Như trường hợp của Tae Yeon (SNSD), nữ ca sĩ đã bật khóc giữa sân bay khi hẹn hò với đàn em Baek Hyun (EXO) vào thời điểm anh chàng đang là “chồng” của mọi cô gái. Hoặc khi đã qua thời hoàng kim và đến tuổi lập gia đình, Chen (EXO) cũng bị gán mác là “kẻ phản bội” khi công bố cưới vợ. Gần đây nhất là cô nàng tân binh Sull Yoon (NMIXX) đã bật khóc ngay giữa fan meeting khi bị fansite (tạm hiểu là những người chuyên chụp hình idol) trách móc, than phiền vì không chịu để tâm, tương tác với ống kính của anh chàng. 

Những quy tắc “ngầm” vô cùng khắt khe do dư luận đặt ra khiến người nổi tiếng luôn trong trạng thái mệt mỏi, u uất và ảnh hưởng cả sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất. Cụ thể, “Dư luận, hay sự nổi tiếng là một thứ gì đó rất mong manh khiến bạn e sợ làm rối chúng, hoặc không dám làm bất cứ điều gì đi ngược lại vì nỗi sợ chúng sẽ biến mất. Chính những áp lực cần duy trì để được trở thành ‘người của công chúng’, bạn dần gặp các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, trầm cảm và stress mạn tính”, theo Potentash. Tình trạng trên rất dễ gặp ở người nổi tiếng và là câu trả lời cho việc tăng cân thất thường dẫn đến bị các idol nữ bị chỉ trích, hay chứng trầm cảm kéo dài nhiều năm ở Jong Hyun, hoặc chứng rối loạn lo âu buộc Mina (Twice) phải ngừng hoạt động trong 4 tháng. 

Cúi gập đầu 90 độ trước người hâm mộ là nghi thức quen thuộc trong các concert của idol Kpop.

Tuy nhiên, cái khó của người nổi tiếng là họ không thể tuỳ tiện nói ra tâm sự của mình. Một phần vì sợ không ai lắng nghe, hoặc thật tâm muốn lắng nghe, mặt khác vì họ sợ ảnh hưởng đến tinh thần và khiến fan của họ phải lo lắng. Từ đó, chúng tạo thành một vòng luẩn quẩn mà họ không thể tìm ra lối thoát. Phải chăng vì người nổi tiếng sở hữu mức thu nhập, đặc quyền trong mơ mà người bình thường luôn khao khát nên họ phải chấp nhận bị điều khiển? Nhưng thật sự họ đã được hưởng hết những quyền lợi của người là công chúng hay không, hay chỉ là vỏ bọc được công khai khi ánh đèn sân khấu đang bật, còn về phía hậu trường chỉ là một người cô độc bị ruồng bỏ bởi chính cộng đồng đã tung hô họ?


From the same category