Nói chuyện cải với nhà báo không ghét cải

– Theo anh ở Việt Nam có báo lá cải không?

– Có chứ. Nếu không thì làm sao có trang lá cải.org?

– Ô, nhà quản lý mới nói không có lá cải đấy thôi…

– Vì tôi không phải nhà quản lý nên không rõ được. Cũng có thể là các nhà quản lý quen gọi nó bằng cái tên khác. Câu hỏi của chị làm tôi nhớ đến quan điểm là chúng ta chỉ nhìn thấy hay nghe thấy những thứ chúng ta muốn nhìn, muốn nghe. Thế nên, có thể tôi là một trong số những người muốn nhìn thấy lá cải.

– Thế mà tôi lại nghĩ hình như anh là một trong những người khó chịu với báo lá cải. Thấy anh thỉnh thoảng vẫn post lên Facebook những bài/title rất “cải” để vừa trách cứ vừa thở dài.

– Nói thế oan cho tôi quá. Tôi chỉ thấy khó chịu với những bài viết vô trách nhiệm, dù là lá cải hay lá gì. Điểm lại trong số những bài ấy sẽ thấy cả những bài viết về những đề tài không hề lá cải chút nào, nhưng vì người viết, không biết vô tình hay hữu ý, lại biến nó thành những thứ rác rưởi để câu nước mắt và cả sự đàm tiếu, hiểu nhầm của người đọc.

– Tôi vẫn chưa hiểu tại sao ở ta lá cải lại bị phản ứng mạnh thế. Trong khi trong suốt lịch sử tồn tại trên thế giới thì lá cải cứ thế mà song song phát triển, dù chắc chắn không được coi là “có tầm” như báo “không cải”.

– Vấn đề của những bài báo mà chúng ta đang gọi là lá cải là chúng không tới được mức lá cải thực sự. Không ít bài báo mới chỉ dừng lại những cú móc máy, làm trò với chữ nghĩa, bóp méo ý của người trong cuộc một cách thô thiển, thậm chí có thể gọi là vô liêm sỉ nhất, để lôi kéo người đọc. Tôi nghĩ đấy là những thứ cần lên án. Nhiều khi, chính vì những bài báo cẩu thả, thiếu ý thức ấy mà chữ “lá cải” chịu tội oan. Ai cũng nghĩ lá cải là xấu. Và khi thấy những thứ xấu như thế quá nhiều, người ta lo lắng nó gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

– Tôi đồng ý với anh. Thực tế đa số báo lá cải trên thế giới tuy đề cập tới các vấn đề tội phạm, đời tư, giật gân.v.v.. nhưng vẫn phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật. Chứ làm trò chữ nghĩa để bẻ tréo sự thật thì đúng – như có người từng nói – phải gọi là “lá ngón”. Xét về góc độ nào đó, sự phát triển mạnh của những bài báo méo mó – thậm chí không đáng được gọi là lá cải – là hệ quả của một xã hội xuống cấp về dân trí. Tức là có trách thì trách mình trước rồi hãy trách… cải.

– Đúng quá. Có cung ắt có cầu. Thêm nữa, tôi hay nói vui, Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm về việc… tắc đường. Lý do là đã góp phần tạo ra những công dân thích vượt đèn đỏ, thích ăn bớt tiền làm đường… Tất nhiên không phải lỗi của riêng ngành Giáo dục. Nghĩ rộng ra thì sợ hơi quá!

 

– Nói chung thường thì người ta có “cầu” đấy nhưng không nhận là mình có “cầu” đâu. Chứ nói thật ra gặp nhau bây giờ toàn bàn chuyện… “dâm” nay giá 2 ngàn rưỡi hay 8 ngàn đô? chuyện 1 nghìn tỷ thừa kế thuộc về ai?… Không có lá cải thì có khi ta gặp nhau nhiều lúc chả biết nói chuyện gì nhỉ?

– Có thể tôi với chị sẽ chọn ai đó để… nói xấu hoặc chê văn thơ của ai đó và rồi chúng ta sẽ… khen các bài viết của nhau chẳng hạn.

– Thì chúng ta thử nói xấu đi. Tôi thấy cái đáng lo ngại không phải chuyện sao nhiều báo lá cải thế – vì thực tế lịch sử báo chí và nhu cầu xã hội cho thấy nó là sự tồn tại đương nhiên. Mà cái đáng lo ngại hơn là những “nhà báo lá cải” cơ anh ạ. Họ mới là những người dùng câu chữ của mình tung ra các chiêu đòn khiến nhiều người ngã ngửa, nhưng đáng buồn là hình như họ thấy tự hào về điều đó. Những “nhà báo” như thế nhiều nhan nhản. Không ít người, trên không ít diễn đàn, đều gọi nhà báo là… “lều báo” đó.

– Đó là sự thật. Tiếc là dạo này nhiều người bị sức ép cuộc sống nên phải làm rẻ mình quá. Tôi nói thêm là nhiều khi sức ép số lượng bài vở của nhiều quá nên họ bắt buộc phải làm thế để sống. Tôi biết có báo bắt phóng viên mỗi ngày phải có 2 phóng sự văn hoá, xã hội. Không đủ thì trừ lương. Trong khi mỗi tuần có 2 cái phóng sự đã là quá khó. Chưa kể, bài phải đạt lượng xem nào đó mới được coi là đạt. Trong khi những bài sex sốc sến câu khách ầm ầm thì liệu có ai dại gì đi viết bài tử tế, vừa mất thời gian, vừa tốn sức lại khó mà câu view.

– Thế nên, ca sĩ Thanh Lam mới đây than thở: Trong show diễn của chúng tôi một sự cố không may nào đó về trang phục có khi lại được người ta quan tâm hơn cả một sự cố nào đó về âm thanh, hay tất cả những cố gắng khác của cả một tập thể nghệ sỹ. Hoặc mới tuần trước, trong một buổi giao lưu mừng… ngày nhà báo, nhạc sĩ Huy Tuấn khi mời nhà báo lên hát trên sân khấu đã nửa đùa nửa thật nói: Bây giờ chúng tôi sẽ… “soi” lại các anh chị nhà báo, xem thử các anh chị có hát “nhép”, có quên lời hay… “lộ hàng” trên sân khấu không…

– (Cười). Anh Huy Tuấn nói thế chứ không có nghiệp vụ thì làm sao mà chộp được nhà báo… hớ hênh. Đùa thế thôi chứ tôi chưa dám nhận là nhà báo. Cùng lắm tự nhận mình làm nghề viết hay biên tập tin thôi. Chắc cũng không đến nỗi phải cẩn thận thế nhỉ?

– Nhưng là nhà báo nhiều khi cũng có lợi phết, ví dụ khi vượt đèn đỏ, bị công an tuýt còi chẳng hạn…

– Tôi ít khi bị bắt lắm vì đi xe đạp điện. Đèn đỏ thì thỉnh thoảng quên vì mải nghĩ mẹo làm giàu mà không cần viết lách gì thôi, chứ bình thường đèn xanh cũng phải ngó nghiêng chán mới dám đi vì sợ bị các anh chị vượt đèn đỏ đâm phải.

– Anh nghĩ người ta nể mình hay người ta không thèm “dây” với mình. Công an ấy?

– Nể thì chả nể đâu. Chắc họ thấy nghèo nên thương thôi! Chứ bảo không thèm “dây” chẳng hóa nhà báo là hủi à?

Quế San (thực hiện)


From the same category