Hôm nay thấy giữa cát vàng Mũi Né, ngày mai đã nghe chị đang lang thang ở xứ sở của những chú bò tót. Nhìn chị, tưởng chừng như đã trút bỏ được gánh nặng, cuộc đời nhẹ nhàng chẳng vướng bận gì…
Kinh doanh mỹ phẩm, xuất nhập khẩu, chuyện “cơm áo gạo tiền” không phải vấn đề bận tâm của Thu Hương, cũng nhờ thế mà chị thường xuyên được khoác ba lô đi du lịch. Hôm nay thấy giữa cát vàng Mũi Né, ngày mai đã nghe chị đang lang thang ở xứ sở của những chú bò tót.
Nhìn chị, tưởng chừng như đã trút bỏ được gánh nặng, cuộc đời nhẹ nhàng chẳng vướng bận gì, bởi số phận đã chọn cho người phụ nữ nhỏ bé này một cuộc sống đơn độc (ít nhất cho đến thời điểm này).
Buồn vui hòa trộn, chị tâm sự về những quãng thời gian trong cuộc đời mình – cuộc đời thiếu bóng dáng của người đàn ông…
Quãng thời gian 25 – 30 tuổi, tôi rất sợ, nhiều đêm nằm khóc một mình. Có lẽ do thời điểm đó nhiều bạn bè đi lấy chồng, tự nhiên tôi chơ vơ ngồi lại một mình. Mỗi lần người ta nói “mày băm” rồi đấy, tôi lại bị hụt hẫng, lo sợ.
Nhưng qua tuổi 30, tự nhiên thấy mình cứng cỏi trở lại, không còn cảm giác hăm hở đi lấy chồng nữa, không còn quá sợ nữa. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến công việc và kiếm tiền.
Tôi hăng làm việc, cái gì càng khó càng muốn chứng tỏ mình. Nhưng đến khi bước sang tuổi 40, tôi lại cô quạnh trở lại, song cái cô quạnh khác trước, không phải là nỗi sợ không lấy được chồng, mà mỗi dịp Tết đến, nhìn người ta đèo nhau ngoài đường, có vợ có chồng, chở theo đứa con, nghĩ đến con đường độc hành của mình mà thấy cô đơn.
Nếu mình lấy chồng, con mình bây giờ cũng mười mấy tuổi rồi, và tôi mong mỏi một mái ấm. Trong khi đâu phải lúc nào công việc của mình cũng trôi chảy, có tâm sự với bạn, thì nghe đã đời xong họ nói: “Cái đó tự Hương quyết định đi, Hương cứng cỏi, tôi nghĩ Hương dư sức chèo chống qua vụ này”.
Càng nghe càng thấy cô đơn, nhưng tôi phải vượt qua. Tuy nhiên, từ những việc như vậy, con người càng lúc càng cứng cỏi. Tôi lấy sự thành đạt của mình trong công việc làm niềm hãnh diện. Tôi học thêm, đọc thêm sách báo để tích lũy kiến thức, rồi đi du lịch khắp nơi.
Tôi sống thành thật với chính mình, điều đó khiến tôi tự tin hơn, mà sự tự tin đó nhiều khi lại quyến rũ đàn ông. Đến bây giờ thì lúc nào tôi cũng có người theo đuổi!
Tại sao ở tuổi lập gia đình, chị lại để hôn nhân tuột khỏi tay mình?
Tôi không lấy chồng không phải vì không muốn lấy chồng. Lúc đó, vóc dáng bên ngoài của mình coi cũng được, mình lại có chút học vấn, và kiếm ra nhiều tiền, nhưng cái quan trọng nhất là tôi hơi bị chảnh.
Trong mắt tôi, đàn ông làm được việc gì, mình cũng làm được, nên lúc nào tôi cũng tìm một người phải hơn mình. Tôi có bạn trai, nhưng được một thời gian lại thấy không hợp ở điểm này, bất hòa ở điểm kia, cứ sợ ráp lại là hỏng, đẻ con ra sẽ khổ. Gặp ai cũng chê, và cuối cùng thì tôi… ế chỏng ế chơ.
Vậy là, cuộc sống độc thân không phải do chị chủ động lựa chọn, mà do chị… chảnh?
Thật ra, nói chảnh chỉ là cho sang, chứ lý do lớn nhất là lúc đó gia đình tôi rất khó khăn, tôi một nách sáu đứa em. Ba má là người miền Trung, nên cũng rất kỹ trong vấn đề dạy con cái.
Lúc nào ba má cũng nói là chị cả, con phải làm gương cho các em. Nếu học hành, làm ăn không ra gì, thì không thể làm gương cho các em. Một phần ba má cho tôi trách nhiệm, một phần là tôi cũng đem trách nhiệm đó quàng lên vai mình. Tôi ráng làm và luôn dặn mình phải có học hành mới vượt qua đói nghèo.
Là phụ nữ, tôi làm đúng nghĩa, có chín đồng, ráng kiếm thêm một đồng nữa cho đủ mười đồng đem về cho gia đình. Tôi đâu có ăn xài cái gì, bao năm không son phấn, không đồ hiệu, giúp đỡ em út học hành tới nơi tới chốn, thậm chí đi du học.
Nhà không giàu nhưng vẫn có người giúp việc, các em không phải khổ sở, yên tâm đi học. Thấy cảnh vợ chồng đánh đập nhau, phụ nữ không được tôn trọng, tôi muốn các em gái mình phải có kiến thức và bản lãnh đầy mình để có thể độc lập, không bi lụy vì chồng. Nhờ đó, sáu đứa em của tôi đều thành đạt, giỏi giang, giờ còn giàu hơn tôi.
Sự hy sinh nào cũng có giá trị của nó. Sự hy sinh của chị ở đây, quả thật quá lớn trong đời một người đàn bà. Vậy giá trị lớn nhất chị nhận được là gì?
Cái sai lớn nhất trong cuộc đời tôi là tôi tự đặt trách nhiệm quá nặng lên vai mình! Thật lòng mà nói, những năm trước đây, lúc nào tôi cũng hãnh diện vì làm đúng trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ mình đã cùng cha mẹ dìu dắt các em thành đạt như ngày hôm nay.
Nhưng cách đây 1, 2 năm, khi em tôi trưởng thành, có những người bộc lộ tính cách riêng. Một người em của tôi nói: không ai cần trách nhiệm của chị hết. Mỗi người có một cuộc đời. Cuộc đời ai nấy lo, không cần chị phải lo như vậy.
Ban đầu lời nói của em nghe rất cay đắng, lồng ngực tôi đau nhói. Tôi nghĩ đến việc bao nhiêu năm mình hy sinh, không dám ăn, không dám mặc, tích cóp từng đồng. Tôi thấy tôi có lỗi với bản thân mình quá. Thấy sự hy sinh của mình sao vô nghĩa.
Tôi tự an ủi, cuộc đời ai cũng đau khổ, người ta đau khổ vì chồng vì con, thì mình đau khổ vì em. Nhưng tôi phải cảm ơn nó, thuốc đắng dã tật, chính em tôi đã cho tôi cơ hội nhìn lại mình.
Và chị thay đổi, dù sự thay đổi đã muộn?
Đúng vậy. Lúc trước, tôi thấy rất hạnh phúc vì có cha mẹ, có các em, các cháu xung quanh. Tôi nghĩ mình sẽ sống như vậy đến cuối đời. Nhưng khi sự việc xảy ra, sau khi bình tâm lại, tôi nhìn lại mình và sống cởi mở hơn.
Tôi không từ chối lời mời của những người bạn khác phái dành cho nữa. Tôi nghĩ cũng phải tìm cho mình những niềm vui khác nữa.
Tuy nhiên, giá trị gia đình ngày nay, ở một góc độ nào đó, không còn giống trước. Nhiều người quá buông thả trách nhiệm đối với cái gọi là “gia đình”?
Ngày xưa ông bà mình nói “Phu phụ tương kính như tân” – vợ chồng lúc nào cũng phải kính trọng nhau như khách. Bây giờ quan hệ trở nên lỏng lẻo, họ không còn kính nhau nữa.
Tôi có một người thân, có chồng là tri thức, nhưng đó là người ham làm và cũng ham chơi, đặc biệt rất trăng hoa. Đó là cái khổ của người vợ. Từ lâu lắm rồi, tôi không thấy nụ cười trên gương mặt cô ấy, mà lúc nào cũng hằn lên sự đau khổ.
Không những thế, ông chồng cứ nổi điên lên là “mày tao mi tớ”, chửi vợ không ra gì, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, đánh cô ấy bầm người.
Cũng chính sự bất hòa của cha mẹ, đặc biệt có một người bố như vậy, nên hai đứa con phát triển không được bình thường, học hành không ổn định.
Tôi là người hàn gắn nhiều nhất. Vì không muốn bọn trẻ mất cha, còn cô ấy phải sống bơ vơ chèo chống nuôi hai đứa con, nhưng cũng chẳng suy chuyển được gì. Cuối cùng tôi khuyên cô ấy ly dị, cuộc đời ngắn ngủi lắm, và không lý do gì phải tự mình giam hãm trong đau khổ.
Nhưng ở đời, đâu có dễ dàng giải quyết như vậy. Cũng nhiều lần cô ấy nói ly dị, song ông chồng lại xuống nước năn nỉ, nhìn con cái, cô ấy lại không đành lòng, và tiếp tục sống cuộc sống địa ngục đó.
Bức tranh ảm đạm đó, và còn rất nhiều bức tranh ảm đạm khác trong xã hội, có ảnh hưởng đến quyết định lấy chồng của chị không?
Điều đó làm tôi sợ. Người ta trẻ, còn có cơ hội làm lại, còn mình sai một nước cờ thì hết đường thoái lui. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Hồi trẻ, tôi nghĩ mình quyết tâm sẽ đạt được những điều mình muốn, nhưng ở tuổi này, có những cái tôi phải chịu thua số phận, và cuộc đời tôi sẽ để cho số phận quyết định!
Dương Thúy |