Tình huống: Chồng đi karaoke về nhà lúc nửa đêm. Vợ tóc tai dựng đứng, mặt hầm hầm chờ sẵn… Hóa giải: Cho vài trăm ngàn vào phong bì dán kín, không quên tợp một ngụm rượu nhỏ hoặc phun vào quần áo trước khi vào nhà. Làm bộ mặt cáu kỉnh, chồng ngồi phịch xuống ghế, quăng cái cặp, quát tháo nhặng xị rồi cằn nhằn: “Không biết bao giờ cơ chế này mới dẹp cái lệ họp hành triền miên, bia rượu tràn lan khi tiếp khách. Mệt muốn chết, mà cứ phải nâng lên, đặt xuống. Mà em xem phong bao hôm nay được bao nhiêu. Cũng vì cái này về đưa vợ mà anh phải cố đấy. Mệt quá. Mà có phần cơm anh không đấy, toàn uống chớ có ăn gì đâu. Kết quả: Vợ cuống quýt chuẩn bị quần áo, nước tắm, hâm đồ ăn, dọn cơm… “Tai nạn”: Có bà vợ sau khi lụi cụi bóc phong bì đã gầm lên: “Anh không qua mắt tôi được đâu. Làm gì có cuộc họp nào từ sáng đến nửa đêm mà phong bì chỉ có 10.000đ!”. Té ra, bác giai lọ mọ đút phong bì trong ánh sáng lờ mờ của quán karaoke, tờ nọ xọ tờ kia. |
Chẳng hiểu thế quái nào mà cánh đàn ông trong lúc trà dư tửu hậu lại có thể nghĩ ra và đem một khái niệm hoàn toàn nghiêm túc ấy để gán cho sự lấp ló trước khi vụt tắt nhan sắc của mấy bà quá tứ suýt ngũ. Chỉ biết rằng, bất chấp sự khập khiễng tưởng như chẳng ăn nhập gì ấy lại là sự chính xác đến tuyệt đối khi so về bản chất của hai hiện tượng và kèm theo sự chính xác này là nỗi khổ của những người phải chịu hậu quả của sự "giãy chết".
Ở đời, ai chẳng thích sự hoàn thiện, ai lại không mê sự chân-thiện-mỹ, chỉ có kẻ tâm thần mới đi yêu và ngưỡng mộ cái xấu, cái thô kệch. Nhưng, giá mà sau một thời gian chữa trị, cái mặt đầy mụn hay xám ngoét như thịt trâu được tái thay thế bằng sự mịn màng, hồng hào; hoặc giả vòng hai đang từ 100 giảm đi còn 80 sau mươi tháng tập luyện; hoặc giả cỗ đùi voi ngót đi chỉ còn bằng đùi trâu thì người chồng đáng thương chỉ có thể hơi ngạc nhiên trong nỗi vui mừng. Nhưng sự thể lại không như vậy.
Biết bao đức ông chồng đã phát khiếp khi thấy mấy bà "trẻ vừa qua, già vụt đến" chỉ có chuyên môn thiện nghệ nhất là buôn dưa lê bỗng dưng nảy nòi rủ nhau tập thẩm mỹ. Ban đầu là những bộ quần áo tập ngoại cỡ, những chiếc vòng mây như những chiếc cạp nia, cạp nong, những đôi giày tập và những cuộc bàn luận về một thời gian biểu tập luyện… siêu khoa học! Tiếp đến là các cuộc hội thảo khoa học về sự lợi ích của luyện tập và tất nhiên là sự bất lợi tương tự khi thân thể lười nhác. Cuối cùng là cuộc xuống đường tập thể, một cuộc đổ bộ nhằm tăng doanh thu cho các trung tâm luyện tập thẩm mỹ.
Hậu quả đầu tiên của công cuộc đổi mới là cứ sau mỗi buổi chiều trút hết việc nhà cho ôsin là những bữa vô cùng khó nuốt. Khó nuốt phần vì trình độ thấp kém của kẻ mới hôm nào còn chuyên phụ bếp ở tầm nhặt rau rửa bát chuyển sang công việc xào nấu của đầu bếp chính. Khó nuốt vì ngay trên đi-văng là một đống phì nộn của các bà sau mấy chục năm ì thần xác đã bở hơi tai khi tái vận động. Thà rằng cứ án ngữ mà "tắt đài’ thì lại còn dễ ở, đằng này cái đống to ngần ấy lại không ngớt huyên thuyên về những háo hức của buổi tập ban đầu. Tóm lại là khó nuốt mọi nhẽ, nhưng đó chỉ là màn đầu tiên và mới chỉ là một phần nghìn nỗi khổ!
Sau vài tuần tập luyện, năng lượng tiêu thụ tăng lên, đầu vào cũng phải tăng tương ứng và một hệ quả tiếp theo là sau khi mệt do tập, đẫy tễ sau bữa chiều là giấc ngủ sâu của người trên đường trở thành khoẻ (cứ cho là kiên trì tới lúc khoẻ). Hơi thở nặng nề phải từ sâu tít trong cuống họng chui qua nhiều ngoắt ngoéo của các tầng mỡ lưu cữu qua nhiều thập kỷ tạo nên những tiếng ngáy ở tầm “super bass” về quãng âm và nhiều đề – xi – ben ở độ ồn, ăn không đặng, ngủ không yên, nhưng chớ tưởng đấy đã là khổ, nhất định cần phải biết rằng cuộc hành xác của đối tác bắt đầu ở quãng… chặng đầu của quá trình khởi động!
Tiếp theo là những tưởng tượng thật sinh động sau những lời hứa hẹn của các nhân viên hướng dẫn tập thẩm mỹ về một tương lai tươi sáng cho những thân hình khó tả. Nhưng, trước tiên là thay vì những phần phải co đi ngót lại sau quá trình tập luyện là sự nở ra của những cơ thể hấp thu thực phẩm tốt ở mức ưu việt. Không thể phản khoa học rằng tập thể dục thẩm mỹ khiến cơ thể to ra mà chẳng qua là hiệu ứng cơ sau quá trình tái vận động trong khi chúng chưa kịp ngót theo định hướng của tương lai. Sau vài tháng tập luyện, hậu quả sẽ đến ngay với kẻ không bền chí khi tự mình viện ra ngàn lẻ một lý do để thôi không tập nữa là mỏi nhức, là chảy xệ tới mức tệ hơn nhiều lần ngày háo hức ban đầu.
Nhưng nếu được như vậy, nhất định đức ông chồng đó là người hạnh phúc, nỗi bất hạnh sẽ rơi đúng vào đầu ông nào khi các bà chưa kịp gọn lại nhưng đã chuẩn bị (rất sớm) phần "mặt tiền" phù hợp với thân thể ở mức "ngon" sau này. Nhất định các ông sẽ phải thất kinh la lên khi bỗng sau một lần đi công tác về bỗng thấy vợ mình… trông hơi lạ! Cái cửa sổ tâm hồn vốn hùm hụp dưới túi mỡ nặng nề sau năm tháng lăn lộn kiếm sống bỗng thấy trở thành hai mí rõ nét sau nhát dao phẫu thuật. Hai bộ lông mày kẻ thì thưa như lông chuột cống, kẻ thì như hai chiếc lá lốt bỗng như hai đường chỉ trên mặt và kéo dài tới mức đáng ngờ để mang hình lá liễu. Nào là nâng cằm, gọt má cắt túi măët, xăm môi… tóm lại là những thứ mà các ông đã lâu lắm rồi không còn để ý tới có nhiều nét phảng phất như thể bà vợ đang diễn tuồng tại gia vậy!
Khen thì trở thành kẻ nói dối, chê thì rước hoạ vào thân, trong khi đang lưỡng lự không biết nên khen hay chê thì sự lạ lẫm đã chiếm đầy cảm giác của người chiêm ngưỡng bất đắc dĩ. Sự lạ lẫm ấy cứ đeo đẳng mãi, thà rằng cứ ngắn choằn, cứ thưa như lông chuột cống già, cứ ục ịch và cứ hùm hụp đi đã có ai tự tử đâu mà phải “tư bản giãy chết”? Người bạn đời bao năm đồng cam cộng khổ, thân thiết là vậy bỗng chốc trở thành người quen không ra quen, lạ chẳng ra lạ, không lẽ cứ mỗi lần ngước nhìn lại phải tự vấn một câu rằng: " Bà ấy đeo mặt nạ" cho đỡ sợ!