Nỗi buồn Belly dance

Có nơi mang danh nghĩa vũ công múa bụng, nhưng thực chất lại là các động tác múa… cột. Lượng người đến xem đông nghìn nghịt, uống rượu và hút thuốc phì phèo. Không ít trong số đó tò mò đến xem chỉ vì… trang phục… ít vải và các động tác gợi tình mát mắt.

Chưa có tiếng đã bị giật… miếng!

Trước tiên, thị trường người học giống như một miếng bánh ngon nên đương nhiên phải có nhiều cạnh tranh. Nắm được thị hiếu của nhiều người thích học múa bụng, một số nơi không có các vũ sư Belly dance chuyên nghiệp mới võ vẽ ít nhiều ngón nghề liền nhảy ra chiêu sinh dạy học.

Các trung tâm dạy múa bụng mọc lên như nấm xen kẽ với Dance sport, nhảy cổ điển, Aerobic, Yoga… Sự tranh chấp người học của Belly dance với các trung tâm thẩm mỹ không chuyên múa bụng ngày càng “khốc liệt”, đến nỗi không ít lần Belly dance gần như tịt ngóm tắc tị cho dù vẫn có nhu cầu.

Tại các địa điểm như ở Đ.C, T.H.Đ… môn múa bụng không khác gì Aerobic, chỉ khác ở chỗ học viên được quấn thêm một chiếc belt (đai lưng có gắn hạt cườm và những quả chuồng kêu leng keng). Các động tác được đặt dưới cái tên mỹ miều như: Đạp xe đạp/ Lắc phải/ Lắc trái… nhưng lại được nhảy trên nền nhạc của những bản nhạc Aerobic nổi tiếng ở Bờ Hồ hay công viên như: “Boom boom boom boom, I want you in my room, let’s spend the night together…”.

Thiệt thòi tất nhiên thuộc về những người bỏ tiền đi học. Hơn thế nữa, sự không hiểu hết sẽ dẫn đến điều gì khi họ chưa vững về kiến thức cũng như kỹ thuật múa bụng: Cái cần nhỏ, sẽ to, cái cần to… sẽ…?

Vũ công cũng… ganh nhau

Chưa đỗ ông nghè, đã đe… hàng… loạt. Các vũ công thành thạo biểu diễn nhiều, dạy nhiều, mới lên làm vũ sư. Ấy thế nhưng có một vũ sư dè dặt nói rằng: “Các vũ công ở Việt Nam còn quá yếu kém, mà không hề nhận ra điều đó. Nhiều người nghĩ mình giỏi, và có thể kiếm tiền được nhờ vào múa bụng. Một số nhận ra mình không đủ tiêu chuẩn để làm Belly dancer thực sự, thế nhưng người khác có nhu cầu học, nên đành đáp ứng”.

Các chiêu bài được tung ra hết cỡ, thậm chí trên các băng-rôn ở các trung tâm còn chua thêm câu: “Các vũ sư hàng đầu được đào tạo từ Ấn Độ…” Điều này hơi buồn cười vì theo giới múa bụng chuyên nghiệp thì chưa có ai được đào tạo từ Ấn Độ, hơn nữa, cái nôi của múa bụng là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập nên nếu có vũ sư “xịn”, xuất sắc, thì phải từ vùng Trung Đông đó mới có thể tin được.

Hầu hết các vũ công Belly dance Việt Nam đều cóp nhặt, tự học là chính nên không có căn bản, không có tư duy “múa” trong đầu, và chẳng bao giờ chịu nhìn nhau, chịu công nhận nhau khi tất cả còn đang trên bờ của sự… “tập tành”, thậm chí, ghét nhau và đố kỵ là chuyện thường tình ở huyện.

Một số cuộc thi, hội diễn, Festival đã được tổ chức nhưng không có bài bản, không chuyên nghiệp và mang tính chất nhỏ lẻ, tạm thời, chắp vá, ý thức cộng đồng trong những người múa bụng là không có, nhưng ý thức cạnh tranh, đôi khi “phỉ báng” nhau thì thừa… Chính những điều đó khiến cho Belly dance Việt Nam không phát triển thêm được nữa.

Cởi tiếp đi em!

Thực sự múa bụng chưa làm nên điều gì “vẻ vang” hay hoành tráng, thậm chí còn đang phải nỗ lực để thoát khỏi tình trạng Belly dance sinh ra chỉ có thể biểu diễn tại các quán bar, hoặc các chương trình nhỏ lẻ, mang tính chất giải trí đại chúng, ít tính nghệ thuật trên con đường phát triển đó, các nhóm Belly dance vấp phải không ít điều phiền toái phức tạp và xúc phạm đến cả lòng tự trọng của họ.

Nếu các cô gái còn ngại ngùng khi mặc áo hai dây ra đường thì với trang phục biểu diễn của Belly dance (váy dài đến chân xẻ cao, áo hở bụng và lưng đính cườm lấp lánh) chắc hẳn cũng có nhiều lời qua tiếng lại.

Trong một chương trình Hafla, tám diễn viên của vũ đoàn ISIS múa với những chiếc cánh rộng giống như cánh bướm. Đến đoạn bỏ cánh ra, ở bên dưới khán giả có vài giọng nam với lên “cởi tiếp đi, cởi tiếp đi”. Tiếng huýt sáo, hò reo sau mỗi pha nóng bỏng làm cho bầu không khí thực sự… nóng! Tiếng bình luận ngực cô kia, bụng cô này…, tiếng chẹp miệng, trầm trồ… tiếng cười hô hố, tiếng nhai thức ăn, tiếng cụng ly…

Trao đổi với Phương Liên, một vũ sư Belly dance có tiếng ở Hà Nội về vấn đề này, cô nói “Đối với Belly dance những chuyện nhạy cảm như vậy rất khó tránh, nhất là với môi trường Việt Nam, chính vì vậy chúng tôi rất hạn chế nhận các lời mời biểu diễn ở những nơi không phù hợp”.

Yếu tố nghệ thuật và yếu tố giải trí trong mỗi ngành nghệ thuật luôn đan xen nhau. Múa bụng cũng vậy. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu tố nghệ thuật thì khó, đáp ứng yếu tố giải trí thì quá đơn giản. Rất nhiều người đi học Belly dance để trở thành một vũ công, tuy nhiên khá nhiều trong số đó chỉ dừng lại ở mức độ “lắc theo nhạc” và tất nhiên, kèm theo sự bổ trợ “nghèo nàn” của trang phục đáp ứng nhu cầu người xem, họ cũng có thể kiếm được một khoản cát-xê vừa phải.

Một số quán bar cũng tận dụng sự nhạy cảm này mà đưa Belly dance vào chương trình cuối tuần thường xuyên của họ. Có nơi mang danh nghĩa vũ công múa bụng, nhưng thực chất lại là các động tác múa… cột. Các vũ công được săn đón, gợi mời với những lời đề nghị nhiều khi rất chi là… khiếm nhã.

Và chẳng khó gì, nếu đó là những vũ công «dỏm”, chỉ cần biết đôi chút múa bụng để kiếm sống qua ngày nên sẵn sàng nhận lời. Nhưng với những người yêu Belly dance thực sự thì đây vẫn là những vệt đen lẫn lộn khó có thể rửa sạch và khó tìm được cảm thông thực sự của khán giả.

Bài: Phương Anh


From the same category