Trong khi hoạt hình Hollywood – dù là Disney, Dreamworks, thậm chí Pixar – đều ít nhiều dựa vào những công thức đã được tối ưu hóa để “thuốc” khán giả, nhất là khán giả nhí; thì hoạt hình Châu Âu luôn đem lại cho người xem những ngạc nhiên thú vị nhờ tính tự nhiên, nguyên bản, muôn màu muôn vẻ của mình.
“L’illusionniste” là một bộ phim như thế!
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cô bé có tên là Alice. Alice này không đến từ xứ sở diệu kỳ, mà từ một quán trọ tồi tàn trên một hòn đảo nhỏ ở Scotland, nơi nhà ảo thuật tìm đến để tránh cơn bão Rock ‘n’ Roll đang hoành hành ở London và nhấn chìm những nghệ sĩ giải trí thuộc thế hệ già như ông. Và Alice này tin vào những điều kỳ diệu.
Tao ngộ với cô bé vừa là niềm hoan lạc, cũng là nỗi bi ai của người nghệ sĩ. Hoan lạc, vì cô tin, một niềm tin tuyệt đối, thơ ngây mà thuần khiết, vào phép màu của ông. Bi ai, vì niềm tin của người hâm mộ nhỏ tuổi ấy lại xuất hiện đúng vào lúc ông đang ở vực thẳm cùng quẫn và bế tắc của sự nghiệp.Một mặt, ông ý thức rõ hơn ai hết sự hết thời của mình. Mặt khác, ông dốc chút sức tàn và cả những đồng tiền bé mọn, như một con tằm già cỗi nhưng vẫn cặm cụi nhả tơ, hòng nuôi dưỡng niềm tin của cô rằng ông là người sở hữu phép màu thực thụ. Bi kịch của ông khiến người xem xót xa, thậm chí oán giận cô bé quá đỗi vô tâm đã đẩy ông vào một thế tiến thoái lưỡng nan trớ trêu mà đau xót.
Sở dĩ nhà ảo thuật già không nói ra sự thực cho người hâm mộ nhiệt thành này biết, một phần vì ông không đủ dũng khí phá tan ảo tưởng của cô bé; phần khác vì chính ông cũng đang vô thức bám víu vào niềm tin ấy để trốn tránh hiện thực, để níu kéo chút dư quang cuối cùng trong nghề nghiệp của mình. Và còn một lý do khác nữa, sâu xa hơn, bản năng hơn: sau bao nhiêu năm gió bụi phiêu bồng, con người cô độc này bỗng nhiên nếm trải cảm giác ngọt ngào của kẻ được làm cha. Dù mệt mỏi, dù kiệt quệ, ông vẫn không cưỡng nổi cám dỗ ấy, và vẫn đắm đuối chiều chuộng cô bé cho đến phút cuối cùng.
Nhân vật chính của chúng ta đã thất bại trong sự nghiệp cả đời mình – nhà ảo thuật; nhưng có lẽ đã thành công trong vai trò ngắn ngủi của người cha. Ông đã gắng gỏi chống đỡ cho những giấc mơ của cô bé khỏi sụp đổ dưới sức nặng của hiện thực. Và đến khi có một bờ vai khác trẻ trung hơn ghé vào, gánh lấy vai trò ấy, ông mới yên lòng dứt áo ra đi.
Nếu chỉ có như thế thì câu chuyện của “L’illusionniste” hẳn sẽ rất buồn bã và u ám. May mắn thay, Sylvain Chomet vẫn duy trì được phong cách hài hước điển hình từng làm anh nổi danh với “The Triplets of Belleville”. Tiếng cười trong bộ phim có những lúc hơi chua chát, có những lúc khá ngọt ngào, và cũng có những lúc tỉnh rụi rất “tưng”, nhưng luôn ẩn chứa một ý vị sâu xa và u mặc. Những vai phụ, từ hai bà cháu khán giả khó tính, đến những bạn diễn/bạn trọ cùng nhà của hai thầy trò, và đặc biệt là chú thỏ cáu bẳn một cách dễ thương, đều là những nét điểm xuyết tài tình cho những khuôn hình thấm đượm một nỗi sầu nhân thế. Rất ngắn (75 phút), nhưng dư âm đọng lại thì rất dài và rất sâu – đấy là màn ảo thuật mà Chomet, trong bộ phim dài thứ hai của mình, đã gieo vào đáy lòng khán giả.
Bài: Nham Hoa