Nỗi ám ảnh “rau mùi” trong miệng

Theo khảo sát, 34% số người được hỏi cho biết họ sẽ cân nhắc việc nói chuyện với người khác nếu hơi thở mình có mùi. 12,6% số khác chia sẻ, họ sẽ ngừng mọi hoạt động giao tiếp nếu phát hiện ra trục trặc trong hơi thở của mình. Như vậy, một cách âm thầm, chứng hôi miệng rút ngắn sự trao đổi thông tin của con người và khiến bạn trở nên tự ti.

Hôi miệng thực chất là một chứng bệnh, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ lối sống. Một số thông tin và gợi ý sau có thể giúp bạn giải quyết nỗi “ám ảnh” này:

Nguyên nhân gây hôi miệng

Nguyên nhân từ ngay trong miệng

Mùi hôi xuất phát từ các hóa chất bay hơi loại sulfur như hydrogen sulfide, methyl mercaptan, dimethyl sulfide. Các sulfide này do sự phân hủy protein của các vi sinh vật trong miệng trong một số trường hợp:

– Thức ăn sót lại trong miệng, giữa các kẽ răng, bị vi khuẩn phân hóa, sẽ tạo ra mùi hôi.

– Nhiễm trùng ỏ nướu răng

– Răng sâu có lỗ hổng, thuận tiện cho vi khuẩn trú ẩn, phát triển.

– Bựa vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi khuẩn cộng sinh và nguyên nhân dẫn đến hôi miệng.

– Lưỡi bị viêm là địa điểm thực phẩm dễ dính lại, vi khuẩn phân hủy protein, chúng tạo ra khí lưu huỳnh có mùi hôi giống mùi trứng thối.

– Theo nhà nghiên cứu, nha sĩ Jennifer Jablow cho biết thêm: Miệng khô khi nước bọt giảm dưới 50% so với bình thường cũng là nguyên nhân gây hôi miệng. Nước bọt có vai trò như bộ đệm để trung hòa và rửa sạch vi khuẩn, giảm các thay đổi về tính acid và giúp tiêu hóa thực phẩm. Khi tính acid trong miệng cao thì vi khuẩn tăng nhiều hơn.

Khô miệng có thể do tuyến nước bọt hoạt động kém, thiếu nước, thở bằng miệng, tuổi già, mãn kinh hoặc trong thời gian dùng các thuốc đặc trị như tiểu đường, hạ huyết áp, thuốc an thần, chống dị ứng, trầm  cảm…cũng làm giảm lưu lượng nước bọt trong miệng.

Hút thuốc lá, đặc biệt là cigar, cũng làm giảm nước bọt, đồng thời gây nên mùi hôi trong miệng.

Thực phẩm

Một số thực phẩm có dầu gây mùi trong hơi thở như tỏi, hành tây, các món ăn nhiều chất đạm, chất béo là thủ phạm dễ nhận biết. Các thực phẩm này sau khi được tiêu hóa, chất được hấp thụ vào máu, đến phổi, theo không khí lưu thông ra miệng và bài tiết qua da. Mùi rượu sau khi uống cũng có chu kì tương tự trong cơ thể.

Tuy nhiên, ăn uống thiếu chất cũng khiến hơi thở có mùi ketone vì mất cân bằng chuyển hóa giữa chất béo và chất đạm trong cơ thể.

Các chứng bệnh

Một số bệnh về đường hô hấp như nhiễm trùng phổi, viêm xoang, ung thư phổi, viêm cuống họng… cũng tạo ra mùi hôi trong hơi thở. Tiểu đường gây mùi chua trái cây vì nhiễm acetone và ketone. Suy thận có mùi hôi như cá chết vì có hợp chất methylamine. Xơ gan tạo mùi hôi của trứng thối và tỏi.

Thay đổi hormone và các kích thích tố trong thời kì rụng trứng và kinh nguyệt cũng khiến một số phụ nữ có mùi trong hơi thở.

Lấy lại tự tin cho hơi thở

Chọn nước súc miệng

Không phải tất cả nước súc miệng đều uy tín và thực sự giúp bạn thoát khỏi hôi miệng. Tạp chí nha khoa Úc kết luận có một số loại nước súc miệng làm tăng nguy cơ ung thư miệng phát triển – một căn bệnh lây lan trên khoảng 8.000 người Mỹ nỗi năm. Thêm vào đó, các loại nước súc miệng này không hoàn toàn diệt trừ 100% vi trùng và còn tạo môi trường, giúp chúng phục hồi nhanh chóng, từ 30 – 60 phút, khiến miệng trở nên khô hơn.

Bạn nên chú ý đến thành phần trong nước súc miệng, chứa các hóa chất như chất chlohexidine gluconate (Peridex, Perio – Gard) hoặc hóa chất cetylpyridinium chloride, benzethonium chloride, sodium bicarbonade, zinc chloride đều rất tốt.

Uống nhiều nước

Nước tạo môi trường ẩm ướt, ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn và có tác dụng pha loãng nồng độ các hợp chất lưu huỳnh, giảm mùi hôi.

Vấn đề vệ sinh răng miệng

Bạn nên giữ thói quen đánh răng ít nhất hai lần trong ngày sau bữa ăn để vi khuẩn không có cơ hội tấn công và chú ý làm sạch lưỡi – nơi trú ẩn thoải mái của vi khuẩn. Đồng thời, theo dõi và điều trị các bệnh về miệng (nướu lợi hay nhiễm trùng…) cũng là tác nhân chính dẫn tới hơi thở nặng mùi.

Thuốc kháng sinh tự nhiên

Các thảo dược tự nhiên cũng giúp bạn hạn chế mùi hôi khó chịu như mùi tàu tươi, cây lô hội, húng tây, lá bạc hà, lá hương thảo…Mùi tàu sống giúp bạn khử độc miệng, kích thích tăng tiết nước bọt tránh hiện tượng khô miệng, làm ngọt hơi thở nhờ chất diệp lục. Ăn kết hợp hoặc xay nhuyễn làm nước súc miệng đều là phương pháp chống mùi hôi hữu hiệu.

Kẹo cao su không đường

Nhai kẹo cao su sẽ tạo dòng chảy đều cho tuyến nước bọt, làm tăng độ ẩm trong miệng. Kết hợp rau cùng các loại hoa quả tươi như táo, cần tây, dưa leo, cà rốt cũng giúp làm sạch miệng. Bởi trong quá trình nghiền nát thức ăn, các thực phẩm sẽ giúp lấy đi những phần sót lại trong kẽ răng, kích thích tuyến nước bọt hoạt động.

Nếu bạn vẫn đang sống chung với vấn đề hôi miệng, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để khám và điều trị trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Phí Minh Tân (Theo Youbeauty)

From the same category