Ngày 7.10, Abdulrazak Gurnah, vị tiểu thuyết gia người Tanzania đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học 2021. Đây là cái tên gây bất ngờ, khi trước đó nhiều người dự đoán giải thưởng cao quý này sẽ gọi tên Ngugi wa Thiong’o, Annie Ernaux, hoặc Haruki Murakami.
Abdulrazak Gurnah là tiểu thuyết gia Zanzibar đầu tiên và là người gốc Phi tiếp theo đoạt giải Nobel Văn học sau khi nhà văn Wole Soyinka – người Nigeria được vinh danh vào năm 1968. Theo ban tổ chức giải Nobel, những sáng tác của Gurnah là “sự thâm nhập đầy trắc ẩn và không hề nhân nhượng trước ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.
Tiểu thuyết gia sinh năm 1948 tại Zanzibar, nhưng sau đó di cư đến Anh khi ông vừa tròn 20 tuổi. Tại đây, Gurnah đã theo học và lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Kent năm 1982. Là một người gốc gác Ả-rập, nhưng ông buộc phải từ bỏ quê quán của mình và chỉ quay trở về vào năm 1984 để gặp mặt cha lần cuối. Trước khi nghỉ hưu, Gurnah là giảng viên tiếng Anh và văn học hậu thuộc địa tại Trường ĐH Kent.
Cho đến nay, ông đã sáng tác 10 tiểu thuyết, bao gồm cả “Paradise” từng nằm trong danh sách đề cử cho giải Booker. Cuốn sách gần đây nhất của ông là “Afterlives”, được tờ Sunday Times ca ngợi như “một biên niên sử hào hùng về một Châu Phi đã mất”. Và những trang mở đầu của cuốn sách này đã giup độc giả làm quen với nghệ thuật “kể chuyện truyền miệng”.
Sáng tác của Gurnah chịu ảnh hưởng lớn từ gốc gác Zanzibar của mình, khi trực tiếp trải qua và nhìn thấy sự đa dạng chủng tộc và văn hóa diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương. Trong hầu hết các tác phẩm, Gurnah đã phản ánh sự đa dạng chủng tộc đó bằng một giọng văn linh hoạt và nguồn tư liệu văn học dồi dào, khắc họa từng chuyển động tự do độc lập diễn ra ở Tây Phi vào thế kỉ 20.
Alexandra Pringle, biên tập viên lâu năm của ông, cho rằng thứ rõ rệt nhất trong tác phẩm của Gurnah chính là sự di dời, nỗi ám ảnh về sự mất gốc: “Chúng được khắc họa lại theo cách đẹp nhất và ám ảnh nhất, chúng nâng đỡ nhân vật và dẫn lối họ đi qua mọi lục địa”. Ngoài ra, sáng tác của Abdulrazak Gurnah cũng chịu ảnh hưởng lớn từ kho tàng thơ ca Ả Rập và Ba Tư, kinh Koran. Ông cũng học hỏi nhiều từ văn hào William Shakespeare đến nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 2001 là V. S. Naipaul.
Abdulrazak Gurnah đang ở trong bếp khi được Viện Hàn lâm Thụy Điển thông báo về giải thưởng. Thoạt đầu, ông nghĩ đây hẳn là trò đùa, và bảo rằng cần chút thời gian để kiểm chứng. Sau khi đã chắc chắn, ông mới mừng rỡ nói rằng: “Thật tuyệt vời. Đây là một giải thưởng lớn, với rất nhiều những cái tên tác giả vĩ đại. Và tôi đang tiếp nối điều đó”.
Trước ngày 7.10, báo giới đã liên tục dự đoán chủ nhân của giải Nobel Văn học năm nay. Phải kể đến những cái tên như: Ngugi wa Thiong’o của Kenya, nhà văn Pháp – Annie Ernaux, nhà văn Nhật Bản – Haruki Murakami, nhà văn người Mỹ gốc Antigua – Jamaica Kincaid. Abdulrazak Gurnah là cái tên nằm ngoài dự đoán của nhiều người, nhưng ông đã chứng minh mình hoàn toàn là người xứng đáng.
Nhà phê bình văn học Bruce King cho rằng, trong văn chương của Abdulrazak Gurnah, người châu Phi luôn là một phần của thế giới. Một thế giới rộng lớn hơn và đang thay đổi. Các nhân vật của ông phải từ bỏ gốc gác, lăn lộn ở nước ngoài, chịu nhiều miệt thị và chống chọi với cô đơn. Chia sẻ với tờ The Guardian, biên tập viên Alexandra Pringle cho rằng Nobel Văn học 2021 là “xứng đáng nhất” cho Gurnah, một nhà văn lớn nhưng chưa từng được công nhận xứng đáng với đóng góp của mình.
“Ông ấy là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống, nhưng chưa ai thực sự từng để ý đến. Điều đó giày vò tôi. Vì đối với tôi, ông ấy là một nhà văn tuyệt vời đã viết về những điều thực sự quan trọng. Trái tim tôi vỡ ra vì ông ấy không được công nhận xứng đáng. Và bây giờ ông ấy đạt giải Nobel rồi”, bà nói.