Nợ xấu: Tự gây ra sao đòi nhà nước xử lý?

Hơn thế, chưa có cơ sở nào để giải thích cho việc nhà nước đứng ra và dùng một phần vốn ngân sách để xử lý nợ xấu cho các ngân hàng. Trong khi đó, một điều hiển nhiên là nợ xấu do các ngân hàng gây ra. Và nghịch lý hơn là trong khi đang ra sức kêu cứu vì nợ xấu thì các ngân hàng vẫn báo lãi hàng ngàn tỷ đồng .

Cần bao nhiêu tiền ngân sách?

Đề xuất thành lập môt công ty xử lý nợ xấu quốc gia với số tiền 100 ngàn tỷ đồng dường như mới tạm lắng, nhất là sau ý kiến của cả những quan chức cho rằng chưa có nhiều cơ sở cho con số 100 ngàn tỷ. Thậm chí, ngày cuộc tiếp xúc mới đây, quan chức của Ngân hàng Nhà nước cũng tránh né khi khôn đề cập chuyện này một cách trực diện.

Thế nhưng, gần đây một vài chuyên gia vẫn tiếp tục nêu ra “khuyến cáo” là cần phải có mô hình Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC). Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính và tiền tệ quốc gia và hiện nay là cố vấn cho Ngân hàng Sacombank, cho rằng nếu không có AMC thì không thể xử lý được con số nợ xấu 200.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền ông Nghĩa đề nghị “đóng góp” cho AMC tối đa là 20.000 tỷ đồng. Còn trước đó, khi đưa ra mô hình AMC trước Quốc hội vào tháng 6/2012, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ước tính vốn điều lệ của AMC lên đến 100.000 tỷ đồng, trong đó một phần lấy từ ngân sách.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, câu chuyện này đã bị nhiều người phản đối. Từ phía Ủy ban kinh tế Quốc hội, Phó chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên nói thẳng rằng, ai gây ra nợ xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Do đó, trước hết phải lấy tài sản của ngân hàng ra để xử lý nợ xấu; và cần hạn chế tối đa việc lấy tài sản của nhà nước để cho ngân hàng xử lý nợ xấu.

 

Thậm chí, sau khi ầm ĩ trên dư luận về việc thành lập công ty mua bán nợ, thì trong một hội nghị toàn ngành, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo rằng trước mắt các ngân hàng phải tự lo xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của từng ngân hàng, chứ không thể trông chờ vào AMC.

Thậm chí, trong trả lời về việc thành lập công ty xử lý nợ, đại diện Văn phòng chính phủ cũng cho rằng, con số 100.000 tỷ đồng có thể là “sự nhầm lẫn”.

Như vậy, cho đến nay, Đề án thành lập công ty xử lý nợ vẫn chưa rõ đã thành hình đến đâu và số tiền 100 ngàn tỷ được định đoạt thế nào để không còn nghi ngờ nhẫm lẫn.

Tuy nhiên, có một điều lo ngại là nếu con số 100.000 tỷ đồng được lấy từ ngân sách thì sự nhầm lẫn duy nhất ở đây là: lẫn lộn giữa tiền đóng thuế của nhân dân với mục tiêu xử lý nợ riêng.

Vì sao ngân hàng không “tự hy sinh”?

Nhưng vì sao các ngân hàng lại vẫn ráo riết đòi phải thành lập AMC như một phương án tối ưu? Vì sao nợ xấu đã trở nên chồng chất tại nhiều ngân hàng từ nhiều tháng qua mà cho đến gần đây mới được công bố?

Một báo cáo vào cuối năm 2011 của Ủy ban Giám sát tài chính và tiền tệ quốc gia đã tiết lộ: tính đến thời điểm cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348.000 tỷ đồng. Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, con số này vượt hơn 1,8 lần so với con số đã được các ngân hàng công bố trước đây, tức con số trước đây chỉ vào khoảng xấp xỉ 200.000 tỷ đồng.

Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, số nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng cao gấp 8 lần so với số liệu do chính các ngân hàng này thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là trong suốt một thời gian khá dài từ tháng 6/2011 cho đến gần đây, hầu hết các ngân hàng vẫn cố ém nhẹm con số dư nợ cho vay thực tế và kéo theo đó là tỷ lệ nợ xấu mà đã trở nên nguy hiểm đối với họ.

Không quá trái ngược với những đồn đoán của dư luận giới đầu tư, Ngân hàng BIDV đã trở thành “quán quân” về dư nợ cho vay xây dựng – hơn 42.000 tỷ đồng. Tiếp theo đó là Ngân hàng Vietinbank – 41.000 tỷ đồng đối với bất động sản và xây dựng. Cả hai ngân hàng này đều có tỷ lệ cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 14% trong tổng dư nợ. ACB và Sacombank cũng nằm trong danh sách “Top 10”. Thậm chí, những con số gần đây cho thấy, những ngân hàng lớn cũng là những ngân hàng có nợ xấu lớn.

Có lẽ trong tâm tưởng của các ngân hàng này, AMC sẽ tiến hành mua lại toàn bộ số nợ xấu, để sau đó mọi chuyện sẽ được an bài mà không còn dấu vết nào nữa.

Giờ đây, khi bóng dáng của AMC dần xa vời, số tiền cũng được “trả giá” dần, từ 100.000 tỷ đồng về còn 10.000 – 20.000 tỷ đồng.

Có thể hiểu động thái “khiêm tốn” trên là như thế nào? Với một số ngân hàng lớn, chỉ cần AMC thành hình là được, còn tiền nào dùng cho nó sẽ tính sau.

Đó cũng chính là vấn đề minh bạch của hệ thống ngân hàng mà lâu nay dư luận thấp thỏm. Và như thế, liệu có khả năng tiền từ ngân sách có bị “thất thoát” và  AMC sẽ phục vụ cho nhóm lợi ích nào nếu nó được hình thành.


Theo Vietnamnet

From the same category