Bơm căng quả bóng
Trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội diễn ra sáng 13/11, người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn đang hết sức mỏng và bấp bênh.
Theo lý giải của Thống đốc, lý do dẫn tới tình trạng này xuất phát từ các năm trước đây. Trong năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 100%, dẫn dến thiếu thanh khoản. Trong số hơn 100 tổ chức tín dụng thì có đến 50 tổ chức tín dụng thường xuyên có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động, dẫn đến lãi suất bị đẩy lên cao.
Theo Thống đốc, tình hình này hiện đã cải thiện, với tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 – 96% trong khi theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 30 – 70%, còn 30 – 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng.
Còn theo một số chuyên gia, chính vì tỷ lệ sử dụng vốn cao và thái độ nhiệt tình cho vay bằng mọi cách của các ngân hàng đã khiến tăng trưởng tín dụng trong các năm trước đây luôn ở mức cao. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ còn cao hơn 2 lần GDP nhưng trong các năm trước đây thường lên tới 5 – 6 lần (tính trong 5 năm gần đây trung bình tăng trưởng tín dụng là 33% và 10 năm gần đây là 29,4%).
Và kết quả là, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng là khoảng 4-5-6%; theo đánh giá của NHNN là 8,6; còn theo các định chế quốc tế, các tổ chức đánh giá tín nhiệm là 13-15%.
Hậu quả lả khi kinh tế khó khăn, ngân hàng lao đao với nợ xấu và thanh khoản. Còn các DN đình đốn và phá sản.
Trên thực tế, sự khó khăn của các doanh nghiệp không hẳn do ngân hàng mà một phần lớn do chủ quan các doanh nghiệp đã ham phát triển theo chiều rộng một cách ồ ạt và do những chính sách thắt chặt bất đắc dĩ của Chính phủ nhằm chống lại lạm phát… Tuy nhiên, theo lý thuyết ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế. Việc điều tiết dòng tiền một cách không hiệu quả, chỗ cần không bơm, chỗ làm ăn yếu kém thì dùng vốn thoải mái với giá rẻ đang khiến chính hệ tuần hoàn này hoạt động giật khục.
Số liệu tăng trưởng tín dụng trong gần 9 tháng đầu năm cho thấy, tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 2,35% – lần đầu tiên sau rất nhiều năm thấp hơn tăng trưởng GDP. Cái khó là ở chỗ, nền kinh tế đang béo tốt, căng đầy máu, bỗng bị rơi vào tình trạng bỏ đói để chống béo phì, chống bong bóng…. Cơ thể chuyển sang ốm yếu là khó tránh khỏi.
Trả giá cho phát triển nóng
Trong bối cảnh các ngân hàng đua nhau huy động vốn ở mức giá cao, cho vay phát triển ồ ạt, tập trung khá nhiều vào BĐS và liên quan tới BĐS, vào chứng khoán… thì doanh nghiệp đi vay phải chịu lãi cao là điều không có gì ngạc nhiên.
Vấn đề nằm ở chỗ, các ngân hàng ồ ạt cho vay, các doanh nghiệp nhắm mắt đi vay bằng mọi giá để phát triển… đã dần tới tình trạng khi quả bóng tài sản (BĐS, chứng khoán…), bóng tài chính bì xì là lúc cả 2 phía, ngân hàng và doanh nghiệp không có đường chống đỡ.
Khi đó, ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay cũng khó mà siết nợ, tịch biên tài sản, kiện phá sản… cũng không xong bởi số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng này quá nhiều, tài sản thế chấp chỗ có, chỗ không. Nếu có thế chấp rất có thể cũng đã ở trong tình trạng bong bóng, trị giá 1 đồng nhưng hiệu ứng bong bóng cùng với quá trình định giá sai biến nó thành 5-7, thậm chí 10 đồng.
Tình trạng ngân hàng gặp khó khăn, không trụ vững, cần trợ giúp, cần tái cấu trúc… không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà trong mấy năm gần đây xảy ra rất nhiều trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ đồng loạt rơi vào tình trạng tệ hại với nợ xấu lên tới cả chục phần trăm, khoảng 10 ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt… và hiếm ngân hàng nào được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt, là điều khác biệt với thế giới.
Trong một xếp hạng hồi cuối tháng 9, cả 8 ngân hàng tại Việt Nam từng được Moody’s xếp hạng đều đã bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. So sánh trong nước, đây đều là những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Trong khi đó, không nhiều ngân hàng nội được đánh giá cao trong khu vực giống như ANZ Việt Nam thống lĩnh các danh hiệu của tạp chí uy tín Asianmoney hồi tháng 9/2012 với “Ngân hàng xuất sắc toàn diện về các sản phẩm vốn nợ, dịch vụ vốn nợ, sản phẩm và dịch vụ lãi suất, các sản phảm phái sinh lãi suất…” hay HSBC Việt Nam nhận giải “Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất trong nước” năm 2012 trong cuộc bình chọn của Euromoney.
Có lẽ, việc thay đổi cách thức quản trị tại các ngân hàng, theo hướng công khai minh bạch, nâng cao hình ảnh, thương hiệu, uy tín… để từ đó hoạt động hiệu quả là cần thiết hơn bao giờ hết. Việc làm này có lẽ cũng không quá khó, bởi một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như ANZ, HSBC, Standard Chartered… hoạt động không có gì ưu đãi hơn trong nước nhưng họ vẫn đang làm khá tốt.
Hiện tại, cho dù mạng lưới chưa nhiều, nhưng các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang hoạt động kinh doanh rất hiệu quả với nợ xấu thấp, sản phẩm dịch vụ đa dạng. Các khách hàng đều là những doanh nghiệp làm ăn tốt và có uy tín trong nước…
Một điều đáng nói là các ngân hàng nước ngoài đã dùng uy tín của mình để huy động vốn trong nước giá khá rẻ (không chạy đua lãi suất) qua đó cho vay ra cho các doanh nghiệp trong nước với giá thực sự mềm.
Có thể nói, việc quản trị rủi ro tốt, hoạt động dựa trên bảng cân đối tài sản vững chắc, bền vững… của hệ thống ngân hàng chính là yếu tố giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển, qua đó nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Việc quản lý chặt đồng vốn cho vay, ở một góc cạnh nào đó, là giúp chính các doanh nghiệp bởi những đồng tiền này chạy vào các dự án khả thi, dự án hiệu quả mới là có ý nghĩa.
Việc cho vay dàn trải, lãi suất cao về ngắn hạn giúp doanh nghiệp thoát cảnh thiếu tiền, mất thanh khoản nhưng về lâu dài là giết doanh nghiệp. Sự phát triển bền vững với biểu hiện tốc độ tăng trưởng huy động vốn, tăng trưởng tín dụng ổn định của khối ngân hàng ngoại ngay trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn cho thấy hướng đi đúng đắn của khối này. Điều mà các ngân hàng nội cần xem xét để cạnh tranh trên một sân chơi ngày càng trở nên bình đẳng.