Tỉ lệ nợ xấu: tin vào con số nào?
Các ĐB đều băn khoăn khi có đến 3 con số được đưa ra về tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam: theo các tổ chức tín dụng là 4,47%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố 8,6% trong khi các tổ chức kiểm toán, xếp hạng quốc tế lại đưa ra con số khoảng 13%.
“Con số nào là tin cậy được?”, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi. Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn liệu chênh lệch có phải do có vi phạm luật các tổ chức tín dụng và luật kế toán, có sự thiếu trung thực, công khai và minh bạch trong việc đánh giá.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tỏ ra bình tĩnh trước câu hỏi này khi khẳng định “thực tế này không phải đến hôm nay mới phát sinh” mà trong 30 năm ông làm ngành ngân hàng, luôn có hai số liệu khác nhau trong nội bộ: một do các tổ chức tín dụng báo cáo, hai do chính NHNN đánh giá.
“Chỉ có điều bây giờ mới công bố công khai”, Thống đốc cho biết từ khi nước ta hội nhập kinh tế quốc tế, có thêm loại số liệu thứ 3 do các tổ chức kiểm toán, xếp hạng quốc tế công bố.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Số liệu của Ngân hàng Nhà nước là đáng tin cậy
Theo ông Bình, sự khác nhau của các số liệu là do các tiêu chí đánh giá khác nhau. “Hiện đã có quy định về phân loại nợ của các tổ chức tín dụng thành 5 nhóm, song trong các yếu tố đánh giá có cả định lượng và định tính”, Thống đốc nói.
Các yếu tố như tình hình sản xuất kinh doanh, môi trường kinh doanh, các cú sốc kinh tế trong nước và thế giới… đều có thể đẩy các khoản nợ vào nguy cơ nợ xấu, Thống đốc phân tích và nhận định “kết quả phụ thuộc nhiều vào người đánh giá”.
Tuy nhiên, với chức trách của mình, Thống đốc khẳng định số liệu của NHNN là đáng tin cậy.
Ông Bình dẫn việc thanh tra 9 tổ chức tín dụng gần đây để cho thấy “không thể chỉ dựa vào báo cáo của các tổ chức tín dụng”: Tất cả đều báo cáo nợ xấu không quá 2,5%, và đều có lãi, nhưng khi thanh tra, có nơi nợ xấu hơn 30%, đặc biệt có nơi đến 60%, có nơi mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ.
Trong nhiệm kỳ này đưa nợ xấu về mức an toàn
Nhưng ĐB vẫn lo ngại vì tỉ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn là dưới 3% và muốn biết NHNN có giải pháp nào để trấn an.
Thống đốc chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến nợ xấu: kinh tế vĩ mô thời gian qua phát triển theo chiều rộng nhờ vào vốn nên tăng trưởng tín dụng nhanh đến mức quá nóng và dẫn đến tăng nợ xấu; cơ chế chính sách chưa theo kịp diễn biến phức tạp của thị trường; hiệu lực thanh tra, giám sát của NHNN còn hạn chế, có lúc tê liệt.
Hai nguyên nhân nữa mà ông Bình nhấn mạnh là chính các tổ chức tín dụng và khách hàng của họ là các doanh nghiệp. “Các tổ chức tín dụng mọc ra quá nhiều, cạnh tranh khốc liệt để tăng trưởng tín dụng, chấp nhận cả những thỏa thuận vay nợ sơ sài. Các doanh nghiệp thì phần lớn yếu kém trong xây dựng kế hoạch kinh doanh và sử dụng đồng vốn”, Thống đốc NHNN phân tích.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chỉ ra các nguyên nhân nữa là đạo đức kinh doanh của ngân hàng kém, việc giám sát dòng tín dụng không hiệu quả và ảnh hưởng của thị trường bất động sản, song ông Bình cho rằng các nguyên nhân này nằm trong 5 nhóm nguyên nhân ông đã nêu.
Để giải quyết nợ xấu, theo ông Bình, phải từ 5 nguyên nhân trên, mà quan trọng nhất là “kinh tế vĩ mô phát triển thì nợ xấu sẽ tự động giảm”. Thống đốc NHNN liên tục dẫn chiếu các văn kiện của Đảng, QH và Chính phủ về định hướng tái cấu trúc nền kinh tế và cho rằng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải tiến hành song song với hai trụ cột còn lại là doanh nghiệp và đầu tư công.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Sang năm hay năm tới tỉ lệ nợ xấu có giảm không?
Hơi “sốt ruột” với câu trả lời của ông Bình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hỏi thẳng: “Sang năm hay năm tới tỉ lệ nợ xấu có giảm không, giảm cỡ bao nhiêu?”
Vẫn khẳng định “nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là tình hình phát triển kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tỏ ra tin tưởng rằng “ngay trong nhiệm kỳ này có thể đưa nợ xấu về mức an toàn là dưới 3%”.
Ông Bình khẳng định “nợ xấu hết sức đáng báo động nhưng chưa đến mức độ hốt hoảng, nguy kịch quá”. Theo Thống đốc, do 84% nợ xấu hiện nay vẫn có tài sản đảm bảo nên “nếu có cơ chế hợp lý sẽ xử lý được với chi phí thấp nhất”.
Một cơ chế như “công ty mua bán nợ” được các ĐB chất vấn, Thống đốc cho biết NHNN đã nghiên cứu xong phương án và sẵn sàng trình Chính phủ để đưa ra thảo luận.