Con số trên được Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN công bố tại cuộc họp báo chiều 11.7. “Kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số NH cổ phần yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế của các tổ chức tín dụng (TCTD) này cao hơn nhiều so với số báo cáo”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN nói.
Ngân hàng đang chịu áp lực về nợ xấu – Ảnh: Ngọc Thắng
– Vì sao lại có sự chênh lệnh giữa con số các TCTD báo cáo và kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, thưa ông?
– Vì cách xác định nợ gồm cả tiêu chí định tính và định lượng như tuổi nợ và khả năng trả nợ của khách hàng. Bởi vậy, có thể cùng bảng cân đối một báo cáo tài chính nhưng giữa các TCTD có sự đánh giá khác nhau, nên đã có quan điểm khác nhau giữa đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.
Qua hệ thống giám sát từ xa, chúng tôi bám sát quy định trong Quyết định số 18/2010/NHNN, nếu như khách hàng có nhiều khoản vay ở các TCTD khác nhau thì buộc các TCTD phải phân loại nợ của khách hàng đó vào nhóm rủi ro cao hơn. Ngoài ra, còn thu thập thông tin từ khách hàng và biết khách hàng vay ở đâu, phân loại nợ của khách hàng từng TCTD thông qua trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Một lý do khác, một bộ phận không nhỏ các TCTD cố ý vi phạm các quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành, không ghi đầy đủ nợ xấu, theo đúng bản chất làm cho chênh lệch khiến bản báo cáo tài chính tốt hơn.
– Trong số nợ xấu 202.000 tỉ đồng, thì lĩnh vực nào chiếm nhiều nhất, đáng lo ngại nhất?
– Chủ yếu là sản xuất công nghiệp xây dựng. Đó là lĩnh vực thời gian qua bị tác động bởi sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản (BĐS), kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng giảm, hay sự khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư, tổng đầu tư toàn xã hội tăng chậm dẫn đến nợ xấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp gia tăng.
Trên 47.000 tỉ đồng nợ xấu có nguy cơ mất vốn
– Nợ xấu khả năng mất vốn là bao nhiêu?
– Nợ xấu tại các TCTD báo cáo khoảng 118.000 tỉ đồng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn (nhóm 5) chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu. Nhưng không có nghĩa tất cả đều chắc chắn mất vốn bởi nợ nhóm 5 cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định và nợ nhóm 5 cũng có tài sản đảm bảo tương đối cao.
– Còn số nợ xấu trực tiếp trong BĐS, chứng khoán?
– Dư nợ cho vay BĐS đến cuối tháng 5 là 197.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ không quá lớn trên tổng dư nợ 2,6 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, khối lượng nợ xấu cho vay kinh doanh đầu tư BĐS cỡ khoảng 12.000 tỉ đồng, tương đương 6,5% dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS và con số nợ xấu cho vay BĐS chiếm 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống theo báo cáo TCTD. Đối với cho vay kinh doanh chứng khoán, đến 31.5 dư nợ còn khoảng gần 12.000 tỉ đồng, nợ xấu ở mức thấp khoảng 485 tỉ đồng.
– Số tài sản dùng để đảm bảo cho những khoản vay từ BĐS, chứng khoán hiện chiếm bao nhiêu, có giá trị như thế nào?
– Theo báo cáo của các TCTD có 84% dư nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, chỉ có khoảng 16% còn lại không có. Giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% trên tổng số nợ xấu có giá trị tài sản bảo đảm. Nếu chỉ xét riêng khoản nợ xấu bảo đảm tài sản bằng BĐS thì tỷ lệ này cỡ khoảng 180%. Hiện dự phòng rủi ro được trích lập tính tới 31.5 khoảng 67.300 tỉ đồng tương đương 57,2% là một tỷ lệ khá cao. Như vậy, các món nợ về cơ bản có tài sản đảm bảo và trích lập dự phòng đầy đủ.
– Ông có thể cho biết vai trò của công ty mua bán nợ trong xử lý nợ xấu?
– Về chủ trương thành lập Công ty mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng (AMC) mới chỉ dừng lại mức độ nghiên cứu, và chúng tôi cũng chưa báo cáo Chính phủ một cách chính thức về đề án này. Nhưng có người nói rằng công ty này cần lượng vốn 100.000 tỉ đồng, tôi khẳng định không cần tới con số tiền mặt này để xử lý nợ xấu. Vì thứ nhất, nếu thành lập AMC thuộc NHNN thì chúng tôi cũng phải sử dụng nhiều công cụ tài chính để xử lý. Thứ hai, về mặt giá trị danh nghĩa của các khoản nợ cần phải xử lý có thể lên đến 100.000 tỉ đồng, nhưng thực tế khi công ty quản lý tài sản mua bán với các TCTD thì giá dựa trên cơ sở giá chiết khấu, hay nói cách khác cái giá đã được tính đến các khoản dự phòng rủi ro, trích lập chưa được sử dụng. Nên việc thành lập Công ty AMC để dịp khác trao đổi sâu, khi mà đề án này đã được báo cáo Chính phủ.
Một bộ phận không nhỏ các TCTD cố ý vi phạm các quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành, không ghi đầy đủ nợ xấu, theo đúng bản chất làm cho chênh lệch khiến bản báo cáo tài chính tốt hơn
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN |
Theo Thanh Niên