Nhân vật siêu điệp viên James Bond kể từ khi được đưa lên màn ảnh đã có lịch sử dài gắn bó cùng với nhiều nam tài tử đình đám. Nhưng với Daniel Craig – một trong những cái tên sáng giá mà khi nhắc đến người xem liền nghĩ đến thương hiệu 007. Chặng đường 15 năm cống hiến của Craig được đánh dấu bằng hàng loạt tác phẩm thành công lẫy lừng. “No Time To Die” (“Không phải lúc chết”) là bộ phim cuối cùng khép lại kỷ nguyên James Bond của ngôi sao Anh quốc. Đây cũng là lúc nhìn lại dấu ấn mà Daniel Craig để lại cho hình tượng 007 qua 5 bộ phim kinh điển.
Trong hình dung của nhiều người, Bond phải là một quý ông cao ráo, tóc đen, đẹp trai và lịch lãm. Vẻ phong trần, lạnh lùng của Craig khiến những chiến dịch trên Internet về việc Daniel Craig không phải Bond nổ ra. Nhưng tất cả đã sớm lắng xuống sau thành công của “Casino Royale” (“Sòng bạc hoàng gia” – 2006). Bond của Craig là một điệp viên sẵn sàng bầm dập trong bộ suit lịch lãm. Bond không phải là một nhân vật bất khả chiến bại: anh bị tổn thương, đau khổ, bị ám ảnh bởi nỗi buồn và cảm giác tội lỗi. Nam diễn viên hào hứng với ý tưởng mới lạ này: “Khai thác những khiếm khuyết trong nhân vật của mình. Điều đó còn thú vị hơn nhiều so với việc làm cho Bond trở nên hoàn hảo, bóng bẩy và chỉn chu đến mức hoàn mỹ ”.
Trong khi phần lớn các Bond trước đây là những điệp viên hành động bảo vệ quyền lợi hoàng gia, thích rượu ngon và phụ nữ đẹp thì động cơ của Bond trong “Casino Royale” và các phần phim sau này được thúc đẩy bởi bi kịch cá nhân. Từ đây, hai yếu tố trở thành sợi chỉ xuyên suốt 5 phần phim sau do Craig thủ vai chính là lòng trung thành và sự báo thù, tương ứng với đó là niềm tin và mất mát.
“Quantum of Solace” (“Định mức khuây khỏa” – 2008) chắp nối những dữ kiện kể từ “Casino Royale” và tiếp quản hình ảnh một James Bond phong trần. Điểm đặc biệt của bộ phim chính là đem đến quan điểm chính trị cực kỳ phức tạp. Bộ phim vẽ ra viễn cảnh thế giới mà các chính trị gia, điệp viên hoạt động ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia nắm trong tay quyền lực vô hạn. Họ sẵn sàng làm mọi thứ, hủy hoại lẫn nhau để có thể đạt được mục đích.
Nếu như “Quantum of Solace” và “Casino Royale” xây dựng hình tượng James Bond của Daniel Craig từ con số 0, thì “Skyfall” (“Tử địa Skyfall” – 2012) đưa nhân vật này vào quỹ đạo của 007 trên màn ảnh. “Skyfall” làm mới hình tượng James Bond bằng cách kết hợp khéo léo giữa giá trị nguyên tác và dấu ấn thời đại: bộ phim đưa khán giả trở lại quá khứ tìm hiểu về tuổi thơ của James Bond. Đây là cánh cửa để người xem khám phá chiều sâu nhân vật, mà thậm chí còn được dẫn dắt nhiều hơn trong “Spectre” (“Bóng ma” – 2015).
Phần phim thứ 24 trong loạt James Bond, “Spectre” đem đến ác nhân Ernst Stavro Blofeld – một phản diện lớn điều hành tổ chức SPECTRE. Phần bất ngờ nhất của bộ phim chính là việc Bond rời khỏi công việc điệp viên, quyết tâm chạy trốn cùng người tình Madeleine để tìm kiếm bình yên. Đó chưa bao giờ là số mệnh của cựu 007, và những bóng ma quá khứ dẫn chúng ta đến với những sự kiện của “No Time To Die”.
Trước đây các phim về Bond được xây dựng như những tác phẩm độc lập khép kín. Và người anh hùng của chúng ta chỉ đơn giản là cứu thế giới hết lần này đến lần khác. Thay vào đó, thời kỳ James Bond của Craig đã chọn lối xây dựng các phần phim liên kết với nhau qua 15 năm. Với phần phim khép lại hành trình của một huyền thoại, “No Time To Die” hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều cảm xúc cũng như những dấu ấn khó quên cho người hâm mộ nhân vật 007.
“No Time To Die” (Không phải lúc chết) dự kiến khởi chiếu từ 31.12.2021