Đầu tiên, phải thành thật với nhau rằng web drama Việt ra đời với hai mục đích: bán quảng cáo và tăng lượng view cũng như subscribe cho trang YouTube của nghệ sĩ. Chính vì thế, các web drama Việt thường có nội dung khá đơn giản và bám sát những trào lưu được khán giả yêu thích.
Năm 2018, cung đấu là một từ khóa “hot”. Khi người xem ăn ngủ với “Hậu cung Như Ý truyện” và “Diên Hi công lược” trên sóng truyền hình, thì tại YouTube, diễn viên hài Nam Thư và Thu Trang cũng lập tức cho lên sóng hai web drama cung đấu là “Nam Phi liên hoàn kế” và “Bổn cung giá lâm”. Chuyện bang hội với những trận chiến mưa máu gió tanh, những tình nghĩa huynh đệ tỉ muội cũng là thể loại được khán giả hiện đại ưa thích. Chẳng vậy mà “Thập tam muội” của Thu Trang, “Ông trùm dẹp loạn giang hồ” của Ưng Hoàng Phúc hay “Người trong giang hồ” phần 6 của Lâm Chấn Khang đều lọt top 10 web drama Việt được yêu thích.
Bắt đầu bằng series phim hài – tâm linh có tên gọi “Ai chết giơ tay” của Huỳnh Lập ra mắt vào tháng 5/2018, số lượng web drama Việt Nam giờ đây đã đếm đủ 10 đầu ngón tay. Nếu ví đó như một vườn hoa, thì cả vườn hoa ấy đều chỉ đang nở cùng một kiểu, một màu.
1. Lạm dụng yếu tố hài
Tại Hàn Quốc, mỗi web drama chỉ gói gọn trong khoảng 14-24 tập, thời lượng mỗi tập là 20-30 phút, cốt truyện giản dị, thường khai thác các khía cạnh đời sống thường nhật. Tại Trung Quốc, không có một giới hạn cụ thể nào về thời lượng hay thể loại để phân biệt web drama và TV series, ngoài việc web drama được đăng tải trên các trang lưu trữ video như Yoku, iQiyi… (“Diên Hi công lược” được phát trên iQiyi trước cả khi chiếu trên truyền hình). Còn ở Việt Nam, web drama được đăng trên YouTube, độ dài trung bình 30 phút/tập, dưới 10 tập/series, đa phần hướng đến tính hài hước do những gương mặt hoạt động mạnh mẽ nhất trên thị trường này đều là diễn viên hài như Thu Trang, Huỳnh Lập.
Không phải một nghệ sĩ hài, Ưng Hoàng Phúc chọn các pha hành động làm điểm nhấn trên nền tảng chính kịch. Tiếc rằng diễn xuất không chuyên của nam ca sĩ khiến “Ông trùm dẹp loạn giang hồ” chỉ dừng lại ở mức một sản phẩm chiều lòng người hâm mộ. Trong khi đó, “Thập tam muội” của Thu Trang – Tiến Luật cũng khai thác chuyện đấu đá giang hồ, diễn xuất ở mức chấp nhận được, nhưng vì hài hước nên lại có sức lan toả mạnh hơn. Có một quy luật ngầm hiểu: để dễ thành công ở thị trường Việt Nam, web drama nên là một phim hài.
Nhưng hài chưa phải yếu tố quan trọng nhất, bộ phim cần phải có chất lượng. “Cương thi biến” của Duy Khánh có yếu tố hài hước nhưng lại chỉ mang đến cho khán giả cảm giác dài dòng và mệt mỏi. “Nam Phi liên hoàn kế” cũng tự biến mình thành thảm hoạ vì sự cường điệu quá đà. Ngắm nhìn những vị phi tần ăn bận loè loẹt, điệu bộ nhả nhớt, chưa kịp cất tiếng đã lộ diễn biến, khán giả thở phào: “Ơn giời, phim chỉ có 6 tập”. “Sài Gòn anh yêu Kem” cũng cùng chung số phận chọc cười mà chẳng thể khiến ai nhếch mép. Xem những bộ phim này, khán giả như thấy lại những parody nhiều tập từng một thời gây bão của DAMTv hay BB&BG.
2. Lối thoát chật chội
Sự xuất hiện quanh quẩn của từng đó gương mặt nghệ sĩ giải trí khiến web drama Việt nhanh chóng trở nên nhàm chán. BB Trần tham gia “Thập tam muội” và “Nam Phi liên hoàn kế”, cặp vợ chồng Thu Trang – Tiến Luật giữ vai chính trong “Thập tam muội” và “Bổn cung giá lâm”, Huỳnh Lập tham gia vai chính trong “Ai chết giơ tay” và một vai thứ trong “Tay buôn, buông tay”… Chưa kể tới dàn diễn viên phụ với những cái tên có thể khán giả chưa nhớ, nhưng gương mặt thì chắc chắn đã quen vì họ xuất hiện trong nhiều phim quá!
Sự quanh quẩn này vừa cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của những diễn viên được mời đi mời lại – những cái tên bảo chứng cho lượt view khủng trên thị trường YouTube Việt thượng vàng hạ cám; lại vừa cho thấy sự ít ỏi và đơn độc của web drama. Nó mới chỉ tồn tại như một hình thức cao cấp hơn của các video parody giải trí hoặc một chương trình quảng cáo nhiều tập. Về lâu dài, web drama Việt càng ngày càng giống một lối thoát của các nghệ sĩ trong tình cảnh sân khấu kịch lao đao, điện ảnh bão hoà tiếng cười, và chính bản thân họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một vai diễn đổi đời. Không thành công trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn do người khác đặt ra, họ sử dụng web drama như một sân chơi của riêng mình, nơi họ vừa là người chơi, vừa là người ra luật. Lời ăn lỗ chịu, sẽ chẳng có giới phê bình nghệ thuật hay đơn vị quản lý văn hoá nào ở đó để chỉ trích hay giới hạn họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tập đầu tiên của “Ai chết giơ tay” đạt tới 9.6 triệu lượt xem trong khi tập cuối cùng của series này là hơn 6.1 triệu. Tập đầu của “Nam Phi liên hoàn kế” vượt ngưỡng 10.6 triệu lượt xem còn tập mới nhất dừng ở con số 2 triệu view. Lượt view cho tập đầu – tập cuối của “Bổn cung giá lâm” cũng chênh nhau tới 5.2 triệu… Những con số này thể hiện mức độ quan tâm giảm dần theo thời gian của khán giả, tỉ lệ thuận với chi phí sản xuất mỗi tập. Chính vì vậy, web drama Việt thường chỉ gói gọn trong 6-8 tập. Phim cần kết thúc khi lượng người xem chưa giảm xuống quá thấp và tiền đầu tư bỏ ra chưa quá nhiều.
3. Được gì và mất gì?
Đặt giả thiết nếu web drama Việt vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo lộ trình như hiện nay và không rơi vào thoái trào, thì sau một thập kỉ nữa, di sản mà nó để lại cho nền giải trí nước nhà sẽ là gì?
Những series phim chất lượng cao? Hi vọng là thế hệ tương lai sẽ không nghĩ thế! Một xu hướng xem phim truyện mới? Không đợi tới khi web drama xuất hiện, thì những tiểu phẩm nhiều phần đăng trên YouTube đã làm việc đó rồi. Thành tựu của loại hình này có lẽ là một tinh thần làm nghệ thuật đáng được cổ vũ. Các nghệ sĩ sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc cho sản phẩm của mình, để sức sáng tạo vượt qua giới hạn cũ kĩ. Dù có thể không nhận được phần thưởng tương xứng, nhưng ít nhất, họ đã thực sự đam mê.
Thiếu vắng những gương mặt diễn viên nhưng dư thừa những cái tên nghệ sĩ, ngày càng trở nên một màu vì lạm dụng yếu tố hài hước, được cổ xuý bởi thói quen xem xổi của không ít khán giả, đó là 3 trong vô vàn lý do khiến web drama Việt mới chớm nở nhưng đã sớm tiến đến điểm bão hoà. Từ tháng 10/2018 đến nay, chưa có thêm một cái tên web drama nào đủ sức gây sóng gió dù trước đó chúng gối nhau ra đời san sát, cũng không có bất kì một dự báo xu hướng nào trong năm 2019 dành cho các web drama.
Mặt trái của việc xem miễn phí trên YouTube là người xem trở nên dễ dãi, còn nghệ thuật thì dễ bị tha hoá. Liệu web drama Việt có lột xác trở thành một hình thức phim truyện mới không, hay lại trượt theo motif hài kịch dài tập chiếu trên YouTube? Quyền quyết định không nằm trong tay những nghệ sĩ hài. Họ chỉ là người tạo ra xu hướng, còn chính chúng ta, từ hàng ghế khán giả, mới nắm quyền quyết định sự sống – chết của xu hướng ấy.