Nỗ lực xanh hóa của ngành công nghiệp tội lỗi

Gắn liền với cái đẹp và sự phù phiếm nhưng trong câu chuyện bảo tồn màu xanh của hành tinh mẹ, thời trang lại là ngành công nghiệp đóng vai phản diện.

Theo báo cáo năm 2018 của UNECE (Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc châu Âu), riêng ngành công nghiệp thời trang đã thải ra môi trường một lượng carbon bằng 10% so với toàn thế giới, khiến các nguồn cung nước tự nhiên như sông hồ khô cạn, gây ô nhiễm môi trường. Không dừng lại ở đó, 85% tổng số vải vóc nguyên liệu dùng trong sản xuất đều có kết cục ở các bãi rác thải công nghiệp khổng lồ trong khi chưa tới 1% trong số này được đem ra tái chế. Ước tính 500.000 tấn sợi vải siêu nhỏ (microfiber) được xả ra các đại dương hàng năm, tương đương 50 triệu chai nhựa (theo báo cáo của Tổ chức Ellen MacArthur năm 2017). Để làm ra một chiếc áo phông cotton, người ta tốn tới 2.600 lít nước sạch cho việc tưới tắm cây bông. Theo nhận định của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển năm 2020, quá trình sản xuất của ngành thời trang đã tước đi quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của một số quốc gia và khu vực trên thế giới.

Biết là thế nhưng không thể kìm hãm một ngành công nghiệp sản sinh lợi nhuận hàng nghìn tỉ đô mỗi năm. “Sự thôi thúc phải bán được nhiều hơn, kích cầu khách hàng nhiều hơn vẫn luôn cuộn chảy trong DNA của ngành công nghiệp này. Quần áo thường có vòng đời ngắn ngủi và kết cục chung của chúng đều nằm ở các bãi rác” – Michael Stanley Jones, đồng thư ký tại Hội Liên hiệp quốc Liên minh vì Thời trang bền vững (The UN Alliance for Sustainable Fashion) cho biết. Một vòng luẩn quẩn được tạo ra: nhu cầu tiêu dùng được kích thích mạnh – công nghệ phát triển cho phép rút ngắn thời gian sản xuất – các loại sợi tổng hợp chứa polyester được khai thác triệt để nhằm phục vụ thị trường cũng như xoay vòng kịp thời cùng các xu hướng… Những thiệt hại do ngành thời trang gây ra tưởng chừng không có ngày chấm dứt dưới sức ép của thị trường.

Trong một thập kỉ đổ lại đây, các mô hình kinh doanh thời trang bền vững lần lượt ra đời cùng các từ khóa chủ chốt: tái sử dụng, tái chế, tái sản xuất và sửa chữa. Váy cưới và đồ bơi làm bằng chất liệu hữu cơ thuần chay, thảm tập yoga dệt từ sợi nấm, giày sneaker làm từ bã mía hoặc bã cà phê… Động thái thay đổi hoặc đi đến cam kết bền vững 100% (sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, quy trình sản xuất hướng tới sự bền vững và minh bạch, giảm thiểu hoặc bài trừ các nguyên liệu tổng hợp) từ các thương hiệu lớn như Stella McCartney, JW Anderson,… cho tới những tên tuổi tầm trung mới mẻ như Theory, Marine Serre, Everlane, Reformation,… đã phần nào củng cố niềm tin của nhân loại vào những nỗ lực thay đổi chậm mà chắc của thời trang.

Nỗ lực bền vững đến từ các thương hiệu thời trang nhanh

Những ông lớn trong ngành thời trang nhanh như H&M hay Zara đều lần lượt cho ra mắt những dòng sản phẩm bền vững. H&M triển khai dòng sản phẩm Conscious, và Zara sở hữu dòng sản phẩm Join Life sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường. Thậm chí, H&M còn cam kết sử dụng 100% chất liệu tái chế hoặc bền vững cho toàn bộ thương hiệu vào năm 2030, Zara có tham vọng đạt được chỉ số 0% lượng chất thải ra môi trường vào năm 2040.

Hẳn nhiên, việc thay đổi cần có quá trình và sự quyết tâm đồng loạt của các thương hiệu trong ngành. Đối với những thương hiệu mới hoặc mang quy mô vừa và nhỏ, sự thay đổi đến nhanh và trực tiếp. Nhưng đối với những thương hiệu có quy mô lớn (đến mức cồng kềnh) và có di sản lâu đời, sự chuyển mình thường bắt đầu chậm hơn.

Chiến dịch Tết Nguyên đán Nhâm Dần của Prada

Năm 2018, Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga là Demna Gvasalia đã kết hợp cùng Tổ chức Lương thực Thế giới (World Food Programme) sản xuất mũ lưỡi trai, áo phông, túi đeo trước bụng có logo của hai thương hiệu đặt cạnh nhau. 10% doanh thu từ các sản phẩm này được trích tặng cho WFP – tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới trong việc chống lại nạn đói. Tiếp bước Balenciaga, Michael Kors cũng ra mắt phiên bản đặc biệt của chiếc áo phông LOVE “Watch Hunger Stop” vào năm 2020. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán chiếc áo phông này được quyên tặng cho WFP như một lời hồi đáp kịp thời giữa đại dịch Covid-19. Và gần đây nhất, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Kenzo và Prada đã ra mắt chiến dịch đặc biệt nhằm hướng tới việc bảo tồn và nhân giống những loài hổ quý hiếm trên thế giới. Kenzo phối hợp cùng tổ chức World Wide Fund for Nature đặt ra mục tiêu tăng số lượng loài hổ trong tự nhiên lên gấp đôi trong năm 2022. Prada cũng đóng góp cho tổ chức bảo vệ hổ và báo tại Trung Quốc trong công cuộc bảo tồn và duy trì giống hổ Amur tại đại lục.

Để chứng tỏ thiện chí của mình với hành tinh mẹ, ngành công nghiệp thời trang vẫn cần thêm rất nhiều thời gian.

Một phần trong BST mà Balenciaga thực hiện cùng tổ chức World Food Programme
Chiến dịch Tết Nguyên đán hướng tới việc bảo tồn và nhân giống loài hổ Amur của Kenzo

GO GREEN IN STYLE
Thẳng thắn nhìn nhận thì thời trang là ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên hệ sinh thái, nguồn nước sạch, khí quyển, nhân sinh… Sự giằng co giữa hai đối trọng môi trường và thời trang đã trở thành chủ đề nóng được quan tâm bởi truyền thông và nhân loại. Dù chưa thể có hướng giải quyết triệt để nhưng vấn đề này cũng đang dần được tháo gỡ bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ, phần nào mang tới niềm hy vọng xanh cho trái đất.

Đọc thêm:
– Nỗ lực xanh hóa của ngành công nghiệp tội lỗi
– Bài toán đau đầu về chất liệu
– Xu hướng bền vững ở thời trang Việt


From the same category