Nợ, lỗ: Tập đoàn, tổng công ty 'sống nhờ' vốn vay - Tạp chí Đẹp

Nợ, lỗ: Tập đoàn, tổng công ty ‘sống nhờ’ vốn vay

Tin Tức

Sáng 18/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010. Đáng chú nhất trong báo cáo năm nay là kết quả kiểm toán chuyên đề các DNNN, tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức ngân hàng – tài chính.

Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN tóm tắt báo cáo cho biết, năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi như lãi vay ngân hàng, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao, thị trường tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có 19/21 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán vẫn có lãi.

Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty bị lỗ, kết quả kinh doanh bị giảm so với năm 2009.

Ví dụ điển hình như lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 8.416 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.

Công tác quản lý tài chính tại các DN này vẫn có nhiều hạn chế như tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn, nợ khó đòi phát sinh rất lớn. Ví dụ như nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 50,88%, Tổng công ty Xây dựng đường thủy là 37,58%, Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi 31,13%, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải 24,37%, Tổng công ty HUD 22,73%, Tổng công ty Xây dựng phát triển hạ tầng 22,49%.

 

Cùng đó, việc xác định kiểm kê sản phẩm dở dang, nguyên nhiên vật liệu xuất dùng và tồn kho chưa chính xác, nhất là các DN khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, xây dựng. Tình trạng hàng tồn kho dự trữ lớn, vượt nhu cầu, tài sản cổ định đã đưa vào sử dụng nhưng lại chưa quyết toán, đặc biệt là do không nghiên cứu kỹ nhu cầu nên nhiều tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản cố định sau đầu tư không hiệu quả.

Điển hình như trường hợp Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công thuộc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và lắp máy TMC…

Theo KTNN, mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các DNNN không lớn nhưng đa số, các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư ngành ngoài nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Dẫn chứng cho căn bệnh này, KTNN cho biết có điển hình là các trường hợp như công ty mẹ của Tổng công ty hàng hải Việt Nam đầu tư ngành ngoài 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ, công ty mẹ – Tập đoàn TKV đầu tư ngành ngoài 1.828,8 tỷ đồng, không bao gồm điện, năng lượng, bằng tới 12,09% vốn điều lệ. Công ty mẹ – Tập đoàn EVN đầu tư ngành ngoài tới 4.551,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ, công ty mẹ – Tổng công ty VICEM đầu tư ngành ngoài tới 634,9 tỷ đồng, bằng 5,27% vốn điều lệ.

Một số DN do kinh nghiệm quản trị kém và do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, bị thua lỗ. Ví dụ như tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán bất động sản ở TKV là 7,94%, ở cơ khí đóng tàu của tập đoàn này cũng chỉ đạt 4,61%. Tỷ suất này tại EVN ở lĩnh vực tài chính chứng khoán bất động sản là 7,83%, riêng viễn thông lỗ 1.057,7 tỷ đồng…

 

Các tập đoàn, tổng công ty đang sống nhờ vốn vay (ảnh minh họa).

Đặc biệt, 11 trên tổng số 21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính.

Theo KTNN, tình trạng này diễn ra ở Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu gấp tới 9,19 lần, Tổng công ty xây dựng phát triển hạ tầng 4,79 lần, Tổng công ty Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và thủy lợi 4,39 lần, Tập đoàn HUD 4,01 lần, Tập đoàn EVN 3,83 lần…Chưa kể, còn có tình trạng các DNN huy động sử dụng vốn sai mục đích dẫn tới mất cân đối lớn về nguồn vốn.

KTNN còn cho biết, các tập đoàn, tổng công ty hiện quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên với diện tích lớn nhưng nhiều diện tích đất vẫn chưa được các địa phương ký hợp đồng cho thuê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nhiều DN còn sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch hoặc chậm, không xây dựng các công trình công công khi thực hiện các dự án khu đô thị.

Công tác bình ổn giá của các đơn vị này cũng vẫn có nhiều sai sót. Ví dụ như việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu ngay cả khi DN lỗ đã tạo ra quy ảo, EVN chưa tính hết các khoản giảm thu liên quan đến sản xuất kinh doanh vào cơ chế hạch toán giá thành điện, tỷ lệ tổn thất điện năng cao.

Dù vậy, kiến nghị chung liên quan đến tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cơ quan kiểm toán cho biết, số thuế và các khoản phải nộp của các đơn vị này tính đến hết năm 2010 còn 7.579 tỷ đồng, trong đó, KTNN kiến nghị tăng thêm 545 tỷ đồng.

Ngoài tình hình hoạt động của các DNNN, cuộc họp báo của KTNN còn công bố khá cụ thể về tình trạng mất an toàn vốn tại các tổ chức tài chính – ngân hàng năm 2010. 

Theo VietNamNet

Thực hiện: depweb

18/07/2012, 12:57