Nighat Dad và câu chuyện truyền cảm hứng về "quyền kỹ thuật số" ở Pakistan - Tạp chí Đẹp

Nighat Dad và câu chuyện truyền cảm hứng về “quyền kỹ thuật số” ở Pakistan

Sống

Đàn áp tinh thần thời công nghệ

Nighat Dad sinh năm 1981 tại một ngôi làng nhỏ ở Punjab (Pakistan). Truyền thống gia đình cô không cho phép phụ nữ đầu tư cho việc học, theo đuổi sự nghiệp và không được sử dụng điện thoại cho đến khi kết hôn. Lấy được tấm bằng luật sư đối với một phụ nữ ở Pakistan cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng bằng tất cả sự dũng cảm, kiên trì và nhờ sự ủng hộ của bố mình, Nighat đã thành công.

nighat-dad
Nighat từng kết hôn với một người đàn ông và luôn bị anh ta theo dõi. Trong một lần vùng lên chống lại việc ấy, cô đã bị anh ta đuổi ra khỏi nhà cùng con trai sáu tháng tuổi.

Hình thức quấy rối mà phụ nữ Pakistan phải đối mặt là rất nghiêm trọng và nó thường dẫn đến những kết cục chết người. Việc liên tục bị quấy rối trên mạng xã hội đã ngăn họ tiếp cận với internet. Nói cách khác, họ không thoải mái trong việc tiếp cận nguồn kiến thức trên mạng. Điều này căn bản là một dạng đàn áp tinh thần”, Nighat cho biết, “Tôi tự hỏi vì sao nữ giới không được phép hưởng quyền bình đẳng như nam giới, giống như những gì ghi trong hiến pháp?“.

nighat-dad-5
Phụ nữ ở Pakistan không được thoải mái tiếp cận internet.
Luật sư nói rằng phụ nữ hoàn toàn có quyền truy cập thông tin một cách tự do nhưng thực tế không phải vậy. Luôn là đàn ông, trong đó bao gồm anh trai, em trai, bố hoặc những người chồng mới là người quyết định việc có trao quyền này cho chúng tôi hay không.” – Nighat bộc bạch.

Phụ nữ Pakistan là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tấn công tình dục và rất nhiều quyền cơ bản của họ đều bị tước bỏ. Với lý do bảo toàn “danh dự gia đình”, phụ nữ có thể bị bỏ rơi đến chết ngay trước cửa nhà mình chỉ vì nói chuyện điện thoại với một người đàn ông. Phụ nữ Pakistan luôn bị theo dõi trên Orkut (hình thức mạng xã hội phổ biến ở Pakistan) và các thiết bị di động, họ thậm chí còn nhận phải những tin nhắn quấy rối trên mạng. Điều họ có thể làm chỉ là thoát ra khỏi tài khoản và tránh dùng đến internet.

Luôn có vô vàn điều bất cập dành cho phụ nữ ở đây và quấy rối trên mạng chỉ là một trong số đó. Và thay vì tiếp tục đặt những câu hỏi vô nghĩa về cấu trúc xã hội Pakistan, nữ luật sư 37 tuổi quyết định hành động với quyết tâm ngăn chặn vấn nạn này.

Kiến thức là sự tự do

“Nhiều người nói rằng đạo Hồi là một tôn giáo bất công đối với phụ nữ nhưng không phải vậy. Chính những người đàn ông mới là người thay đổi ý nghĩa thực sự của tôn giáo” – Nighat chia sẻ.

Năm 2012, Nighat Dad thành lập tổ chức phi lợi nhuận Digital Rights Foundation (tạm dịch: Tổ chức về quyền kĩ thuật số) với mục tiêu giúp phụ nữ biết được quyền cơ bản của mình, bảo vệ họ khỏi việc bị quấy rối và nâng cao nhận thức về an ninh mạng. Bên cạnh đó, DRF cũng cung cấp nhiều giải pháp khả thi cho chính phủ để giải quyết các vấn đề về không gian mạng.

Nighat Dad TEDGlobal 2017
Nighat Dad có buổi diễn thuyết về nạn quấy rối trực tuyến đối với phụ nữ tại TEDGlobal (2017)

Nighat đã mở hàng loạt các cuộc hội thảo và những buổi họp mặt giáo đoàn trên khắp vùng lãnh thổ Pakistan để truyền tải thông điệp của mình. Chiến dịch đầu tiên của DRF là tung ra Hamara Internet (2014) – nơi cung cấp kiến thức cũng như những công cụ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của phụ nữ.

nighat-dad-10
Hamara Internet cung cấp kiến thức cũng như những công cụ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của phụ nữ.

nighat-dad-2

Nighat đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo liên quan đến các vấn đề về quấy rối trực tuyến dành cho phụ nữ.

Với thông điệp “Truy cập internet an toàn là quyền cơ bản của con người”, nữ luật sư đã không ngần ngại đấu tranh để tạo ra một không gian mạng lành mạnh, tự do cho phụ nữ. Cô nói: “Mỗi một điều luật mới liên quan đến không gian mạng ở Pakistan được ban hành đều ít nhiều có sự điều chỉnh. Tôi giải thích chúng dưới ngôn ngữ của giáo dân, để họ có thể biết những điều chính phủ đang cố gắng làm”.

Lahori Mohammed Farooq, phóng viên của tờ tạp chí hàng đầu tại Pakistan đã chia sẻ: “Nighat là biểu tượng cho niềm hy vọng của phụ nữ trẻ ở đất nước này”. Bên cạnh đó, Malala Yusafzai – nhà hoạt động vì giáo dục trẻ tuổi nhất từng nhận giải Nobel Hòa bình – cũng từng đến tham gia một vài buổi hội thảo của Nighat. Tại đây, cô đã truyền lửa cho những phụ nữ trẻ để họ có thể đứng lên chiến đấu cho chính mình.

nighat-dad
Malala Yusafzai và Nighat Dad là hai trong số các nhà hoạt động vì nữ quyền được biết đến nhiều nhất ở Pakistan.

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Nighat đã được công nhận như một nhà lãnh đạo mang tầm vóc quốc tế. Năm 2015, cô được bình chọn trở thành Next Generation Leaders (tạm dịch: Những nhà lãnh đạo thế hệ mới) trên tạp chí Times. Năm 2017, cô được trao giải thưởng uy tín Atlantic Council Digital Freedom Award (Giải thưởng vinh danh cá nhân/tổ chức thúc đẩy hoặc bảo vệ quyền tự do của con người) và nhận giải Human Rights Tulip Award (Giải thưởng về quyền con người) của chính phủ Hà Lan.

nighat-dad-8
Nighat đã chứng minh được tầm ảnh hưởng của mình khi liên tục được thế giới công nhận. (Từ trái sang: Nighat nhận giải Atlantic Council Digital Freedom Award và giải Human Rights Tulip Award)

Truy cập vào internet an toàn là tiếp cận kiến thức và kiến thức là sự tự do. Đồng thời, cuộc chiến giành lại quyền kỹ thuật số cho phụ nữ cũng là đang đấu tranh cho bình đẳng giới. Nighat Dad cùng những nhà hoạt động xã hội khác đang cùng thắp lên niềm hy vọng cho hàng trăm triệu phụ nữ ở Pakistan, để internet không còn là nỗi lo hay một mối đe dọa với họ nữa.

Thực hiện: Huyền My Trương

23/08/2018, 13:36