“Ni cô Huyền Trang”: Trang sách đời tôi đã lật qua rồi!

Nhưng đời thực của ni cô Huyền Trang thì còn tiếp tục đến ngày hôm nay. Bà là Phạm Thị Bạch Liên – nữ chiến sĩ dũng cảm của lực lượng biệt động Sài Gòn với cái tên ni cô Diệu Thông. Ở tuổi 81, bà đang sống trong những ngày khó khăn của định mệnh…
 
Nỗi cô đơn thăm thẳm
 
Bà Bạch Liên đang điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi, TP. HCM. Ở tuổi 81, bà gần như phải đối chọi với bệnh tật một mình. Đứa cháu ruột thỉnh thoảng đưa đồ ăn đến và một phật tử tình nguyện lâu lâu ghé chăm sóc một lần. 
 
Khi chúng tôi đến, bà vui cười ra mặt. Nhưng đụng vào chuyện đời, thì những tiếng khóc buồn tủi, xót xa xen lẫn vào những câu chuyện bà kể. Như thể lâu lắm mới có người nghe những tâm tư, cảm xúc trong lòng bà. Bật khóc rồi cười, hệt như những nét đứt đoạn trong cuộc đời đầy gian nan “đạo – đời” của ni cô Diệu Thông.
 
Có thể nói, đoạn sau đời bà không hề bị ngược đãi. Nhà nước từng tặng bà căn nhà tình nghĩa ở quận Gò Vấp. Đã có lúc trường phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Diệu ở quận 3 tặng bà căn nhà ở phường Hiệp Thành, quận 12. 

Nhưng số phận buộc bà phải dính với đường tu, nên ở căn nhà này được một thời gian bà để lại cho đứa cháu, rồi quay lại chùa Trúc Lâm, quận Gò Vấp tụng niệm thờ Phật. Tháng Chạp năm trước, bà về chùa Thất Bửu ở Long Xuyên (An Giang) xuống tóc xuất gia trở lại. Ngày ngày bà ở một mình ngay cạnh chùa để tiện cho việc tu hành.

 
Nhưng, bệnh tật không buông tha cho người già, dù cả đời bà ăn chay thanh khiết. Những năm tháng dài khó khăn thời chiến, thêm tuổi ngày càng cao nên những căn bệnh cứ rủ nhau tìm đến. Bà mang đủ chứng bệnh như đau, loét bao tử, áp huyết cao, tiểu đường… Sức bà yếu như ngọn nến trong gió. Nhưng có lẽ đau bệnh chưa phải là điều khiến bà đau buồn nhất…
 
“Cuộc đời tôi là một trang sách đã được lật qua rồi nên chắc ít ai còn nhớ! Tôi xuất gia từ nhỏ, tham gia cách mạng. Sau giải phóng, ngoài làm việc ở Bộ Tư lệnh thành thì tôi vẫn phải lận đận mưu sinh, phải bươn chải biết bao nghề như xe nhang, làm trà, nước tương… để kiếm sống, vậy mà cái số lận đận vẫn hoài lận đận. Tôi không trách, vì cái gì theo chính sách thì mình đã nhận rồi. Chỉ thấy buồn, thấy tủi vì mình hẩm phận, đơn côi”, những giọt nước  mắt bật ra, chảy tràn trên gương mặt già nua của người đàn bà một thời nhan sắc.
 
Trước khi lên Sài Gòn chữa trị ở bệnh viện Nguyễn Trãi, mấy tuần trước đó trong một lần đi xe đò từ Long Xuyên về Sài Gòn, đi được nửa đường tới Sa Đéc (Đồng Tháp) thì bà bị gần như ngất xỉu trên xe. Người nhà xe chẳng đoái hoài gì tới mà còn dừng xe lại cho bà xuống nằm ở một băng đá trên vỉa hè. Sau một hồi nằm nghỉ, bà lấy điện thoại gọi cho một phật tử nhờ đưa tới bệnh viện…
 
Nằm viện ở Sa Đéc gần cả tháng trời chẳng ai ngó ngàng. Mãi sau, một nữ dược sĩ biết chuyện nên viết thư tay cho giám đốc bệnh viện “trình bày hoàn cảnh” giúp bà, từ đó bà mới được đưa lên điều trị ở phòng dịch vụ có điều kiện tốt hơn.
 
Bà nhớ lại, sau khi về hưu, bà vẫn cùng các tăng ni đi khẩn hoang ở Đồng Tháp Mười, tham gia công tác đoàn thể ở địa phương… Từ đó đến nay, mong ước xây dựng lại ngôi chùa Tam Bảo như ngày xưa của bà luôn cháy bỏng, nhưng vì nhiều lý do không thể nào thực hiện được. Để giúp bà đỡ khó khăn trong cuộc sống, Nhà nước đã cấp cho bà một căn nhà tình nghĩa ở TPHCM.
 
Bà tu tại gia và tiếp tục mở lò bánh mì, làm trà, xà bông… lao động vất vả để lo cho cậu con nuôi mà bà đã nhận nuôi từ tấm bé những mong về già sẽ có người chăm sóc, hủ hỉ. Vậy nhưng, chính vì nó mà bà phải đành bán đi căn nhà để trả nợ thay và sống lay lắt một mình… Đến cuối năm 2000, trường PT cấp 2-3 Nguyễn Thị Diệu thương cảm đã xây cho bà một căn nhà tình nghĩa ở quận 12, từ đó bà có chỗ ở ổn định hơn.
 
Tôi nhận nuôi nó từ nhỏ có giấy tờ đàng hoàng, tôi thương nó như con mình đẻ ra, nhưng có lẽ được nuông chiều quá nhiều nên nó hư… Nhưng giờ thì mọi chuyện đã qua hết rồi, giờ nó có gia đình con cái và đang mở quán cơm chay ở Gò Vấp… Bao nhiêu đó cũng đã báo hiếu cho tôi đủ rồi” – giọng bà như lạc hẳn đi. 
 
Bà nói vậy nhưng dường như không phải vậy. Dường như bà mong một điều gì đó gần gũi, tình cảm hơn trong tình mẹ con. Bà nói, dù con nuôi không đủ thảo, nhưng con gái của nó luôn tỏ ra thân thiện, hiếu thảo với bà, nên bà bỏ qua mọi chuyện, coi như đó là một phần của số phận mình.

Trời cho gì nhận nấy!

Tập tài liệu do bà sắp xếp và biên soạn.

Tập tài liệu do bà sắp xếp và biên soạn.

 
“Niềm vui lớn nhất của tôi lúc này là đạo pháp, hàng ngày được gần Phật, được nghe tiếng chuông, tiếng mõ để cầu mong tự giải thoát cho mình và giải thoát cho những vong linh mà một thời mình đã làm cho người ta đau khổ. Vậy thôi, bởi dù sao tôi thấy mình cũng đã không chọn sai đường. Chuyện gì cũng qua hết rồi, số phần của mình có thế nào thì mình chịu vậy chứ sao giờ”, bà nói mà như tự nhủ với lòng mình.
 
Dù là người nhà Phật từ năm lên 7 tuổi – xuất gia tại một ngôi chùa ở Đồng Tháp, sau đó được cử đi học trường tu hành ở Huế, nhưng với tấm lòng yêu nước nhiệt huyết, nên khi về Sài Gòn năm 1959, bà đã nhanh chóng móc nối ngay với các tổ chức cách mạng, rồi trở thành thành viên nòng cốt trong các cuộc đấu tranh chống Diệm của tăng ni phật tử.

Bà quyết định cùng người cháu là Thích Viên Hảo xây dựng ngôi chùa đặt tên là Bổn Nguyện tọa lạc tại số 82B Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2, P.12, Q.11). Chính tại ngôi chùa này đã trở thành nơi may cờ, in ấn tài liệu, truyền đơn cho cách mạng. Không may sau đó giặc phát hiện nên chùa đã bị đốt trụi.

Lá thư tay kêu gọi sự giúp đỡ.

Lá thư tay kêu gọi sự giúp đỡ.

Một lần nữa, bà cùng các tăng ni xây dựng lại, lấy tên là chùa Tam Bảo. Không lâu sau, bà được gặp đồng chí Tư Chu (Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đức Hùng) – chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn, từ đây bà chính thức trở thành chiến sĩ biệt động thành với bí danh Chín Tô.
 
Đầu năm 1969, trước nhiệm vụ được cấp trên giao phó là bằng mọi giá phải gây tiếng nổ ở những nơi làm địch bất ngờ nhất, sau khi điều nghiên, bà và cả tổ công tác đã bàn bạc nhắm mục tiêu đầu tiên là thượng viện Sài Gòn. Trận này có năm người gồm: bà, chị Tám A, Tuyết Điểu, Mai và Thanh.
 
Sau khi chạy ngang qua hội trường để xem xét tình hình, bà đã làm ám hiệu để cả nhóm chia làm ba mũi lao đến ném thủ pháo vào các cửa rồi nhanh chóng rút lui… Trận đánh cư xá sĩ quan hải quân độc thân Mỹ của bà cùng bốn đồng đội vào tháng 7/1969 làm chết và bị thương trên 30 tên địch đã gây tiếng vang lớn. Sau trận này, bà đã được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3…
 
Vui mừng trước sự công nhận các chiến công nhưng có lẽ suốt cuộc đời này bà không thể nào quên được các đồng đội đã sát cánh cùng mình và nhất là những hy sinh mất mát của họ như: hai đồng đội của bà là Tám A và Rỷ đã hy sinh ngay trước mắt bà khi họ đưa quả mìn tới gần để phá hủy chiếc xe ca chở quân Mỹ vào một ngày tháng 5/1969.
 
Hay ngày Sáu Thu bị bắt gần chùa khi chạy chiếc Mobilette của bà chở truyền đơn, dù bị địch tra tấn dã man nhưng chị nhất quyết không khai ra bà và các đồng đội, đã khiến bà quặn lòng. Rồi đến lượt Tuyết Điểu, Liên cũng bị sa vào tay giặc, bị đánh đập tàn nhẫn nhưng vẫn một lòng một dạ sắt son… Cuối năm 1969, chùa Tam Bảo bị giặc phát hiện, sau đó bị san bằng, chúng bắt đi nhiều cán bộ và chiến sĩ của ta, bà và đại đức Thích Viên Hảo cũng bị bắt và tra tấn dã man…
 
Thời gian sau, khi đã được tự do, bà tiếp tục được cấp trên là Anh hùng Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng) – Cụm trưởng Cụm Biệt động 345 chỉ đạo củng cố và xây dựng lực lượng tại chỗ chờ thời cơ. Đến tháng 4/1974 được sự móc nối của Anh hùng Tư Tăng, bà tiếp tục hoạt động ở Lữ đoàn biệt động 316 (phiên hiệu là Z32) thuộc Bộ chỉ huy miền B2 và tiếp đó hoạt động phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng mùa xuân 1975… Với những chiến công vang dội như vậy, bà và nhiều đồng đội của bà đã được ghi vào lịch sử truyền thống TP.HCM.
 
Vừa kể vừa với tay lục tìm tập tài liệu do bà tự mình sắp xếp, biên soạn – trong đó là những bài bút ký, cảm nhận và cả những bài thơ “nghĩ sao viết vậy” do bà sáng tác. Lật giở từng trang, có thể thấy bà đã cẩn thận sắp xếp theo trình tự cuộc đời mình, có hỷ nộ ái ố, có tâm tư tình cảm, có mong muốn sẻ chia và có cả “lời di chúc” khi bà qua đời…

Tôi chợt nhận ra rằng, với ni cô Diệu Thông, dường như chuyện đạo – đời không khi nào rành rọt, bởi vậy nó cứ như một sự mâu thuẫn, ràng buộc khiến cho bà coi như là định mệnh “trớ trêu” của mình. “Tôi ước cho bệnh tật mau lành để về làm việc – hiện tôi đang vận động mở một hội từ thiện ở Sa Đéc nên còn nhiều việc phải làm” – bà nói.

Điều mong muốn của ni cô Diệu Thông là tặng lại chiếc xe máy, là kỷ vật của Bí thư Thành ủy TP.HCM khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng CSVN) tặng bà năm xưa cho bảo tàng truyền thống. Hiện chiếc xe máy này bà để cho một người cháu ở Ba Thê – An Giang gìn giữ. Bà muốn nó như một kỷ niệm giá trị của một thời kỳ lịch sử đáng nhớ cho các thế hệ mai sau.

“Trang sách đã xếp lại nên cần ai đó mở ra, mai này mỗi khi nhìn thấy chiếc xe, hay những kỷ vật khác của tôi (chiếc áo nhà chùa và khăn đội đầu của bà hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ), người ta sẽ nhớ đến một vị ni cô yêu nước” – bà nói.

Trang sách đã xếp lại nên cần ai đó mở ra”!

Theo CAND


From the same category