Những vụ giải cứu người bị mắc kẹt thần kỳ trên thế giới - Tạp chí Đẹp

Những vụ giải cứu người bị mắc kẹt thần kỳ trên thế giới

Gentlemen by Đẹp
ttxvn_giaicuudoibongthailand
Lực lượng chuyển dây cáp vào bên trong hang Tham Luang để giải cứu các thành viên đội bóng mắc kẹt, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 2/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cả 12 em nhỏ và huấn luyện viên của đội bóng đều an toàn. Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu hiện đang bước sang một giai đoạn khó khăn mới, đó là làm sao có thể đưa các thành viên đội bóng ra ngoài an toàn, do nước vẫn ngập trong hang khá sâu và sức khỏe của các thành viên đội bóng có các dấu hiệu cho thấy đã kiệt sức vì không được ăn uống trong gần 10 ngày.

Theo dự báo, mưa lớn sẽ tiếp tục đổ xuống trong ngày 4/7 và kéo dài từ 3-4 tuần nữa khiến mực nước trong hang Tham Luang dâng cao, tạo ra thách thức không nhỏ cho đội ngũ giải cứu. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nhóm thợ lặn của Thái lan và quốc tế đã tiếp cận được với đội bóng đang bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Những người làm công tác cứu hộ đang khẩn trương đưa các thiết bị hỗ trợ tới hiện trường với mong mỏi đưa các em ra ngoài sớm nhất có thể.

Theo ông Yookongkaew – Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Thái Lan đánh giá, việc đưa cả đội bóng ra ngoài trong thời gian ngắn là không khả thi, do các em còn nhỏ và sức khỏe đã suy kiệt khó có thể bơi liên tục 4km trong hang, nơi có điều kiện địa hình vô cùng phức tạp. Thậm chí các thợ lặn cứu hộ chuyên nghiệp cũng đã phải mất tới 6 giờ đồng hồ để có thể tiếp cận các em.

Bên cạnh đó, phương án rút nước ra khỏi hang cũng vấp phải không ít khó khăn, do mùa mưa của Thái Lan kéo dài tới tháng 11, lượng nước rất lớn sẽ đổ vào hang khiến mực nước tăng nhanh. Cả hai phương án đều sẽ mất rất nhiều thời gian. Phương án khoan tìm lối ra khác cũng gặp thách thức bởi nơi các em bị kẹt có không gian khá hẹp và việc tìm chỗ để khoan hiệu quả cũng rất khó khăn. Các chuyên gia cứu hộ ước tính các em hiện đang ở cách mặt đất từ 800-1.000 mét.

Tuy nhiên, các nhà chức trách khẳng định, họ sẽ làm tất cả để đưa các thành viên đội bóng ra ngoài an toàn nhất có thể. Hiện tại, 7 lính đặc nhiệm trong đó có 2 bác sỹ thuộc lực lượng hải quân Thái Lan cũng đã tình nguyện ở lại trong hang để duy trì tình trạng sức khỏe của đội bóng luôn ở mức tốt nhất.

Dưới đây là những vụ giải cứu người bị mắc kẹt thần kỳ trên thế giới:

1. Sập hầm ở Quecreek, Mỹ (2002)

13051107443506survivorshorizontallargegallery
(Nguồn: Getty Images)

Ngày 24/7/2002, 18 thợ mỏ đang làm việc trong hầm mỏ Quecreek ở hạt Somerset, bang Pennsylvania, thì bất ngờ hầm bị ngập. Một số đã thoát ra được nhưng 9 thợ mỏ vẫn bị kẹt lại bên trong trong khi mực nước liên tục dâng cao.

Lực lượng cứu hộ ngay lập tức được điều đến và các nhà chức trách quyết định mở một chiến dịch vừa cố gắng bơm nước trong hầm ra để bảo đảm tính mạng cho những người bị kẹt vừa khoan vào hầm và đưa một khoang cứu hộ bằng thép với đồ tiếp tế xuống tới chỗ các thợ mỏ.

Đến 12 giờ 30 phút sáng ngày 28/7/2002, sau hơn 77 giờ bị kẹt dưới lòng đất, các thợ mỏ bắt đầu được đưa lên qua khoang cứu hộ. 9 thợ mỏ đã thoát chết một cách ngoạn mục và tất cả đều không bị thương hay chịu thương tích gì nghiêm trọng.

2. Giải cứu các thủy thủ tàu ngầm tại Kamchatka, Nga (2005)

000_par301133
(Nguồn: enca.com)

Vào năm 2005, 7 thủy thủ của tàu ngầm loại nhỏ Priz của Nga đã bị mắc kẹt dưới biển, thuộc khu vực bán đảo Kamchatka, do vướng phải vật cản, khiến khung máy của loại tàu này không thể vận hành.

Do lo ngại sẽ xảy ra thảm kịch giống như vụ tai nạn tàu ngầm Kursk của Nga vào khoảng 5 năm trước đó khiến 118 thủy thủ không ai sống sót, Chính phủ Nga đã nhanh chóng tập hợp lực lượng và nhận được sự trợ giúp kỹ thuật từ phía Anh.

Đúng 3 ngày sau kể từ lúc gặp nạn và trong khoang tàu không còn một chút không khí nào, cả 7 thủy thủ đã thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần trong gang tấc, khi một cỗ máy robot của Anh có khả năng hoạt động dưới nước ở độ sâu 200m cắt thành công vỏ tàu ngầm Priz.

Tổng thống Vladimir Putin khi đó đã trao huân chương cho đội hỗ trợ giải cứu đến từ Anh, đồng thời tuyên bố sẽ đặt hàng xứ sở sương mù những con robot tương tự, phục vụ cho mục đích cứu hộ cứu nạn.

3. Giải cứu hàng chục thợ mỏ ở Copiapo, Chile (2010)

000_mvd1364880
(Nguồn: enca.com)

Trên trang chủ của các tờ báo quốc tế ngày 5/8/2010 tràn ngập thông tin về vụ việc 33 thợ mỏ người Chile bị mắc kẹt ở độ sâu 600m dưới lòng đất sau khi bị sập hầm.

Với nỗ lực tìm kiếm không ngừng và hy vọng luôn song hành, 17 ngày sau một máy dò được thả xuống thông qua một lối hẹp đã may mắn bắt được sóng của những người thợ mỏ “không biết nên gọi là xấu số hay may mắn” đó.

Sau khi đã xác định được vị trí và gửi các nhu yếu phẩm xuống phía dưới lớp đất đá lổn nhổn, đội cứu hộ cũng phải mất tới 7 tuần lễ để đưa các thợ mỏ lên khỏi mặt đất.

4. Trung Quốc giải cứu thành công 29 thợ mỏ (2010)

p201011221407111068843404
(Nguồn: THX)

11 giờ sáng ngày 21/11/2010, một trận lũ lớn khiến nước bất ngờ tràn vào làm ngập mỏ than Bát Điền tại huyện Uy Viễn, gần thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong lúc có 35 công nhân đang làm việc. 13 thợ mỏ đã kịp thoát được ra ngoài nhưng 22 người vẫn còn bị mắc kẹt.

Sau khi mỏ than bị ngập, một nhóm gồm 7 người, trong đó có cả phó giám đốc mỏ than Zhang Hongliang, đã vào mỏ nhằm cứu 22 công nhân ra nhưng, sứ mệnh cứu hộ đã thất bại và bản thân họ cũng bị mắc kẹt.

Các nhà chức trách và cơ quan chức năng đã huy động tới 500 nhân viên cứu hộ và chạy đua với thơi gian khi quyết định thay đổi chiến dịch cứu hộ. Họ quyết định hút hết nước ra khỏi hầm mỏ và đưa tiếp một nhóm cứu hộ thứ 2 vào giải cứu 29 người bị mắc kẹt trước đó. Chiến dịch giải cứu thành công tốt đẹp khi đưa được toàn bộ 29 ngượi bị mắc kẹt lên nơi an toàn mà không bị thương. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi chiến công này là một điểm sáng hiếm hoi giữa thực trạng liên tiếp có các vụ sập hầm mỏ khiến hàng trăm người chết tại quốc gia này suốt những năm vừa qua.

5. Giải cứu những thợ mỏ tại Ica, Peru (2012)

000_mvd6275036
(Nguồn: enca.com)

Ngày 7/4/2012, 9 thợ mỏ bao gồm cả hai cha con của một gia đình đã không may bị kẹt lại dưới lòng đất dưới độ sâu 250m trong vòng 7 ngày khi đang khai thác khoáng sản ở một khu mỏ bất hợp pháp.

Do cấu trúc của lớp đất đá và những cái hầm được đào thiếu chuyên nghiệp nên quá trình tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân gặp phải vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài tới từ các tổ chức quốc tế đã yêu cầu được hỗ trợ việc giải cứu 9 người này bởi họ có kinh nghiệm trong những vụ việc tương tự. Sau đó, 9 người bị mắc kẹt đã được đưa lên khỏi mặt đất an toàn.

6. Giải cứu các công nhân bị kẹt trong mỏ vàng ở Nam Phi (2014)

20364782_h27369421ff5bd7e6b0cdca4a01d99bcccd2b05e1d4da7443s800c85
(Nguồn: EPA)

Ngày 16/2/2014, giới chức Nam Phi đã giải cứu thành công 11 công nhân bị kẹt trong mỏ khai thác vàng ở phía Đông thủ đô Johannesburg ở Nam Phi. Vụ sập hầm xảy ra sau khi có một khối lượng đất đá bất ngờ đổ sụp xuống bịt kín lối thoát hiểm. May mắn là, sau đó có người tình cờ đi ngang qua nghe thấy tiếng kêu cứu và kịp thời báo với cảnh sát.

Lực lượng cứu hộ sau đó đã đến kịp thời và triển khai công tác giải cứu được 11 công nhân và đưa được họ lên mặt đất.

7. Giải cứu hàng trăm công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ (2014)

soma_mine_disaster12
(Nguồn: wikipedia)

Ngày 13/5/2014, một thảm họa nổ hầm mỏ kinh hoàng đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến gần 800 người mắc kẹt trong mỏ than. Lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm để tìm kiếm những người còn đang mắc kẹt dưới lòng đất. Sau nhiều giờ giải cứu, lực lượng cứu hộ đã giải thoát được 363 người nhưng hàng trăm người vẫn mặc kẹt dưới lòng đất.

Lực lượng cứu hỏa cố gắng bơm không khí sạch vào bên trong hầm mỏ để những người mắc kẹt bên trong có thể thở bởi nhiều người bị mắc kẹt vẫn ở độ sâu cách mặt đất 2km và cách lối vào mỏ 4km. Nhiều nhân viên cứu hộ thậm chí phải đeo bình dưỡng khí để di chuyển vào sâu bên trong nhằm tìm kiếm cơ hội cứu thoát những công nhân xấu số. Tuy nhiên, kết thúc chiến dịch tìm kiếm, con số thợ mỏ thiệt mạng cuối cùng lên tới 301 người.

Đây là vụ tai nạn hầm mỏ có số nạn nhân cao nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có tới 48.000 thợ mỏ làm việc tại 740 mỏ.

8. Giải cứu du khách bị ngã xuống hang sâu, Untersberg, Đức (2014)

4
(Nguồn: AP)

Hơn 700 nhân viên cứu hộ đã hợp lực để giải cứu ông Johann Westhauser, một du khách bị trọng thương do lở đá khi khám phá một hang động ở Untersberg, Đức vào ngày 8/6/2014.

Đi cùng ông Westhauser còn có 2 người khác. Tuy nhiên, những người đi cùng không bị thương nặng nên một người đã cố gắng đi tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi người còn lại thì ở cạnh chăm sóc Westhauser. Sau đó, ông Westhauser đã được cứu ra khỏi hang sau 11 ngày.

9. Giải cứu công nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, Việt Nam (2015)

ttxvn_cuuho_dadang
Cứu sống các công nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sự cố bất ngờ xảy ra lúc 7 giờ ngày 16/12/2015 tại công trường thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khiến 12 người bị mắc kẹt. Sau khi xác định toàn bộ 12 công nhân đều còn sống, lực lượng cứu hộ đã làm việc xuyên đêm tại hiện trường để cứu những người bị mắc kẹt. Đến 16 giờ 39 phút ngày 19/12/2015, tất cả các nạn nhân được giải cứu an toàn.

Thực hiện: depweb

06/07/2018, 10:03