Dẫu rằng có dành phần lớn thời gian ở nhà chăng nữa, hàng loạt tin tức về dịch bệnh Corona xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông vẫn khiến chúng ta không khỏi đặt mình trong lo âu. Đã đến lúc chúng ta cần bảo vệ sức khỏe tinh thần không chỉ bằng việc giới hạn thời gian cập nhật thông tin, cẩn thận lựa chọn nguồn tin đáng tin cậy, mà còn nuôi dưỡng nó bằng nguồn năng lượng tích cực. Khai thác các khía cạnh trong cuộc sống bằng những góc nhìn táo bạo, đây là những quyển sách sẽ đưa bạn khám phá nhiều điều mới mẻ và cân bằng cảm xúc nội tại.
Nối tiếp thành công vang dội của “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” (2018), tác phẩm mới của Jonas Jonasson tiếp tục đem đến một hành trình kỳ quái, hài hước và vô cùng lôi cuốn của cô bé Nombeko ở Nam Phi với kế hoạch thay đổi cuộc đời mình. Nombeko được sinh ra trong một căn lều bé tí tẹo ở Johannesburg (thành phố lớn nhất Nam Phi). Ngay từ lúc nhỏ, cô đã hiểu rằng thế gian này chẳng hứa hẹn gì với cô ngoài việc sẽ chết sớm vì ma túy, vì rượu hay chỉ đơn giản là tuyệt vọng vì màu da của mình. Và Nombeko đã có những “kế hoạch vĩ đại” để thoát khỏi cái mà nhiều người vẫn mỉm cười cho là số phận. Cô tự học đọc, học viết, và bằng mưu mẹo cùng với sự liều lĩnh đáng kinh ngạc, cô không chỉ thoát khỏi khu ổ chuột mà còn mang theo hành lý là những viên kim cương lậu bạc triệu.
Bắt đầu từ đây, cuộc đời cô bị cuốn vào chuỗi sự cố điên khùng nối tiếp điên khùng như làm bạn với chủ tịch tương lai của Trung Quốc, tiếp xúc với vua và thủ tướng của Thuỵ Điển, gặp gỡ cặp sinh đôi Holger, mà một hai người nuôi âm mưu làm cách mạng lật đổ vương triều,… Dù xoay quanh nhiều đề tài từ phân biệt màu da đến thuyết âm mưu muốn thâu tóm cả thế giới, nhưng tác phẩm vẫn khiến người đọc phấn khích bởi giọng văn vui vẻ, xen lẫn châm biếm, mỉa mai sâu cay đặc trưng của tác giả. Hãy bước vào thế giới của “Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử” để dõi theo hành trình phi thường cứu lấy thế giới của Nombeko – một bé gái với xuất thân nô lệ nhưng lại có một cái đầu siêu việt về bom nguyên tử.
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể vừa đọc truyện trinh thám với những vụ án giết người đẫm máu vừa mỉm cười tươi rói chưa? Nếu chưa thì đây sẽ là bộ truyện đưa bạn đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đi ngược lại với bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng các tác phẩm cùng thể loại, đây là một tiểu thuyết trinh thám cổ điển, chặt chẽ, hài hước, bày ra đủ mọi dữ kiện trước mắt người đọc, thách thức họ đi điều tra cùng mình, cười vào sự rối beng của họ và cuối cùng làm cho óc suy luận của những người ham khám phá được thư giãn nhất.
“Phá án ư? Cứ để sau bữa tối” kể về Hosho Reiko – tiểu thư danh giá của một tập đoàn đa ngành giàu có bậc nhất Nhật Bản – trút bỏ thân phận cao quý để làm cảnh sát chuyên nghiệp và thanh tra Kazamatsuri – quý tử của người sáng lập hãng xe nổi tiếng Kazamatsuri Motors. Hai cảnh sát chuyên nghiệp, gia thế cao sang, học vấn huy hoàng, đầu óc hoành tráng nhưng chưa phá nổi một vụ án nào. Sát cánh với họ là Kageyama – thám tử nghiệp dư làm nghề quản gia, lái xe, vệ sĩ kiêm dọn bàn, chỉ dựa vào các tình tiết nghe kể mà đoán đâu trúng đó.
Đây là một cuốn truyện trinh thám đậm tính giải trí hiếm có, mà bất cứ ai cũng có thể tự tìm thấy niềm vui cho riêng mình trong chuỗi ngày bị bủa vây bởi muôn vàn phiền muộn này.
Nữ văn sĩ người Pháp – Francoise Sagan có lẽ không phải là một cái tên quá xa lạ khi cô đã gây tiếng vang hồi năm 2014 với cuốn tiểu thuyết “Buồn ơi chào mi”. “Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở” với 17 truyện ngắn là 17 cảnh huống oái oăm, hài hước như một nữ nhà báo sẽ làm gì khi đột nhiên biết rằng chỉ một tiếng nữa thành phố cô đang sống sẽ bị phá hủy?; một anh chàng xa vợ muốn chỉn chu trong mắt đồng nghiệp, nên đã vì mấy chiếc cúc bị đứt mà thành ra ngoại tình; một tay trộm tranh lại nẫng được cả bà chủ nhà hay chính hắn đã bị nẫng?; một con mèo đã giúp phát hiện một vụ ngoại tình;…
Tiếng cười bật ra một cách bất ngờ nhờ lối viết dửng dưng và bình đạm của tác giả. Sự gàn dở, hài hước vừa mang lại giây phút thư giãn nhưng đồng thời cũng là tấm gương soi thấu nội tâm của từng nhân vật. Không chỉ gợi lên nỗi ám ảnh về cuộc đời – nơi quá khứ phản chiếu và tương lai dễ thay đổi, mà Françoise Sagan còn chạm tới những xúc cảm chân thật trong lòng độc giả.
Có một truyền thuyết kể rằng ở một góc khuất của thành phố, có một tiệm bánh ngọt chỉ mở cửa lúc nửa đêm, không chỉ bán đồ ngọt, mà còn trao đổi bí mật. Tiệm bánh được quản lý bởi Trần Chanh, Thẩm Mặc và Hứa Hà Niên và chỉ mở cửa lúc 0 giờ. Chỉ có những vị khách nào có tâm sự và hữu duyên mới nhìn thấy tiệm bánh. Họ kể cho các chủ tiệm câu chuyện của mình và sẽ giải tỏa khúc mắc trong lòng bằng một bí mật ẩn giấu trong mỗi món đồ ngọt.
Bằng các mẫu chuyện nhỏ xoay quanh những góc khuất của tình yêu và cuộc sống, tác giả lật mở mấu chốt của mọi khổ đau và hiểu lầm rằng: Phải chăng chúng ta đã quá bận phóng đại nỗi đau của mình mà xem nhẹ sự hy sinh của người khác? Hoàng Mặc Kỳ luôn bỏ lững cái kết vì hơn ai hết, mỗi nhân vật phải tự viết tiếp phần còn lại, không ai có thể sống thay cuộc đời của ai cả.
Từ những lát cắt nhuốm màu buồn đau, “Tiệm bánh ngọt lúc nửa đêm” giúp mỗi người hiểu được tầm quan trọng của việc học cách sống chậm lại để nhìn mọi chuyện thấu đáo hơn. Và nhất là trong thời điểm mà cuộc sống của chúng ta đang đảo lộn vì dịch bệnh, những chiêm nghiệm về cuộc sống cũng không phải một ý tưởng tồi. Bánh ngọt lịm, kem thơm dịu, còn bí mật đa phần là đắng cay và nước mắt. Bạn có dám nếm thử vị ngọt đắng chát ấy không?
Chúng ta đã có một kế hoạch khởi đầu năm 2020 nhiều hứng khởi nhưng rồi mọi thứ bỗng nhiên bị xáo trộn. Và nếu chúng ta nghĩ rằng mình đã trở tay không kịp, cuộc sống trở nên mông lung hơn bao giờ hết thì có lẽ “Làm phàm nhân sống giữa đời bình thường” sẽ là một ngọn hải đăng, thắp sáng chuỗi ngày nhiều muộn phiền của chúng ta.
Tại thời điểm viết nên cuốn sách này, tác giả cũng đang nặng lòng băn khoăn nhiều điều về cuộc sống, tình yêu, công việc và gia đình: “Thời gian vùn vụt trôi đi. Thế là tôi lại quay về với nếp sống cũ. Tôi vốn dĩ là chỉ là một người bình thường như vậy mà thôi”. Phải, chúng ta cũng chỉ là người bình thường thôi. Người bình thường với mong muốn thay đổi, nhưng đa phần đều chẳng mấy thành công; ấp ủ bao hy vọng nhưng nhận lại cũng nhiều thất vọng. Nhưng chẳng hề gì cả, sự cố trong đời đều không phải là lý do để chúng ta ngừng vững tin vào ngày mai.
“Làm phàm nhân sống giữa đời bình thường” như một liều thuốc tinh thần khi nhắc nhớ và nhấn mạnh rằng dù cho có đang ở lứa tuổi hay bất kỳ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể tìm được niềm vui bình dị trong cuộc sống, vẫn có thể hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Nếu bạn đã biết đến với Becky Sharp trong “Hội chợ phù hoa”, “Scarlett O’Hara” trong “Cuốn theo chiều gió”, Elizabeth Bennet trong “Kiêu hãnh và định kiến”, hay Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên, thì đừng bỏ lỡ Lily Bart của “Chỉ ngu ngơ mới biết cười” – nhân vật được cho là một trong những nữ chính tiểu thuyết có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn chương hiện đại.
Truyện kể về Lily Bart là con nhà trâm anh thế phiệt nhưng sớm táng gia bại sản, mất cả cha mẹ lẫn mọi vinh hoa phú quý đã vây bọc cuộc sống của cô. Dưới sự cưu mang của người bác, Lily nuôi quyết tâm phải sống một cuộc sống sung sướng an nhàn, và cách duy nhất cô tin mình có thể đạt được điều đó là cưới một vị hôn phu giàu có. Tuy nhiên, những sòng bài, vũ hội thâu đêm suốt sáng, mối quan hệ vượt rào với chồng của người bạn thân khiến cô bắt đầu trượt dốc không phanh.
Từ trong sâu thẳm những tiếng cười chua chát, Edith Wharton dẫn dắt người đọc vào một thế giới lộng lẫy nhưng bi thương, hào nhoáng nhưng ô trọc, đến với một câu chuyện của âm mưu và tình yêu, đê hèn và cao thượng, bất nghĩa và thiện lương,…
“Tuyệt vọng lời” có gần 20 đề tài: tâm linh, trinh thám, thi ca, sân khấu, truyền thuyết, y học… và tất cả tình huống trong truyện đều oái ăm, phi lý, dở khóc dở cười mà đôi khi sẽ được bắt gặp ở đời thực. Ví như khi tỉnh giấc vào một ngày đẹp trời, bạn thấy giường mình đang trôi giữa biển, hay bạn sẽ chết vì để lửa bén vào râu chẳng hạn. Thậm chí, trong những khoảnh khắc mà người đọc nghĩ rằng mình biết tình huống này sẽ được xử lý như thế nào, hay con đường kia sẽ dẫn về đâu thì “tài xế” Woody Allen đột ngột bẻ lái sáng lối đi không tưởng. Và chúng ta sẽ bật cười mãi về việc “cứ tưởng mình biết” của bản thân.
“Tuyệt vọng lời” sẽ không dừng lại ở một tuyệt phẩm mang đậm màu sắc phúng dụ, đem đến những cú “twist” khiến bạn đọc phải “bay não”. Quan trọng hơn hết, nó giúp chúng ta học được cách chấp nhận, đối mặt và cách mỉm cười trước nghịch cảnh thay vì tìm cách chạy trốn, ngăn chặn những điều điên rồ, phi lý xảy ra với mình. Hài hước, quái đản, cùng với trí tưởng tượng điên rồ và một kho kiến thức khổng lồ, Woody Allen khiến chúng ta phải bật cười vì sự tưởng tượng quái đản và luôn có một cái kết “phá rào” của ông.
Nếu những trái tim yêu thích rong ruổi khám phá bỗng nhiên chỉ có thể loay hoay xung quanh bốn bức tường, thì hãy thực hiện một chuyến phiêu lưu cùng trời cuối đất với “Sáu người đi khắp thế gian”. Lấy bối cảnh những năm 1960 đầy hỗn loạn, tác phẩm xoay quanh 6 nhân vật chính – 4 người Mỹ (Joe, Cato, Yigal, Gretchen), một cô tiểu thư nhà giàu nổi loạn ở Anh (Monica) và một cô gái Na Uy giàu nghị lực với khát vọng sống một cuộc đời thật khác (Britta) – và hành trình phiêu bạt giang hồ đong đầy cảm xúc để tìm kiếm giá trị và lẽ sống của mỗi người.
Chiến tranh, nạn phân biệt chủng tộc, đạo Hồi, bạo lực và những bóng ma của quá khứ đã xô đẩy họ trôi dạt tới thành phố mặt trời – Torremolinos (Tây Ban Nha). Từ đây, họ lại bắt đầu hành trình phiêu lưu mới đến với những đêm phương Nam Tây Ban Nha vò xé tâm can, những trận đấu bò rừng ngàn cân treo sợi tóc, những thành lũy Bồ Đào Nha thách thức thời gian, những rừng rậm châu Phi đầy ám ảnh, những bão táp cuộc đời và những tan vỡ trong lòng người,… Đây là cuộc phiêu lưu đi khắp thế gian tuyệt đẹp, vượt qua vô vàn cảnh sắc hùng vĩ, băng trên những miền đất từ yên bình đến lộng lẫy.
Bên cạnh nội dung hấp dẫn và kịch tính, “Sáu người đi khắp thế gian” còn khiến người xem phải trầm trồ bởi lượng kiến thức đồ sộ về chiến tranh, chính trị, tôn giáo, tình dục và các nền văn hóa khác nhau.
Tiểu thuyết trước giờ không phải là “món khoái khẩu” của tỷ phú Bill Gates thế nhưng “Dự án Rosie” chính là quyển sách mà ông đã vô cùng tâm đắc. Tác phẩm theo chân Don Tillman – nhà di truyền học đẹp trai U40, năng lực trí tuệ có thừa nhưng con tim chưa từng thổn thức. Với tất cả sự kiện trong đời mình bao gồm công thức cho một cô người yêu lý tưởng, anh đều dựa trên những căn cứ khoa học không trật đi đâu được để tìm kiếm câu trả lời.
Bất chấp tình trường không phong phú, anh quyết tâm lập “Dự án vợ”, bản điều tra khảo sát dài dằng dặc, đầy rẫy những thông số sẽ đưa một nửa hoàn hảo đến với anh. Thế nhưng, khéo làm sao anh lại đâm sầm phải Rosie, cô nàng nghiên cứu sinh đầy bí ẩn có việc làm ngoài giờ tại một quán bar đồng tính. Cuộc sống ngăn nắp của Don bỗng chốc biến thành mớ hỗn độn khi anh đồng ý giúp cô đi tìm cha ruột của nàng từ những căn cứ di truyền học mơ hồ.
“Hiệu ứng Rosie” tiếp nối câu chuyện ở phần đầu bằng một chuyến du lịch đến New York tận hưởng 10 tháng 10 ngày nên duyên vợ chồng với Rosie. Don và Rosie sẽ phải đương đầu với những thử thách oái oăm nào nữa? Liệu rằng Don có thật sự sẵn sàng để trở thành người đàn ông anh muốn hướng đến hay chưa? Và khi đứng trước nguy cơ vĩnh viễn mất đi Rosie, anh sẽ ra sức cứu vãn hay quay trở về nếp sống an toàn của mình? Hài ước, lãng mạn và hết sức thông minh, đây là bộ đôi tác phẩm vô cùng hoàn hảo đem đến những tràng cười thỏa thích, xua tan đi mọi phiền nhiễu trong tâm hồn.