Những tựa sách hay dành cho ngày đầu năm mới - Tạp chí Đẹp

Những tựa sách hay dành cho ngày đầu năm mới

Sống

“Anna Karenina” (Lev Tolstoy) – Với Anna, tình yêu còn gì khác hơn ngoài một tai họa?

Là một tác phẩm của đại văn hào Lev Tolstoy “Anna Karenina” đã tạo một “cơn sốt” bất biến với thời gian trong giới độc giả yêu văn học kể từ khi phát hành vào năm 1877. Lấy bối cảnh vào thế kỷ 19, tác phẩm kể về một người phụ nữ quý tộc Anna đầy bất hạnh hơn là tội lỗi dù nàng vứt bỏ tất cả mọi thứ, bỏ lại chồng con để đi theo tiếng gọi con tim.

Cuộc gặp gỡ tại ga xe lửa chính là nơi định mệnh gắn kết cuộc đời Anna với Vronsky, để rồi họ chấp nhận từ bỏ địa vị, gạt phăng mọi dư luận để được là “đôi chim liền cánh”. Nhưng sau cùng, tình cảm của họ lại rơi vào bế tắc bởi những ghen tuông, mệt mỏi, ám ảnh đời thường. Nàng không thể tìm được cho mình và người yêu một lối thoát nào khác, đành chọn chấm dứt cuộc sống bằng cách tự tử ở ga xe lửa năm nào.

“Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng” (trích "Anna Karenina).
“Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng” (trích “Anna Karenina”).

Dù 142 năm đã qua đi nhưng đánh giá Anna vẫn là điều khó khăn đối với độc giả mọi thời, Anna có lỗi nhưng đó không phải là tất cả. Câu chuyện sẽ giúp phái đẹp thêm trân trọng cuộc sống, ít dựa dẫm và mạnh mẽ đưa ra những quyết định bởi phụ nữ sẽ bất hạnh làm sao nếu không thể làm chủ được cuộc đời mình.

“Chỉ tại con chim bồ câu” (Patrick Suskind) – Vì đâu một con chim bồ câu cũng có thể đẩy người ta đến bờ vực của sự điên loạn?

Nếu bạn là fan của “Mùi hương” và Patrick Suskind thì ắt hẳn không thể bỏ lỡ “Chỉ tại con chim bồ câu”. Chỉ qua 100 trang, truyện kể về một người đàn ông gốc Do Thái – Jonathan Noel. Sau khi cha mẹ bị bắt và mất tích trong Thế chiến thứ hai, ông dần thu hẹp cuộc sống của mình, sống ẩn náu như con ốc trong căn phòng trọ chật hẹp.

d63e97248dfe4c74514b9e822e215eb9
Tất cả là lỗi của một con chim bồ câu?

Nhưng một sáng nọ, một con chim bồ câu “đột ngột” xuất hiện trước ngưỡng cửa căn phòng, ngáng trước cửa lối đi vào nhà vệ sinh chung của Jonathan. Kể từ lúc ấy, cuộc đời tưởng chừng gần như hoàn toàn im ắng và được sắp xếp tỉ mỉ đến hoàn hảo của Jonathan bị “rúng động” thật sự. Một con chim bồ câu bình thường sao lại có khả năng đẩy một người đàn ông vào trạng thái kinh hoàng, mấp mé bờ điên loạn?

Thông qua hình ảnh con chim bồ câu, Suskind dẫn dắt người đọc đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Do người ta luôn cảm thấy bất an nên chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng đủ đẩy cuộc sống vào vòng hiểm nguy? Hay bởi thế giới này bất trắc đến nỗi một con chim bồ câu cũng khiến ta sụp đổ hoàn toàn?

“Đèn không hắt bóng” (Watanabe Dzunichi) – Một nét chấm phá trung thực của ngành Y

Đèn không hắt bóng” không phải là một câu chuyện cổ tích, không có anh hùng cũng chẳng có phép màu. Nó chỉ có sự thật, không hào nhoáng mà trần trụi như chính cơ thể của chúng ta, như những ngọn đèn… không hắt bóng.

Junichi Watanabe từng là một bác sĩ trước khi trở thành nhà văn, nên Đèn không hắt bóng đã tái hiện thành công không khí bệnh viện, với những chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Junichi Watanabe từng là một bác sĩ trước khi trở thành nhà văn, nên “Đèn không hắt bóng” đã tái hiện thành công không khí bệnh viện, với những chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Tác phẩm lấy bối cảnh bệnh viện, xoay quanh đời sống của các bác sĩ và bệnh nhân. Ở đó có một bác sĩ Naoê tài hoa nhưng cô độc và lãnh đạm khi phải mang căn bệnh ung thư xương quái ác; một Noriko lặng câm trong cuộc tình vô vọng, say đắm với Naoê; một bác sĩ trẻ Kobasi tràn đầy lý tưởng nhưng kém thực tế; hay là lão Isikura dù sắp chết vẫn giữ một niềm tin rằng mình sẽ khỏi bệnh, v.v… Tất cả các nhân vật ấy đã phác họa nên một bức tranh trung thực của ngành Y.

Đối diện với cái chết Naoe bất lực và rồi buông thả bản thân; anh vùi mình vào những cuộc tình chóng vánh để cảm thấy mình được sống. Cũng chính vì vậy sau khi anh chết, người ta mới ngờ vực rằng: Liệu Naoê có hay không yêu Noriko? Hay đó chỉ là một sự thương hại, một sự hối hận vào lúc cuối đời”. “Đèn không hắt bóng” như một lời cảnh tỉnh rằng cuộc sống là không bao giờ từ bỏ dù có phải đối diện với cái chết chăng nữa.

“Thế giới của Sophie” (Jostein Gaarder) – Tiểu thuyết “vỡ lòng” về lịch sử triết học hay nhất mọi thời đại

Được xuất bản bằng tiếng Na Uy vào năm 1991, “Thế giới của Sophie” chứa đựng tư tưởng của 3.000 năm vỏn vẹn trong 400 trang sách – tác giả đã đơn giản hóa những lý luận cực kỳ phức tạp xong cũng không tầm thường chúng. Cuốn sách giới thiệu về lịch sử văn hóa và triết học phương Tây được dẫn dắt khéo léo qua câu chuyện về Sophie và Hilde – người hàng xóm bí ẩn của Sophie.

sach-tet-2019-7
Một tiểu thuyết thần bí kỳ quặc và khéo léo mà tình cờ cũng là một cuốn lịch sử triết học… Điều đáng ngưỡng mộ trong tiểu thuyết này là sự khiêm nhường của các bài giảng triết học.

Cuộc sống bình lặng của cô bé Sophie 15 tuổi bất ngờ bị xáo trộn bởi những mẩu tin nhắn nặc danh trong thùng thư với những câu hỏi lạ lùng như: “Bạn là ai?”, “Thế giới từ đâu đến?”. Và điều bí ẩn hơn là những tấm bưu ảnh bí hiểm gửi từ Liban này lại đề địa chỉ người nhận là “Hilde Møller Knag, gửi qua Sophie Amundsen”. Hilde Møller Knag là ai? Tại sao Sophie liên tục nhặt được những đồ vật của Hilde?

Nhiều câu hỏi và điều bí hiểm liên tiếp nảy sinh trong thế giới của Sophie mà để có thể giải đáp, cô bé cần một sự hiểu biết nhất định về triết học phương Tây, cũng như tư tưởng của các triết gia vĩ đại như Socrates, Plato, Aristoteles, Descartes, Karl Marx, Freud, Charles Darwin, v.v… Có thể nói, đây là một tiểu thuyết thần bí, kỳ quặc, khéo léo; mà tình cờ làm sao cũng là một cuốn lịch sử triết học. Đối với những ai vốn có niềm say mê triết học song lại ngán ngẩm với những lý thuyết “đao to búa lớn” thì tác phẩm này là một sự chọn sáng suốt.

“Bà già phá luật” (Catharina Ingelman-Sundberg) – Phi vụ đánh cướp ngân hàng táo bạo của bộ tứ “Băng hưu trí”

Bà già phá luật” là quyển sách đầu tiên trong bộ ba “Băng hưu trí” cùng với “Bà già gặp may” và “Bà già bất hảo”.

“Tuổi già xồ tới như một con chó xồm, chưa kịp nhận ra, ta đã ở trong viện dưỡng lão”. Nếu chẳng thể nào hồi xuân trở lại, chi bằng hãy già đi theo cách thật ngầu? Bà lão Martha Anderson trong tác phẩm rõ ràng không có ý định dành những ngày tháng còn lại của cuộc đời trong viện dưỡng lão. Martha cùng bốn bà bạn thân quyết định “nổi dậy” chống lại các luật lệ áp đặt lên họ và lập một kế hoạch xảo quyệt trốn khỏi viện dưỡng lão. Thậm chí, các bà còn có ý định táo bạo hơn là sẽ… đánh cướp ngân hàng, làm một phi vụ để đời.

sach-tet-2019-3
Không bao giờ là quá muộn khi dám sống cho bản thân mình những ngày thật ý nghĩa.

Theo đó, lần đầu tiên bà lão Christina dám đứng lên để sống cho bản thân, là mảnh ghép không thể thiếu và “trẻ tuổi” nhất của “Băng hưu trí”, cuối cùng “bà già phá luật” đã tìm được lẽ sống của mình: “Một ngày phạm tội, khỏe lên gấp bội”. Đọc “Bà già phá luật” để cùng theo chân hành trình điên rồ, hài hước và khó đoán của các bà lão, đồng thời nhận ra rằng không quan trọng là sống được bao lâu mà quan trọng là liệu có bao nhiêu năm ta thực sự sống trọn vẹn và đã sống như thế nào.

“Walden: Một mình sống trong rừng” (Henry David Thoreau): Dám hay không “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong rừng?

Lần đầu được xuất bản vào năm 1854, tác phẩm miêu tả trải nghiệm sống khoảng “hai năm hai tháng hai ngày” gần đầm Walden trong một ngôi nhà tự xây của chính tác giả. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống giản đơn, tự chủ, trầm tư, gần gũi thiên nhiên, vượt lên trên “sinh tồn tuyệt vọng” – vốn là số mệnh của đa số người.

sach-tet-2019-2
“Cô đơn cũng chỉ là một ý niệm. Và nếu như ta không có khả năng tiếp xúc được với những gì đang có mặt chung quanh mình, thì dù ở đâu hay đi đâu cũng vậy thôi, sống ngay giữa phố chợ ta cũng vẫn có thể cảm thấy mình cô đơn”.

Bằng cách xa rời thế giới phù phiếm, tác giả cố gắng tự túc mọi việc và sống đơn giản nhất có thể. Trải nghiệm này của ông không chỉ là lời bình về nền văn minh, xã hội lúc bấy giờ mà còn là một quá trình của sự giác ngộ. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú: “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó (cuộc sống trong rừng) phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”.

Thấu suốt tác phẩm là tư tưởng mà không phải ai cũng có cơ hội chiêm nghiệm ra: “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người”. Câu nói này dường như là gợi ý cho lời thuốc giải của những con người đang mắc căn bệnh cô đơn trong đời sống hiện đại.

“Những kỳ vọng lớn lao” (Charles Dickens) – Khi sự kết thúc cũng là lúc bắt đầu

Charles Dickens đã kể một câu chuyện nơi những mâu thuẫn cùng tồn tại song song: tội lỗi và trừng phạt, hận thù và tưởng thưởng, tài sản và đạo đức, mất mát và tình yêu. Tác phẩm xoay quanh cậu bé mồ côi tên Pip, dù có một cuộc sống nghèo khó ở lò rèn nhưng cậu vẫn nuôi hy vọng trở thành một quý ông. Số phận đã đưa Pip đến với những cuộc gặp gỡ kỳ lạ nhất: với một tên tù trốn trại, một bà cô già giàu có nhưng tàn độc và nhẫn tâm, một Estella xinh đẹp động lòng người.

sach-tet-2019-5
Pip – Từ một cậu bé từng xấu hổ về nơi mình lớn lên đã biết yêu thương, trân trọng những điều thân thuộc đó.

Và một trong những cuộc tương ngộ kỳ quặc đó đã chắp cánh cho giấc mơ của Pip khi cậu được hứa hẹn thừa kế một gia sản kếch xù từ một người ẩn danh; một gia sản cho phép cậu bước chân vào giới quý tộc đầy kiêu ngạo. Sau nhiều thăng trầm và mất mát của Pip, ta nhận ra: Những kỳ vọng của Pip không hề quá lớn lao, chỉ là trong cuộc sống không có điều gì là dễ dàng và không dành sẵn cho ai điều gì. Xuất phát điểm là điều không thể chối bỏ, nhưng tại sao chúng ta chỉ muốn  nhớ đến tương lai mà luôn tìm cách chôn vùi quá khứ?

Thực hiện: Huyền My Trương

06/02/2019, 07:00