Nhân “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” vào tháng 4, Đẹp Online giới thiệu những tựa phim đầy tính nhân văn về chứng bệnh này. Các bộ phim sau không chỉ để giúp độc giả hiểu biết thêm về triệu chứng này mà còn tự trải nghiệm phần nào cuộc sống của những người tự kỷ thông qua lăng kính điện ảnh.
Hội chứng tự kỷ đang ngày càng phát triển và trở thành một vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, vì thế ngày 2 tháng 4 hàng năm được Liên Hiệp Quốc ấn định là “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ” (World Autism Awareness Day). Tuy nhiên, sự khuyến cáo hay kêu gọi nào cũng sẽ thiếu đi ít nhiều tinh tế và thấu cảm cần thiết. Đó là lý do vì sao những bộ phim xoay quanh hội chứng này trở nên hữu ích. Không chỉ lan tỏa đi thông điệp đầy nhân văn, các chuyện phim sau đây sẽ giúp chúng ta đồng cảm, mở lòng, xóa bỏ kỳ thị và cho thấy các khía cạnh khác nhau của hội chứng này.
Nếu nói về tác phẩm thành công và nổi bật nhất về hội chứng tự kỷ thì đó ắt hẳn là “Rain Man” (tựa Việt: “Người đi trong mưa”). Tại thời điểm ra mắt, “Rain Man” đã gây tiếng vang lớn và là hiện tượng của giải Oscar khi nhận được 8 đề cử và thắng 4 giải quan trọng, gồm Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Phim kể về nhân viên bán xe trẻ tuổi tham lam, ích kỷ và cuồng vọng Charlie Babbitt (Tom Cruise) và người anh trai mắc chứng tự kỷ nhưng có trí thông minh siêu phàm Raymond (Dustin Hoffman) – người mà Charlie trước nay chưa hề hay biết đến. Khi bất ngờ hay tin bố mình qua đời cũng là lúc Charlie phát hiện toàn bộ tài sản của ông đã được chuyển cho người anh Raymond. Cũng trong chính hành trình giành lại tài sản, Charlie được cảm hoá, dần thấu hiểu và yêu thương anh trai nhiều hơn.
Được nhà đài HBO sản xuất dựa trên câu chuyện có thật, “Temple Grandin” (tựa Việt: “Chuyện của cô Temple Grandin”) ngay lập tức tạo được tiếng vang khi nhận được đánh giá cao từ nhà phê bình cũng như công chúng (với điểm số IMDB: 8.3/10 và Rotten Tomatos: 100% tại thời điểm phát hành). Bộ phim kể về Temple Grandin (Claire Dane), một phụ nữ trẻ mắc chứng tự kỷ nhưng với ý chí vô cùng mạnh mẽ, đã trở thành một trong những nhân vật thành công nhất nước Mỹ: một giáo sư đại học, một nhà diễn giả và là người tiên phong ủng hộ giáo dục trẻ tự kỷ và bị rối loạn tự kỷ.
Không đơn thuần là câu chuyện về một người nỗ lực vượt lên sự khiếm khuyết để thành công, “Temple Grandin” như một lời tuyên ngôn đanh thép rằng người mắc chứng tự kỷ là những người đặc biệt và họ hoàn toàn có thể làm nên điều phi thường. Và thay vì tỏ thái độ kì thị hay xa lánh, chúng ta nên quan tâm, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt của họ.
“My name is Khan” (tựa Việt: “Tên tôi là Khan”) là một trong số ít tác phẩm Bollywood nhận được đánh giá tích cực 85% trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Phim là câu chuyện về anh chàng Rizvan Khan (Shah Rukh Khan) mang bệnh tự kỷ, rời khỏi quê nhà đến San Francisco (Mỹ) và cũng tại nơi đây anh tìm thấy hạnh phúc bên Mandira (Kajol) và con trai của cô ấy. Nhưng sau vụ khủng bố ngày 11/9, cuộc sống của họ trở nên u tối. Tất cả người Hồi giáo đều được xem là khủng bố và đó là lý do con trai của Mandira bị đánh chết. Mandira đã trút hết đau đớn và tổn thương lên Rizvan Khan: “Anh muốn tôi tha thứ thì hãy đi tìm gặp Tổng thống mà nói là chúng ta không phải là khủng bố”.
Nếu là người bình thường có lẽ họ sẽ chẳng màn đến nhưng một anh chàng hiền lành, hết mực thương yêu vợ con thì không. Khan đã bất chấp mọi nguy hiểm thực hiện chuyến hành trình ấy, chỉ để đến và nói với Tổng thống đúng một câu: “Tôi không là khủng bố, con trai tôi bị sát hại”. Bằng một tình yêu thuần khiết và ý chí quật cường nhưng cũng đầy bao dung, Khan chứng minh rằng người tự kỷ cũng như bao người mà thậm chí còn có phần mạnh mẽ và quyết liệt hơn, trái với vẻ ngoài rụt rè và nhút nhát.
“Autism in Love” là câu chuyện về 4 người với chứng rối loạn tự kỷ trong hành trình theo đuổi tình yêu và tìm kiếm hạnh phúc. Lenny, chàng trai trẻ đến từ California, luôn chật vật để tìm ra mình là ai và chấp nhận chứng tự kỷ của bản thân. Ở một mạch truyện khác là cuộc tình của một đôi trẻ lãng mạn cùng mắc chứng tự kỷ Dave và Lindsey. Sau 8 năm mặn nồng bên nhau họ đang quyết định tiến đến một lời hứa bên nhau bền chặt tại lễ đường. Cùng thời điểm đó, cuộc hôn nhân 20 năm của Stephen và Gita đang gặp phải thử thách lớn khi Gita bị u nang buồng trứng (được vài năm), còn Stephen được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ.
“Autism in Love” sẽ là một bản nhạc nhẹ nhàng cho tháng 4 này khi tái hiện những nốt thăng trầm trong chuyện tình của người tự kỷ. Tìm kiếm tình yêu với người bình thường đã đủ khó chứ đừng nói đến những ai mắc bệnh tự kỷ, điều đó gần như là quá sức đối với họ. Không chỉ là bài học để chạm vào trái tim nhau, “Autism in Love” còn giúp người xem có được cái nhìn đa chiều, bao dung hơn với cuộc sống và những con người bất hạnh.
Khác với mô-típ nhẹ nhàng, tình tiết lãng mạn – hài hước của những người tiền nhiệm, “Innocent Witness” (tựa Việt: “Chứng nhân hoàn hảo”) mở ra một thế giới chưa biết về người tự kỷ, thông qua một vụ án mạng ly kỳ. Chuyện phim xoay quanh cô gái mắc bệnh tự kỷ Ji-woo (Kim Hyang-gi) là nhân chứng duy nhất của một vụ án mạng giết người, và luật sư Soon-ho (Jung Woo Sung), người bào chữa cho nghi phạm đã lợi dụng căn bệnh tự kỉ của Ji-woo để củng cố phần biện hộ của mình.
Không chỉ khắc họa quá trình Ji-woo giúp Soon-ho thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của nghề luật sư, “Innocent Witness” còn giải thích tường tận về hội chứng tự kỷ mà chúng ta vẫn còn khá mờ mịt. Bên cạnh đó, phim cho thấy sự quan tâm và sẻ chia của người thân là quan trọng như thế nào với hình ảnh người mẹ vẫn luôn tự hào về Ji-woo dẫu rằng cô bé có mắc bệnh tự kỷ.