Những trang nhật ký đầu tiên - Tạp chí Đẹp

Những trang nhật ký đầu tiên

Sự Kiện
Bắt đầu từ ngày Lễ tình nhân năm 2011, Nguyễn Thùy Anh cùng Guim Valls Teruel – người Tây Ban Nha – làm một chuyến du hành vòng quanh thế giới bằng xe đạp điện với thông điệp: Hãy bảo vệ môi trường!

Thùy Anh và Guim sẽ bắt đầu chặng đi mới của mình từ Việt Nam đến Anh với hành trình: Hà Nội – Lào – Thái Lan – Ấn Độ – Pakistan – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ – Hi Lạp – Yugoslavia – Ý – Pháp – Tây Ban Nha – Pháp – Bỉ – Ba Lan – London. Dự kiến chặng đường này bắt đầu vào ngày 15/2/2011 và kết thúc vào mùa hè năm 2012. Câu chuyện bắt đầu…

Tôi chưa bao giờ hình dung rằng mình sẽ đi vòng quanh thế giới, và dù có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ thực hiện chuyến đi này bằng xe đạp điện. Tuy nhiên, tình yêu có phép màu biến những điều không thể thành sự thực.

Tình yêu đã đưa Guim quay trở lại Việt Nam sau chặng đường dài 15.000km. Tôi gặp anh một năm trước vào một ngày mưa đầu tháng 9, lúc ấy trông anh lếch thếch đầy bụi bẩn cùng chiếc xe đạp và chiếc xe kéo chở hành lý của mình.

Mãi một năm sau, dù đã biết nhiều hơn về Guim, song những hình ảnh này vẫn luôn đọng lại mỗi khi tôi hình dung về chuyến đi của anh. Sự đam mê và tình yêu cháy bỏng của chàng trai xứ Catalan này đã cuốn tôi vào một cuộc phiêu lưu giống như một câu chuyện cổ tích. Tôi sẽ đi vòng quanh thế giới trên chiếc xe đạp điện, cùng với người đàn ông mà tôi yêu.

Thật là tuyệt, nhưng tôi đã biết gì về chuyến đi này chứ? Là người thành phố, một bước ra khỏi nhà cũng leo lên xe máy, lại quen với những tiện nghi sẵn có như điện thoại, rồi internet, còn chưa kể đến những thứ không tên của phụ nữ như quần áo, giày dép, mỹ phẩm nữa… Đã có lúc tôi nghi ngờ về khả năng tham gia chuyến đi này của mình.
Tuy nhiên, tôi tin rằng cuộc phiêu lưu sẽ đưa tôi đến những miền đất xa lạ, cho tôi gặp gỡ những con người tuyệt vời và khám phá những bất ngờ thú vị trên thế giới, vậy thì những lo lắng kia chỉ là chuyện nhỏ, còn chần chừ gì nữa!

Việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị kiến thức cần thiết về du lịch bụi. Guim đã có 9 tháng chuẩn bị trước ngày khởi hành, còn tôi chỉ có 1 tháng duy nhất. Tôi tận dụng 1 tháng ngắn ngủi của mình để tìm hiểu mọi thông tin về lộ trình, điều kiện ăn ở, giấy tờ cần thiết để làm thủ tục visa, và quan trọng nhất là học hỏi kinh nghiệm từ những người đã thực hiện những chuyến đi vòng quanh thế giới trước đó. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết có hàng trăm phụ nữ đã thực hiện chuyến đi qua các nước, qua các châu lục bằng rất nhiều phương tiện khác nhau như xe đạp, xe máy hay du lịch bụi “hire – hiking”.

Việc tiếp theo cần làm đó là thuyết phục gia đình. Bố mẹ tôi vô cùng lo lắng và họ không thể hình dung làm sao cô con gái của họ có thể đạp xe suốt 2 năm trời. Tuy nhiên, tình yêu và sự quyết tâm của chúng tôi đã thuyết phục được gia đình và bạn bè. Sự lo lắng đã dần được thay thế bằng lòng tin tưởng, bằng những lời khích lệ và ủng hộ. Và như vậy, tôi đã sẵn sàng cho chuyến đi của mình và sẵn sàng để đón nhận những trải nghiệm mới.

Tuần Thứ nhất – Quen với đường trường và ô tô tải

Hơn 200km đầu tiên từ Hà Nội đến cửa khẩu Na Mèo là thử thách đầu tiên của tôi với chiếc xe đạp điện. Thời tiết lạnh và đầy mưa phùn làm bánh xe của chúng tôi nặng hơn vì đầy bùn đất.

Vốn chưa quen với đường trường và xe tải, nên tôi luôn giật mình khi nghe tiếng còi xe hay mỗi khi một chiếc xe tải vụt qua. Sự căng thẳng của tôi khiến cho đoạn đường cao tốc Hồ Chí Minh dường như kéo dài đến vô tận. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe to đi sát bên cạnh tôi và những tài xế này tỏ ra không mấy thân thiện khi họ cố tình đẩy tôi ra bên lề đường. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 100 cây số đầu tiên, tôi bắt đầu quen với chiếc xe đạp của mình, quen với ô tô tải và mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Đấy là những khoảnh khắc đầu tiên của tôi trước khi trở thành một cua–rơ chính hiệu.

Tuần thứ 2 – Leo núi và tinh thần đồng đội

Thử thách thứ hai của chúng tôi đó là phải chinh phục những đỉnh núi cao ngất. Khoảng 450km kéo dài từ Quan Sơn – Thanh Hóa sang đến tận Phoukhun – Lào chỉ toàn núi và núi. Những khúc cua với độ dốc lên đến 15% luôn khiến tôi nản lòng. Số hành lí cùng với chiếc xe nặng hơn trọng lượng cơ thể tôi, tuy nhiên, chừng đó mới chỉ bằng một nửa số hành lí trong xe kéo của Guim.

Thật dễ hiểu, chúng tôi đã vật lộn với chặng đường này khó nhọc thế nào. Lần đầu tiên trong đời tôi đối diện với nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng của mình, đó là ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Lào.
Trước mặt chúng tôi là đoạn dốc dài 20km và cao tới 1.720m, không còn cách nào khác, chúng tôi phải vượt qua, nếu muốn tìm chỗ ngủ trọ trong đêm nay. Lúc đó đã 5h chiều, xe của tôi và Guim vẫn còn nguyên mỗi người một viên pin, như vậy chúng tôi có khả năng vượt qua được 20km này. Nhưng chúng tôi đã hoàn toàn nhầm.

Những khúc cua với độ dốc đến chóng mặt cùng toàn bộ số hành lí như kéo ngược chúng tôi xuống chân núi. Chỉ leo được khoảng 5km, cả 2 chiếc xe đều hết nhiên liệu. Sương mù xuống núi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra trời đã tối từ lúc nào.

Dù gắng hết sức, nhưng chúng tôi không thể đạp thêm được vòng quay nào. Tôi và Guim quyết định xuống dắt bộ và đẩy xe lên. Được khoảng 10 phút, tôi hoàn toàn kiệt sức, chỉ cần thả nhẹ tay phanh là chiếc xe lại trôi ngược xuống. Guim quyết định để tôi đi bộ một mình, còn anh sẽ lần lượt đẩy từng xe lên núi.

Cứ leo được một đoạn khoảng 20 mét là anh dừng để tìm chỗ đỗ xe, và quay ngược xuống đẩy tiếp xe thứ hai lên. Dù biết mình không còn sức nhưng tôi vẫn cố gắng bám vào xe và đẩy cùng anh, đã có lúc tôi gần như phải bò bằng cả 2 tay trên mặt đường. Tôi bật khóc vì kiệt sức và tuyệt vọng.

Chúng tôi cứ đi như vậy suốt 2 tiếng đồng hồ, trời tối đen như mực, mà vẫn chưa thấy đâu là đỉnh núi. Chúng tôi phải dùng 2 chiếc đèn pin để nhìn đường. Suốt 2 giờ đồng hồ không có một chiếc xe ô tô nào chạy qua. Tôi lo sợ nghĩ đến việc phải ngủ lại giữa lưng chừng núi, nhưng đã là núi thì làm sao có chỗ đất bằng để dựng lều chứ?

Nhìn Guim khó nhọc đẩy lần lượt từng chiếc xe qua mỗi khúc cua, mà vẫn liên tục động viên tôi, bỗng thấy thương anh vô cùng. Cuối cùng, vào lúc tôi tuyệt vọng nhất, thì có mộtchiếc xe bán tải chạy qua, và họ đã đồng ý chở chúng tôi đến bản làng đầu tiên dưới chân núi. Họ chính là những người bạn Lào đầu tiên mà chúng tôi gặp.

Với trải nghiệm kinh hoàng vừa rồi, chúng tôi nhận ra rằng không bao giờ được chủ quan vượt núi vào buổi chiều tối, dù có dư năng lượng đến bao nhiêu chăng nữa. Dù sao cũng không quá muộn để rút ra bài học này, vì hơn 300 cây số đồi núi trước mắt vẫn đang chờ đợi chúng tôi.

Tuần thứ 3 – Khám phá đất nước và con người Lào

Có thể nói, Lào là một đất nước lí tưởng để đạp xe. Những con đường dài hun hút chỉ lác đác vài bóng xe qua, bản làng nối tiếp bản làng, tôi có cảm giác như thời gian chưa chạm đến nơi này. Mỗi nơi chúng tôi đi qua, những người dân hai bên đường luôn vẫy tay và nói “Sabaidee” (Xin chào), còn lũ trẻ thì thường chạy bám theo xe chúng tôi, hoặc cố gắng đuổi theo để chạm được vào tay chúng tôi.

Người Lào là những vị chủ nhà rất hồn hậu và luôn cố gắng làm hài lòng bạn, chính vì vậy họ rất ít khi nói “No”, kể cả với những điều họ không biết hoặc không hiểu, họ luôn nói “Yes”, hoặc đơn giản là gật đầu. Nụ cười là điều dễ bắt gặp ở mọi lúc, mọi nơi. Tôi đã nhận ra điều này khi đến khám dạ dày tại một bệnh viện ở thị xã Phonsavan.

Từ bác sĩ, y tá đến nhân viên bán thuốc, ai cũng niềm nở và giúp đỡ chúng tôi tận tình. Ban đầu tôi cứ nghĩ họ đối xử đặc biệt với chúng tôi vì tôi là khách du lịch và lại đi với một “ông Tây”, nhưng tôi nhận thấy họ cũng ân cần không kém với những người dân địa phương đến khám.

Đây là điều hiếm khi thấy tại các bệnh viện Việt Nam. Ba tuần đi dọc nước Lào thật không đủ để tôi khám phá hết vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và con người ở đây.

Sự thanh bình của đất nước này như một tấm khăn thấm hết những bận rộn và lo toan của cuộc sống đô thị mà tôi vẫn mang theo từ bấy lâu. Như một thứ thanh lọc tâm hồn, tôi chợt nhận ra vẻ đẹp của sự bình an trong chính mình vào một buổi chiều ngồi ngắm hoàng hôn trên dòng sông Mê Kông. Và đó chính là trải nghiệm tuyệt vời thứ 4 mà chuyến đi kỳ lạ này mang đến cho tôi.

Còn những vẻ đẹp nào nữa của thiên nhiên và của con người mà tôi chưa được chiêm ngưỡng? Còn những miền đất nào nữa đang chờ đón tôi? Sự tuyệt vời và cả những điều tồi tệ, thật khó mà biết bất ngờ nào sẽ đến, nhưng tôi thấy mình tràn đầy năng lượng và sẵn sàng chờ đón những thử thách cam go phía trước.

Ngày thứ 23

Chúng tôi tạm biệt Lào sau 3 tuần đi dọc đất nước hướng về thủ đô Bangkok của Thái Lan. Có ai đó nói rằng: “Biên giới chỉ tồn tại trên giấy tờ”, điều này không hoàn toàn đúng, nhất là chặng đường từ Lào qua Thái Lan. Sự thanh bình, vắng vẻ trên những con phố ở thủ đô Viên Chăn được thay thế bằng con đường cao tốc 6 làn đầy xe tải và ô tô. Quên đi cảm giác thanh bình vốn có ở Lào, chúng tôi bắt đầu chịu áp lực từ những dòng xe vun vút chạy qua với tốc độ 120km/h.

Nhiều lúc tôi phát hoảng khi những chiếc xe container 24 bánh như một khối sắt khổng lồ lướt qua khiến tôi loạng choạng tay lái. Không thể chịu căng thẳng như vậy mãi, chúng tôi quyết định lựa chọn con đường nhỏ chạy vòng qua các làng, việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng bù lại chúng tôi sẽ cảm thấy thư thái hơn.

Con đường mòn không một bóng xe dẫn chúng tôi đi qua những cánh đồng mía rộng bạt ngàn, qua những thửa ruộng vừa hết mùa thu hoạch rồi tiếp tục uốn lượn qua những ngôi làng nhỏ ở phía Bắc Thái Lan. Ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi, nhưng không nồng nhiệt chào đón như người Lào, những người dân Thái chỉ lẳng lặng nhìn theo mà không nói gì.

Ngày thứ 25

Sau khoảng 200 cây số từ cửa khẩu, chúng tôi đến một ngôi làng ở thị trấn Patchung vào buổi chiều tối. Tìm khách sạn hay nhà trọ ở đây dường như là điều không thể, Guim quyết định sẽ ngủ lều tối nay. Chúng tôi tạm dừng chân tại một quán ăn nhỏ ven đường, bước ra cửa là một thanh niên khoảng hơn 30 tuổi, với một chút tiếng Anh, anh giải thích là chúng tôi còn phải đi khoảng 30 cây số nữa mới có chỗ nghỉ.

Guim chỉ vào bãi đất trống trước nhà và hỏi: “Chúng tôi có thể dựng lều ở đây để ngủ được không?”, Bi – tên người thanh niên – trả lời: “Ở đây nhiều rắn lắm, sợ anh chị không quen”, chỉ nghe đến đây là tôi đã giãy nảy người lên và cố gắng thuyết phục Guim đi tiếp. Sau một lúc suy nghĩ, Guim bảo tôi đợi anh ở quán ăn, còn anh đi bộ về phía cánh đồng bên trái nhà. Năm phút sau, Guim quay trở lại, trông anh có vẻ vui mừng: “Tuyệt, anh đã tìm được một chỗ lý tưởng cho chúng mình đêm nay. Nào, đi với anh, anh sẽ chỉ cho em xem”. Guim dẫn tôi đi ra giữa cánh đồng, và chỉ cho tôi cái chòi gỗ trước mặt. “Đây, đây là khách sạn của mình”. “Cái gì?”.

Tôi nhảy dựng lên “Ngủ giữa ruộng á? Anh có biết là có rắn xung quanh đây không?”. Nhìn vẻ hốt hoảng của tôi, Guim phá lên cười: “Thôi nào, làm gì có rắn ở đây! Em không thể tìm được chỗ nào tuyệt hơn để dựng lều đâu, tin anh đi”. Không thể tin được là chúng tôi lại ngủ giữa nơi đồng không mông quanh như thế này, tôi nài nỉ Guim: “Em rất muốn ngủ lều tối nay, nhưng liệu mình có thể hỏi chủ quán để dựng lều trong vườn của họ hay không?”. Guim chỉ cười và mở chiếc xe kéo để lấy túi đựng và dụng cụ dựng lều. Sau khoảng 15 phút cằn nhằn, biết không thể thay đổi quyết định của anh, tôi đành đứng dậy cùng anh sắp xếp cho túp lều của chúng tôi.


Chúng tôi quay trở lại quán ăn khi trời đã sẩm tối, dù lúc này quán đã đóng cửa, nhưng Bi vẫn niềm nở mời chúng tôi vào và dùng bữa tối cùng với gia đình anh.

Khi biết tôi là người Việt Nam, cả gia đình bỗng cởi mở trò chuyện, thậm chí bố của Bi còn mời chúng tôi dựng lều trong quán ăn của họ. Thật tuyệt vời, như vậy là tôi thoát khỏi nỗi ám ảnh về rắn. Tuy nhiên, đó là đêm gió mùa về, 2 chiếc túi ngủ mỏng manh không đủ chống chọi lại cái giá rét trái mùa, và chúng tôi đã thức trọn đêm tới sáng. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ngủ lều.

Ngày thứ 27

Hôm nay đã là ngày thứ 6 kể từ khi chúng tôi vào đến lãnh thổ của Thái Lan. Tiếp tục đi theo con đường mòn số 2090, chúng tôi đến Khao Yai. Khung cảnh ở đây thay đổi đến bất ngờ, chúng tôi có cảm giác như lạc vào một thị trấn nào đó ở châu Âu với những ngôi nhà màu trắng trên thảm cỏ xanh mướt, với hàng cổ thụ sum suê tỏa bóng mát che kín cả con đường. Đạp xe thêm 5km nữa, chúng tôi dừng trước cổng Vườn Quốc gia Khao Yai – công viên quốc gia lớn nhất ở Thái Lan.


Giá vé vào cửa trên tấm biển khiến chúng tôi băn khoăn, 1000 Baht Thái (tương đương 500.000đ) cho 2 khách nước ngoài là một khoản tiền lớn với chúng tôi, nhưng đây là con đường duy nhất đi xuống Bangkok mà không phải qua đường quốc lộ, nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Song đây lại là một trong những đoạn đường thú vị nhất của chúng tôi.

Kể từ khi rời khỏi miền Bắc Lào chúng tôi không còn lo ngại phải đối diện với những đoạn dốc núi hiểm trở nữa, tuy nhiên những gì mà chúng tôi đã trải qua chưa thấm tháp vào đâu so với những con dốc ở Vườn Quốc gia Khao Yai này. Con đường độc đạo nối liền những ngọn núi dựng đứng như những chữ V kép (W) khổng lồ khiến chúng tôi có cảm giác như đang ngồi trên chiếc tàu lượn và tham gia vào một trò chơi mạo hiểm với tốc độ chóng mặt.

Dù vất vả và không ít đoạn phải xuống dắt bộ nhưng chúng tôi thực sự thích thú vì rất ít xe đi qua đường này, thêm vào đó là bóng mát từ những tán lá cổ thụ có gốc rộng đến 5, 6 tay người ôm tỏa xuống 2 bên đường. Vừa đi chúng tôi vừa tận hưởng bản hợp xướng của hàng ngàn loài chim quý hiếm và ngắm cảnh đẹp ở vườn quốc gia được công nhận là di sản thế giới này.

Ngày thứ 30

Chúng tôi đến thủ đô Bangkok sau khi vượt qua gần 700km từ cửa khẩu Nong Khai. Khói bụi, ô nhiễm, tắc đường là điều dễ thấy ở thành phố 12 triệu dân này. Tôi và Guim rất may mắn ở nhờ nhà Josh Wagner – một người bạn của chúng tôi. Ngôi biệt thự của anh nằm trong một con hẻm nhỏ giữa trung tâm thủ đô, điều này rất thuận lợi để chúng tôi chuẩn bị cho chặng đường sắp tới.

Chúng tôi sẽ phải bay đến Ấn Độ thay vì đi vào Myanmar vì nước này không cho phép xuất nhập cảnh bằng đường bộ. Đây là điều rất đáng tiếc, và tệ hơn là chúng tôi đã tốn rất nhiều tiền để đặt vé máy bay với toàn bộ hành lý lên đến 120kg. Ngoài việc phải đóng gói 2 chiếc xe vào thùng carton, sau đó làm visa Ấn Độ, tìm cách bán chiếc camera ở chợ đồ cũ, chúng tôi còn gặp khá nhiều rắc rối từ việc gửi 4 chiếc pin 36V qua đường DHL (vì theo quy định các hãng hàng không không nhận chuyên chở những thiết bị điện vượt quá 24V)… Những công việc không tên này chiếm của chúng tôi trọn 1 tuần.

Cả tôi và Guim đã nhiều lần đến Bangkok trước đó nên chúng tôi quyết định không dừng chân ở đây lâu. Tuy nhiên, đất nước nổi tiếng về du lịch này luôn có một điều gì đó khiến cho khách du lịch không thể quên và muốn quay lại. Với tôi đó chính là mùi vị thơm ngậy đầy quyến rũ của những quán ăn vỉa hè, nơi mà tôi có thể vừa xuýt xoa vừa ăn một bát súp tomyam chua chua cay cay nóng hổi, hay nhấm nháp một nắm xôi cùng với miếng xoài thơm rưới nước cốt dừa béo ngậy.

Một tuần ở Bangkok không đủ để tôi nếm thử hết những đặc sản đường phố ở đây, dù tiếc nuối song chúng tôi phải tiếp tục cuộc hành trình của mình băng qua Ấn Độ trước khi mùa mưa tháng Sáu tới.

Ngày thứ 37

Máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống Calcutta, thành phố ở bờ Tây của Ấn Độ, khoảng 3 giờ chiều, nghĩa là 3 tiếng sau khi rời Bangkok. Chúng tôi thu xếp để đặt 2 cái xe đạp vào 2 chiếc taxi bé tí kiểu bọ hung rồi bắt đầu đi vào trung tâm thành phố. Calcutta là thủ phủ của vùng West Bengal, thành phố lớn thứ hai của Ấn Độ, và từng là thủ đô dưới thời thống trị của Vương quốc Anh, nơi nổi tiếng với những khu ổ chuột, tắc đường, ngập lụt và thường xuyên mất điện, nhưng ngược lại, lại có rất nhiều tuyệt tác văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc.

Thành phố này là sự pha trộn hoàn hảo giữa kiến trúc phương Tây và sự đa dạng của những tín ngưỡng tôn giáo phương Đông, giữa những trung tâm mua sắm hiện đại và những khu ổ chuột (slum) kéo dài, nơi m xe kéo tay và tàu điện ngầm cùng song song tồn tại. Đó là những hình dung cơ bản của tôi về thành phố này, nhưng chỉ đến khi ngồi trên chiếc taxi được sản xuất từ hơn 50 năm trước, hít thở bầu không khí đặc trưng pha trộn bởi nhiều mùi vị khác nhau, nghe những âm thanh hỗn tạp trên đường phố, tôi mới phần nào cảm nhận được sự sống động của Calcutta.

Trước hết phải nói về những chiếc taxi độc nhất vô nhị của Calcutta, bạn sẽ không thể tìm đâu ra những chiếc xe cũ hơn ở đây. Hầu hết các xe taxi đều không có gương chiếu hậu, vì vậy nếu muốn rẽ phải, rất đơn giản, tài xế sẽ giơ tay xin đường (ô tô ở Ấn Độ tay lái nghịch và giao thông di chuyển theo lề bên trái).

Các tài xế như những nghệ sĩ thực thụ đầy sáng tạo và xông pha, sẵn sàng phóng như bay và phanh gấp đến cháy đường. Như một thứ luật bất thành văn, khi dừng đèn đỏ, bao giờ họ cũng tắt máy để tiết kiệm xăng, và đồng loạt bấm còi khi đèn tín hiệu màu xanh bật lên. Còi xe như một thứ ngôn ngữ không thể thiếu nếu muốn tham gia giao thông, từ xe đạp, xe kéo tay, xe máy, ô tô, xe buýt cho đến tàu điện, tất cả đều rinh rinh, bíp bíp, leng keng,… và tạo nên một bản giao hưởng bất tận. Nếu như Bangkok là thành phố của những cô gái, nơi mà bạn có thể nhìn thấy hàng triệu phụ nữ ở khắp mọi nơi, thậm chí không ít trong số họ là những người chuyển giới, thì bạn sẽ bị sốc giống chúng tôi khi thấy sự trái ngược hoàn toàn ở Calcutta.

Trên đường phố, trong những khu mua sắm, trong các quán ăn… ở đâu cũng thấy đàn ông, rất ít khi thấy phụ nữ xuất hiện ở những nơi công cộng. Chính vì vậy, các khách du lịch nữ khi đến Ấn Độ thường được nhắc nhở là nên ăn mặc kín đáo khi ra đường nếu như muốn tránh những cái nhìn soi mói và không mấy thân thiện.

Chúng tôi có 2 tháng để vượt qua chặng đường dài 1500km từ Calcutta đến thủ
đô Delhi, rất nhiều thử thách cam go và những trải nghiệm thú vị đang chờ đợi chúng tôi phía trước, như một người bạn Tây Ban Nha của chúng tôi sau 7 năm sống ở Ấn Độ đã từng nói rằng: “Tôi đến đây với mục đích tìm hiểu về đất nước và con người Ấn Độ, nhưng cuối cùng điều tôi khám phá được lại chính là bản thân mình, vì cuộc sống ở đây quá cực khổ, những điều mà bạn chưa từng hình dung hoặc không nghĩ là nó tồn tại, bạn sẽ thấy nó ở đây”.

Bài: T.A -G.V

Thực hiện: depweb

10/05/2011, 15:29