Những thực phẩm tưởng tốt, nhưng không (Phần 1)

Bỏng ngô

Với hàng loạt các loại bỏng ngô bày bán trên thị trường, bao gồm cả những loại không chứa bơ, đường, bạn có thể nghĩ rằng loại thực phẩm này là an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên hàm lượng muối và các gia vị dùng để ướp lại chứng minh điều ngược lại.

Salad nhẹ


Bạn đã bao giờ nhìn vào danh sách thành phần có trong một đĩa salad nhà hàng? Hẳn rằng bạn sẽ ngạc nhiên vì sao lại nhiều nguyên liệu tới vậy. Với đầy chất bảo quản và các chất phụ gia, chưa kể lượng muối, đường, giấm, dầu oliu, sốt trứng,… Nếu quá đà, món salad sẽ không còn là vô hại.

Các loại hạt ăn vặt

Những hộp hạt đậu, lạc, điều… bán sẵn để ăn vặt nghe có vẻ như một món ăn dinh dưỡng từ thiên nhiên, vừa đẹp da lại tốt cho sức khỏe. Tiếc là không phải vậy! Để có hương vị dễ ăn, các nhà sản xuất thường thêm vào muối và đường, có thể kèm thêm bơ, chocolate. Hơn nữa, một nắm hạt nhỏ có thể chứa lượng calo lên tới hơn 300, do đó việc đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trước khi mua về là cần thiết.

Sữa chua tách béo


Đừng bị cái mác tách béo làm mờ mắt. Những món ăn tách béo không đồng nghĩa với việc chúng tốt cho sức khỏe. Các loại sữa chua có đường nói chung có chứa lượng đường rất đáng kể! Lời khuyên là bạn nên tự làm sữa chua, hoặc mua loại sữa chua không đường về thêm hoa quả/mật ong theo ý thích.

Hoa quả sấy


Mặc dù hoa quả sấy chứa lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe, nhiều công ty sản xuất thêm vào trong đó sunfua và đường để tăng thời hạn sử dụng. Bạn vẫn có thể mua loại hoa quả sấy không đường, không sunfua, nhưng tại sao không thay bằng hoa quả tươi nhỉ? Chúng khiến bạn nhanh no hơn, và chắc chắn chứa ít calo hơn.

Sữa đậu nành thêm vị

Sữa đậu nành có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, chứa hàm lượng protein thực vật và kali cao, trong khi rất ít cholesterol. Tuy nhiên, loại sữa đậu nành có thêm vị chocolate hay vani lại chứa quá nhiều đường và lượng calo không cần thiết. Tốt nhất bạn nên sử dụng sữa đậu nành không đường, hoặc chỉ một chút cho dễ uống.  

Thức uống tăng lực

Hàng loạt nhãn hiệu nước tăng lực được quảng cáo trên thị trường, loại nào cũng hứa hẹn mang lại sức mạnh tức thì, tinh thần làm việc bền bỉ nhờ bổ sung cafein, vitamin, khoáng chất,… dễ khiến bạn nhầm tưởng rằng nước tăng lực tốt cho sức khỏe. Tiếc là không! Là loại thức uống không được khuyến cáo bởi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, có lẽ bạn cũng không nên mặn mà gì với chúng.

Sinh tố

Các loại sinh tố thường được xếp vào nhóm thực phẩm dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Mặc dù một số loại sinh tố được làm khá đơn giản và chỉ bao gồm nguyên liệu hoa quả, đừng nghĩ rằng tất cả các loại sinh tố đều tốt. Một số loại được thêm khá nhiều đường, bơ, chocolate, thậm chí kem không tách béo tỏ ra không thân thiện với cân nặng và huyết áp.

Sandwich Thổ Nhĩ Kỳ (ở Việt Nam phổ biến món Doner Kebab)


Bánh mì thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ là một món ăn ngon miệng và khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chúng có lợi cho sức khỏe không lại là chuyện khác. Doner Kebab thường chứa lượng  nitrat và muối cao, không tốt cho tim mạch. Thêm nữa, sốt maionnaise thường được thêm rất nhiều vào nhân bánh để tạo vị ngậy đặc trưng, chưa kể tới thịt nướng có thể bị cháy xém trong quá trình nướng.

Sữa chua thập cẩm

Sữa chua được trộn thêm nhiều loại thành phần khác như trái cây tươi, hạt điều, chocolate vụn,… thường chứa lượng đường, chất béo, và calo nhiều tới… khó đếm.

Sandwich cá

Cá tốt cho sức khỏe, cái đó không phải bàn. Nhưng khi bạn rán chúng, phủ lên một lớp bơ, một lớp maionnaise dày, sự “tốt cho sức khỏe” giảm hẳn. Để tận dụng hết những lợi ích từ cá, tốt nhất bạn nên ăn chúng kèm một chút rau thay vì cả chiếc sandwich lớn.

Bánh nướng ít béo

Còn gì thích hơn việc vừa được thưởng thức bánh nướng ngọt mềm, vừa không lo chuyện chất béo? Tiếc là bạn đã nhầm. Đúng là các nhà sản xuất đã giảm hẳn lượng chất béo có trong bánh, tuy nhiên họ bắt buộc phải thêm vào chúng loại chất khác để đảm bảo hương vị. Chất được thêm vào đó thường là đường! Điều này khiến cho những chiếc bánh ít béo thậm chí có lượng calo có khi còn cao hơn bánh bình thường!

Đồ ăn đóng hộp

Một bữa ăn đóng hộp có thể rất tiện lợi, đảm bảo vệ sinh và giúp bạn kiểm soát tốt lượng calo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, có lẽ bạn chưa tính đến lượng chất bảo quản nhiều và thành phần chứa quá ít rau.

Súp/cháo đóng hộp

Các loại súp/cháo đóng hộp, ngay cả khi được giảm tối đa lượng muối và chất béo vẫn không hẳn tốt cho sức khỏe. Hầu hết các loại súp đóng hộp chứa nhiều hơn hoặc tương đương 400mg muối mỗi hộp, và chỉ nửa hộp thì không đủ cho một suất ăn. Hàm lượng muối cao có thể làm tăng huyết áp, gây đầy hơi và khiến bạn cảm thấy nặng nề.

Pizza rau củ

Ai cũng biết pizza thuộc nhóm đồ ăn nhanh, và thường không có lợi cho sức khỏe. Nhưng pizza rau củ thì sao? Thường thì pizza rau sẽ chứa nhiều pho mát hơn bình thường để bạn cảm thấy bớt nhớ thịt, kèm theo cà chua rán ngập mỡ và dầu oliu để tăng hương vị và màu sắc. Có lẽ bạn chỉ nên gọi món pizza đế mỏng, ít phômát, cỡ vừa hay nhỏ, hoặc tốt hơn là làm chúng ở nhà.

Bánh mì đen

Bánh mỳ đen thường có lượng chất xơ dồi dào và tốt cho cơ thể hơn bánh mỳ trắng. Nhưng trừ khi bao bì sản phẩm ghi rõ 100% lúa mỳ đen, thường thì các nhà sản xuất chỉ trộn một lượng nhỏ với mục đích marketing. Bánh mỳ chỉ có lợi cho cơ thể khi mỗi lát bánh chứa ít nhất 2g chất xơ.

* Mời các bạn theo dõi bài viết “Những thực phẩm tưởng tốt, nhưng không (Phần 2)” trên Đẹp online ngày mai!


Trang Le (Theo Shape)



From the same category