Với nhu cầu phát triển thị trường ngày càng rộng lớn như hiện nay, thì truyền hình là một trong những lựa chọn truyền thông hữu hiệu nhất. Và phim truyền hình (tạm gọi là sitcom) cũng là một trong những phương tiện giúp truyền tải được các thông điệp cần thiết của các sản phẩm với chi phí sản xuất không quá cao trong thời gian khá nhanh.
Sitcom là phim tự giới thiệu (sản phẩm) có thời lượng dài. Nhân vật sẽ diễn xuất để làm nổi bật các sản phẩm chính trong phim. Chính vì vậy, để bù đắp chi phí cho việc duy trì hoạt động làm phim, các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng được xuất hiện, lồng ghép xuất hiện trong phim hơi “lộ liễu”.
Ngọc Thảo và ông Phạm Đình Nguyên trong buổi ra mắt phim
Và câu chuyện của “Mùa oải hương năm ấy” là chuyện tình xoay quanh mối quan hệ công việc và tình cảm của những người trẻ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Bộ phim xoáy vào một bi kịch lớn nhất trong tình yêu, đó là yêu một người không yêu mình.
Đó là chuyện tình của một cô gái (đã đính hôn) An Nhiên sống và học tại vùng Provence (nước Pháp), đã quyết định quay về Đà Lạt sáng tác tranh và dạy mỹ thuật. Còn chàng trai là Bảo Anh, cháu của ông chủ thị trấn PhinDeli Phạm Đình Nguyên tốt nghiệp ở Mỹ về. Bảo Anh sống độc lập, không dựa dẫm vào gia đình. Anh nhận làm hai công việc: dạy tiếng Anh, cùng trường với An Nhiên và điều hành một quán cà phê nhượng quyền PhinDeli.
Với bối cảnh phim xảy ra ở shop Purité By Prôvence và quán cà phê PhinDeli, người xem thấy được những tình huống vừa có thể truyền tải được thông điệp của phim vừa giới thiệu cho sản phẩm của nhà tài trợ, mà không làm khán giả thấy quá khó chịu, thiếu tự nhiên.
Một điểm cộng cho PhinDeli là trong phim còn có sự xuất hiện thị trưởng Phạm Đình Nguyên (dưới dạng “diễn viên” khách mời) vào vai Đình Nguyên (chủ thương hiệu PhinDeli) – chú của Bảo Anh (nhân vật chính). Sự xuất hiện của ông chủ “lắm chiêu” này không chỉ PR thêm cho phim mà còn giúp thương hiệu cà phê “làm nước Mỹ tỉnh giấc” tiếp cận thêm những đối tượng trẻ (đặc biệt là nữ).
Bài: Chung Anh