Những “tân binh” đã xoay chuyển các thương hiệu lớn ra sao?

Từ khi nhà thiết kế Alessandro Michele đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo, thương hiệu thời trang đình đám nước Ý – Gucci – đã được thay đổi hoàn toàn, chuyển hướng đi từ phong cách gợi cảm, nữ tính sang phong cách du mục hoài cổ lãng mạn và có phần lập dị. Với sự sáng tạo không giới hạn, các nhà thiết kế mới luôn có những cách riêng để thay đổi vận mệnh của cả một nhà mốt có lịch sử lâu năm thoát ra khỏi những lối mòn buồn tẻ.

1. Luôn kết nối với thế hệ trẻ


Từ phải qua: nhà thiết kế Olivier Rousteing (Giám đốc Sáng tạo tại Balmain) cùng Kim Kardashian West, Kanye West và Rosie Huntington-Whiteley

Ngày nay, chuyện tiếp quản một nhà mốt sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với thời kỳ 10 hay 15 năm về trước. Nhờ có sự phát triển nhanh chóng của Internet và mạng xã hội, các buổi trình diễn thời trang không chỉ được giới thiệu đến cho một số ít khách mời, cũng không chỉ xuất hiện hạn chế trên các tạp chí thời trang được in ấn, mà sẽ có thể vươn tới vô số công chúng trực tuyến. Một ví dụ về thành công khi tận dụng Internet để tiếp cận khách hàng chính là nhà thiết kế Olivier Rousteing, Giám đốc Sáng tạo tại Balmain. Olivier đã phá vỡ bức tường ngăn cản giai cấp, mọi tấm hình selfie của anh đều là bước đi tiếp cận đến thế hệ tín đồ thời trang tiềm năng vốn đã bị ngành công nghiệp này coi nhẹ trong thời kỳ trước. 

2. Không ngại thể hiện dấu ấn bản thân


Những thiết kế của Moschino được thực hiện bởi Giám đốc Sáng tạo Jeremy Scott

Khi Jeremy Scott đặt chân đến Moschino, anh đã chẳng ngần ngại khoe hết những dấu ấn văn hóa đặc trưng của cuộc sống Mỹ thường nhật trên các thiết kế của mình. Từ những hình ảnh McDonald’s, chocolate Hershey’s, hay những hộp ngũ cốc ăn sáng bảy sắc cầu vồng, nhà thiết kế quái tính này đã kết hợp được những chi tiết gần gũi nhất trong đời sống tiêu dùng vào trong những trang phục cao cấp. Mặc cho những chuyên gia có chỉ trích thế nào, thì Jeremy Scott cũng đã thành công trong việc tăng doanh số bán hàng cho Moschino lên 7%. Bài học của Jeremy Scott và Moschino đã trở thành một phương châm lớn cho những nhà thiết kế khác: Dám thể hiện hết mình, còn không thì đừng làm. Đừng bao giờ cố gắng biến mình thành một cá nhân nào khác, hãy sống đúng với bản chất, và thể hiện đúng sự sáng tạo của riêng mình. 

3. Mang đến sức sống mới cho những phong cách đặc trưng của thương hiệu

Bộ sưu tập Thu Đông 2015-16 dành cho nam giới của Gucci được thực hiện bởi nhà thiết kế Alessandro Michele

Trước buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang nam Thu Đông 2015-16 của Gucci, không ai có chút khái niệm nào về một phong cách mới. Khi Giám đốc Sáng tạo cũ Frida Giannini bất thình lình rời Gucci, đội ngũ thiết kế do Alessandro Michele lãnh đạo gần như chưa có tiếng tăm gì trong ngành đã phải hoàn thiện bộ sưu tập mới chỉ trong vài tuần. Và đến khi các người mẫu sải bước trên sàn diễn, khán phòng dường như đã vỡ òa. Lần đầu tiên trong lịch sử Gucci, các người mẫu nam mang diện mạo lưỡng tính mặc những chiếc áo mềm mại mang đậm âm hưởng bohemian (du mục), nhưng vẫn có những chi tiết mang đậm dấu ấn đặc trưng của Gucci như các dải sọc xanh lá và đỏ, logo hai chữ G… Sự đột phá này được đánh giá là mang tính táo bạo, nhưng vẫn rất tôn trọng các truyền thống của thương hiệu. Và sự thành công được thể hiện rõ trên con số 4,9% tăng trưởng trong doanh thu của Gucci chỉ trong một thời gian ngắn. 

Bộ sưu tập Gucci Thu Đông 2015-16

4. Không chỉ dừng lại ở sàn catwalk


Nhà thiết kế Hedi Slimane – Giám đốc Sáng tạo của Saint Laurent

Một giám đốc sáng tạo trẻ tài năng sẽ biết rằng: công việc của họ không chỉ dừng lại ở các buổi trình diễn, cũng không chỉ dừng lại ở những tấm ảnh quảng cáo hay cuốn sách ảnh, mà sẽ phải chăm chút cho mọi yếu tố liên quan đến thương hiệu. Ngày nay, các nhãn hàng thời trang sẽ còn phải mở rộng nhiều dự án ngoài lề, ví dụ như âm nhạc, phim ảnh, các buổi triển lãm. Nhắc đến yếu tố này, người đáng để học tập chính là nhà thiết kế Hedi Slimane của hãng Saint Laurent, một con người rất đa năng, chịu khó quảng bá tên tuổi bằng nhiều hoạt động với đội ngũ người mẫu và các ngôi sao nổi tiếng cộng tác với mình. Và điều đặc biệt đó là anh rất hạn chế tiếp xúc với báo giới mà chỉ tập trung vào công việc của mình, những “góc khuất” mà không phải ống kính máy hình nào cũng có thể “chạm” tới được.

Bài: Eve Nguyễn

Ảnh: Dazeddigital, Senatus, Dailymail


logo


From the same category