Những tác phẩm điện ảnh gây chấn động dư luận về nạn phân biệt chủng tộc - Tạp chí Đẹp

Những tác phẩm điện ảnh gây chấn động dư luận về nạn phân biệt chủng tộc

Giải Trí

Xung đột sắc tộc vẫn diễn ra ngay giữa bối cảnh của những nền dân chủ hô hào về sự tự do và bình quyền giữa người với người, bất kể màu da, giới tính, hay xuất thân. Như một thói quen cố hữu, con người dùng những cấu trúc nhị phân (binary), như trắng và đen, thiện và ác, ta và địch,…để phân hóa và kiến tạo tầng lớp xã hội. Hệ quả là những định kiến bám rễ vào tâm thức, kéo dài qua bao thời kì lịch sử, tạo nên những vết cắt chia rẽ sâu sắc trong xã hội cùng những nhóm xung đột và tầng lớp bị đàn áp, coi rẻ.

Chuỗi sự việc liên quan đến cái chết của người đàn ông da đen 46 tuổi George Floyd một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn phân biệt chủng tộc trên diện rộng vẫn cháy âm ỉ trong lòng xã hội nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Câu chuyện của George Floyd lặp lại đúng kịch bản của không ít những vụ việc đã xảy ra trong quá khứ, khi màu da ngay lập tức biến thành cơ sở để luận tội và bài xích.

Là môn nghệ thuật mô phỏng và tái cấu tạo cuộc sống, không khó để tìm thấy những “kịch bản” tương tự ở điện ảnh khi các nhà làm phim đem những câu chuyện đời thực lên màn ảnh rộng để phản ánh thực trạng về sắc tộc, thông qua đó thể hiện ước vọng về một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy không thể là câu trả lời thật sự cho vấn đề, điện ảnh với chức năng cảm hóa của nó vẫn có thể là tiền đề để người xem suy ngẫm, thấu hiểu, và đến gần hơn với sự thật. Cùng Đẹp điểm qua một số tựa phim nổi bật lấy đề tài về mâu thuẫn sắc tộc và những vấn đề xung quanh nó.

Do the Right Thing (1989)

Là một trong những tác phẩm kinh điển nhất về nạn phân biệt chủng tộc, “Do The Right Thing” của đạo diễn người Mỹ gốc Phi Spike Lee lấy bối cảnh tại một khu vực dân cư ở Brooklyn, New York. Bộ phim mở đầu với hình ảnh một ngày nắng nóng trên đường phố Brooklyn khi những người da đen sinh sống tại khu vực này tham gia vào chuỗi hoạt vẫn động diễn ra như bao ngày. Cái nóng gắt của mùa hè đẩy sự căng thẳng giữa các nhân vật lên cao, theo sau đó là bùng nổ bạo lực, và đỉnh điểm là cái chết của một người da đen vô tội gây ra bởi cảnh sát.

Những dòng chữ cuối phim hiện ra cho biết đạo diễn Spike Lee mong muốn dùng tác phẩm của mình để tưởng niệm về 6 nạn nhân đã ra đi vì những vụ việc liên quan tới bạo lực sắc tộc và bạo hành của cảnh sát. Đặc biệt, ở thời điểm ra mắt, bộ phim vấp phải những làn sóng dư luận cho rằng các tình tiết trong phim có thể gây kích động đến bộ phận người Mỹ gốc Phi và dấy lên những phong trào bạo lực, qua đó phần nào để lộ những định kiến sẵn có về hình ảnh bạo lực, thiếu kiểm soát mà không ít người da trắng thường dán nhãn lên nhân dạng của người da đen.

La Haine (1995)

Tác phẩm của đạo diễn Mathieu Kassovitz ở thời điểm ra mắt đã tạo nên một cơn địa chấn trong làng điện ảnh thế giới khi lột tả trần trụi cuộc sống của những người trẻ bên lề xã hội giữa thời điểm mà xung đột sắc tộc ở nước Pháp đang leo thang. Chỉ sử dụng hai gam màu trắng đen lạnh lùng xuyên suốt, “La Haine” mang tới một cái nhìn gai góc và trực diện về các vấn đề về sắc tộc khi đưa người xem dõi theo 24 tiếng đồng hồ vô định của ba nhân vật Vinz, Hubert, và Said—một người Do Thái, một gốc Phi, và một Ả Rập, đi qua những nẻo đường của vùng ngoại ô Paris sau một cuộc bạo động nổ ra nhằm phản ứng lại hành vi bạo lực của cảnh sát.

“La Haine”, ta thấy cơn thịnh nộ luôn âm ỉ chực chờ bùng nổ của những người trẻ thuộc tầng lớp thành thị thấp cổ bé họng. Và khi ngọn lửa giận dữ được đẩy lên đến đỉnh điểm cũng là lúc mà vòng quay luẩn quẩn của nghèo đói và tệ nạn, được tạo ra do chính sự phân hóa của xã hội, tiếp tục trở thành vũ khí đắc lực cho nạn phân biệt chủng tộc.

The Green Mile (1999)

Năm 1944, cậu bé George Stinney Jr. bị kết án tử hình trong một phiên tòa xét xử kéo dài vỏn vẹn 10 phút với tội danh giết người, mà nạn nhân là hai cô bé người da trắng 7 và 11 tuổi. Ít lâu sau đó, cậu bị đặt trên ghế điện và ra đi như một kẻ tử tù. Khi ấy, George 14 tuổi, trở thành người trẻ tuổi nhất từng nhận án tử hình trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ. Câu chuyện rúng động trên đã đi tới hồi kết khi 70 năm sau đó, vụ án được đem ra tái xét xử, và kết luận cuối cùng cho thấy điều mà ai cũng luôn biết: George vô tội.

Cái chết phi lý của một đứa trẻ chỉ vì những tư tưởng phân biệt chủng tộc có hệ thống đã được nhà văn Stephen King đưa vào tiểu thuyết “The Green Mile” và đạo diễn Frank Darabont chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1999. Để kịch tính hóa câu chuyện, King đã cho John Coffey—nhân vật sinh ra từ câu chuyện của cậu bé George—sở hữu năng lực siêu nhiên khi có thể chữa lành thương tật và thậm chí hồi sinh người chết. Tuy nhiên, dù thu về vô số những lời khen cho sức mạnh khơi gợi cảm xúc ở người xem, yếu tố thần kì kể trên vẫn khiến bộ phim phải nhận những ý kiến trái chiều cho rằng, với hình tượng người Negro màu nhiệm (Magical Negro) thường thấy trong hàng loạt phác họa rập khuôn, John vẫn chỉ là một nhân vật da đen được vẽ ra từ trí tưởng tượng của người da trắng. Dù vậy, bên cạnh khuyết điểm này, “The Green Mile” vẫn là một bộ phim đáng xem và dễ đồng cảm về nạn phân biệt chủng tộc.

Django Unchained (2012)

Lấy bối cảnh miền Nam nước Mỹ ngay trước nội chiến và khi làn sóng phản đối nô lệ đang âm ỉ ở miền Bắc, tác phẩm thứ 6 này của đạo diễn Quentin Tarantino là hành trình giải phóng xiềng xích và tìm kiếm tự do của nhân vật Django. Cùng với cộng sự King Schultz, một cựu nha sĩ người da trắng, Django tham gia vào những cuộc săn tiền thưởng hậu hĩnh với đích đến cuối cùng là cứu lấy người vợ đang làm nô lệ cho đồn điền của ác nhân Calvin Candle.

Tuy nhiên, có thể nói, thế lực tội ác trong “Django Unchained” không dừng lại ở tên Calvin tàn bạo. Hơn tất thảy, kẻ thủ ác thật sự của phim chính là thể chế nô lệ mà Calvin chỉ là một mắt xích, cũng như những tư tưởng nhi phân đã lấy đi nhân dạng của người da đen, biến họ thành xác thịt và thú vật cho những trò tiêu khiển và áp bức của những kẻ da trắng cầm quyền.

12 Years a Slave (2013)

Dựa theo hồi ký của Solomon Northrup, “12 Years a Slave” là bộ phim đầy ám ảnh về câu chuyện của nghệ sĩ violin người Mỹ gốc Phi Solomon khi anh bị bắt cóc bởi những kẻ buôn người và bán làm nô lệ dù sinh ra như một công dân tự do. 12 năm làm nô lệ với thân phận mới là 12 năm đằng đẵng đấu tranh để giành lại danh tính và nhân quyền, thoát khỏi ách áp bức của tên chủ nô tàn độc Epps do Michael Fassbender thủ vai.

Bộ phim của đạo diễn Steve McQueen không chỉ ghi dấu ấn sâu sắc đối với những nhà phê bình ở thời điểm ra mắt mà còn thắng lớn tại mùa giải Oscar năm 2013 khi mang về giải thưởng cao quý Phim Hay Nhất. Đáng nói, bộ phim cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử điện ảnh khi có đạo diễn da đen đầu tiên có phim chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất của Viện Hàn lâm.

Selma (2014)

Bộ phim của nữ đạo diễn người Mỹ gốc Phi Ava DuVernay xoay quanh cuộc diễu hành từ Selma đến Montgomery vào năm 1965, được dẫn dắt bởi Martin Luther King Jr., James Bevel, Hosea Williams và John Lewis nhằm đòi quyền bầu cử cho những công dân da đen tại nước cờ hoa. Tuy thất bại của miền Nam trong cuộc nội chiến vào năm 1964 đã đánh dấu chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ, quyền bầu cử như một công dân bình đẳng của người dân da đen vẫn chưa được hợp thức hóa.

Khắc họa làn sóng phản kháng mang tính bước ngoặt này, “Selma” khiến người xem phải suy ngẫm và nể phục trước những khó khăn mà người da đen đã phải gồng mình chống chọi trong lịch sử chỉ để giành lấy những quyền cơ bản nhất của con người. Hơn hết, bộ phim còn chất vấn người xem khi đặt ra câu hỏi: liệu nước Mỹ có thật sự đã bỏ lại quá khứ bóc lột nô lệ khi hiện tại, người da đen vẫn đang ngày ngày đối mặt với những vấn đề tương tự mà tổ tiên họ năm xưa gặp phải. Dù là trước đây hay bây giờ, “Giấc mơ Mỹ” dường như vẫn ở quá xa tầm với của những người sinh ra đã mang trên mình nước da không-trắng.

Hidden Figures (2016)

Là người da màu tồn tại được trong xã hội Mỹ những năm 1950 – 1960 đã là một thách thức thì sẽ còn thách thức hơn khi bạn là một người phụ nữ. “Hidden Firgures” dường như lột tả một cách chân thật cuộc đấu tranh để giành lấy sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực đáng kể của các nữ anh hùng da màu trong ngành khoa học vũ trụ. Họ không chỉ là những người phụ nữ xinh đẹp, bản lĩnh mà còn cực kỳ thông minh và đã không lặng im trước bất kỳ đối xử bất công nào với chính mình hay với cộng đồng của mình. “Hidden Firgures” xứng đáng là một trong những đại diện tiêu biểu của cuộc chiến nữ quyền và kỳ thị sắc tộc vốn chưa có hồi kết trong suốt nhiều thiên nhiên kỷ qua.

Get Out (2017)

Jordan Peele gây tiếng vang lớn qua bộ phim đầu tay cầm cương đạo diễn mang tên Get Out vào năm 2017. Phim mở đầu khi Chris, anh chàng người Mỹ gốc Phi, được mời đến thăm nhà cô bạn gái da trắng tên Rose. Từ đây, những hiện tượng kỳ lạ liên tục xảy ra bên trong khuôn viên gia đình Armitage của Rose dần hé mở ra sự thật kinh hoàng đằng những khuôn mặt tử tế được tính toán kỹ lưỡng.

Sử dụng chất liệu thriller kịch tính và hài kịch đen để thể hiện những tầng chìm trong tảng băng trôi của nạn phân biệt chủng tộc, “Get Out” có cách kể chuyện vô cùng thông minh khi ẩn đi những yếu tố phân biệt chủng tộc sau lớp màn trí thức và hiểu biết của những người da trắng tự nhận là theo chủ nghĩa tự do, thông qua đó phản ánh tình hình chung mà không ít người da đen đang hứng chịu.

If Beale Street Could Talk (2018)

Tiếp nối sau thành công vang dội của “Moonlight”, đạo diễn Barry Jenkins quay trở lại vào năm 2018 với “If Beale Street Could Talk”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn James Baldwin. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Tish và Fonny, cặp đôi người Mỹ gốc Phi sinh sống ở khu vực Harlem thuộc thành phố New York vào những năm 70 của thể kỷ trước. Vốn có dự định sớm kết hôn, kế hoạch xây dựng một cuộc đời chung của cả hai bỗng chệch hướng hoàn toàn khi Fonny bị gán lấy một tội danh mà anh không hề làm—điều chỉ có thể xảy ra do những lỗ hổng luật pháp tồn đọng trong một xã hội mà tư tưởng phân biệt chủng tộc được chứa chấp.

Dù đi sâu vào những chủ đề vô cùng nặng ký, “If Beale Street Could Talk” vẫn là một trải nghiệm nhẹ nhàng và cảm động khi đưa khán giả cùng đồng hành với cộng đồng người Mỹ gốc Phi qua những giai đoạn thăng trầm trầm trong cuộc sống, từ đó tạo nên sự kết nối và đồng cảm một cách tự nhiên nhất.

Tác giả: Nhật Anh

04/06/2020, 09:16