1. Để sản phẩm chăm sóc da bị ướt
Nước là môi trường thuận lợi để vi khuẩn có thể sinh sôi và phát triển. Nếu bạn thường xuyên để các sản phẩm chăm sóc da mặt như sữa rửa mặt, kem dưỡng, nước hoa hồng… ở trong phòng tắm thì hạn sử dụng của những sản phẩm này sẽ bị giảm đi rất nhiều. Chưa kể đến, môi trường quá ẩm của phòng tắm cũng khiến cho các loại kem dưỡng, sửa rửa mặt bị vi khuẩn xâm nhập và có những biểu hiện như: nấm mốc, ngả màu, chuyển mùi… Khi ấy, các sản phẩm này sẽ trở thành tác nhân gây nên mụn thay vì chăm sóc và bảo vệ da như đặc tính vốn có của chúng.
Việc bạn cần làm để khắc phục tình trạng này là để các loại kem dưỡng, tinh chất, nước hoa hồng ra khỏi phòng tắm và đặt chúng ở những nơi khô ráo thoáng mát như bàn trang điểm, kệ sách hoặc ngăn kéo tủ…Còn với sữa rửa mặt hay dầu tẩy trang thì để tránh bất tiện, bạn có thể để các sản phẩm này trên những giá đỡ hoặc giỏ treo có đáy thưa, điều này giúp sản phẩm tránh được sự ẩm mốc mà hơi nước đem lại. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý để tay ở trạng thái khô ráo khi lấy kem, đóng nắp sản phẩm thật kín rồi mới tiếp xúc với nước để làm ướt da mặt và tạo bọt.
2. Dùng khăn mặt
Rất nhiều người có thói quen dùng khăn mặt để rửa mặt. Điều này không những khiến da ngày một chảy xệ do ma sát mà còn tiếp thêm cho da một lượng vi khuẩn lớn từ khăn mặt. Ngay cả việc bạn chỉ dùng khăn mặt để thấm khô da cũng là điều không nên. Đơn giản bởi khăn mặt cũng thường được để trong môi trường phòng tắm ẩm thấp – là nơi vi khuẩn trú ngụ và phát triển. Trừ khi bạn thường xuyên dùng các chất tẩy rửa để giặt khăn hàng ngày và phơi chúng ở nơi có ánh sáng mặt trời thì may ra mới hạn chế được nguy cơ gây mụn.
Cách tốt nhất là hãy rửa mặt bằng các đầu ngón tay, massage nhẹ nhàng theo hình vòng tròn trên da và dùng những miếng bông cotton (bông tẩy trang) để thấm khô nước trên da hoặc để da tự khô, có như vậy thì mới ngăn được các nguy cơ tiềm tàng gây nên mụn.
3. Không rửa tay trước khi rửa mặt và bôi kem dưỡng
Tay là nơi tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại đồ vật và chứa đến hàng triệu vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Chính vì vậy, hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc nước rửa tay trước khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da.
Nếu bạn để tay bẩn trước khi rửa mặt thì lượng sữa rửa mặt lấy ra sẽ biến thành “sữa rửa tay” và chẳng còn chút tác dụng hay hoạt chất nào còn hoạt động trên da mặt. Như vậy, việc rửa mặt sẽ trở nên vô nghĩa, các tạp chất, bụi bẩn và vi khuẩn sẽ vẫn còn lưu lại trên da khiến mụn xuất hiện là điều dễ hiểu. Tương tự với kem dưỡng da cũng vậy, bạn có nghĩ rằng mình đang bôi thêm một lớp vi khuẩn đậm đặc lên làn da vốn đã yếu ớt nhạy cảm hay không? Đừng nhé!
4. Ngủ nghiêng
Dù biết tư thế nằm ngủ của mỗi người là khác nhau và để thay đổi được thói quen nằm nghiêng khi ngủ sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn bị mụn mà không thể tìm ra nguyên nhân cho dù có một chế độ sinh hoạt lành mạnh và chăm sóc da hoàn hảo thì hãy nghĩ tới thói quen ngủ áp má xuống ga gối.
Vỏ gối và ga giường của bạn là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, dầu và tế bào chết từ da đầu mà bình thường bạn không hề hay biết. Việc ngủ nghiêng sẽ khiến da mặt tiếp xúc với vỏ gối khiến da bị bí và hình thành nên các ổ mụn viêm. Vì vậy, hãy tập dần cho mình tư thế ngủ nằm ngửa, thẳng đầu và thường xuyên thay giặt vỏ gối để mụn không có cơ hội xuất hiện.
5. Để tóc bẩn
Gần giống với việc ngủ nghiêng, dầu và bụi bẩn trên tóc vẫn có thể đe dọa đến da mặt bạn nếu như bạn lười gội đầu hoặc sử dụng các loại gôm xịt quá lâu trên tóc. Nếu tóc bạn luôn được búi buộc gọn gàng thì điều này sẽ không còn gì đáng để bàn nhưng nếu bạn vừa muốn xõa tóc tung bay, vừa để những kiểu mái bằng, tóc mai ôm mặt thì hãy đảm bảo chúng đã được làm sạch thường xuyên, chí ít thì cũng phải từ 2-3 lần/tuần.
6. Uống thuốc bừa bãi
Nếu không phải là thuốc được kê đơn hoặc dùng trong những trường hợp điều trị bệnh khẩn cấp và mãn tính thì tốt nhất bạn không nên tự tiện uống thuốc. Các loại thuốc tây tuy có công dụng nhanh nhưng thường xuyên để lại tác dụng phụ và làm suy giảm chức năng của các bộ phận như gan, thận khiến cơ thể không lọc được độc tố và gây nên mụn nhọt trên da.
7. Nước hoa
Nước hoa là món đồ làm đẹp khiến các cô gái trở nên tự tin và quyến rũ hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người bị dị ứng với một số các loại phấn hoa trong tự nhiên dẫn đến tình trạng bị nổi mẩn và kích ứng khi sử dụng các loại nước hoa có chiết xuất từ chúng. Vậy nên, trước khi định gắn bó với một mùi hương nào đó và biến nó trở thành vật thân thuộc thì hãy thử một lượng nhỏ ở cổ tay hoặc da cổ để thử độ kích ứng.
8. Chăm sóc da thừa chất
Da khi bị mụn sẽ trở nên nhạy cảm và mong manh hơn rất nhiều so với bình thường. Vì vậy, đối với những loại kem dưỡng, tinh chất đa công dụng hoặc chứa quá nhiều các dưỡng chất sẽ khiến cho da bị bội thực và hậu quả là mụn xuất hiện với tần suất dày đặc.
Bạn có thể tạm thời bỏ qua các loại kem dưỡng, serum giàu dưỡng chất này sang một bên mà chọn cho da mụn những loại nhũ tương dưỡng da dạng lỏng như sữa dưỡng (elmusion), lotion với kết cấu nhẹ nhàng, thành phần đơn giản hơn. Thông thường, sản phẩm dành cho da mụn chỉ nên chứa một đến hai thành phần “then chốt” để điều trị như: trà xanh, lô hội, tràm trà, lá neem, axit salicylic còn lại là các hợp chất dưỡng ẩm dịu nhẹ có gốc nước, không chứa màu, hương liệu và các chất bảo quản độc hại khác. Bạn cũng có thể khước từ các loại mỹ phẩm trong thành phần của chúng có chứa gốc paraben, mineral oil hay perfume để bảo vệ làn da khỏe mạnh hơn.