Nhân sự kiện đề xuất của Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoRea) về đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, chúng tôi điểm lại những kiến nghị gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng
Mấy ngày gần đây, dư luận bày tỏ nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất đánh thuế thu nhập đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng của Hiệp hội Bất động sản TPHCM. Nhiều ý kiến còn bày tỏ thái độ phản đối gay gắt và cho rằng đây là một đề xuất mang tính thụt lùi, khó khả thi.
Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoRea) vừa có đề xuất gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Bộ Xây dựng về việc khẩn trương giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Điểm đáng chú ý của đề xuất này là đánh thuế thu nhập trên những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo vị chủ tịch HoRea này, các hình thức gửi tiết kiệm trước đây đều không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm. Còn hiện nay, phần lớn những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu… là những đối tượng có thu nhập khá trở lên, nên cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư.
Được biết, đây là bản kiến nghị lần thứ hai chỉ trong vài ngày qua của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM gửi tới các cơ quan ban ngành.
Lùi thời hạn tăng lương tối thiểu hàng năm
Cuối tháng 10/2012, góp ý cho phương án tăng lương tối thiểu mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các địa phương, 5 hiệp hội gồm: Dệt may, Da giày, Thủy sản, Gỗ mỹ nghệ và Bông vải sợi đã có văn bản kiến nghị về lương đến đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với đề nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiếu hàng năm đến cuối quý 1 hoặc quý 2, với mức tăng 15%/năm.
Với phương án tăng lương tối thiểu 36% (phương án 1), các hiệp hội cho rằng chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lần lượt các năm từ 2013 đến năm 2016 là 125%, 161%, 208% và 273%. Ở phương án hai (tăng 25%), các con số tương ứng sẽ lần lượt là 118%, 140%, 169% và 205%…. Đây là mức chi phí lớn, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Đề cập về kiến nghị này, lãnh đạo 5 hiệp hội khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn đồng thuận và ủng hộ quan điểm là phải ngày càng nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống cho người lao động, tạo sự yên tâm và tích lũy cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo “phản biện” của họ, nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu sống của người lao động chỉ đúng với điều kiện doanh nghiệp trả lương bằng mức lương tối thiểu. Còn các doanh nghiệp trong ngành hàng này đã trả theo cơ chế thị trường với mức cao gần gấp hai lần.
Nhập xe tuk tuk để hạn chế xe máy
Để hạn chế xe máy, tránh ách tắc giao thông, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội trong văn bản gửi Bộ GTVT đã đề nghị Bộ cho nhập khẩu và lưu hành loại xe 3 – 4 bánh (còn gọi là xe tuk tuk) hiện đang được các nước Thái Lan, Ấn Độ, Singapore… sử dụng.
Theo đề xuất của Bộ này, các loại xe tuk tuk sẽ được lưu hành trên đường các quận, huyện (không lưu hành trên quốc lộ), tiếp nối với các nhà chờ xe buýt. Xe sẽ hoạt động trên đường liên xã, liên huyện gom khách và đón tiễn khách tại các điểm nhà chờ xe buýt. Chỉ có các hợp tác xã, tổ hợp mới được mua xe theo quy hoạch riêng của từng quận huyện.
Giới chuyên gia cho rằng, đề xuất nhập xe tuk tuk cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi đây chưa phải là vấn đề ưu tiên đối với giao thông Hà Nội hiện nay. Theo TS. Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT, trong luật Giao thông đường bộ hiện nay không có quy định nào về xe tuk tuk, nên việc có áp dụng loại hình này, hay một loại hình khác tương đương (xe buýt mi ni dưới 12 chỗ) cũng cần được nghiên cứu để bổ sung trong luật. Đặc biệt, ông Hùng còn cho rằng, Hà Nội không cần thiết phải nhập khẩu như đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, bởi nếu cần dùng xe tuk tuk (hoặc xe dưới 12 chỗ) thì trong nước có khả năng sản xuất được.
Phí được quyền mua ôtô, xe máy
Nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng xa xỉ, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đã đề xuất rằng, các bộ ngành nên áp mức phí khởi đầu cho ôtô bằng 100% giá trị thị trường của xe bình dân và nâng lên mức lũy tiến phí thu vượt từ 3 – 10 lần giá trị thị trường dòng xe hạng sang.
Theo hiệp hội này, với các sắc thuế hiện hành như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu áp dụng hết khung cũng không thể ngăn chặn được tình trạng nhập khẩu ngày càng gia tăng, nhất là đối với các loại ôtô, xe máy đắt tiền, xa xỉ vì nó chưa thấm vào đâu đối với những người có thu nhập khá và giàu.
Do đó, sử dụng công cụ “Phí được quyền mua ôtô, xe máy” ở mức rất cao so với giá trị thị trường của ôtô, xe máy như nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, Chính phủ hoàn toàn kiểm soát được số lượng, cơ cấu phương tiện, giá trị nhập khẩu theo từng thời kỳ. Ngoài ra, sử dụng các loại phí được quyền mua ôtô, xe máy sẽ phân loại được đối tượng chưa phải thu, đối tượng phải thu, đối tượng thu nhiều… và sẽ thu được 1 khoản tiền lớn dành cho phát triển giao thông, đồng thời cũng có tác dụng điều tiết thu nhập.
Ngoài ra, VAFI cũng kiến nghị Chính phủ không cấp phép thành lập các nhà máy sản xuất ôtô, xe máy phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bởi hiện đã có quá nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô xe máy, năng lực sản xuất quá dư thừa, dẫn tới giá thành sản xuất cao…