Những series phim xuất sắc không thể bỏ qua trong năm 2020

Giờ đây, việc phiêu lưu trong một không gian ma quái với những con quái vật đáng sợ, thưởng thức các màn đấu trí kịch tính trên bàn cờ vua, hay du ngoạn sang Anh quốc để cùng đắm say trong câu chuyện tình ái thú vị đã không còn là chuyện quá xa vời. Không phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi tại nhà, bạn vẫn có thể thỏa mãn với những khung hình được trau chuốt trong từng thước phim được đầu tư chỉn chu trên nền tảng xem phim trực tuyến Netflix. Từ “Sweet Home”, “The Queen’s Gambit” đến “Bridgerton”, hãy cùng nhìn lại những tác phẩm đình đám nhận được cơn mưa khen ngợi từ người hâm mộ và luôn thống trị BXH trên Netflix của năm 2020.

“Sweet Home” (Thế giới ma quái): Chết như một con người hay sống như một quái vật?

“Sweet Home” – series kinh dị, viễn tưởng được chuyển thể từ webtoon cùng tên bởi tác giả Youngchan Hwang với chi phí lên đến 2.4 triệu USD cho một tập. Bộ phim theo chân Cha Hyun Soo (Song Kang), một nam sinh trung học chán ghét xã hội và từng có tiền sử tự tử. Sau khi cả gia đình mất trong một tai nạn, cậu chuyển đến một chung cư cũ ở tạm và vẫn giữ ý định sẽ kết liễu đời mình. Tuy nhiên, Hyun Soo bắt đầu chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ tại đây khi mọi người xung quanh liên tiếp biến thành quái vật đại diện cho những tham vọng trong cuộc sống của họ. Để giành lại sự sống, cậu cùng với những người sống trong chung cư phải sát cánh bên nhau chống lại đám quái vật đó.

Dự án phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên trẻ triển vọng: Song Kang (trong vai Cha Hyun Soo) Lee Jin Wook (trong vai Pyeon Sang Wook) Lee Do Hyun (trong vai Lee Eun Hyun)…

Ngoài ra, phần credit của bộ phim còn xuất hiện sự góp mặt của ê-kíp Việt Nam ở phần kỹ xảo, họ cũng từng tham gia nhiều dự án lớn của Netflix như “Extracurricular”, “Hyena”, “Love Alarm”, “Hotel Del Luna”, “Memories of the Alhambra”…

“Alice in Borderland” (Thế giới không lối thoát): Cuộc chiến sinh tồn khốc liệt trong những trò chơi

Tháng 12 này, ngoài “Sweet Home” chuyển thể từ webtoon của Hàn, Netflix tiếp tục cho ra mắt một tựa phim chuyển thể từ manga kinh dị rất nổi tiếng của tác giả Haro Aso (Nhật Bản) – “Alice in Borderland”. Chỉ vừa mới ra mắt nhưng phim đã nhanh chóng lọt top Netflix bởi nội dung và mạch phim vô cùng gay cấn xoay quanh một học sinh trung học nghiện game Ryohei Arisu (Kento Yamazaki) và những người bạn. Bỗng một ngày họ thấy mình đang ở một thành phố bị bỏ hoang và tình cờ gặp được Usagi (Tao Tsuchiya), nhờ đó mà họ biết được rằng mình đã bị đưa đến một thế giới song song, và cách duy nhất để sống sót là cạnh tranh trong các trò chơi chết người và giành chiến thắng. 

“Alice In Borderland” sẽ mang đến cho bạn những phút giây tuyệt vời với nhiều cảm xúc khác nhau.

Chỉ với 8 tập phim, bộ phim đã thể hiện một “đấu trường sinh tử” vô cùng khốc liệt và đẫm máu. Đây là lúc bản chất con người được bộc lộ rõ ràng nhất khi cái chết cận kề, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh người khác để cứu lấy bản thân mình.

“The Queen’s Gambit” (Gambit Hậu): Màn thí quân thiên biến vạn hóa của nữ hoàng

“The Queen’s Gambit” (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Walter Tevis) là một trong những bộ phim hiếm hoi với chủ đề xoay quanh môn thể thao cờ vua đầy trí tuệ. Phim đạt được 62 triệu lượt xem, nằm trong top 10 tại 92 quốc gia và top 1 trên Netflix tại 63 quốc gia. “The Queen’s Gambit” mở đầu bằng bối cảnh thập niên 1960, sau một vụ tai nạn giao thông, Beth Harmon (Anya Taylor-Joy) bị mất mẹ và được nhận nuôi tại một trường học dành cho trẻ mồ côi. Tại đây, cô bé được bác lao công già Shaibel hướng dẫn cách chơi và truyền dạy những chiêu thức thú vị của môn cờ vua. Vốn thừa hưởng sự thông minh của mẹ cùng với niềm đam mê vô hạn với môn thể thao này, Beth đã nhanh chóng bộc lộ được tài năng của mình ở địa phương và so tài với rất nhiều đối thủ nặng ký ở tầm quốc gia cũng như quốc tế.

Những tưởng rằng với đề tài khó nhằn như vậy, phim sẽ rất khô cứng và kén khán giả nhưng khi chính thức khởi chiếu “The Queen’s Gambit” liên tiếp đứng đầu danh sách những bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix.

Anya Talor-Joy đã có màn trình diễn vô cùng tuyệt vời và chứng minh được được vị thế của mình qua vai diễn trong “The Queen’s Gambit”. Vai diễn của cô trong phim trở thành một trong những điểm nhấn độc đáo nhất và thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả.

“Emily in Paris” (Emily ở Paris): Chuyến hành trình khám phá xứ sở Paris đầy hoa lệ

Là một trong những bộ phim đình đám nằm trong bảng xếp hạng trên hệ thống xem phim trực tuyến Netflix, “Emily in Paris” xoay quanh một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết Emily (Lily Collins), một marketer làm việc tại Chicago bất ngờ nhận được cơ hội công tác tại Paris, Pháp trong 1 năm. Cuộc sống mới của Emily ở Paris đưa cô đến nhiều cuộc vui thú vị và cũng kéo theo không ít thử thách bất ngờ xuất phát từ sự khác biệt văn hóa, môi trường làm việc, tình bạn và tình yêu. 

Nữ chính “Emily từ Chicago” được ví như một viên kẹo ngọt sắc màu. Cô chưa bao giờ khoác lại một bộ trang phục lần thứ 2.

Bên cạnh bối cảnh Paris đầy thu hút, người xem cũng không thể cưỡng lại sự thơ mộng và cuộc sống chân thật của người Pháp qua từng khung hình. Không chỉ vậy, tuyến nhân vật nam cũng làm say lòng khán giả với vẻ điển trai, phong cách lịch lãm, sự hài hước và tính cách đậm chất Pháp. 

“The Crown” (Hoàng quyền): Câu chuyện đằng sau ngai vàng sáng lóa của nữ hoàng

“The Crown” là một series phim lịch sử kể về triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II được Peter Morgan phát triển tiếp từ bộ phim “The Queen” (2006) và vở kịch sân khấu “The Audience” (2013) của ông. Bên cạnh những câu chuyện tình và hàng loạt biến cố trong gia đình của Hoàng Gia Anh, phim còn tái hiện rất nhiều sự kiện định hình lịch sử châu Âu và thế giới trong suốt nửa cuối thế kỷ 20. Hầu hết các chi tiết trong phim đều gắn với các sự kiện có thật, còn đối với những sự kiện được gắn mác tin đồn hoặc chưa xác minh đều có được xử lý rất thông minh, khéo léo hoặc gợi mở để khán giả có cách nhìn nhận vấn đề của riêng mình.

Người được tán dương nhiều nhất chính là Claire Foy, cô đã có màn hóa thân hoàn hảo trong vai Nữ hoàng trước năm 1964.

Ngoài ra, bộ phim cũng đề cập đến những mặt tối đằng sau cánh cổng kiên cố của cung điện dưới thời đại Elizabeth II là hàng loạt các trách nhiệm ràng buộc và nguyên tắc chặt chẽ. Cuộc sống, hôn nhân và cách hành xử luôn bị giám sát, khiến các thành viên không khỏi cảm thấy ngột ngạt như sống trong chiếc lồng son. “The Crown” hiện đang nhận được 91% yêu thích trên Rotten Tomatoes và 8.7 điểm trên IMDB.

“Extracurricular” (Hoạt động ngoại khóa): Dịch vụ “hẹn hò trả tiền” đầy đen tối qua vỏ bọc học sinh hoàn hảo.

Là một siêu phẩm gốc Hàn thế hệ mới, “Extracurricular” vừa phát sóng bộ phim đã thật sự “phá đảo” giới làm phim bởi thể loại độc lạ, xoáy sâu vào vấn nạn bạo lực học đường. Bộ phim tập trung vào nhóm học sinh trung học bắt đầu sa lầy vào con đường phạm tội mà không biết rằng có nhiều hiểm nguy đang đợi mình phía trước. Kim Dong Hee sẽ vào vai Oh Ji Soo, người từ một học sinh gương mẫu trở thành “ông trùm” của đường dây mai mối hay còn được gọi là “hẹn hò trả tiền”. Mọi rắc rối bắt đầu khi nữ sinh Baek Gyu Ri (Park Joo Hyun) phát hiện và đe dọa Ji Soo để cô cùng hợp tác.

Có lẽ đây là lần hiếm hoi trong lịch sử phim Hàn, một bộ phim được biên kịch lựa chọn kết mở lại là điều khiến khán giả phần nào có thể thở phào nhẹ nhõm.

Dù có vẻ cực đoan nhưng “Extracurricular” như một hồi chuông cảnh tỉnh cho sự nguy hiểm của lòng tham, sự hung hãn, đố kỵ, sự ám ảnh về đồng tiền và sự hoàn hảo. Nếu không biết cách giữ bản thân đi đúng hướng, bạn sẽ gánh chịu hậu quả kinh khủng không thể lường trước như nhân vật trong phim.

“Girl From Nowhere” (Cô gái đến từ hư vô): Vạch trần bản ngã đầy tham vọng, xấu xa và đố kỵ của con người

Là một bộ phim truyền hình của xứ chùa vàng, “Girl From Nowhere” đã thành công gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả trong và ngoài nước khi vạch trần bộ mặt xấu xa nhất của xã hội. Bộ phim bao gồm 11 câu chuyện, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật xoay quanh cuộc sống học đường và nhân vật chính luôn là Nanno (Kitty Chicha Amatayakul). Nanno xuất hiện như một bóng đen trong lòng những kẻ tội phạm, tượng trưng cái giá mà họ phải trả. Nói một cách khác, đó cũng chính là bản ngã của mỗi người dưới hình dáng Nanno.

Được chiếu trên nền tảng Netflix kể từ năm 2018 nhưng đến tận 2020 bộ phim mới thật sự gây nên tiếng vang lớn cho nền công nghiệp phim ảnh của Thái Lan.

Nhân vật Nanno có thể được xem là một vai diễn vô cùng nặng ký với những biểu cảm cùng tâm lý biến hóa đa dạng. Song, Amatayakul đã đưa Nanno đến với khán giả của mình bằng màn diễn xuất vô cùng xuất sắc của mình. 

“Sex Education” (Giáo dục giới tính): Cuốn từ điển sống về giáo dục giới tính đầy mới lạ nơi học đường

“Sex Education” là series phim về giáo dục vô cùng thành công khi cả mùa 1 và mùa 2 đều khiến người hâm mộ hài lòng về cách tiếp cận và truyền đạt những vấn đề nhạy cảm của tuổi vị thành niên dưới góc nhìn gần gũi và tinh tế. Phim bắt đầu với Otis (Asa Butterfield), cậu học sinh 16 tuổi có mẹ là nhà tư vấn tình dục. Trong khi mọi người đồng trang lứa với Otis ở trường đều đã có trải nghiệm riêng thì cậu vẫn chưa thật sự muốn thử. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô bạn gái Maeve (Emma Mackey) xuất hiện, Otis cùng Maeve thành lập nhóm tư vấn tình yêu cho các học sinh trong trường để kiếm thu nhập. Những rắc rối mà nhóm nhân vật gặp phải đều có thể thấy trong cuộc sống của mỗi khán giả, không chỉ ở chuyện chăn gối, mà còn cả nhiều vấn đề khó nói về tình cảm, sự bình đẳng, sự đồng thuận…

Bên cạnh bài học về giới tính, “Sex Education” nhấn mạnh vai trò của gia đình và bạn bè trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý của mỗi thiếu niên.

Kịch bản “Sex Education” đã gỡ bỏ được những sự ngượng ngùng khi bàn về giáo dục giới tính tuổi dậy thì. Bộ phim đưa ra kiến thức về song tính luyến ái, toàn tính luyến ái, cảnh báo về tình dục không an toàn, giải đáp những băn khoăn phổ biến trong giai đoạn dậy thì… một cách gần gũi và hữu ích.

“The Haunting of Bly Manor” (Chuyện ma ám ở trang viên Bly): Bài giải đố ngụy trang thành câu chuyện ma ám đầy rùng mình.

Khác với phần đầu “The Haunting of Hill House” vốn xoay quanh một gia đình có mối liên kết chặt chẽ, nội dung của phần 2 kể về những con người đa phần là xa lạ với nhau nhưng cùng bị mắc bẫy trong một ngôi nhà ma ám. Lấy bối cảnh miền quê nước Anh những năm 1980, một cô gái trẻ người Mỹ tên Dani (Victoria Pedretti) được tuyển chọn vào trang viên Bly để làm giáo viên, người trông trẻ cho hai đứa nhóc mồ côi cha mẹ. Không chỉ phải đối mặt với những vấn đề trong quá khứ của mình, Dani còn nhận thấy những hành vi đáng ngờ của lũ trẻ; từ đó phát hiện ra các bí mật khiếp sợ ẩn sâu trong quá khứ của trang viên này.

“The Haunting of Bly Manor” có khá nhiều nhân vật và thảm kịch ở trang viên Bly sẽ xoay quanh tình bạn, tình yêu, thù hận, sự ganh ghét và đố kỵ giữa các nhân vật này.

Không tập trung vào việc hù dọa, 9 tập phim của “The Haunting of Bly Manor” vẫn khiến người xem rùng mình và ám ảnh với nhịp phim nhẹ nhàng và từ tốn của mình.

“Bridgerton”: Tình yêu có thể cứu chúng ta khỏi sự đau đớn mà bản thân đang níu giữ

Lấy bối cảnh tại một xã hội thượng lưu thời đại Regency ở London, bộ phim kể về một gia đình quyền lực Bridgerton. Câu chuyện xoay quanh Daphne Bridgerton (Phoebe Dynevor) cô con gái lớn xinh đẹp của dòng tộc. Khác với nhiều vị tiểu thư kiêu kỳ cùng thời, Daphne nổi bật với cá tính mạnh mẽ, tự tin và độc lập. Mặc dù sống trong một xã hội lấy hôn nhân làm tiền đề cho chính trị nhưng Daphne vẫn giữ khao khát được kết hôn với người mình yêu. Như một sự tình cờ, Simon Basset (Regé-Jean Page) và Daphne Bridgerton cùng bắt tay lập nên một “hôn lễ giả” vì mục đích cá nhân của họ. Tuy nhiên, kế hoạch lại bị vỡ khi cả hai dường như nhận ra tình cảm chân thành mà họ dành cho nhau. 

“Bridgerton” dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Julia Quinn, hiện đang nhận được đánh giá 7.3/10 điểm IMDb và 94% điểm trên Rotten Tomatoes.

Tác phẩm không đặt mục tiêu tái hiện giai đoạn quá khứ nào, mà đơn thuần là để thỏa mãn nhu cầu về sự lãng mạn thuần túy trên phim ảnh. “Bridgerton” gửi gắm những thông điệp tích cực, rằng ai cũng đều có quyền tranh đấu điều họ mong muốn, dù đó là tình yêu hay thứ gì đó lớn lao hơn.


From the same category