1. Mụn là vấn đề thường gặp phải với môi trường sống ô nhiễm như hiện nay. Đã có khá nhiều sản phẩm dành riêng cho việc điều trị mụn và cũng có nhiều phương pháp trị mụn dân gian. Tuy nhiên để điều trị mụn “tận gốc”, hiện đang có hai trường phái đối lập nhau. Một bên thì cho rằng nên lấy cồi mụn ra rồi sử dụng kem chống mụn. Một bên lại bảo rằng không nên nặn mụn vì sẽ làm cho da bị sưng tấy, đôi khi còn nổi thêm mụn ở vùng xung quanh nữa. Sự thật như thế nào?
Mụn là bệnh lý thường gặp ở tuổi dậy thì do tắc nghẽn nang lông, tăng tiết bã, bội nhiễm vi khuẩn.
Ở phụ nữ có rất nhiều yếu tố gây ra tình trạng nổi mụn: Sự thay đổi hàm lượng hóc-môn khi bắt đầu hoặc ngừng uống thuốc tránh thai, hoặc khi bị mãn kinh. Ngoài ra còn do một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chữa trầm cảm và chứng động kinh, hoặc do mỹ phẩm,…
Biểu hiện của mụn rất đa dạng: sẩn, mụn mủ, cồi đóng (trắng), cồi đen (mở), nang, cục, sẹo lõm, sẹo lồi. Da đỏ, nhờn. Để điều trị mụn tận gốc đầu tiên cần phải tuân theo những chế độ sau:
-Tránh xa các thức ăn có chứa chất ngọt, mỡ, và chất kích thích như rượu, café và thuốc lá. Trong bữa ăn hằng ngày cần phải bổ sung nhiều rau xanh. Ăn nhiều trái cây.
– Thức khuya và căng thẳng là hai nguyên nhân dễ nổi mụn và tàn phá làn da nhanh nhất.
– Không nên để cơ thể bị thiếu nước dẫn đến táo bón. Nên uống đủ nước, đừng đợi đến khi cảm thấy khát nước mới uống. Vì khi ấy cơ thể bạn đã thiếu nước trầm trọng nên nó mới đòi hỏi bạn bổ sung nước. Ít nhất phải uống 2 lít mỗi ngày.
– Chống viêm, chống nhiễm trùng, mở chỗ tắc ở nang lông, giảm tiết bã.
Quá trình điều trị sẽ được bác sĩ da liễu quyết định sau khi thăm khám toàn diện và cẩn thận. Vì vậy theo Đẹp, để điều trị mụn có hiệu quả nhất thiết không nên tiến hành nặn mụn vì có thể gây nhiễm trùng lan rộng, phá vỡ cấu trúc da gây tụ máu, tạo sẹo xấu, để lại vết thâm, lõm trên làn da.
Nhất là trước khi nặn mụn nhiều người không rửa tay, vi khuẩn từ tay sẽ xâm nhập vào bên trong gây sưng tấy. Đừng lo lắng việc cồi mụn vẫn còn. Cứ để các nốt mụn khô và cồi mụn sẽ tự tróc ra.
2. Mùa nắng ở Việt Nam rất gắt, nên khi ra đường ai cũng phải cố gắng che chắn cho thật kỹ. Và một giải pháp rất được chị em ưa chuộng là sử dụng kem chống nắng. Tuy nhiên, hiện nay có một số tranh cãi về việc sử dụng kem chống nắng. Có chuyên gia cho rằng những người có làn da nhạy cảm và trẻ em không nên sử dụng kem chống nắng, còn một số khác lại khuyên tất cả mọi người đều cần sử dụng kem chống nắng khi bước ra ngoài đường. Sự thật là như thế nào?
Trẻ em từ 6 tháng trở lên và người có da nhạy cảm vẫn sử dụng được kem chống nắng, tuy nhiên cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
– Trong thành phần của kem chống nắng không chứa chất bảo quản, tinh dầu thơm, PABA (Paraamino benzoic acid).
– Không có thành phần gây dị ứng, không nhờn, không cay mắt.
– Không chứa cồn vì có thể làm say em bé.
Những điều lưu ý khi sử dụng kem chống nắng
– Thoa một lớp đủ dày, khi ra mồ hôi nhiều hoặc xuống nước, đi bơi, sau 2 giờ phải thoa lại.
– Không dùng chung một loại kem chống nắng cho cả cơ thể và da mặt.
– Chọn loại kem chống cả được tia cực tím (Ultra Violet) bước sóng A và B.
– Ngoài ra cần dùng thêm áo, găng, nón, kính (chống được cả tia UVA và UVB)
– Nên hạn chế ra nắng trong thời gian từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
– Tia UVA chính là nguyên nhân gây ung thư da vì làm tổn thương DNA của tế bào.
– Nên chọn loại kem chống nắng có SPF30, nếu đi biển thì dùng loại 50 hoặc 80.
– Thoa kem chống nắng đúng theo hướng dẫn, không quá mỏng hoặc quá dày.
3. Các nhà khoa học đã đem những phát minh mới áp dụng vào công nghệ làm đẹp. Trên thị trường đã xuất hiện một số loại mỹ phẩm có thành phần chiết xuất từ tế bào gốc. Hiện nay đang có nhiều tranh cãi giữa việc nên hay không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da từ tế bào gốc? Có ý kiến đang tranh cãi là nếu lấy tế bào gốc từ tế bào của con người thì có thể mang những mầm bệnh của người vào trong sản phẩm. Điều này đúng hay sai?
Tế bào gốc (TBG) trong cơ thể con người làm việc như một hệ thống sửa chữa, tái tạo bằng cách phân chia thành các tế bào chuyên biệt để bổ sung cho các dạng tế bào cần được thay thế. (Có những chức năng tương ứng với các tế bào này)
TBG chỉ có ở một vài nơi ở người đã trưởng thành như: phôi thai, dây rốn. Công nghệ TBG tìm kiếm các nguồn TBG tối ưu như TBG phôi thai, TBG từ dây rốn, TBG ở người trưởng thành.
Các tế bào này sẽ được nuôi cấy, nhân rộng, được tác động một cách khoa học để có thể biệt hóa thành những dòng tế bào khác nhau. Các sản phẩm tế bào khác nhau này để chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, chống lão hóa. Việc sử dụng TBG sẽ không làm lây truyền bệnh. Hiện nay có công nghệ TBG từ dây rốn ở Việt Nam rất hiệu quả, hạn chế được tác dụng phụ và duy trì tác dụng lâu so với sản phẩm TBG từ phôi bò hoặc sinh tổng hợp.
4. Phụ nữ bước qua tuổi 30 làn da bắt đầu lão hóa, xuất hiện một số nếp nhăn ở khóe mắt và quanh miệng, biện pháp giảm vết nhăn nhanh nhất là tiêm botox, nhưng hiện nay các bác sỹ khuyên không nên tiêm botox nữa maf nên dùng các sản phẩm chống lão hóa chăm sóc hàng ngày. Một số ý kiến khác lại cho rằng việc sử dụng sản phẩm chống lão hóa thực ra không có hiệu quả như mong đợi mà phải có chế độ ăn uống, chăm sóc và bảo vệ da ngay từ lúc còn trẻ chứ không nên lạm dụng quá nhiều vào các sản phẩm chống lão hóa. Thực sự thì nên làm gì để có làn da đẹp?
Botox là một loại độc chất có tên là Botulinum Toxin type A do công ty Allergan của Mỹ sản xuất.
Độc chất này do vi khuẩn Clostridium Botilinum tiết ra, có tác dụng ngăn các kích thích từ thần kinh đến sợi cơ do đó gây giãn cơ và xóa vết nhăn.
Ngoài ra Botox còn được dùng trong điều trị một số bệnh lý khác như: chứng co thắt cơ, rối loạn tiết mố hôi, rối loạn trương lực, đau nửa đầu.
Tuy nhiên việc tiêm Botox cần được thưc hiện bởi bác sĩ có tay nghề (đào tạo bài bản, kinh nghiệm) để hạn chế những tai biến và tác dụng phụ không mong muốn như: tụ máu, ngộ độc (do tiêm quá nhiều thuốc): yếu cơ, chóng mặt, chùng mi, mất kiểm soát chức năng bàng quang, mặt không biểu lộ cảm xúc, xệ môi miệng làm chảy nước bọt.
Vì vậy chỉ nên tiêm Botox ở vùng xung quanh mắt và trán.
Lão hóa da là một quá trình tự nhiên của cơ thể, bắt đầu ngay từ những năm 30 tuổi. Do 2 yếu tố nội và ngoại sinh.
Chúng ta chỉ có thể can thiệp vào yếu tố ngoại sinh để làm chậm quá trình này.
Việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày là việc cần thiết, tuy nhiên không nên lạm dụng.
Cần hiểu rằng chống lão hóa da là quá trình lâu dài, thường xuyên và đều đặn; không chỉ dùng bên ngoài mà còn có thể sử dụng đường toàn thân.
Ngoài ra một chế độ ăn uống, sinh họat, nghỉ ngơi, thể dục hợp lý cũng góp một phần không nhỏ trong việc chống lão hóa cơ thể nói chung và chống lão hóa da nói riêng.
Bài: C.H
Hỗ trợ thông tin: BS Trần Thị Thanh Mai
Giảng viên Môn Da Liễu – ĐH Y Dược TP.HCM